Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015

_________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

KHOÁ XVI - KỲ HỌP THỨ 20

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi xem xét Tờ trình số 179 /TTr-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015, nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, tiếp thu các ý kiến tham gia của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 với các nội dung sau:

1. Quan điểm xây dựng và thực hiện chính sách

a) Các hộ vùng cao; hộ nghèo và cận nghèo ở vùng thấp:

- Kích thích tính tích cực, tự lực vươn lên của nhân dân vùng cao; hộ nghèo và cận nghèo ở vùng thấp chủ động đầu tư vào sản xuất, giảm nghèo nhanh và bền vững.

- Giảm bớt khó khăn do thiếu vốn cho sản xuất, tạo điều kiện từng bước tích lũy, mở rộng sản xuất và đi vào sản xuất hàng hóa dựa trên thế mạnh về đất đai, ưu thế về tiểu vùng khí hậu.

b) Tạo đòn bẩy, động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp.

c) Lựa chọn những khâu mang tính đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

d) Áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền công nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn liền với du lịch; giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị và lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh.

2. Chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp cho các hộ vùng cao, hộ nghèo và cận nghèo ở vùng thấp.

a) Chính sách hỗ trợ hộ vùng cao; hộ nghèo và cận nghèo ở vùng thấp

- Hỗ trợ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp:

+ Hỗ trợ 100% giá giống lúa lai, giống lúa thuần chất lượng cao, giống ngô lai, giống đậu tương, giống lạc và các giống tiến bộ kỹ thuật khác cho các hộ sản xuất theo kế hoạch hàng năm.

+ Ngoài hỗ trợ 100% giá giống lúa lai, giống lúa thuần chất lượng cao, giống ngô, còn hỗ trợ cho các hộ thêm phân bón vô cơ trên diện tích chuyển từ lúa 1 vụ sang 2 vụ hoặc vụ 2 trồng ngô. Mức hỗ trợ thêm 500.000 đồng/ha.

+ Hỗ trợ cho các hộ 100% giá nilon che mạ vụ đông xuân, 2 năm/lần.

+ Hỗ trợ 100% giá thuốc bảo vệ thực vật cho diện tích bị sâu bệnh hại, khi có dịch hoặc khi có nguy cơ xảy ra dịch.

+ Hỗ trợ giống, phân bón và một phần nhân công cho các hộ trồng cây sơn tra lấy quả dưới tán rừng có diện tích tối thiểu là 5.000 m2. Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ phát triển chăn nuôi

+ Hỗ trợ 100% lượng vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm (Tụ huyết trùng trâu, bò; Tụ huyết trùng lợn; Dịch tả lợn; Lở mồm long móng và Niu-cát-sơn) và tiền công tiêm phòng gia súc, gia cầm bằng mức thu phí, lệ phí tiêm phòng theo quy định được Bộ Tài chính ban hành (Mục hỗ trợ này áp dụng cho cả các xã vùng cao trong tỉnh).

+ Hỗ trợ một lần kinh phí trang bị tủ thuốc thú y (dụng cụ thú y, phích bảo quản, túi thuốc,…) đối với các xã chưa được hỗ trợ ở giai đoạn 2006 - 2010. Mức hỗ trợ: 3,0 triệu đồng/tủ/xã.

+ Hỗ trợ một lần cho các hộ trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc có diện tích tôí thiểu là 360 m2. Mức hỗ trợ: 3,0 triệu đồng/ha. 

+ Hỗ trợ một lần chăn nuôi lợn, gia cầm để xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh môi trường, mua con giống, mua thuốc phòng, chữa bệnh cho các hộ đầu tư chăn nuôi theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ chăn nuôi lợn thịt có quy mô tối thiểu là 50 con/lứa, cứ tăng thêm 50 con thì hỗ trợ thêm 10 triệu đồng; Hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô tối thiểu là 10 nái sinh sản; Hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô tổi thiểu 500 con/lứa, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ có quy mô tối thiểu 1.000 con /lứa, hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở có quy mô tối thiểu 2.000 con/lứa (chỉ áp dụng cho đối tượng mới, phát sinh áp dụng từ năm 2011, không áp dụng cho mô hình cải tạo, chăn nuôi từ những năm trước).

+ Hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng cho hộ nuôi gà thả vườn có quy mô từ 100 con/lứa đến 150 con/lứa, hỗ trợ 2,0 triệu đồng cho hộ có quy mô trên 150 con/lứa.

+ Hỗ trợ một lần cho các hộ nuôi ong lấy mật có từ 10 tổ trở lên. Mức hỗ trợ 150.000 đồng/tổ.

