THÔNG TƯ
Hướng dẫn công tác quản lý tài chính, giao kế hoạch, thanh toán vốn sự nghiệp kinh tế đối với công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư
____________________________
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 109/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt;
Căn cứ Quyết định số 216/2003/QĐ-TTg ngày 27/10/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Quyết định số 84/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư;
Sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 347 BKH/KCHT&ĐT ngày 16/01/2007), Bộ Giao thông vận tải (công văn số 460/BGTVT-TC ngày 25/1/2007), Bộ Tài chính hướng dẫn công tác quản lý tài chính, giao kế hoạch, thanh toán vốn sự nghiệp kinh tế đối với công ty nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng:
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý đường sắt, công ty thông tin tín hiệu đường sắt (gọi tắt là các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt) được thành lập theo Quyết định số 34/2003/QĐ-TTg ngày 4/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Đối tượng được quản lý, bảo trì hàng năm là những tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia do Nhà nước đầu tư và giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, khai thác bao gồm:
2.1. Hệ thống cầu, cống, hầm các loại.
2.2. Hệ thống đường: đường sắt chính tuyến, đường sắt trong ga, đường sắt vào bãi hàng hoá, đường sắt xếp dỡ hàng hoá, các đoạn đường bộ vào ga, các đoạn đường bộ vào bãi hàng, ghi, kè, hàng rào đường sắt, hệ thống thoát nước, tường chắn, hệ thống cọc mốc biển báo, công trình tác nghiệp đầu máy, toa xe và các công trình phụ trợ khác cần thiết cho việc tổ chức chạy tàu.
2.3. Các thiết bị thuộc hệ thống thông tin, tín hiệu: Tín hiệu ra, vào ga, hệ thống cáp tín hiệu, hệ thống cáp thông tin, thiết bị khống chế chạy tàu, hệ thống điều khiển và khống chế tập trung, hệ thống các đường truyền tải, hệ thống nguồn, các trạm tổng đài, nhà trực thông tin tín hiệu-điện, hệ thống cấp điện.
2.4. Hệ thống kiến trúc: Nhà khách đợi tàu, nhà bán vé, nhà kho hành lý, hàng hoá, quảng trường ga, sân ga, hàng rào khu ga, cánh dơi, bãi hàng, chòi gác ghi, chòi gác chắn, chòi gác cầu, chòi gác hầm, đường bộ vào ga, đường bộ vào bãi hàng, các thiết bị gác chắn đường ngang.
Những tài sản này không thực hiện trích khấu hao cơ bản mà được theo dõi mức hao mòn theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định ban hành kèm theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
3. Nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, bao gồm:
3.1. Nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa vừa.
3.2. Nhiệm vụ sửa chữa lớn.
3.3. Nhiệm vụ khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông.
4. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước giao vốn, tài sản ( bao gồm tài sản để phục vụ nhiệm vụ quản lý, bảo trì, tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia) và nhân lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì đảm bảo giao thông vận tải đường sắt an toàn, thông suốt theo quy trình công nghệ, định mức kinh tế- kỹ thuật cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
5. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt không phải nộp tiền thuê sử dụng đất đối với phần diện tích đất dùng để xây dựng tuyến đường sắt, bao gồm đất nền đường sắt, cầu, cống, kè, tường chắn, hệ thống thoát nước, hệ thống thông tin, tín hiệu, hệ thống cấp điện, phần đất trong hầm đường sắt, toàn bộ đất để xây dựng ga đường sắt, công trình tác nghiệp đầu máy, toa xe và các công trình phụ trợ khác cần thiết cho việc tổ chức chạy tàu trên tuyến. Trường hợp Tổng công ty và công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt sử dụng diện tích đất đó vào kinh doanh dịch vụ thì phải trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
6. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ công ích Nhà nước giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt được tận dụng đất đai, cảnh quan, vốn, tài sản Nhà nước do mình quản lý để tổ chức hoạt động kinh doanh theo pháp luật Nhà nước nhưng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ công ích được Nhà nước giao.
II. LẬP VÀ GIAO KẾ HOẠCH CUNG ỨNG SẢN PHẨM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ
1. Lập kế hoạch.
Hàng năm, căn cứ vào tình trạng kỹ thuật của kết cấu hạ tầng đường sắt và nhu cầu vận tải trên từng tuyến đường khai thác, quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật, các quy định hiện hành của Nhà nước, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt lập kế hoạch kinh phí quản lý, bảo trì đường sắt trên nguyên tắc ưu tiên đảm bảo nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên, đảm bảo an toàn chạy tàu, báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét, thẩm định, gửi Bộ Giao thông vận tải. Bộ Giao thông vận tải tổng hợp cùng thời điểm xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước hàng năm, gửi Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Giao kế hoạch.
