• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1996
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 97/TC-TCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 12 năm 1995

THÔNG TƯ

Của Bộ Tài chính số: 97-TC/TCT ngày 30 tháng 12 năm 1995 Hướng dẫn thi hành nghị định số 96/CP ngày 27 tháng 12 năm 1995 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thuế doanh thu và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế doanh thu

Căn cứ vào Luật thuế doanh thu được Quốc hội khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 5/7/1993 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Căn cứ vào Nghị định số 96/CP ngày 27 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

A/ PHẠM VI ÁP DỤNG LUẬT THUẾ DOANH THU

I/ ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, ĐỐI TƯỢNG CHỊU THUẾ

Theo quy định tại Điều 1, Điều 8 của Luật thuế doanh thu và Điều 1 Nghị định số 96/CP của Chính phủ thì các tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là cơ sở kinh doanh) thuộc mọi ngành nghề, thành phần kinh tế, không phân biệt hình thức kinh doanh, có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam hoặc không có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam nếu có doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đều phải nộp thuế doanh thu theo quy định của Luật thuế doanh thu.

II/ ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ DOANH THU

Theo qui định tại Điều 2 Luật thuế doanh thu và Điều 2 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, các hoạt động sau đây không thuộc diện chịu thuế doanh thu:

1. Sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Không thu thuế doanh thu đối với sản phẩm nông nghiệp do cơ sở sản xuất nông nghiệp bán ra chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế (phân loại, bỏ vỏ, phơi sấy khô như: Chè sơ chế khô, hạt điều khô chưa tách vỏ; cà phê nhân, ngô hạt, sắn, khoai thái lát... phơi khô.

Các sản phẩm nông nghiệp đã qua các hình thức chế biến như: Cao su mủ khô, mủ đông các loại được chế biến từ mủ nước qua xông, sấy khô; hạt điều tách vỏ, hạt điều rang tẩm; mía cây ép, nấu thành đường, mật; xay, xát thóc, lúa mỳ, ngô; chế biến lá, cây, rễ, quả,... có dầu để lấy dầu v.v... phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động sản xuất, chế biến.

2.- Sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà cơ sở sản xuất đã kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt thì không phải nộp thuế doanh thu mặt hàng này ở khâu sản xuất .

Nếu cơ sở sản xuất có tổ chức cửa hàng bán các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thì cửa hàng phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

Cơ sở nhập khẩu mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khi bán ra các mặt hàng này phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

3.- Sản xuất hàng hoá xuất khẩu (bao gồm: sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ra nước ngoài, khu chế xuất và bán cho cửa hàng bán hàng miễn thuế) trong các trường hợp sau:

a/ Hàng hoá do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, gia công cho nước ngoài theo hợp đồng ký với nước ngoài ( kể cả trường hợp đưa hàng hoá do cơ sở sản xuất để bán giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm ở nước ngoài).

Cơ sở phải xuất trình cho cơ quan thuế:

- Hợp đồng sản xuất, gia công ký với nước ngoài.

- Hoá đơn xuất hàng, trả hàng gia công cho nước ngoài.

- Tờ khai hải quan có xác nhận hàng đã xuất khẩu.

b/ Hàng hoá do cơ sở sản xuất hoặc bán hay uỷ thác cho cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để xuất khẩu hoặc bán cho cửa hàng bán hàng miễn thuế (các mặt hàng theo quy định của Chính phủ), theo hợp đồng kinh tế phù hợp với giấy phép kinh doanh.

Cơ sở phải xuất trình cho cơ quan thuế:

- Hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng uỷ thác xuất khẩu.

- Hoá đơn bán hàng, xuất hàng uỷ thác xuất khẩu phù hợp với hợp đồng.

- Bản quyết toán hợp đồng (khi quyết toán hợp đồng) làm cơ sở quyết toán thuế.

- Bản sao giấy phép kinh doanh của cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu.

c/ Hàng hoá do cơ sở gia công theo hợp đồng nhận gia công từ cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài.

Thí dụ: Cơ sở A là cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp ký hợp đồng gia công may quần áo cho nước ngoài, sau đó ký hợp đồng giao cho các cơ sở B trực tiếp gia công thì các cơ sở B thuộc đối tượng không phải nộp thuế doanh thu. Trường hợp các cơ sở B không trực tiếp gia công mà giao lại cho các cơ sở C gia công thì các cơ sở B và C đều phải nộp thuế doanh thu.

Cơ sở nhận gia công phải xuất trình cho cơ quan thuế:

- Hợp đồng nhận gia công kèm theo bản sao hợp đồng của cơ sở giao gia công ký với nước ngoài.

- Hoá đơn xuất trả hàng gia công phù hợp với hợp đồng gia công hàng xuất khẩu.

- Quyết toán hợp đồng gia công (khi kết thúc hợp đồng) làm cơ sở quyết toán thuế.

Ngoài các trường hợp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu không phải nộp thuế doanh thu nêu trên, các hoạt động sản xuất, gia công khác đều phải nộp thuế doanh thu, kể cả các trường hợp sau đây:

- Cơ sở sản xuất bán sản phẩm của mình cho cơ sở khác để sản xuất, gia công, đóng gói hàng xuất khẩu.

- Cơ sở sản xuất kinh doanh đưa nguyên liệu cho cơ sở khác gia công sản xuất thành sản phẩm hàng hoá sau đó xuất khẩu hàng hoá này thì cơ sở gia công phải nộp thuế theo hoạt động gia công, cơ sở đưa gia công suất khẩu phải nộp thuế theo hoạt động kinh doanh suất khẩu.

4- Hoạt động tín dụng của các tổ chức Ngân hàng, tín dụng, công ty tài chính. Riêng hoạt động dịch vụ nghiệp vụ như mở tài khoản, thanh toán; hoạt động kinh doanh ngoại tệ, cầm đồ và kinh doanh khác của các tổ chức này (nếu có) phải nộp thuế doanh thu theo từng hoạt động.

Hoạt động cho vay vốn của các cơ sở khác được pháp luật cho phép cũng không phải nộp thuế doanh thu.

III/ CÁC HOẠT ĐỘNG TẠM THỜI CHƯA THU THUẾ DOANH THU

Theo qui định tại Điều 12 Nghi định số 96/CP của Chính phủ qui định tạm thời chưa thu thuế doanh thu đối với các hoạt động:

1. Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình kế hoạch, bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp.

2. Thăm dò địa chất, đo đạc bản đồ theo chương trình kế hoạch nhà nước, bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp.

3. Phát hành tạp chí, bản tin chuyên ngành phục vụ nội bộ không phải nộp thuế doanh thu, nếu bán thu tiền phải nộp thuế doanh thu.

4. Hoạt động trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của các trạm thuỷ nông không phải nộp thuế doanh thu đối với tiền thu thuỷ lợi phí. Hoạt động duy trì đàn giống gốc gia súc, gia cầm không phải nộp thuế doanh thu đối với doanh thu bán con của con giống gốc, phối giống để duy trì giống gốc hoặc nhân đàn giống gốc; nếu có doanh thu bán các sản phẩm khác như trứng, sữa... vẫn phải nộp thuế doanh thu.

5. Các hoạt động sửa chữa, duy trì bảo dưỡng đường sá, nạo vét luồng lạch, cảng, cầu cống, đê đập, xây dựng nhà tình nghĩa; phục chế các công trình văn hoá nghệ thuật; giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh bằng nguồn vốn sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước cấp hoặc tiền đóng góp của nhân dân.

Cơ sở hoạt động sửa chữa, duy tu, nạo vét luồng lạch thuộc các trường hợp không phải nộp thuế doanh thu trên đây, nếu có doanh thu khác gắn với việc thực hiện các hoạt động này phải nộp thuế doanh thu.

Thí dụ: Cơ sở nạo vét luồng lạch trong trường hợp không phải nộp thuế doanh thu hoạt động nạo vét nhưng có doanh thu bán đất, cát, sỏi nạo vét được, cơ sở phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động khai thác đối với doanh thu bán đất, cát, sỏi.

6. Bán tài sản cố định (để đổi mới tài sản cố định), là tài sản cố định đã được đơn vị sử dụng từ 01 năm trở lên và đã được theo dõi, quản lý, trích khấu hao theo chế độ quản lý tài sản cố định.

7. Bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê và các trường hợp quy định thu 100% tiền bán nhà vào Ngân sách Nhà nước.

8. Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động.

9. Bán phế liệu, phế phẩm thu hồi đã hạch toán giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nếu không hạch toán giảm giá thành, phí lưu thông phải nộp thuế doanh thu.

10. Các hoạt động tự phục vụ bữa ăn trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang.

11. Những trường hợp cụ thể khác theo quy định của Chính phủ.

B/ CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ

Theo Điều 7 Luật thuế doanh thu, căn cứ tính thuế doanh thu là doanh thu tính thuế và thuế suất.

I/ VỀ DOANH THU TÍNH THUẾ.

Theo qui định tại Điều 3, Điều 8 Luật thuế doanh thu và quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cước, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ... (kể cả phụ thu nếu có) phát sinh trong kỳ nộp thuế, không phân biệt số tiền đó đã thu được hay chưa thu được.

Doanh thu tính thuế đối với một số hoạt động quy định cụ thể như sau:

1.- Đối với hoạt động sản xuất (bao gồm sản xuất, chế biến, lắp ráp, khai thác) doanh thu tính thuế là tiền bán sản phẩm do cơ sở sản xuất ra: không phân biệt sản phẩm đó là: thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, tài nguyên khoáng sản...

Riêng:

- Đối với sản xuất điện doanh thu tính thuế là tiền thu về bán điện thương phẩm.

- Đối với hoạt động in doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu được từ in các sản phẩm cho khách hàng, hoặc in sản phẩm để bán. Riêng in sách, báo doanh thu tính thuế doanh thu không tính tiền giấy in.

- Đối với hoạt động xuất bản doanh thu tính thuế là tiền thu về hoạt động xuất bản.

2.- Đối với hoạt động gia công doanh thu tính thuế là tiền thu về gia công, bao gồm: tiền công, tiền nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và các chi phí khác để gia công được xác định theo hợp đồng gia công (trừ nguyên liệu chính và bán thành phẩm đưa gia công).

Trường hợp nguyên liệu chính do bên nhận gia công cung cấp (kể cả mua hộ dưới mọi hình thức) không coi là hoạt động gia công, phải tính thuế doanh thu theo hoạt động sản xuất.

3.- Đối với hoạt động xây dựng:

a/ Đối với hoạt động xây lắp (không phân biệt có bao thầu hay không bao thầu vật tư, nguyên liệu) doanh thu tính thuế là tổng giá trị công trình, hạng mục công trình xây lắp, không kể giá trị máy móc thiết bị toàn bộ và đồ nội thất gắn với công trình (nếu có).

Theo quy định này, doanh thu tính thuế hoạt động xây lắp tính theo giá trị công trình, hạng mục công trình xây lắp, không phụ thuộc vào hình thức hợp đồng và số tiền cơ sở xây lắp nhận được.

Máy móc thiết bị toàn bộ và đồ nội thất không tính giá trị trong doanh thu chịu thuế hoạt động xây lắp là loại có thể lắp đặt hoặc mua sắm tách rời với hoạt động xây dựng công trình như: các loại máy móc thiết bị sản xuất lắp đặt trong cơ sở sản xuất; bàn, ghế, giường, tủ, tivi.. lắp đặt trong các khách sạn.

Nếu bên nhận thầu xây dựng cung ứng máy móc, thiết bị, đồ nội thất cho chủ công trình thì phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

Giá trị các thiết bị vệ sinh, trang trí ốp lát tường, nhà, hệ thống điện, nước... nằm trong kết cấu công trình xây dựng, không được trừ trong giá trị công trình khi xác định doanh thu chịu thuế xây lắp.

Nếu bên nhận thầu xây dựng cung ứng cho chủ công trình vật tư, nguyên liệu... thuộc loại nằm trong kết cấu công trình, tính trong doanh thu chịu thuế xây lắp thì không phải nộp thuế theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

Thí dụ: Công ty xây dựng Hà Nội (gọi là bên B) nhận xây dựng cho xí nghiệp Cơ khí (gọi là bên A) một xưởng sản xuất, tổng trị giá công trình là 8.100 triệu đồng. Trong đó:

- Giá trị nhà xưởng, đường, tường rào xây dựng (bao gồm cả giá trị vật tư: gạch, xi măng, sắt v.v... tiền công chi phí khác) là: 5.000 triệu đồng.

- Tiền công lắp đặt máy móc thiết bị là: 100 triệu đồng.

- Giá trị máy móc thiết bị là: 3.000 triệu đồng (chưa có chi phí lắp đặt).

Theo hợp đồng bên A trả cho bên B là 1.600 triệu đồng bao gồm tiền công và chi phí khác.

Doanh thu tính thuế hoạt động xây lắp công trình này được xác định như sau:

- Giá trị công trình trừ (-) giá trị máy móc thiết bị là:

8.100 tr.đ - 3.000 tr.đ = 5.100 tr.đ

- Thuế doanh thu phải nộp 4% trên doanh thu tính thuế:

5.100 tr.đ x 4% = 204 tr.đ.

( Theo ví dụ này thuế doanh thu phải nộp không tính theo số tiền bên A trả bên B là 1.600 tr.đ).

Trường hợp thiết bị toàn bộ do Công ty xây dựng Hà Nội bán cho xí nghiệp Cơ khí, Công ty xây dựng còn phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh bán thiết bị.

Các bên nhận thầu xây dựng và bên chủ công trình phải cung cấp các hợp đồng giao thầu, hợp đồng nhận thầu và các tài liệu liên quan tới việc tính thuế như: chứng từ thanh toán, bản thanh quyết toán hợp đồng cho cơ quan thuế nơi xây dựng công trình.

Trường hợp các bên thầu xây dựng và chủ công trình không cung cấp cho cơ quan thuế các hợp đồng và căn cứ xác định giá trị công trình xây dựng để tính thuế, cơ quan thuế căn cứ vào mức giá từng thời kỳ, ấn định giá tính thuế đối với từng công trình.

Thí dụ: Gia đình ông T. ở Hà Nội năm 1996 xây dựng một căn nhà 3 tầng (hai lầu), khi xây dựng ông T. và bên nhận thầu không cung cấp đầy đủ hợp đồng và căn cứ xác định giá trị căn nhà xây lắp, cơ quan thuế được quyền ấn định giá tính thuế và thuế doanh thu phải nộp như sau:

- Xác định m2 sàn xây lắp: giả định một tầng 70m2, 3 tầng bằng 210 m2.

- Giá xây dựng loại nhà này tại thời điểm tính thuế xác định bình quân 1,2tr.đ/ m2.

Thuế doanh thu phải nộp được xác định:

Doanh thu tính thuế là: 210m2 x 1,2 tr.đ/m2 = 252 tr.đ.

Thuế doanh thu phải nộp là: 252 tr.đ x 4% = 10,08 tr.đ.

Nếu công trình xây dựng hoàn thành, không xác định được cơ sở (hoặc người nhận thầu) xây dựng để thu thuế, chủ công trình phải nộp thuế thay cho bên nhận thầu xây dựng.

b/ Đối với hoạt động khảo sát thiết kế và các hoạt động khác trong xây dựng doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu từ hoạt động này.

c/ Đối với hoạt động xây dựng một công trình, hạng mục công trình có nhiều đơn vị tham gia xây dựng, theo hình thức có một hoặc một số đơn vị trực tiếp ký hợp đồng xây dựng với chủ công trình (gọi là nhà thầu chính), và các nhà thầu khác ký tiếp hợp đồng nhận thầu chính (gọi là nhà thầu phụ) doanh thu tính thuế chỉ tính một lần trên giá trị công trình hay hạng mục công trình, và được xác định như sau:

- Đối với công trình xây dựng ở một nơi do một cơ quan thuế quản lý thu, thuế doanh thu do nhà thầu chính nộp tính trên giá trị công trình nhận thầu, các nhà thầu phụ không phải nộp thuế doanh thu xây dựng phần nhận thầu lại của nhà thầu chính, cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, xác định phần doanh thu nhà thầu chính đã nộp thuế thay nhà thầu phụ.

- Đối với công trình có các hạng mục xây dựng ở nhiều địa phương khác nhau, nhà thầu phụ phải kê khai nộp thuế doanh thu tại địa phương nơi xây dựng. Khi quyết toán thuế doanh thu với cơ quan thuế, nhà thầu chính được giảm trừ số thuế doanh thu nhà thầu phụ đã nộp ở các địa phương khác đối với phần giá trị công trình nhận thầu lại của nhà thầu chính (nếu có xác nhận của cơ quan thuế kèm theo chứng từ hoặc bản sao chứng từ nộp thuế).

d) Các trường hợp nhận thầu sau đó chuyển thầu toàn bộ cho cơ sở khác, cơ sở chuyển thầu phải nộp thuế theo hoạt động môi giới, doanh thu tính thuế là tiền hoa hồng hay chênh lệch giữa giá nhận thầu với giá giao thầu.

e) Các cơ sở kinh doanh thực hiện hợp đồng bán sản phẩm, vật tư, thiết bị, cho chủ công trình hay các nhà thầu xây dựng, phải kê khai nộp thuế doanh thu theo hoạt động sản xuất (nếu sản phẩm do cơ sở sản xuất ra), hoặc kinh doanh thương nghiệp. Các hợp đồng này không được coi là hợp đồng xây dựng để tính thuế theo các quy định trên đây.

g) Đối với xây dựng các công trình phải thanh toán qua nhiều giai đoạn, doanh thu tính thuế được tính theo giá trị hạng mục công trình hay phần việc đã hoàn thành.

4- Đối với hoạt động vận tải, doanh thu tính thuế là tiền cước phí vận chuyển hàng hoá, hành khách, hành lý và thu khác từ hoạt động vận tải như bốc, xếp hàng hoá, phụ thu, các khoản phí v.v... tính gộp trong giá cước hay doanh thu vận tải.

Đối với hoạt động vận tải hàng không, tàu biển, đường sắt... có hoạt động vận tải quốc tế, doanh thu tính thuế được xác định như sau:

- Đối với cơ sở vận tải thuộc đối tượng được cấp giấy phép kinh doanh vận tải đã đăng ký kê khai nộp thuế ở Việt Nam, doanh thu tính thuế là tiền cước vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam (cảng đi đầu tiên) tới cảng cuối cùng của nước ngoài nơi mà hành khách, hành lý, hàng hoá đến. Riêng hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, doanh thu tính thuế đối với hoạt động này là phần doanh thu mà đối tượng nộp thuế của Việt Nam được hưởng theo các quy ước vận chuyển hàng không quốc tế.

- Đối với các cơ sở vận tải nước ngoài không có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam nhưng có hoạt động vận chuyển hành khách, hành lý hàng hoá từ các cảng Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế là tiền cước vận chuyển tính từ cảng Việt Nam (cảng đi đầu tiên) tới cảng cuối cùng ở nước ngoài nơi mà hành khách, hành lý, hàng hoá đến, không phân biệt nơi mua vé cước hay các hình thức thanh toán tiền cước vận chuyển. Các cơ sở vận tải nước ngoài theo quy định này là các chủ phương tiện của nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải ở Việt Nam nhưng có hoạt động vận tải từ các cảng Việt Nam đi.

Thí dụ: một tàu biển của Hồng Kông thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng từ Hải Phòng đi tới nước Pháp, doanh thu tính thuế đối với tàu biển này được xác định là tiền cước vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng tới cảng đến ở Pháp, không tính các cảng mà trên đường hành trình của tàu có ghé qua.

Hoạt động vận tải là việc sử dụng các phương tiện, hay thiết bị: tàu, xe, máy bay, xà lan, thuyền, bè, đường ống ... để vận chuyển.

Các cảng theo quy định trên đây bao gồm các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga tàu, bến xe, các bến bãi hay kho hàng nơi mà hàng hoá, hành khách đi hoặc đến.

5- Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu về bán hàng ăn, uống, thuốc hút (không phân biệt hàng tự chế biến hay mua ngoài) và các khoản thu khác gắn với hoạt động kinh doanh ăn uống như tiền thu về phòng ăn, tiền khăn, tiền phục vụ dịch vụ thu của khách hàng.

6- Đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp doanh thu tính thuế được xác định theo từng hình thức:

a) Tính thuế trên doanh thu là toàn bộ tiền thu về bán hàng (kể cả phụ thu nếu có).

b) Tính thuế trên chênh lệch giữa giá bán hàng với giá mua hàng.

- Giá bán hàng là giá thực bán ghi trên chứng từ, hoá đơn bán hàng; khoản phụ thu (nếu có) đối với hàng bán ra, không được giảm trừ trong giá bán khi tính chênh lệch giá.

- Giá mua hàng là giá thực tế thanh toán cho bên bán ghi trên chứng từ, hoá đơn mua hàng.

Đối với hàng nhập khẩu giá mua để tính chênh lệch bao gồm: giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (CIF) cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có). Khoản phụ thu (nếu có) đối với hàng nhập khẩu không được cộng vào giá mua khi tính chênh lệch giá.

Giá bán hàng, giá mua hàng làm căn cứ tính thuế doanh thu theo từng phương thức mua bán hàng được xác định như sau:

- Trường hợp bán hàng thông qua các đại lý, doanh thu tính thuế được xác định bằng số lượng hàng bán nhân (x) với giá đại lý bán ra, khoản hoa hồng trả cho đại lý được hạch toán vào chi phí tiêu thụ (trừ các trường hợp đại lý phải nộp thuế doanh thu thay cho chủ hàng theo quy định tại điểm 7 dưới đây).

- Trường hợp bán hàng theo phương thức bán trả góp, doanh thu tính thuế là tiền thu về bán hàng người mua phải trả, được xác định bằng số lượng hàng bán ra nhân (x) với giá bán (giá bán tính theo giá bán trả tiền một lần tại thời điểm bán hàng, không bao gồm tiền lãi trả góp).

- Trường hợp giảm giá bán cho khách hàng mua nhiều hàng, thanh toán nhanh doanh thu tính thuế được tính theo giá bán thực tế thu tiền. Trường hợp khách hàng trả lại hàng, doanh thu tính thuế không tính tiền thanh toán trả lại khách hàng.

- Hoạt động buôn chuyến nộp thuế doanh thu theo từng chuyến hàng, doanh thu tính thuế xác định theo giá bán hàng tại thị trường địa phương nơi vận chuyển hàng đi.

7- Đối với hoạt động nhận đại lý, nhận uỷ thác mua bán hàng là tiền hoa hồng và các khoản thu khác được hưởng từ hoạt động này. Trường hợp bên nhận đại lý, nhận uỷ thác vừa làm đại lý, uỷ thác mua đồng thời làm luôn đại lý bán hàng cho chủ hàng thì bên nhận đại lý, uỷ thác ngoài việc nộp thuế doanh thu về hoạt động đại lý, uỷ thác còn phải nộp thuế doanh thu thay cho chủ hàng theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp; doanh thu tính thuế hàng đại lý nộp thay cho chủ hàng là tiền thu về bán hàng trừ (-) tiền hoa hồng.

Trường hợp làm đại lý bán hàng cho các cơ sở nước ngoài, cơ sở nhận đại lý bán hàng ngoài việc nộp thuế doanh thu về hoạt động đại lý còn phải nộp thuế doanh thu và thuế lợi tức theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp thay cho chủ hàng; doanh thu tính thuế nộp thay chủ hàng là doanh thu bán hàng trừ (-) tiền hoa hồng trả cho đại lý.

Trường hợp bán hàng ký gửi, cơ sở bán hàng ngoài việc nộp thuế về hoạt động ký gửi còn phải nộp thuế doanh thu thay cho chủ hàng theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp, tính trên doanh thu bán hàng trừ (-) tiền hoa hồng.

Không áp dụng tính thuế doanh thu trên chênh lệch đối với hàng bán đại lý, ký gửi, uỷ thác mua bán.

Những cơ sở có đủ điều kiện sau đây mới được công nhận là đại lý, ký gửi, uỷ thác và được nộp thuế doanh thu tính trên tiền hoa hồng:

- Có giấy phép kinh doanh về hoạt động thương nghiệp.

- Có hợp đồng giữa bên giao và bên nhận hàng đại lý, ký gửi, uỷ thác. Trong hợp đồng phải ghi rõ số lượng, loại hàng, giá cả và tiền hoa hồng được hưởng.

Cơ sở thực hiện đại lý, ký gửi, uỷ thác mua bán hàng phải gửi một bản hợp đồng cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.

- Thực hiện việc bán hàng đại lý, ký gửi, uỷ thác mua bán hàng theo đúng giá ghi trong hợp đồng.

- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách, kế toán, chứng từ hoá đơn, hạch toán rõ ràng, đúng doanh thu bán hàng, hoa hồng được hưởng về hoạt động đại lý, ký gửi, uỷ thác và các chi phí có liên quan. Trường hợp bán hàng ký gửi cho người không kinh doanh, không có hoá đơn phải mở sổ ghi rõ tên, địa chỉ người gửi bán, số lượng, chủng loại, giá cả hàng gửi bán.

Nếu bên nhận bán hàng đại lý, ký gửi, uỷ thác mua, bán hàng không có đủ điều kiện nói trên phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp và áp dụng tính thuế trên toàn bộ doanh thu bán hàng. Trường hợp bán hàng cho cơ sở kinh doanh chưa đăng ký kê khai nộp thuế, cơ sở bán hàng còn phải nộp thuế thay cho cơ sở gửi hàng bán.

8. Đối với hoạt động dịch vụ doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu từ hoạt động dịch vụ:

a/ Đối với hoạt động sửa chữa không phân biệt ngành nghề, sản phẩm sửa chữa, doanh thu tính thuế bao gồm tiền công sửa chữa, tiền vật tư, nhiên liệu và chi phí khác để sửa chữa.

b/ Đối với hoạt động kinh doanh phòng nghỉ doanh thu tính thuế là tiền thuê phòng và tiền thu về phục vụ (nếu có).

c/ Đối với hoạt động kinh doanh du lịch, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu từ hoạt động này; riêng các khoản chi hộ cho khách hàng được xác định trong hợp đồng: tiền vé cước đi lại, nghỉ khách sạn (nếu có chứng từ hợp lệ) không thuộc doanh thu tính thuế đối với hoạt động dịch vụ này.

d/ Đối với dịch vụ Bưu điện, bưu chính viễn thông doanh thu tính thuế là tiền thu cước phí bưu điện, bán tem bưu điện, tiền thu lắp đặt và thuê bao máy điện thoại, máy nhắn tin, máy fax ... thu về truyền dẫn mạng thông tin kể cả các khoản phụ thu (nếu có) và các khoản thu khác về dịch vụ bưu điện.

Đối với hoạt động bưu chính viễn thông Quốc tế, doanh thu tính thuế là số tiền mà đối tượng nộp thuế của Việt Nam được hưởng theo thông lệ quốc tế.

Đối với các cơ sở không thuộc ngành bưu chính viễn thông có hoạt động dịch vụ bưu điện như điện thoại, fax... doanh thu tính thuế là tiền hoa hồng được hưởng hoặc số tiền thu tăng thêm so với giá cước phải trả cho ngành bưu điện.

e/ Đối với hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm doanh thu tính thuế là tiền thu về kinh doanh bảo hiểm (thu về phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, phí giám định và thu khác từ hoạt động này).

Riêng phí nhận tái bảo hiểm từ các cơ sở kinh doanh Bảo hiểm và tái Bảo hiểm hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà các cơ sở này đã nộp thuế doanh thu đối với khoản chi phí chuyển tái bảo hiểm thì cơ sở nhận tái bảo hiểm không phải nộp thuế doanh thu khoản chi phí nhận tái Bảo hiểm này (thực hiện theo quy định mục I - Thông tư số: 43 TC/TCT ngày 5/6/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế doanh thu đối với hoạt động kinh doanh Bảo hiểm và tái Bảo hiểm).

g/ Đối với hoạt động cầm đồ doanh thu tính thuế là số chênh lệch giữa tiền thu được với tiền ứng trước cho khách hàng.

Thí dụ: khách hàng đưa một xe máy đến cơ sở cầm đồ, khách hàng được tạm ứng (vay) 14 trđ sau một tháng khách hàng đến trả tiền lấy lại xe, số tiền phải trả là 15 trđ, doanh thu tính thuế trường hợp này là 1 trđ (15 trđ-14 trđ). Trường hợp bán tài sản cầm đồ của khạch hàng để thu hồi vốn, doanh thu tính thuế hoạt động này là toàn bộ số tiền cơ sở cầm đồ thực thu được từ bán tài sản (tổng doanh thu bán tài sản trừ (-) số phải trả cho khách hàng theo hợp đồng, hoặc pháp luật). Cũng thí dụ trên theo hợp đồng thoả thuận, quá thời hạn trả tiền, cơ sở cầm đồ được bán xe máy để thu hồi vốn và lãi. Thí dụ xe bán được 19 trđ, cơ sở cầm đồ phải trả cho khách hàng 4 trđ, doanh thu tính thuế là 15 trđ (19 trđ - 4 trđ). Nếu hợp đồng không xác định rõ số tiền cơ sở cầm đồ phải trả khách hàng, doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu về bán xe máy (19 trđ).

h/ Đối với hoạt động cho thuê nhà, đồ dùng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải v.v... doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu được từ hoạt động này. Trường hợp bên cho thuế ở nước ngoài, doanh thu tính thuế là toàn bộ số tiền bên đi thuê phải trả chưa trừ khoản phí tổn nào, kể cả tiền thuế phải nộp.

Trong trường hợp cho thuê thu tiền trước của nhiều tháng, nhiều năm (dưới mọi hình thức), doanh thu tính thuế là toàn bộ số tiền đã thu.

Cơ sở làm dịch vụ thuê hộ cơ sở khác hoặc thuê để cho thuê lại chỉ hưởng hao hồng từ dịch vụ này, áp dụng thu theo hoạt động môi giới.

i/ Đối với xổ số kiến thiết và các loại xổ số khác là doanh thu thực thu về bán vé, bán thẻ (doanh thu theo giá vé, giá thẻ trừ (-) tiền hoa hồng trả cho đại lý bán vé, bán thẻ nếu có).

k/ Đối với kinh doanh sân gôn (golf) doanh thu tính thuế là tiền thu về bán thẻ hội viên, bán vé vào chơi gôn, tiền thu về hướng dẫn tập, cho thuê dụng cụ, đồ dùng chơi gôn và các khoản thu khác. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác gắn với kinh doanh sân gôn như kinh doanh khách sạn, ăn uống, du lịch .. doanh thu tính thuế được xác định theo từng hoạt động.

Doanh thu bán thẻ hội viên được xác định bằng (=) số thẻ thực tế đã bán (bao gồm thẻ bán ở Việt Nam và bán ở nước ngoài) nhân (x) với giá bán ghi trên thẻ.

l/ Doanh thu đối với hoạt động đại lý tàu biển là toàn bộ tiền thu từ hoạt động này, trừ (-) các khoản chi hộ cho chủ phương tiện theo hợp đồng như: lệ phí cảng, chi bốc vác, kiểm dịch hàng hoá... (nếu có chứng từ hợp lệ).

m/ Đối với hoạt động quảng cáo doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu từ hoạt động quản cáo: quảng cáo trên đài phát thanh, đài truyền hình, sách, báo, đặt biển hay biểu tượng quảng cáo, trình diễn quảng cáo và các hình thức quảng cáo khác.

Các cơ sở làm dịch vụ quảng cáo nếu ký hợp đồng với các cơ sở khác như Đài truyền thanh, truyền hình, sách, báo,... thực hiện một phần dịch vụ quảng cáo thì phần doanh thu đã chuyển cho cơ sở khác thực hiện quảng cáo (xác định theo Hợp đồng và thực tế thanh toán) được trừ trong doanh thu tính thuế hoạt động quảng cáo của cơ sở. Các hoạt động như: vẽ biển, làm bảng điện tử, làm mẫu quảng cáo lên chương trình quản cáo v.v... do cơ sở tự làm hay thuê ngoài là chi phí quảng cáo không được giảm trừ trong doanh thu quảng cáo.

Cơ sở làm dịch vụ quảng cáo nếu nhận hợp đồng dịch vụ quảng cáo, sau đó ký chuyển hợp đồng cho cơ sở khác thực hiện toàn bộ dịch vụ quảng cáo chỉ hưởng hoa hồng từ dịch vụ này, áp dụng thu thuế theo hoạt động môi giới.

9.- Doanh thu tính thuế đối với một số trường hợp quy định như sau:

a/ Trường hợp cơ sở kinh doanh dùng hàng hoá, vật tư, máy móc thiết bị... để trao đổi, thanh toán công nợ, dùng cho sinh hoạt nội bộ, biếu tặng người khác kể cả biếu tặng khách hàng dưới mọi hình thức tiếp thị, quảng cáo, đều phải tính và nộp thuế doanh thu. Doanh thu tính thuế được xác định theo giá bán của mặt hàng cùng loại, cùng thời điểm.

b/ Hoạt động xây dựng cơ bản tự làm phải nộp thuế doanh thu, doanh thu tính thuế là giá trị công trình hay hạng mục công trình xây dựng.

Riêng hoạt động trồng cây, chăm sóc cây lâu năm trong thời kỳ xây dựng cơ bản trước khi chuyển sang kinh doanh không phải nộp thuế doanh thu.

10/ Cơ sở kinh doanh có doanh thu bằng ngoại tệ được nộp thuế bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng tiền Việt Nam. Nếu nộp bằng đồng tiền Việt Nam phải quy đổi theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế. Nếu nộp bằng ngoại tệ phải nộp bằng ngoại tệ chuyển đổi được.

II/ THUẾ SUẤT THUẾ DOANH THU.

Căn cứ vào biểu thuế doanh thu đã được sửa đổi, bổ sung ban hành kèm theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu và các quy định tại điều 4 của Nghị định số 96/CP của Chính phủ quy định về việc áp dụng thuế suất thuế doanh thu. Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng thuế suất thuế doanh thu đối với từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh như sau:

1. - Cơ sở kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành nghề, chịu thuế suất thuế doanh thu khác nhau thì nộp thuế doanh thu theo thuế suất đối với từng ngành nghề. Nếu cơ sở không hạch toán riêng được doanh thu đối với từng ngành nghề thì áp dụng thuế suất cao nhất đối với ngành nghề có kinh doanh.

2.- Cơ sở sản xuất mặt hàng vừa chịu thuế suất theo ngành nghề, vừa chịu thuế suất theo công dụng, nếu thuế suất theo công dụng thấp hơn thuế suất theo ngành nghề, thì được áp dụng mức thuế suất theo công dụng.

Thí dụ: Cơ sở sản xuất đồ chơi bằng nhựa, thuế suất ngành nhựa là 4% sản xuất đồ chơi trẻ em 0,5%, được áp dụng thuế suất 0,5% đối với đồ chơi trẻ em bằng nhựa.

3- Cơ sở khai thác, sản xuất trực tiếp dùng sản phẩm khai thác hoặc sản xuất để sản xuất ra sản phẩm khác thì áp dụng thuế xuất theo ngành hay sản phẩm sản xuất ra, doanh thu tính thuế là doanh thu bán sản phẩm cuối cùng.

Thí dụ:

- Cơ sở khai thác quặng sắt dùng quặng sắt đưa vào luyện, sản xuất ra các sản phẩm thép, áp dụng thuế theo hoạt động luyện kim đối với sản phẩm thép sản xuất.

- Cơ sở sản xuất sợi và vải dùng sợi sản xuất ra làm nguyên liệu sản xuất vải, không phải nộp thuế doanh thu của sợi đưa vào sản xuất vải, thuế doanh thu tính trên doanh thu bán vải theo thuế suất ngành dệt vải.

Khai thác đá áp dụng thuế doanh thu hoạt động khai thác tính trên doanh thu bán sản phẩm đá cục và đá các cỡ do cơ sở khai thác trực tiếp đập, nghiền. Nếu cơ sở sản xuất ra đá xẻ để ốp lát, đá ga-ni-tô, áp dụng thuế sản xuất vật liệu xây dựng đối với sản xuất các sản phẩm này.

4.- Sản xuất, lắp ráp sản phẩm điện tử thuế suất 8%.

Riêng: - Sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị điện tử chuyên dùng, máy vi tính thuế suất thuế doanh thu 4% bao gồm:

- Sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị điện tử (tổng đài, thu phát sóng, tiếp sóng) chuyên dùng cho điện thoại, điện báo vô tuyến truyền thanh và vô tuyến truyền hình.

- Sản xuất lắp ráp các thiết bị rađa.

- Sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dùng điều khiển hệ thống tín hiệu đèn báo, còi báo giao thông, hệ thống bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy.

- Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử điều hành để lắp đặt ở các cơ sở sản xuất hoặc trong các máy móc thiết bị, phương tiện vận tải.

- Sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị điện tử chuyên dùng phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, y tế.

- Sản xuất, lắp ráp máy vi tính và máy in kèm theo máy vi tính.

Trường hợp sản xuất thiết bị điện tử chuyên dùng đồng bộ có gắn kèm theo các sản phẩm điện tử thông thường. Thí dụ: máy thu, phát có kèm theo âm ly, micờrô... thì các thiết bị đồng bộ gắn kèm được áp dụng cùng thuế suất 4%.

Ngoài các sản phẩm điện tử chuyên dùng nêu trên, sản xuất lắp ráp các sản phẩm điện tử khác như: tivi, đầu viđiô, Rađiô, cát xét, âm ly, loa, micrô, máy điện thoại, máy nhắn tin v.v... áp dụng thuế suất 8%.

5.- Sản xuất dây cáp tải điện, cáp thông tin bằng kim loại và cáp quang, dây điện các loại áp dụng thuế suất 4%.

6.- Sản xuất các sản phẩm điện, kể cả quạt điện, máy giặt, máy điều hoà nhiệt độ có bộ phận điều khiển điện tử áp dụng thuế suất sản phẩm cơ khí.

- Sản xuất lắp ráp các sản phẩm: khoá, cân, (trừ cân điện tử), két sắt, xe máy, máy khâu, sản phẩm dân dụng bằng nhôm, sắt tráng men, tấm lợp bằng tôn tráng kẽm, tráng thiếc, thùng, bể tôn áp dụng thuế suất 2% (nhóm 5 - Mục I biểu thuế).

7.- Sản xuất hoá chất cơ bản áp dụng thuế suất 1%, hoá chất cơ bản được xác định theo danh mục của Bộ công nghiệp nặng (nay là Bộ Công nghiệp) công bố.

Sản xuất các loại thuốc diệt chuột, gián, ruồi, muỗi (kể cả hương trừ muỗi) áp dụng thuế suất 0,5%.

8.- Sản xuất vật liệu xây dựng thuế suất 4%:

- Vữa bê tông bao gồm các loại vữa có kết cấu xi măng và có các chất kết dính khác như nhựa đường v.v... dùng trong xây dựng nhà xưởng, đường sá, cầu cống... hoặc để sản xuất các cấu kiện bê tông đúc sẵn.

- Sản xuất xi măng thuế suất áp dụng thống nhất theo mác xi măng tiêu chuẩn Việt Nam, kể cả xi măng sản xuất từ cơ lanh ke nhập khẩu hoặc mua của cơ sở sản xuất khác.

9.- Sản xuất cồn thuế suất 6% (nhóm 13 - mục I ) áp dụng đối với cồn chuyên dùng cho y tế và công nghiệp (được xác định theo đặc tính sản phẩm hoặc hợp đồng kinh tế và hoá đơn bán hàng). Cồn thực phẩm để sản xuất rượu phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt; trường hợp không xác định được là loại cồn gì thì áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

10.- Sản xuất nước đá dùng cho đánh bắt thuỷ sản thuế suất 2% được xác định theo hợp đồng kinh tế và hoá đơn bán hàng, bán cho các cơ sở khai thác đánh bắt thuỷ sản để dùng vào việc ướp lạnh, bảo quản thuỷ hải sản. Trường hợp cơ sở sản xuất nước đá bán nước đá cho nhiều đối tượng tiêu dùng khác nhau không xác định được riêng nước đá dùng cho đánh bắt hải sản thì áp dụng thuế suất 6% trên tổng doanh thu.

11.- Sản xuất sợi, dệt, bông.

Sợi tổng hợp áp dụng thuế suất 4% là các loại sợi được sản xuất từ các loại xơ tổng hợp hoặc pha trộn giữa xơ tổng hợp với bông, xơ tự nhiên.

12.- Sản xuất băng nhạc, băng hình, đĩa quang đã ghi chương trình áp dụng thuế suất 1% đối với các sản phẩm do các cơ sở trực tiếp dàn dựng chương trình, tổ chức thu âm, ghi hình vào các băng nhạc, băng hình, đĩa quang để xuất bản theo giấy phép xuất bản của ngành văn hoá.

Các hoạt động dịch vụ in băng, sang băng từ băng đã có chương trình áp dụng thuế suất 8%.

13.- Sản xuất bông, băng vệ sinh y tế áp dụng thuế suất 1% bao gồm các loại bông, băng, gạc dùng cho y tế, băng vệ sinh dùng cho phụ nữ, được cơ quan quản lý sản phẩm hay cơ quan y tế xác định đủ tiêu chuẩn vệ sinh dùng cho y tế.

14.- Các cơ sở sản xuất nông nghiệp có hoạt động chế biến sản phẩm nông nghiệp phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất ngành, sản phẩm chế biến: Chế biến cao su từ mủ nước thành mủ khô, mủ đông thuế suất 4%, chế biến cà phê, hạt điều 6%, chè 4%...

Cơ sở sản xuất nông nghiệp không chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp, có doanh thu bán sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), kể cả nuôi, thả cá lồng, vớt cá bột áp dụng thuế suất 2%. Riêng cây, con giống áp dụng thuế suất 1%.

Cày, bừa làm đất sản xuất nông nghiệp áp dụng thuế suất 2%.

15.- Hoạt động gia công áp dụng thuế suất 6% không phân biệt ngành nghề, mặt hàng nhận gia cộng.

Cơ sở kinh doanh đưa nguyên liệu cho cơ sở khác gia công thành sản phẩm hàng hoá thì cơ sở đưa gia công phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất ngành sản xuất tính trên doanh thu bán hàng; nếu cơ sở bán các mặt hàng này cho nước ngoài (xuất khẩu) nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh xuất khẩu là 1% tính trên doanh thu xuất khẩu.

16.- Vận tải hành khách nội thành nội thị bằng xe buýt thuế suất 1% áp dụng cả đối với các trường hợp vận chuyển trên các tuyến đường từ nội thành nội thị đến vùng giáp ranh.

Thí dụ: Từ Hà Nội tới thị xã Hà đông; Từ TP Hồ Chí Minh tới Biên hoà bằng xe buýt áp dụng giá vé vận chuyển nội thành nội thị Nhà nước quy định.

Vận chuyển hành khách nội thành, nội thị bằng xe tắc xi, xe lam v.v... áp dụng thuế suất vận chuyển hành khách 4%.

17.- Thuế suất kinh doanh thương nghiệp:

a/ Bán các mặt hàng dưới đây thuộc danh mục các mặt hàng áp dụng thuế suất 1% (điểm 1, mục IV - Biểu thuế doanh thu):

- Lương thực: thóc, gạo, ngô, khoai, sắn và lương thực đã qua chế biến như mỳ sợi, mỳ ăn liền...

- Thực phẩm tươi sống và rau quả tươi sống.

- Các loại vật tư, nguyên liệu sản xuất bao gồm cả: Nhiên liệu (trừ xăng), chất đốt, các loại dầu đốt, dầu mỡ bôi trơn, các loại than (kể cả chế biến than thành than nắm, than tổ ong để bán), vải mành, vải bạt, sợi, bông xơ.

- Phương tiện vận tải: tàu, thuyền, ca nô, ôtô vận tải, ôtô chở khách, xe công nông, xe cải tiến, xe nâng, đẩy hàng hoá, cần cẩu (không bao gồm xe đạp, xe máy, ôtô loại từ 24 chỗ ngồi trở xuống).

- Máy móc, thiết bị thuộc loại tư liệu sản xuất như: các loại máy công cụ, máy động lực, thiết bị đồng bộ và thiết bị rời... dây cáp điện, cáp thông tin và các loại công cụ sản xuất, ngư lưới cụ.

- Bán các loại phụ tùng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, (không bao gồm phụ tùng của các sản phẩm tiêu dùng như: xe đạp, xe máy, đồng hồ, máy ảnh...).

- Bán các loại phụ tùng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, (không bao gồm phụ tùng của các sản phẩm tiêu dùng như: xe đạp, xe máy, đồng hồ, máy ảnh...).

- Bán (phát hành) sách, báo các loại, phim ảnh (loại đã quay, tráng thành phim để chiếu).

b/ Cơ sở kinh doanh thương nghiệp bán các mặt hàng không xác định được là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu dùng cho sản xuất hay hàng hoá thông thường thì áp dụng thuế suất 2%.

Thí dụ: Bán các mặt hàng dưới đây áp dụng thuế suất 2%:

- Gỗ dán ép, đồ dân dụng bằng gỗ và vật liệu khác, kính, gương, sơn, phẩm mầu, cửa gỗ, cửa nhựa, cửa kính khung nhôm và các đồ lắp đặt trang trí nội thất kể cả điều hoà nhiệt độ, bình nóng lạnh, bồn tắm, thiết bị vệ sinh v.v...

- Đồ điện, điện tử, cơ khí tiêu dùng kể cả máy điện thoại, máy nhắn tin, máy khoan cầm tay, máy khâu, máy bơm nước dưới 10m3/giờ, biến thế, ổn áp dưới 15A, dây điện dân dụng, công tắc, ổ cắm và đồ điện thông thường khác, dao, kéo, kìm, búa, bộ đồ dùng sửa chữa cơ khí, điện thông thường.

c/ Kinh doanh buôn chuyến nộp thuế theo thuế suất từng nhóm mặt hàng kinh doanh, nếu không xác định được nhóm mặt hàng kinh doanh thì áp dụng thuế doanh thu 2% trên Doanh thu cả chuyến hàng.

d/ Các khách sạn, nhà hàng có tổ chức bán hàng hoá, đồ lưu niệm cho khách, nếu hạch toán được riêng doanh thu, được áp dụng tính thuế theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

18.- Kinh doanh vàng, bạc, đá quý áp dụng thuế suất như sau:

a/ Kinh doanh mua, bán thuần tuý áp dụng thuế suất hoạt động kinh doanh thương nghiệp. Trường hợp cơ sở kinh doanh tự làm như: xì, cắt, đánh vàng thành nhẫn thông thường, cắt vàng thành miếng nhỏ để bán... giá bán vẫn tính theo giá vàng được coi là hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

b/ Cơ sở kinh doanh vàng, bạc có các hoạt động: nhận gia công đồ vàng bạc, cân thử vàng cho khách hàng, chế tác vàng, bạc, đá quí thành các đồ trang sức, đồ mỹ nghệ áp dụng thuế suất theo từng hoạt động.