- Hỗ trợ khai hoang ruộng nước: Hỗ trợ kinh phí khai hoang chuyển diện tích đang bỏ hoang, diện tích nương rẫy (khoảng 200 ha đã có quy hoạch thuỷ lợi: Mù Cang Chải 120 ha, Trạm Tấu 80 ha) thành diện tích lúa ruộng. Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha.

b) Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo (chính sách này thay thế chính sách quy định tại Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND, ngày 17 tháng 7 năm 2009 về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo tỉnh Yên Bái).

- Hỗ trợ mua trâu cái sinh sản:

+ Đối với cá hộ nghèo thuộc huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải được hưởng các chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu theo chính sách quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BNN, ngày 26 tháng 2 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ (trường hợp các hộ nghèo tại huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải không thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, thì được hưởng hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò theo các chính sách của tỉnh ban hành, từ nguồn ngân sách địa phương).

+ Hỗ trợ mua giống trâu, bò cái sinh sản cho các hộ nghèo tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại: Cho vay không lãi từ nguồn ngân sách thực hiện thông qua Ngân hàng chính sách, thời gian không quá 5 năm.

+ Hỗ trợ 100% kinh phí mua trâu, bò đực giống đạt tiêu chuẩn cho các xã đặc biệt khó khó khăn, số lượng hỗ trợ 2 con/xã (1con trâu, 1 con bò); Căn cứ vào số lượng tổng đàn, số khu chăn nuôi tập trung chưa có trâu, bò đực giống để hỗ trợ thêm theo kế hoạch được duyệt. Mức hỗ trợ tối đa đối với trâu đực giống là 15 triệu đồng/con và đối với bò đực giống là 10 triệu đồng/con.

- Hỗ trợ một lần cho các hộ trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc có diện tích tối thiểu là 360 m2. Mức hỗ trợ: 3,0 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ làm chuồng trại: Mỗi hộ được hỗ trợ một triệu đồng để làm chuồng nuôi trâu, bò.

- Hỗ trợ tập huấn chuyển giao kỹ thuật: Mỗi hộ được 30.000 đồng để tham gia tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò.

- Hỗ trợ kinh phí quản lý: Tổng kinh phí quản lý (2%), trong đó: Cấp tỉnh 0,4%, cấp huyện 0,8 % và cấp xã 0,8 %. Kinh phí quản lý được sử dụng trong công tác xây dựng, triển khai, kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện đề án.

- Nguồn vốn đầu tư:

+ Nguồn vốn hỗ trợ mua giống trâu, làm chuồng trại, trồng cỏ và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tại huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải được bố trí bằng nguồn kinh phí do Trung ương cấp hàng năm theo Thông tu số 08/2009/TT-BNN, ngày 26 tháng 2 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

+ Nguồn vốn hỗ trợ tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội. Hàng năm theo kế hoạch, tỉnh bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh sang Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để thực hiện cho vay, tỉnh đảm bảo chi phí quản lý vốn hỗ trợ tại ngân hàng, xử lý rủi ro và được thống nhất cụ thể với Ngân hàng chính sách xã hội theo các quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao, đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Xây dựng chính sách hỗ trợ

- Hỗ trợ vùng lúa, vùng ngô hàng hóa chất lượng cao: Hỗ trợ kinh phí để tổ chức thực hiện đồn điền đổi thửa, kiên cố thủy lợi, giao thông nội đồng; xây dựng những cánh đồng sản xuất thâm canh công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban ngành (gọi tắt là ngành nông nghiệp ban hành, được sử dụng trong văn bản này).

- Hỗ trợ kinh phí sản xuất rau, củ quả, hoa cho hộ sản xuất xây dựng mô hình sản xuất theo kiểu trang trại công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành nông nghiệp ban hành.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành nông nghiệp ban hành. Hỗ trợ dự án chăn nuôi bò thịt hàng hóa và cải tạo đàn bò bằng giống ngoại hoặc giống lai có năng suất, chất lượng cao (không áp dụng cho giống bò địa phương). Chỉ hỗ trợ đối tượng đầu tư mới từ năm 2011; không áp dụng cho các hộ đã hưởng chính sách này từ những năm trước.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể cho phát triển sản xuất cây ăn quả đặc sản, năng suất, chất lượng cao theo quy hoạch được phê duyệt.

- Chính sách hỗ trợ trồng rừng kinh tế chỉ áp dụng cho các huyện, các xã vùng cao.

b) Phân công, phân cấp thực hiện: Tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm. Phân cấp cho cấp huyện quyết định các chương trình, dự án của huyện; quyết định kinh phí hỗ trợ cho các hộ theo chương trình, dự án và theo kế hoạch kinh phí của tỉnh hàng năm.

c) năm 2011, do chưa xây dựng được chính sách hỗ trợ cho các hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ cao; nên áp dụng cơ bản như chính sách hỗ trợ năm 2010, có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Điều 3. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái khóa XVI - Kỳ họp lần thứ 20 thông qua./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Xuân Lộc