Căn cứ vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính thông báo, Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch nhiệm vụ công ích cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đồng thời gửi Bộ Tài chính để theo dõi và giám sát.
Sau khi được giao nhiệm vụ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện giao kế hoạch cho các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, tổng hợp gửi Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, giám sát; gửi Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước Trung ương để có cơ sở thanh toán vốn theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn thành việc giao kế hoạch trước ngày 31 tháng 12 năm trước.
3. Nội dung giao kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (theo phụ lục 1 đính kèm Thông tư này) gồm:
3.1. Nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa:
a) Tên sản phẩm công ích;
b) Khối lượng;
c) Chất lượng;
d) Thời gian hoàn thành;
đ) Kinh phí.
3.2. Nhiệm vụ sửa chữa lớn:
a) Danh mục công trình;
b) Khối lượng;
c) Chất lượng;
d) Thời gian hoàn thành;
đ) Kinh phí.
3.3. Dự phòng kinh phí từ 1%-2% trên tổng dự toán ngân sách nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông.
3.4. Tổng số tiền nhà nước trợ cấp để trích quỹ khen thưởng và phúc lợi trong trường hợp các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt không đủ lợi nhuận để trích lập 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định.
4. Nội dung giao kế hoạch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho các Công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt ( theo phụ lục 2 đính kèm Thông tư này gồm):
4.1. Nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa:
a) Tên sản phẩm công ích;
b) Khối lượng;
c) Đơn giá do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt;
d) Chất lượng;
đ) Thời gian hoàn thành;
e) Kinh phí.
4.2. Nhiệm vụ khắc phục hậu quả do sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông.
4.3. Số tiền nhà nước trợ cấp để trích quỹ khen thuởng và phúc lợi, trong trường hợp công ty không đủ lợi nhuận để trích lập 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định.
5. Đối với nhiệm vụ sửa chữa lớn.
Căn cứ vào kế hoạch được giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thông qua đấu thầu. Trình tự thủ tục thực hiện theo các quy định tại Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và các quy định của pháp luật về đấu thầu.
6. Trường hợp để khắc phục hậu quả các sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông do nguyên nhân khách quan ngoài kế hoạch được giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị khắc phục theo quy định hiện hành và sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để bù đắp, nếu còn thiếu báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét giải quyết.
7. Điều chỉnh kế hoạch.
Trường hợp điều chỉnh kế hoạch làm thay đổi nhiệm vụ do Bộ Giao thông vận tải giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét. Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh kế hoạch đồng thời gửi Bộ Tài chính để theo dõi và giám sát. Trường hợp không làm thay đổi nhiệm vụ do Bộ Giao thông vận tải giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định và gửi kế hoạch điều chỉnh cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.
8. Công tác nghiệm thu sản phẩm.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện nghiệm thu khối lượng, chất lượng sản phẩm công ích đường sắt theo quy định hiện hành.
III. CÔNG TÁC THANH TOÁN ĐỐI VỚI SẢN PHẦM QUẢN LÝ, BẢO TRÌ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ
1. Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm gửi kế hoạch giao nhiệm vụ công ích cho Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ kiểm soát chi, cấp phát, thanh toán theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Việc thanh toán vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt theo hình thức thông báo mức vốn. Trên cơ sở dự toán được giao, Bộ Tài chính thực hiện thông báo mức vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt theo dự toán năm cho Kho bạc Nhà nước Trung ương để thông báo vốn cho các Kho bạc giao dịch. Căn cứ đề nghị tạm ứng, thanh toán kinh phí của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kho bạc giao dịch thực hiện tạm ứng, thanh toán vốn cho các đơn vị tham gia sửa chữa, bảo trì đường sắt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện trong phạm vi dự toán được giao, không thực hiện vượt khối lượng dẫn đến vượt khả năng thanh toán của Ngân sách nhà nước.
2. Hồ sơ thanh toán đối với nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa vừa bao gồm:
2.1. Quyết định giao kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
2.2. Quyết định giao kế hoạch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.
2.3. Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
3. Hồ sơ thanh toán đối với nhiệm vụ sửa chữa lớn.
3.1. Quyết định giao kế hoạch sửa chữa lớn của Bộ Giao thông vận tải cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
3.2. Quyết định phê duyệt dự án hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế, dự toán của cấp có thẩm quyền.
3.3. Văn bản lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
3.4. Hợp đồng kinh tế.
3.5. Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
4. Hồ sơ đề nghị trợ cấp để trích quỹ khen thưởng và phúc lợi (chỉ áp dụng cho các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt):
4.1. Báo cáo thuyết minh số liệu của công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt về phân phối và trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế.