19.- Kinh doanh ăn uống thuế suất 6%. Riêng ăn uống cao cấp, đặc sản thuế suất 10% áp dụng đối với:

- Nhà hàng có trang thiết bị, tiện nghi tốt.

- Nhà hàng có chế biến, bán các món ăn hiếm, quí hoặc theo thực đơn.

20/ Thuế suất áp dụng đối với một số dịch vụ như sau:

a/ Dịch vụ kiều hối hưởng hoa hồng, áp dụng thuế suất 6%, cùng thuế suất dịch vụ nghiệp vụ khác của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, công ty tài chính.

b/ Các hoạt động trông giữ xe ôtô, xe máy, xe đạp, kinh doanh trò chơi điện tử và các trò chơi khác như: cho thuê bàn bóng bàn, bi da, bàn chơi đá bóng, hoạt động bán vé thu tiền vào các khu vui chơi giải trí áp dụng thuế suất 4% (dịch vụ khác).

c/ Các hoạt động dịch vụ vận tải như: giới thiệu hay thuê hộ cho chủ hàng phương tiện vận tải, giới thiệu nguồn hàng vận chuyển cho chủ phương tiện, kể cả làm các dịch vụ thủ tục giấy tờ, kiểm tra giám sát việc vận chuyển, bảo quản hàng hoá vv... cho chủ hàng; nếu tổ chức, cá nhân làm dịch vụ này chỉ hưởng tiền hoa hồng dịch vụ, còn các khoản chi thuê phương tiện, vận chuyển bốc vác do chủ hàng chi hoặc chi hộ chủ hàng được xác định rõ trong hợp đồng kinh tế thì đơn vị làm dịch vụ này phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất 15% trên doanh thu hay hoa hồng được hưởng từ dịch vụ đó (theo nhóm 15h - mục VI - Biểu thuế doanh thu) không phân biệt tên gọi của hợp đồng là đại lý, môi giới hay dịch vụ vận tải.

Trường hợp đơn vị ký hợp đồng với chủ hàng thực hiện vận chuyển hàng hoá theo phương thức khoán gọn (trọn gói), hợp đồng không xác định các khoản chi phí và hoa hồng được hưởng; áp dụng tính thuế doanh thu theo thuế suất 2% như hoạt động vận tải, doanh thu tính thuế là tổng doanh thu nhận khoán (không phân biệt đơn vị tự vận chuyển hay thuê ngoài).

d/ Hoạt động dịch vụ Bưu điện áp dụng thuế suất 6%.

Cơ sở thuộc ngành bưu điện có các hoạt động khác, được áp dụng thuế doanh thu theo từng hoạt động (nếu hạch toán riêng doanh thu) như sau:

- Phát hành sách, báo áp dụng thuế suất theo hoạt động phát hành.

- Kinh doanh bán máy móc thiết bị như máy điện thoại, máy nhắn tin... áp dụng thuế suất theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp.

- Hoạt động truyền trang báo áp dụng thuế suất theo hoạt động in, xuất bản báo.

Cơ sở khác không thuộc ngành bưu điện có hoạt động dịch vụ điện thoại, fax v.v... áp dụng thuế xuất 15% trên doanh thu được hưởng: là tiền hoa hồng hoặc tiền thu tăng thêm so với giá cước trả cho ngành Bưu điện (như hoạt động đại lý). Nếu không hạch toán được riêng phần doanh thu được hưởng, phải nộp theo thuê suất ngành dịch vụ bưu điện, 6% tính trên toàn bộ tiền thu của khách hàng.

e/ Hoạt động kinh doanh đua ngựa thuế suất 20% áp dụng đối với doanh thu bán vé chọn ngựa đua (doanh thu chưa trừ các khoản chi trả thưởng và chi phí khác), thuế suất 4% áp dụng đối với doanh thu bán vé cho người vào xem.

g/ Cho thuê quần áo cưới và đồ dùng khác áp dụng thuế suất 10%.

h/ Hoạt động trục vớt cứu hộ (khảo sát, trục vớt, lai dắt vào bờ) áp dụng thuế suất 2%.

i/ Hoạt động hoa tiêu, lai dắt tàu biển ra vào cảng áp dụng thuế suất 30%.

Tổng cục thuế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng thuế suất đối với các cơ sở kinh doanh theo biểu thuế doanh thu và những qui định trên đây. Những trường hợp chưa rõ áp dụng thuế suất nào, Tổng cục thuế báo cáo để Bộ Tài chính hướng dẫn.

C/ ĐĂNG KÝ KÊ KHAI NỘP THUẾ DOANH THU.

Theo qui định Điều 10 và Điều 11 Luật thuế doanh thu, mọi cơ sở kinh doanh phải thực hiện:

1. Kê khai đăng ký về thuế:

a/ Các cơ sở kinh doanh phải thực hiện lập và nộp tờ kê khai đăng ký về thuế (theo mẫu quy định) gửi cho cơ quan thuế địa phương khi được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư, trường hợp chưa được cấp giấy phép nhưng thực tế có hoạt động kinh doanh, phải kê khai đăng ký khi bắt đầu kinh doanh.

Các cơ sở đã đăng ký kê khai về thuế, nếu có thay đổi ngành nghề kinh doanh, sát nhập, giải thể, tổ chức các cửa hàng chi nhánh vv... phải đăng ký bổ sung với cơ quan thuế về những thay đổi tổ chức kinh doanh. Các cơ sở chi nhánh, cửa hàng.. trực thuộc các Tổng công ty, công ty phải đăng ký kê khai nộp thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đặt chi nhánh, cửa hàng...

Cơ sở hoạt động xây dựng phải đăng ký kê khai về thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đóng trụ sở, đồng thời phải đăng ký kê khai nộp thuế với cơ quan thuế địa phương nơi xây dựng công trình.

Những cơ sở có hoạt động sản xuất ở một địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), nhưng có trụ sở, văn phòng giao dịch làm thủ tục bán hàng ở một địa phương khác thì cơ sở phải kê khai nộp thuế doanh thu hoạt động sản xuất tại địa phương nơi cơ sở sản xuất.

Thí dụ: Nhà máy sữa Đồng Nai (sản xuất tại Đồng nai), có văn phòng giao dịch bán hàng tại TP Hồ Chí Minh, Nhà máy phải kê khai nộp thuế sản xuất sữa tại Đồng Nai; nếu Nhà máy có tổ chức các chi nhánh, cửa hàng trực tiếp bán sản phẩm tại địa phương (tỉnh, thành phố) khác thì các cửa hàng, chi nhánh phải đăng ký, kê khai nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp tại nơi bán hàng.

b/ Những cơ sở kinh doanh thương nghiệp muốn áp dụng nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán hàng với giá mua hàng, cơ sở phải gửi đơn đề nghị cơ quan thuế quản lý cơ sở xem xét quyết định.

Cơ sở kinh doanh thương nghiệp có đủ các điều kiện sau đây được áp dụng tính và nộp thuế doanh thu trên chênh lệch giữa giá bán hàng với giá mua hàng:

- Mua, bán hàng hoá có hoá đơn, chứng từ (hoá đơn, chứng từ sử dụng là loại hợp pháp, hợp lệ). Giá mua, bán ghi trên hoá đơn, chứng từ theo đúng giá thực tế.

- Ghi chép hạch toán đúng chế độ, xác định được số chênh lệch giữa giá bán với giá mua hàng hoá.

- Đã đăng ký với cơ quan thuế việc nộp thuế doanh thu trên chênh lệch và được cơ quan thuế kiểm tra xác nhận đủ điều kiện.

Cơ quan thuế khi nhận được đề nghị của cơ sở nộp thuế, có trách nhiệm kiểm tra, thông báo kịp thời cho cơ sở về việc được áp dụng hay không được áp dụng nộp thuế trên chênh lệch (nêu rõ lý do không được áp dụng).

Cơ sở chỉ được thực hiện nộp thuế trên chênh lệch khi được cơ quan thuế kiểm tra xem xét đủ điều kiện và thông báo cho áp dụng.

c/ Các cơ sở thực hiện cơ chế khoán cho tập thể, cá nhân kinh doanh (không phân biệt ngành nghề, hình thức khoán) thì tập thể, cá nhân nhận khoán phải trực tiếp đăng ký, kê khai nộp thuế doanh thu với cơ quan thuế quản lý đơn vị; nếu nhận khoán gọn, tự lo chi phí và thu nhập, tập thể, cá nhân nhận khoán còn phải nộp các loại thuế và thu khác theo luật định. Cơ sở giao khoán phải nộp thuế đối với phần doanh thu người nhận khoán phải nộp cho cơ sở. Cơ quan thuế xác định cụ thuể doanh thu tính thuế phù hợp với từng hình thức khoán.

Tờ khai đăng ký về thuế và đơn xin đăng ký nộp thuế trên chênh lệch, cơ sở phải lập hai bản gửi cơ quan thuế kiểm tra, xác nhận (một bản trả lại cơ sở kinh doanh, một bản cơ quan thuế lưu theo dõi thực hiện).

2.- Kê khai nộp thuế doanh thu: Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 96/CP các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm kê khai nộp thuế doanh thu với cơ quan thuế địa phương nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các cơ sở kinh doanh phải lập tờ khai tính thuế doanh thu hàng tháng gửi cho cơ quan thuế theo mẫu quy định. Thời gian gửi tờ khai của tháng chậm nhất đến ngày 5 của đầu tháng tiếp sau. Cơ sở xây dựng không phân biệt nhà thầu chính hay nhà thầu phụ, đều phải kê khai với cơ quan thuế địa phương nơi xây dựng công trình về doanh thu công trình hay hạng mục công trình do cơ sở xây dựng (kể cả trường hợp không phải nộp thuế doanh thu vẫn phải gửi tờ kê khai).

Cơ quan Thuế có trách nhiệm kiểm tra, tính thuế ra thông báo số thuế phải nộp của tháng trước gửi đến đối tượng nộp thuế trước ngày 10 của tháng tiếp sau.

Trong trường hợp cơ sở kinh doanh không gửi tờ kê khai thuế, hoặc kê khai không đầy đủ, không đúng quy định, cơ quan thuế có quyền căn cứ vào tình hình kinh doanh của cơ sở và các số liệu điều tra để ấn định doanh thu và tiền thuế phải nộp, thông báo cho cơ sở thực hiện. Nếu cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức doanh thu và thuế do cơ quan thuế ấn định, có quyền khiếu nại, nhưng trong khi chờ giải quyết vẫn phải nộp theo mức thuế đã được ấn định.

Đối với cơ sở hoạt động xây dựng là nhà thầu phụ, thuộc đối tượng không phải nộp thuế doanh thu hoạt động xây lắp (do nhà thầu chính đã nộp), cơ quan thuế phải kiểm tra, xác nhận cụ thể doanh thu không phải nộp thuế doanh thu để cơ sở đó căn cứ quyết toán thuế.

Đối với những hộ kinh doanh nhỏ, áp dụng nộp thuế trên doanh thu khoán, cơ quan thuế căn cứ vào mức thuế khoán ra thông báo thuế cho từng hộ kinh doanh thực hiện.

Quy định cụ thể việc kê khai nộp thuế đối với một số trường hợp như sau:

a/ Cơ sở kinh doanh thuộc ngành thương nghiệp có địa điểm cố định đem hàng đi bán ngoài địa phương đã đăng ký kinh doanh phải kê khai nộp thuế trước khi vận chuyển hàng đi theo hoạt động buôn chuyến, phần doanh thu đã nộp thuế buôn chuyến không phải nộp thuế của hàng bán ra.

b/ Cơ sở kinh doanh thương nghiệp xuất hàng hoá từ kho hàng tới cửa hàng để bán, điều chuyển hàng hoá từ cửa hàng này tới cửa hàng khác trong nội bộ đơn vị, nếu có đủ chứng từ hợp lệ xác định hàng luân chuyển nội bộ thì không phải nộp thuế doanh thu đối với hàng điều chuyển nội bộ.

