Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với

 đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận

_______________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 14/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Khu kinh tế đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận";

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 8288/TTr-BKH ngày 09 tháng 11 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đối với đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận như sau:

1. Nhà nước ưu tiên dành vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải và thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

2. Việc hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng từ nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

 a) Ngân sách trung ương

Ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương (bao gồm: nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), trái phiếu Chính phủ, Chương trình Biển Đông - Hải đảo và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác, tín dụng ưu đãi Chính phủ) thông qua các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương thực hiện đầu tư các dự án quan trọng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng trên đảo Phú Quý gồm:

 - Dự án nâng cấp sân bay Phú Quý;

 - Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Triều Dương (cảng Phú Quý) giai đoạn II;

 - Các dự án phát triển thông tin - liên lạc viễn thông;

 - Dự án nâng cấp, xây dựng các đường giao thông chính trên Đảo (mở rộng, nâng cấp đường vành đai bao quanh Đảo, các đường trục chính xuyên đảo Bắc - Nam, Đông - Tây);

 - Các dự án về phát triển năng lượng (chú trọng năng lượng tái tạo), cấp điện và chiếu sáng;

 - Các dự án thăm dò, khai thác, phân phối và cấp nước sạch, dự án thoát nước, xử lý nước thải và tái sử dụng nước thải, xử lý chất thải;

 - Dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, dự án xây dựng trung tâm thông tin nghề cá, dự án xây dựng trung tâm kiểm ngư;

 - Các dự án trồng rừng và bảo vệ môi trường.

 b) Ngân sách địa phương

Ngân sách địa phương ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án quan trọng khác, gồm:

 - Các dự án đầu tư kiên cố hoá và xây dựng trường học phổ thông các cấp, xây dựng trung tâm dạy nghề huyện, xây dựng bệnh viện quân dân y kết hợp, nâng cấp trạm y tế xã, xây dựng các công trình văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao, các cơ quan hành chính, sự nghiệp;

 - Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị (Trung tâm huyện lỵ trên địa bàn xã Ngũ Phụng), hạ tầng nghề cá (trong khu vực cảng Triều Dương và các công trình phục vụ cho Trung tâm thông tin nghề cá và Khu neo đậu tàu, thuyền né, tránh bão) và hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (Khu công nghiệp Phú Quý gắn với cảng Triều Dương);

 - Các dự án xây dựng hệ thống giao thông nhánh, đường liên xã;

 - Các dự án hỗ trợ chuyển giao và áp dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực cấp điện, cấp nước, viễn thông, chế biến hải sản, bảo vệ nguồn lợi hải sản, xây dựng, giao thông, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; kè chống xói lở và xâm thực bờ biển đảo Phú Quý;

 c) Về việc bố trí vốn:

 - Đối với nguồn ngân sách trung ương: căn cứ vào khả năng ngân sách trung ương, hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan liên quan; hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho tỉnh Bình Thuận báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật liên quan;

 - Đối với ngân sách địa phương: cần ưu tiên bố trí cho một số dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại huyện đảo Phú Quý.

Điều 2. Chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với các thành phần kinh tế đầu tư vào huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận như sau:

1. Các dự án đầu tư vào đảo Phú Quý được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Hợp tác xã, các quy định khác của pháp luật về thuế và các ưu đãi khác theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

2. Các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài vào đảo Phú Quý được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, kể từ khi dự án đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo.

3. Các dự án đầu tư trên địa bàn đảo Phú Quý được ưu đãi về tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển và sử dụng đất như sau:

 a) Được miễn tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển theo quy định của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và các quy định của pháp luật về đất đai;

 b) Được miễn tiền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển để thực hiện các dự án đầu tư trong trường hợp giao đất phải trả tiền sử dụng đất.

4. Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh tại đảo Phú Quý thuộc đối tượng được hưởng các loại hình tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các dự án đầu tư trên đảo Phú Quý thuộc đối tượng được hưởng các loại hình tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành được ưu tiên bố trí vốn để thực hiện.