4.2. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch được giao.
4.3. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của công ty (năm đề nghị trợ cấp).
4.4. Các hồ sơ chứng từ liên quan khác.
5. Đối với thanh toán tạm ứng: Việc thanh toán tạm ứng được thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp kinh tế có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
IV. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN, TRÍCH LẬP QUỸ KHEN THƯỞNG, PHÚC LỢI ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT.
1. Các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải tập trung vốn và nguồn lực để thực hiện việc quản lý, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia. Khi cần thiết, Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được quyền điều động vốn, tài sản giữa các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt theo hình thức ghi tăng, giảm vốn nhưng không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ công ích của công ty bị điều động vốn.
2. Việc đầu tư vốn ra ngoài công ty, nhượng bán, thanh lý tài sản trực tiếp phục vụ nhiệm vụ công ích do Hội đồng quản trị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định.
3. Đối với tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt: Việc nhượng bán, thanh lý do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải. Sau khi thanh lý, nhượng bán, căn cứ giá trị còn lại, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt hạch toán giảm nguồn vốn hình thành tài sản.
4. Toàn bộ vật tư thay ra trong quá trình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm thu hồi, phân loại đánh giá, làm các thủ tục nhập kho và được nhượng bán sau khi có ý kiến thống nhất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
5. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quy định định mức chi phí thu hồi vật tư và tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt.
6. Việc thanh lý, nhượng bán tài sản và vật tư thu hồi thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Hàng năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm tra việc thu hồi, thanh lý, nhượng bán tài sản và vật tư nêu trên, báo cáo các cơ quan nhà nước để có cơ sở xây dựng dự toán ngân sách cho năm tiếp theo.
7. Các công ty kinh doanh vận tải đường sắt và công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm nộp vào ngân sách Trung ương toàn bộ khoản thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt, khoản 20% tiền thu cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định và khoản tiền thu được do nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư thu hồi thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt sau khi trừ đi chi phí thu hồi và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để chi cho công tác quản lý, bảo trì sửa chữa hệ thống đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
8. Việc phân phối lợi nhuận được thực hiện theo quy định hiện hành, trường hợp công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt trích 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi không đạt 2 tháng lương thực tế thì thực hiện như sau:
Trường hợp lãi ít công ty được giảm trích quỹ đầu tư phát triển, giảm phần lợi nhuận được chia theo vốn nhà nước để cho đủ 2 tháng lương cho 2 quỹ. Nếu giảm toàn bộ số tiền trên mà vẫn chưa đủ 2 tháng lương cho 2 quỹ thì sẽ được Nhà nước xem xét trợ cấp. Tuỳ theo khả năng ngân sách, nhà nước sẽ cân đối để trợ cấp cho các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.
V. KIỂM TRA, QUYẾT TOÁN SẢN PHẨM QUẢN LÝ, BẢO TRÍ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ.
1. Hàng năm, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt lập báo cáo quyết toán sản phẩm công ích được giao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổng hợp gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, quyết toán sản phẩm công ích đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.
Các khoản chi vượt định mức, chi không có kế hoạch và chi không đúng chế độ, đều phải xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước; đồng thời người nào ra lệnh chi sai người đó phải bồi hoàn cho công quỹ và phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
2. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm lập và gửi báo cáo quyết toán nguồn vốn cấp phát theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước. Báo cáo quyết toán nguồn vốn cấp phát phải có xác nhận của các Kho bạc Nhà nước địa phương. Thời gian nộp báo cáo theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
3. Hàng năm, các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt phải thực hiện kiểm toán độc lập báo cáo tài chính năm và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính đối với công tác quản lý tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt chậm nộp báo cáo quyết toán, ngoài việc phải chịu xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, thống kê theo quy định; cơ quan tài chính sẽ tạm đình chỉ hoặc yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm đình chỉ cấp kinh phí cho đến khi đơn vị nộp đầy đủ báo cáo quyết toán (trừ một số khoản chi cấp thiết như lương, phụ cấp lương theo quy định).
5. Trường hợp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao thì Tổng giám đốc và giám đốc các công ty chịu trách nhiệm theo quy định tại Khoản 8 Điều 34 Quy chế quản lý tài chính công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư ở doanh nghiệp khác ban hành kèm theo Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ.
6. Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Giám đốc các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm trước Nhà nước và pháp luật về tính chính xác, trung thực của số liệu báo cáo.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ngoài những quy định tại Thông tư này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật đối với công ty nhà nước.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, thay thế Thông tư Liên tịch số 161/1998/TTLT/TC-GTVT ngày 16/12/1998 của Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn chế độ quản lý tài chính và chế độ cấp phát thanh toán đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích trong lĩnh vực quản lý, sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.