Mỗi cơ sở kinh doanh thương nghiệp chỉ được áp dụng tính và nộp thuế doanh thu hoạt động kinh doanh thương nghiệp theo một trong hai hình thức: Tính thuế trên doanh thu hoặc tính trên chênh lệch giữa giá bán hàng với giá mua hàng. Cơ sở theo quy định này là đối tượng đã đăng ký kê khai nộp thuế và quyết toán thuế doanh thu với cơ quan thuế địa phương. Cơ sở kinh doanh nộp thuế trên chênh lệch được tính bù trừ chênh lệch chịu thuế giữa các nhóm hàng có cùng mức thuế suất và được bù trừ chênh lệch giữa các tháng trong cùng một quý.

Các cơ sở đã áp dụng tính thuế doanh thu trên chênh lệch nếu vi phạm các điều kiện quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, cơ quan thuế xử lý phạt vi phạm về thuế đồng thời quyết định hay thông báo đình chỉ việc áp dụng tính thuế doanh thu trên chênh lệch kể từ tháng kiểm tra phát hiện cơ sở không thực hiện đúng các điều kiện qui định. Việc phạt về khai man, lậu thuế đối với cơ sở vi phạm các quy định về việc tính thuế trên chênh lệch phải tính trên doanh thu.

b/ Cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu mua hàng của cơ sở sản xuất, nhận uỷ thác xuất khẩu, nếu bán trong nước thì ngoài việc nộp thuế doanh thu theo thuế suất kinh doanh thương nghiệp, còn phải nộp thuế doanh thu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất ngành, mặt hàng sản xuất (thay vì cơ sở sản xuất phải nộp).

Cơ sở phải nộp bảng kê cụ thể số hàng mua xuất khẩu nhưng bán trong nước, giá mua và giá bán làm căn cứ tính thuế, nếu không xác định được giá mua để tính thuế khâu sản xuất, phải tính trên giá bán ra.

Thí dụ: Cơ sở mua quần áo xuất khẩu, nhưng đem bán trong nước.

- Giá mua của cơ sở sản xuất 60.000đ/bộ.

- Giá bán trong nước là 80.000đ/bộ.

Thuế doanh thu cơ sở phải nộp: 4.000đ/bộ. Trong đó:

+ Nộp theo thuế suất ngành may mặc 4% là: 60.000 x 4% = 2.400đ.

+ Nộp theo thuế suất kinh doanh bán hàng 2% là 80.000 x 2% = 1.600đ.

Nếu không xác định được giá mua thuế doanh thu phải nộp tính gộp trên giá bán ra là: 80.000đ x (4% + 2%) = 4.800đ.

c/ Cơ sở sản xuất có cửa hàng, chi nhánh hạch toán phụ thuộc cơ sở sản xuất, trực tiếp tiêu thụ sản phẩm do cơ sở sản xuất ra, khi tính thuế và quyết toán thuế doanh thu phải nộp đối với hàng bán tại cửa hàng, chi nhánh, cơ sở phải tính thuế doanh thu theo thuế suất ngành sản xuất trên doanh thu thực tế bán hàng tại cửa hàng, chi nhánh nhưng được trừ số thuế doanh thu mà chi nhánh, cửa hàng đã nộp theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp tại nơi bán. Nếu chi nhánh, cửa hàng có kinh doanh bán hàng hoá khác thì cơ sở phải kê khai riêng và không được trừ vào số phải nộp ở cơ sở sản xuất.

Cơ sở phải xuất trình cho cơ quan thuế các chứng từ nộp thuế kèm theo bảng kê về hàng cơ sở sản xuất chuyển bán tại các chi nhánh cửa hàng.

Thí dụ: Công ty Bột ngọt A ở Biên Hoà có cửa hàng tiêu thụ bột ngọt ở một số tỉnh.

- Năm 1995 công ty xuất bán 1.000 tấn bột ngọt.

Trong đó:

+ Xuất bán tại cơ sở sản xuất ở Biên Hoà 600 tấn với giá 10 trđ/tấn có doanh thu 6.000tr đ.

+ Xuất cho các cửa hàng trực thuộc 400 tấn, thực tế trong năm các cửa hàng bán được 360 tấn, giá bán 11 tr đ/T, có doanh thu là 3960 tr đ đã nộp thuế theo hoạt động kinh doanh bán hàng tại các địa phương.

3969trđ x 2% = 79,2 trđ

Thuế doanh thu năm 95 Công ty phải nộp được xác định:

- Doanh thu tính thuế: 6.000 trđ + 3.960 trđ = 9.960 trđ

- Thuế doanh thu phải nộp: 9.960 trđ x 6% (thuế suất SX) = 597,6 trđ

Trừ số đã nộp tại các địa phương nơi bán hàng, còn phải nộp tại Biên Hoà năm 1995

597,6 trđ - 79,2 trđ = 518,4 trđ

Cơ sở sản xuất khi xuất hàng từ nơi sản xuất cho các cửa hàng, chi nhánh phụ thuộc phải lập hoá đơn bán hàng ghi rõ giá xuất hàng. Hàng tháng khi kê khai nộp thuế doanh thu, nếu cơ sở sản xuất chưa có các bảng kê, chứng từ làm căn cứ xác đinh doanh thu và số thuế đã nộp của hàng chuyển bán tại các cửa hàng, chi nhánh phụ thuộc thì cơ sở phải nộp thuế tính trên toàn bộ hàng đã xuất cho các cửa hàng, chi nhánh theo giá bán hàng tại nơi cơ sở sản xuất.

Các cửa hàng, chi nhánh phải đăng ký kê khai, nộp thuế doanh thu tại cơ quan thuế nơi bán hàng và phải dùng hoá đơn mua tại cơ quan thuế địa phương nơi bán hàng.

Các quy định về kê khai tính thuế đối với hàng do cơ sở sản xuất chuyển bán tại các cửa hàng, chi nhánh hạch toán phụ thuộc trên đây, không áp dụng đối với: các cửa hàng hạch toán kinh doanh độc lập với cơ sở sản xuất, cửa hàng đã áp dụng chế độ khoán kinh doanh và cửa hàng bán các mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

d/ Các công ty xổ số có trách nhiệm kê khai nộp thuế thay cho các đại lý bán vé xổ số trước khi thanh toán tiền hoa hồng trả cho các đại lý.

e/ Các đối tượng nộp thuế của Việt Nam nhận đại lý bán hàng hoá cho bên nước ngoài; đi thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài; thực hiện dịch vụ cho nước ngoài là các đối tượng không trực tiếp đăng ký nộp thuế tại Việt Nam thì các đối tượng nộp thuế của Việt Nam phải đăng ký, kê khai, nộp thuế doanh thu và thuế lợi tức thay cho bên nước ngoài trước khi thanh toán trả tiền bán hàng, tiền thuê, tiền dịch vụ, cho phía nước ngoài. Số thuế doanh thu phải nộp thay được xác định theo thuế suất từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh, riêng thuế lợi tức căn cứ vào thuế suất quy định, Bộ Tài chính sẽ xác định cụ thể tỷ lệ nộp tính trên doanh thu đối với từng ngành nghề.

Trong các trường hợp thực hiện các hợp đồng nói trên, các cơ sở nhận bán hàng, đi thuê phương tiện.v.v... phải gửi một bản hợp đồng cho cơ quan thuế; nếu cơ sở không thực hiện việc khấu trừ các khoản thuế nộp thay vào doanh thu trả nước ngoài, cơ sở phải nộp thay cho phía nước ngoài.

f/ Các hãng hàng không của nước ngoài nếu có văn phòng hay chi nhánh bán vé tại Việt Nam thì văn phòng đại diện hay chi nhánh có trách nhiệm đăng ký, kê khai nộp thuế cho hãng của mình.

3- Thời hạn nộp thuế

Cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở nộp thuế căn cứ vào đặc điểm tình hình kinh doanh, số thuế bình quân phải nộp hàng tháng của cơ sở để quy định ngày định kỳ phải nộp thuế của tháng. Đối với những cơ sở có số thuế phải nộp hàng tháng lớn có thể ấn định ngày nộp thuế của tháng theo định kỳ 5, 10, 15 ngày một lần. Căn cứ vào doanh thu phát sinh từng kỳ, đơn vị thực hiện nộp tiền thuế vào kho bạc Nhà nước.

Hàng tháng căn cứ vào số thuế nộp và ngày ấn định nộp ghi trên thông báo thuế, cơ sở kinh doanh thực hiện nộp tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước; ở những nơi kho bạc chưa tổ chức được điểm thu thuế, thì cơ quan thuế trực tiếp thu và nộp tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Những cơ sở trong tháng đã tạm nộp theo định kỳ do cơ quan thuế ấn định, có trách nhiệm nộp đủ số thuế còn thiếu của tháng (theo thông báo), nếu nộp thừa được trừ vào số thuế phải nộp của tháng tiếp theo. Trong mọi trường hợp, thời hạn nộp thuế của tháng trước chậm nhất không được quá ngày 15 của tháng sau. Nếu nộp thuế doanh thu của tháng trước sau ngày 15 của tháng sau thì bị phạt chậm nộp.

- Cơ sở buôn chuyến phải kê khai nộp thuế doanh thu và thuế lợi tức theo từng chuyến hàng với cơ quan thuế địa phương trước khi vận chuyển hàng đi.

Để bảo đảm việc tính thuế được thống nhất trong từng địa phương, chống thất thu về giá, cơ quan thuế huyện hoặc cấp tương đương cần tổ chức điều tra nắm biến động về giá cả thị trường những mặt hàng mà người hoạt động buôn chuyến thường xuyên mua bán tại địa phương, thông báo cho các trạm, đội thuế biết để có căn cứ xác định giá tính thuế đối với hoạt động buôn chuyến.

- Cơ sở kinh doanh cố định, đi mua nguyên liệu, mua hàng hoá, vận chuyển hàng của cơ sở đi bán hoặc trao đổi với cơ sở khác, vận chuyển trong nội bộ cơ sở phải có đủ các hoá đơn, chứng từ theo quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên đường. Nếu không có hoá đơn, chứng từ theo quy định, cơ sở phải nộp thuế theo hoạt động buôn chuyến, hàng nhập khẩu còn phải truy thu thuế nhập khẩu.

4/ Trong tất cả mọi trường hợp thu thuế, cơ quan thu thuế phải cấp biên lai thu thuế hoặc chứng từ xác nhận việc đã thu thuế cho người nộp thuế bằng biên lai, chứng từ thuế do Bộ Tài chính thống nhất phát hành.

Cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực hiện chế độ sổ sách, ghi chép kế toán và sử dụng chứng từ hoá đơn theo quy định; tổ chức việc quản lý thu thuế theo đúng chế độ và quy trình nghiệp vụ.

5/ Căn cứ vào Điều 10 Nghị định số 96/CP của Chính phủ hướng dẫn điều 14 Luật thuế doanh thu về hộ kinh doanh nhỏ được nộp thuế theo chế độ khoán doanh thu từng thời kỳ.

Hộ kinh doanh nhỏ được áp dụng chế độ nộp thuế tính trên doanh thu khoán là hộ có mức doanh thu bình quân tháng quy định đối với từng ngành nghề như sau:

- Ngành sản xuất dưới: 8 triệu đồng

- Ngành xây dựng dưới: 8 triệu đồng

- Ngành vận tải dưới: 6 triệu đồng

- Ngành kinh doanh thương nghiệp dưới: 8 triệu đồng

- Ngành kinh doanh ăn uống dưới: 6 triệu đồng

- Ngành kinh doanh dịch vụ dưới: 4 triệu đồng

Những hộ kinh doanh nhỏ nếu thực hiện tốt việc mua bán có chứng từ, hoá đơn ghi chép sổ sách kế toán được áp dụng tính và nộp thuế theo kê khai.