5. Các dự án đầu tư kinh doanh du lịch tại đảo Phú Quý được hưởng các cơ chế, chính sách như dự án đầu tư vào khu du lịch Quốc gia thuộc ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

6. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có khả năng thu hồi vốn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định huy động đầu tư theo các hình thức BOT, BTO, BT, phát hành trái phiếu công trình theo quy định của pháp luật.

7. Các tổ chức tín dụng trong nước, ngân hàng liên doanh với nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam được mở chi nhánh trên đảo Phú Quý để thực hiện dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ được phép khác đối với các hoạt động kinh tế trên đảo Phú Quý theo quy định của pháp luật.

8. Ngoài những ưu đãi được hưởng theo quy định tại Quyết định này, các dự án đầu tư của các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài vào đảo Phú Quý thuộc các lĩnh vực công nghệ cao được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế khu công nghệ cao và các dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Dự án công nghiệp kỹ thuật cao thì được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án.

9. Các nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu để tạo tài sản cố định, gồm máy móc, thiết bị, linh kiện, nguyên vật liệu mà trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc trong dây chuyền sản xuất và các tài sản cố định khác phục vụ sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ trên địa bàn đảo Phú Quý. Riêng dự án BOT còn được miễn thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ sản xuất, vận hành công trình, cơ chế ưu đãi trên được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế đổi mới công nghệ.

10. Các dự án đầu tư vào đảo Phú Quý có quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Đảo và tác động lớn đến khu vực ảnh hưởng của đảo Phú Quý được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, gồm:

 a) Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất và cung cấp điện, năng lượng tái tạo;

 b) Các dự án vận tải từ đất liền ra đảo Phú Quý và ngược lại;

 c) Các dự án về tạo nguồn và cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên đảo Phú Quý;

 d) Các dự án về bảo vệ môi trường.

11. Áp dụng chính sách một giá đối với hàng hoá và dịch vụ cho các tổ chức và cá nhân, không phân biệt trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đảo Phú Quý.

Điều 3. Những quy định khác liên quan đến hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, du lịch, dịch vụ trên đảo Phú Quý không quy định trong Quyết định này, được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Hải quan, Luật Đất đai, Luật Thương mại, các luật thuế khác và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Đối với các tổ chức và cá nhân trong nước và nước ngoài đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trên đảo Phú Quý trước ngày ban hành Quyết định này thì được phép hưởng ưu đãi cho thời gian ưu đãi còn lại kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Khi các cơ chế, chính sách mới ưu đãi hơn được ban hành thì được áp dụng cho đảo Phú Quý.

Điều 4. Những quy định tại Điều 1, Điều 2 của Quyết định này thay thế cho Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 14/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Khu kinh tế đảo Phú Quý".

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Quốc phòng, Công an, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Bưu chính, Viễn thông, Thuỷ sản, Xây dựng, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thực hiện các cơ chế, chính sách tại Quyết định này.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm:

 a) Phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quý, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch chi tiết các khu chức năng (Khu công nghiệp, khu vực cảng Triều Dương, Trung tâm thương mại, khu trung tâm hành chính huyện Đảo…) để làm cơ sở xây dựng dự án hỗ trợ, kêu gọi và khuyến khích đầu tư;

 b) Thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên đảo Phú Quý theo quy hoạch được duyệt; trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền danh mục các dự án đầu tư phát triển và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm tại đảo Phú Quý. Khi xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, dự án phát triển các ngành, lĩnh vực… cần hết sức chú ý đến các khu vực nhạy cảm liên quan đến di tích trên Đảo;

 c) Ban hành các cơ chế ưu đãi và khuyến khích đầu tư cụ thể phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên đảo Phú Quý; ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động tại chỗ; hỗ trợ đào tạo nghề đối với lực lượng lao động ở địa phương; tạo điều kiện cho lực lượng lao động ở địa phương có trình độ chuyên môn và kỹ năng lao động để vào làm việc tại các doanh nghiệp trên đảo Phú Quý; hỗ trợ để khuyến khích nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao ra làm việc tại đảo Phú Quý; hỗ trợ xây dựng các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh quá trình đầu tư và phát triển đảo Phú Quý;

 d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở đảo Phú Quý hoạt động được thuận lợi;

 đ) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức quản lý đảo Phú Quý phát triển nhanh và bền vững.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh BìnhThuận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng