Sign In

CHỈ THỊ

Về Tăng cường công tác kiểm tra và xử lý văn bản

quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái

___________________

Sau 07 năm triển khai thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 và 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến từng bước đi vào nề nếp. Thông qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những văn bản ban hành chưa đúng quy định hoặc có dấu hiệu trái pháp luật, từ đó có tác động tích cực đến công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước bằng pháp luật ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập, một số đơn vị, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, do đó chưa quan tâm triển khai, thực hiện. Nhiều cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chưa chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo, kiến nghị Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định xử lý theo thẩm quyền những văn bản ban hành chưa đúng quy định hoặc có dấu hiệu trái pháp luật; các văn bản được xem xét, quyết định xử lý so với số văn bản được kiến nghị xử lý đạt tỷ lệ chưa cao. Tại cấp huyện, cấp xã, các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành chưa kịp thời gửi đến cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản; chất lượng kiểm tra văn bản chưa cao, chưa đi sâu kiểm tra thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản. Những hạn chế, bất cập nêu trên làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm tra và xử lý văn bản, đến hiệu lực quản lý nhà nước về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục tình trạng trên và tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm bố trí công chức chuyên trách làm đầu mối tham mưu thực hiện công tác pháp chế, trong đó có nhiệm vụ kiểm tra và xử lý văn bản thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước được giao; chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra văn bản theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ; Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tham mưu, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý những văn bản ban hành có nội dung, hình thức chưa đúng quy định hoặc có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện thông qua công tác tự kiểm tra văn bản.

b) Tham mưu, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra và xử lý văn bản cho đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản, công chức pháp chế ngành và công chức làm công tác kiểm tra văn bản trên phạm vi toàn tỉnh;

c) Hàng năm, xây dựng kế hoạch và tăng cường kiểm tra văn bản theo thẩm quyền tại địa bàn cấp huyện, cấp xã và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác kiểm tra văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

d) Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng năm tổ chứctổng kết, đánh giá công tác xây dựng, ban hành văn bản và công tác tự kiểm tra văn bản.

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý những văn bản ban hành có nội dung, hình thức chưa đúng quy định hoặc có dấu hiệu trái pháp luật.

4. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm tra và xử lý văn bản ở địa phương. Thường xuyên tự kiểm tra, xử lý văn bản do mình và Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành. Tăng cường kiểm tra, xử lý văn bản tại cấp xã.

b) Chỉ đạo phòng Tư pháp tham mưu, giúp thực hiện quản lý nhà nước về công tác kiểm tra và xử lý văn bản. Bảo đảm biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho công tác kiểm tra và xử lý văn bản. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra và xử lý văn bản cho đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản, công chức các phòng, ban chuyên môn thuộc cấp mình và công chức làm công tác kiểm tra văn bản của cấp huyện, cấp xã.

c) Phối hợp và tạo điều kiện để cơ quan chức năng kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Thực hiện việc gửi văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành và định kỳ thông tin, báo cáo về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định.

5. Tổ chức thực hiện:

- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

- Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

- Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc; định kỳ tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Duy Cường