Những cơ sở thuộc đối tượng nộp thuế theo kê khai, nếu không thực hiện đầy đủ việc mua, bán có hoá đơn, không ghi chép sổ sách kế toán đúng quy định, cơ quan thuế căn cứ vào tình hình kinh doanh để ấn định doanh thu và số thuế phải nộp.

D/ GIẢM THUẾ - MIỄN THUẾ

Căn cứ vào Điều 18 Luật thuế doanh thu và quy định tại Điều 11 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, Bộ Tài chính quy định thủ tục và thẩm quyền xét giảm thuế như sau:

I. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN, GIẢM THUẾ

1/ Miễn thuế đối với: những người già yếu, tàn tật, người sản xuất kinh doanh nhỏ, lặt vặt, làm nghề phụ, làm kinh tế phụ gia đình... có mức thu nhập hàng tháng chỉ tương đương với mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành là 120.000đ/tháng (thu nhập được xác định bằng doanh thu trừ (-) chi phí).

Hộ kinh doanh được nộp thuế theo chế độ khoán doanh thu theo điều 14 Luật thuế doanh thu, nếu số ngày thực tế kinh doanh trong tháng dưới 5 ngày được miễn nộp thuế doanh thu của tháng đó; nếu số ngày thực tế kinh doanh trong tháng dưới 15 ngày, được giảm 50% số thuế phải nộp của tháng đó, nếu kinh doanh từ 15 ngày trở lên thì phải nộp đủ mức thuế khoán.

Chi cục thuế có trách nhiệm phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế Xã, Phường kiểm tra xác định hộ sản xuất kinh doanh có mức thu nhập thấp thuộc đối tượng được miễn thuế và hộ kinh doanh nhỏ được nộp thuế theo chế độ khoán thu, thực tế nghỉ kinh doanh được miễn thuế hoặc giảm thuế theo quy định điều này.

Tổng cục thuế hướng dẫn thủ tục khai báo, kiểm tra miễn giảm thuế đối với hộ nghỉ kinh doanh theo quy định này.

2.- Cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai địch hoạ, tai nạn bất ngờ được xét giảm thuế doanh thu. Mức giảm được tính theo tỷ lệ (%) thiệt hại về tài sản, nhưng tối đa không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp và số tiền thuế được giảm không quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại, thời gian giảm thuế không quá 12 tháng kể từ tháng có doanh thu tiếp sau tháng xảy ra thiệt hại.

Thí dụ: Một cơ sở bị hoả hoạn vào tháng 1/1996 - tổng giá trị thiệt hại 150trđ được xác định bằng 60% tổng giá trị tài sản, từ tháng 3/1996, tiếp tực khôi phục sản xuất có doanh thu, cơ sở được xét giảm thuế doanh thu từ tháng 3/1996 đến hết tháng 2/1997 (12 tháng) và tỷ lệ được giảm trong trường hợp này là 50% mức tối đa (không giảm theo mức xảy ra thiệt hại 60%), nhưng nếu số tiền thuế được giảm theo mức 50% của 12 tháng lớn vượt quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại thì mức giảm tối đa bằng 30% giá trị bị thiệt hại; trong trường hợp này số được giảm tối đa bằng 150trđ x 30% = 45 trđ.

3. - Các trường hợp được xét giảm theo khoản 3 Điều 18 như sau:

a/ Cơ sở kinh doanh hoạt động ở miền núi, hải đảo, khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, chạy thử dây chuyền công nghệ mới, nếu gặp khó khăn, phát sinh lỗ, được xét giảm thuế doanh thu trong thời gian đầu. Số thuế được xét giảm từng năm (tính theo năm dương lịch) tương ứng với số lỗ, nhưng tối đa không quá 50% số thuế phải nộp và thời gian giảm thuế không quá 2 năm (24 tháng).

Cơ sở khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ là cơ sở được cơ quan bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cấp giấy phép hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ, theo quy định Thông tư liên Bộ Tài chính - Thuỷ sản số 199 - TT/LB ngày 31/12/1993 hướng dẫn Quyết định số 400/TTg ngày 07/8/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn thuế đối với khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ.

Để có cơ sở xét giảm thuế cơ sở xin giảm thuế phải xác định rõ số lỗ đối với từng trường hợp, thí dụ: Một cơ sở sản xuất A trong năm 1995 lắp đặt chạy thử dây chuyền công nghệ mới, quyết toán năm 1995 thuế doanh thu phải nộp 500 trđ, lỗ 700 trđ sau khi đã xử lý bằng các biện pháp khác còn lỗ 600 trđ - trong đó xác đinh do chạy thử dây chuyền công nghệ nên mới bị lỗ 300 trđ, được xét giảm thuế doanh thu của năm 1995 là 250 trđ, tương ứng 50% số thuế doanh thu phải nộp, trường hợp số lỗ do nguyên nhân này được xác định là 100 trđ (thay vì 300 trđ), cơ sở được xét giảm 100 trđ. Đến 1996, cơ sở vẫn còn lỗ do khó khăn này, được xét giảm thuế doanh thu tiếp cho năm 1996.

b.- Cơ sở sản xuất mặt hàng cần thay thế hàng nhập khẩu, được xét giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian đầu, kể từ khi mặt hàng sản xuất bán ra được xác định đủ tiêu chuẩn chất lượng quy định và giới hạn trong thời gian hiệu lực của bảng danh mục mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu. Đối với mặt hàng có chu kỳ sản xuất dưới 6 tháng, thời gian giảm thuế là 1 năm (12 tháng) đối với mặt hàng có chu kỳ sản xuất từ 6 tháng trở lên, thời gian giảm thuế là 2 năm (24 tháng).

Thí dụ: Xí nghiệp A sản xuất bóng đèn điện cao áp, từ năm 1995, ngày 1/1/1996 Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố danh mục mặt hàng này được khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Qua kiểm tra chất lượng sản phẩm, cơ quan quản lý đo lường chất lượng sản phẩm xác nhận từ 1/4/1996 sản phẩm bóng đèn do xí nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, cơ sở sẽ được xem xét giảm 50% thuế doanh thu mặt hàng này 12 tháng kể từ 1/4/1996. Trường hợp đến 1/2/1997 Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố danh mục mới, trong danh mục không còn mặt hàng này, thì việc giảm thuế cũng chỉ thực hiện đến hết tháng 1 năm 1997.

c.- Cơ sở sản xuất (thuộc các ngành nghề quy định tại mục I - Biểu thuế doanh thu) mới thành lập kể từ năm 1993, gặp khó khăn về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, về trả nợ vốn vay đầu tư, được xét giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian một năm (12 tháng) kể từ tháng có doanh thu; những cơ sở gặp nhiều khó khăn, năm tiếp sau năm được giảm thuế nếu bị lỗ được xét giảm thuế tiếp theo, số thuế được xét giảm tương ứng với số lỗ sau khi đã xử lý bằng các biện pháp khác nhưng tối đa không quá 50% số thuế phải nộp và tổng số thời gian được xét giảm thuế không quá 2 năm (24 tháng), riêng cơ sở sản xuất ở miền núi, hải đảo không quá 3 năm (36 tháng), kể từ tháng giảm thuế đầu tiên.

Trường hợp cơ sở sản xuất mới có hoạt động kinh doanh khác, khi xét giảm thuế doanh thu theo quy định này, chỉ xét giảm thuế doanh thu hoạt động sản xuất.

Cơ sở sản xuất mới thành lập là cơ sở mới được đầu tư xây dựng, được cấp giấy phép sản xuất, trực tiếp đăng ký kê khai nộp thuế doanh thu với cơ quan thuế. Những cơ sở đã thành lập trước đây nay chia, tách, sáp nhập, đổi tên, hoặc có đầu tư cải tạo mở rộng sản xuất, bổ sung ngành nghề sản xuất, thay đổi mặt hàng sản xuất và cơ sở được thành lập trong trường hợp mua lại cơ sở sản xuất đã có hoặc tham gia góp vốn bằng tài sản, máy móc thiết bị, nhà xưởng của cơ sở đã thành lập trước đây không thuộc đối tượng được xét giảm thuế doanh thu theo quy định này.

4.- Cơ sở sản xuất kinh doanh nếu trong cùng một thời gian được xét giảm thuế doanh thu theo các trường hợp khác nhau theo Luật thuế doanh thu, theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và các quy định khác thì chỉ được giảm thuế theo một trường hợp.

Thí dụ: Công ty dệt vải A là cơ sở mới thành lập từ tháng 1/1996, Công ty cũng là cơ sở ứng dụng công nghệ sản xuất mới. Nếu Công ty đủ điều kiện được xét giảm thuế theo quy định cơ sở sản xuất mới thì thôi không xét giảm thuế doanh thu theo các trường hợp khác.

II. THỦ TỤC, HỒ SƠ XÉT GIẢM THUẾ DOANH THU

Hồ sơ xin giảm thuế của cơ sở gửi đến cơ quan thuế được quy định như sau:

1. Các trường hợp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ xin giảm thuế doanh thu theo quy định Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, hồ sơ gồm:

- Đơn (công văn) xin giảm thuế của đơn vị bị thiên tai nêu rõ tình hình xảy ra thiệt hại, thời gian và số thuế xin giảm.

- Biên bản kiểm tra xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại có xác nhận của cơ quan có trách nhiệm (cơ quan công an, hội đồng xác định thiệt hại hay cơ quan tài chính quản lý vốn cơ sở).

- Báo cáo quyết toán, hoặc các tài liệu liên quan làm căn cứ xác định tình hình tài sản vốn liếng của cơ sở trước thời điểm xảy ra thiệt hại.

- Biên bản kiểm tra của cơ quan thuế quản lý đơn vị xác định rõ các căn cứ liên quan tới việc xét giảm thuế.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thuế quản lý cơ sở, cơ quan thuế phải xem xét, có ý kiến bằng văn bản, gửi kèm hồ sơ của đơn vị lên cơ quan thuế cấp trên xem xét giải quyết.

2.- Các trường hợp khó khăn xin giảm thuế theo quy định tại Khoản 3a, Điều 11 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, hồ sơ gồm:

- Đơn hay công văn xin giảm thuế của cơ sở nêu rõ trường hợp và số thuế xin giảm.

- Bản quyết toán tài chính của năm xin giảm thuế kèm theo Biên bản kiểm tra của cơ quan thuế xác định số lỗ và nguyên nhân lỗ.

Trường hợp ứng dụng công nghệ mới, chạy thử dây chuyền công nghệ mới phải có xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về công nghệ ứng dụng, hay chạy thử dây chuyền công nghệ mới.

Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thuế quản lý cơ sở, cơ quan thuế phải xem xét có ý kiến bằng văn bản, gửi kèm hồ sơ của đơn vị lên cơ quan thuế cấp trên xem xét giải quyết.

3.- Các trường hợp sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu theo quy định tại Khoản 3b Điều 11 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, hồ sơ gồm:

- Đơn xin giảm thuế của cơ sở, nêu rõ mặt hàng sản xuất thuộc danh mục khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, thời gian và số thuế xin giảm.

- Xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn Việt Nam hoặc thay thế hàng nhập ghi rõ thời gian được công nhận. Cơ quan thuế quản lý đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với bảng danh mục mặt hàng cần khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan thuế cấp trên xem xét, giải quyết.

4.- Đối với cơ sở sản xuất mới xin giảm thuế theo quy định tại Khoản 3c, Điều 11 Nghị định số 96/CP của Chính phủ, hồ sơ gồm:

- Đơn xin giảm thuế của cơ sở, nêu rõ lý do, thời gian và số thuế xin giảm.

- Quyết định thành lập cơ sở sản xuất, giấy đăng ký kinh doanh xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất. Trường hợp hộ sản xuất mới chỉ cần giấy phép kinh doanh xác định rõ ngành nghề mặt hàng sản xuất.

- Các hồ sơ liên quan chứng minh thực tế mới đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng (hoặc thuê) nhà xưởng sản xuất (kê khai tổng hợp giá trị tài sản đầu tư theo nhóm, loại tài sản), hợp đồng thuê nhà xưởng (nếu có), có xác nhận kiểm tra của các cơ quan thuế quản lý đơn vị.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty, xí nghiệp (trừ hộ sản xuất nhỏ) phải có dự án đầu tư, quyết toán hoặc biên bản bàn giao công trình mới đầu tư xây dựng chuyển sang sản xuất.

- Phương án sản xuất kinh doanh của năm xin giảm thuế xác định rõ doanh thu và số thuế doanh thu phải nộp.

- Bản đăng ký có xác nhận đã đăng ký kê khai nộp thuế với cơ quan thuế.

Cơ quan thuế quản lý đơn vị có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực tế xác định rõ thời gian bắt đầu sản xuất có doanh thu, nếu đơn vị thuộc đối tượng cơ sở sản xuất mới đựơc xét giảm thuế doanh thu theo luật, xét quyết định cho giảm thuế theo thẩm quyền, hoặc có văn bản đề nghị gửi kèm hồ sơ của đơn vị lên cơ quan thuế cấp trên xem xét giải quyết.

5- Về hồ sơ xin giảm thuế của cơ sở gửi cơ quan thuế theo các quy định trên đây phải là bản chỉnh có đủ các thủ tục hành chính của văn bản. Trường hợp hồ sơ có các văn bản sao: nếu bản sao là văn bản, chứng từ do các cơ quan, đơn vị khác ban hành, như Quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh... phải đóng dấu sao công chứng; nếu bản sao là văn bản của cơ sở như: Các bản quyết toán hoặc chứng từ liên quan khác, phải đóng dấu sao gửi của cơ sở.

III. THẨM QUYỀN XÉT GIẢM THUẾ VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC XÉT GIẢM.

1- Thẩm quyền xét giảm thuế doanh thu quy định như sau:

a) Chi cục trưởng Chi cục thuế được xét miễn giảm thuế đối với các hộ có mức thu nhập thấp và các hộ kinh doanh nhỏ thuộc đối tượng nộp thuế khoán nghỉ kinh doanh thuộc các trường hợp giảm thuế, miễn thuế quy định tại điểm 1, Mục I - Các trường hợp được miễn, giảm thuế.

b) Cục trưởng Cục thuế được xét và quyết định giảm thuế đối với các cơ sở kinh doanh trong các trường hợp được giảm thuế theo luật với số giảm thuế doanh thu cho từng trường hợp dưới 50 triệu đồng và thời gian giảm thuế không quá một năm (12 tháng).

c) Tổng cục trưởng Tổng cục thuế được xét và quyết định giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các trường hợp được giảm thuế theo luật với số giảm thuế doanh thu cho từng trường hợp dưới 200 triệu đồng và thời gian giảm thuế không quá một năm (12 tháng).

d) Bộ trưởng Bộ Tài chính xét quyết định cho giảm thuế theo luật trong các trường hợp không thuộc thẩm quyền giảm thuế của cơ quan thuế các cấp.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục thuế trong các trường hợp xét, quyết định giảm thuế đối với cơ sở sản xuất mới, sản xuất mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu được căn cứ vào số thuế giảm theo phương án để xác định thẩm quyền quyết định.

Cơ sở thuộc đối tượng được xét miễn giảm thuế theo luật, đã có hồ sơ xin giảm thuế gửi cơ quan thuế, trong thời gian chưa được cấp có thẩm quyền xét quyết định cho giảm thuế, trường hợp cơ sở bị lỗ, cơ quan thuế quản lý cơ sở được xét và cho cơ sở được tạm chậm nộp thuế tương ứng với 70% số lỗ nhưng tối đa không quá số thuế đề nghị xét giảm.

2.- Trình tự thủ tục xét giảm thuế.

Trong mọi trường hợp cơ sở đề nghị xét giảm thuế phải lập hồ sơ xin giảm thuế theo đúng quy định gửi cơ quan thuế quản lý đơn vị. Khi nhận được hồ sơ xin giảm thuế của cơ sở, cơ quan thuế quản lý đơn vị phải kiểm tra hồ sơ nhận được xác định rõ: có thuộc trường hợp được giảm thuế theo luật định không, hồ sơ đã lập có đúng, đủ theo quy định hay còn thiếu hoặc sai sót gì, đối chiếu hồ sơ thực tế, xác định rõ các số liệu, tình hình liên quan tới việc xin giảm thuế.

Nếu hồ sơ của đơn vị chưa đầy đủ hoặc có sai sót phải yêu cầu đơn vị bổ sung chỉnh lý kịp thời.

Trường hợp đề nghị của cơ sở không thuộc trường hợp giảm thuế theo luật, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho đơn vị biết rõ lý do không được xét giảm thuế.

- Những trường hợp xét giảm thuế không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế quản lý cơ sở, cơ quan thuế sau khi kiểm tra, xem xét hồ sơ và tình hình thực tế của cơ sở có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan thuế cấp trên xét giải quyết, cơ quan thuế phải gửi toàn bộ hồ sơ của đơn vị đã được kiểm tra xem xét cùng văn bản kiến nghị của cơ quan thuế, đồng thời thông báo bằng văn bản để đơn vị biết hồ sơ đã chuyển tới đâu. Hồ sơ gửi cơ quan thuế cấp trên phải ghi rõ danh mục hồ sơ.

- Trường hợp giải quyết cho giảm thuế, cơ quan quyết định cho giảm phải ban hành quyết định giảm thuế gửi cho cơ sở được giảm thuế và các đơn vị liên quan thực hiện.

Căn cứ vào quyết định được miễn, giảm thuế, cơ quan thuế thực hiện quyết toán với cơ sở số thuế doanh thu phải nộp và xác định lại kết quả lãi lỗ và các khoản thu nộp ngân sách khác.

- Cơ quan xét quyết định giảm thuế có trách nhiệm lưu giữ, quản lý hồ sơ giảm thuế theo đúng chế độ.

E.- XỬ LÝ VI PHẠM.

Theo Điều 19 Luật thuế doanh thu, các vi phạm Luật thuế doanh thu bị xử lý như sau:

1. Bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với các vi phạm:

a) Tổ chức, cá nhân không làm đúng những quy định về thủ tục kê khai, đăng ký, lập sổ sách kế toán, sử dụng và lưu giữ chứng từ, hoá đơn theo quy định Điều 10 và Điều 11 của Luật thuế doanh thu, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.

b) Tổ chức, cá nhân có hành vi khai man trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế doanh thu theo Luật định, còn bị phạt tiền từ một đến 3 lần số thuế gian lận:

- Vi phạm lần thứ nhất: Phạt một lần;

- Vi phạm lần thứ hai: Phạt hai lần;

- Vi phạm lần thứ ba trở lên: Phạt ba lần;

Trong trường hợp vi phạm có tình tiết tăng nặng thì lần vi phạm thứ nhất cũng có thể phạt từ hai đến 3 lần số thuế gian lậu;

c) Tổ chức, cá nhân nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong thông báo thuế, lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt, thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo luật định, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,2% (hai phần nghìn) số tiền nộp chậm;

Thời gian xác định phải nộp để tính phạt chậm nộp là:

- Về thuế doanh thu phải nộp của tháng trước nếu quá ngày 15 của tháng tiếp theo sau cơ sở chưa nộp đủ vào Kho bạc Nhà nước.

- Về các khoản nộp phạt là thời gian do cơ quan thuế ấn định ghi trên thông báo phạt hoặc lệnh thu thuế, thu phạt.

d) Tổ chức, cá nhân dây dưa nộp thuế, nộp phạt thì bị xử lý như sau:

- Trích tiền của tổ chức, cá nhân có tại Ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân hàng có trách nhiệm căn cứ vào thông báo, lệnh thu hay phạt về thuế của cơ quan thuế gửi đến thực hiện trích tài khoản của cơ sở kinh doanh để nộp tiền thuế, tiền phạt vào Ngân sách Nhà nước.

- Tạm giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ tiền thuế, tiền phạt;

- Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm số tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.

Cơ quan thuế các cấp khi phát hiện các cơ sở kinh doanh vi phạm về Luật thuế doanh thu, phải kiểm tra xác định rõ hành vi vi phạm, mức độ, nguyên nhân vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ theo quy định. Căn cứ vào các quy định về chế độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế quyết định xử lý hoặc báo cáo lên cơ quan thuế cấp trên xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền quyết định.

2.- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cá nhân trốn thuế với số lượng lớn hoặc bị xử lý hành chính theo quy định điểm 1 trên đây mà còn vi phạm trốn thuế với số lượng lớn hoặc phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự.

G.- KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU.

1. Quyền khiếu nại về thuế.

Theo Điều 24 và Điều 25 Luật thuế doanh thu, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về việc thi hành Luật thuế doanh thu không đúng với tổ chức cá nhân mình.

Đơn khiếu nại phải được gửi đến cơ quan thuế phát hành lệnh thu hoặc quyết định xử lý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ giải quyết, tổ chức, cá nhân khiếu nại vẫn phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã thông báo.

Nếu tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế giải quyết khiếu nại, hoặc quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày gửi đơn chưa nhận được ý kiến giải quyết thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên.

2.- Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế các cấp khi nhận được đơn khiếu nại về thuế của cơ sở nộp thuế phải xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Đối với vụ việc phức tạp, phải điều tra xác minh mất nhiều thời gian, thì cần thông báo cho đương sự biết, nhưng thời gian giải quyết chậm nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn.

Theo quy định của Điều 26 và Điều 27 Luật thuế doanh thu, cơ quan thuế nhận đơn khiếu nại phải có quyết định với một trong những nội dung sau:

- Không thay đổi quyết định xử lý trước;

- Thay đổi hình thức, mức độ, biện pháp xử lý;

- Huỷ quyết định xử lý và đình chỉ việc xử lý trước;

Trong trường hợp cơ quan thuế thay đổi hoặc huỷ quyết định xử lý trước, cũng như trường hợp có quyết định xử lý của cơ quan thuế cấp trên, cơ quan thuế đã quyết định xử lý trước phải thoái trả tiền thuế, tiền phạt thu không đúng và trả tiền bồi thường thiệt hại (nếu có) cho cơ sở. Thời hạn giải quyết không quá 15 ngày kể từ ngày thay đổi quyết định xử lý hoặc nhận được quyết định xử lý của cơ quan thuế cấp trên.

Nếu kiểm tra phát hiện và kết luận có khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về việc tính thuế, xử lý phạt, cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu hoặc truy hoàn số tiền thuế, tiền phạt tính không đúng trong thời hạn 3 năm về trước kể từ ngày phát hiện có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về tính thuế, về xử lý phạt về thuế.

H.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1/ Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1996 thay thế các Thông tư số 73A TC/TCT ngày 30/8/1993, Thông tư số 114 TC/TCT ngày 16/12/1994 và Thông tư số 40 TC/TCT ngày 25/5/1995 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế doanh thu.

Những hướng dẫn về thuế doanh thu tại các văn bản khác trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Các trường hợp xét giảm thuế của năm 1995 về trước được xét giải quyết theo các quy định trước đây, các quyết định cho giảm thuế doanh thu theo các quy định trước đây được tiếp tục thực hiện theo mức và thời gian giảm thuế đã quyết định.

2/ Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo ngành thuế, kiểm tra hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng Luật thuế doanh thu, Nghị định số 96/CP ngày 27 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ "Quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu" và Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc gì, đề nghị các đơn vị, cơ quan phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.