Sign In

CHỈ THỊ

Về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong Giáo dục

__________________________

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục tỉnh Yên Bái đã được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện ở khắp các cấp học, ngànhhọc. Từ cơ sở vật chất hạ tầng đến chất lượng dạy và học của đội ngũ giáo viên và học sinh ngày được nâng cao, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục đang có xu hướng ngày càng phổ biến như: Tình trạng gian lận trong thi cử, trong cấp và sử dụng văn bằng chứng chỉ; tiêu cực trong tuyển sinh, chuyển trường ở các cấp học; lãng phí trong sử dụng Ngân sách Nhà nước, trong xây dựng trường, sở và mua sắm thiết bị trường học...

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg, ngày 08 tháng 9 năm 2006 "về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục" và hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Giáo dục - Đào tạo về "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục"; đồng thời nhằm chấn chỉnh và lập lại trật tự kỷ cương trong giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái chỉ thị:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục với yêu cầu:

a) Tập trung trí tuệ, tham mưu tích cực cho cấp uỷ Đảng và Chính quyền địa phương các cấp, huy động mọi nguồn lực đảm bảo các điều kiện cho dạy và học tích cực xã hội hoá giáo dục, có giải pháp hiệu quả, tập trung cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b) Chỉ đạo việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học; đổi mới công tác thi: tuyển sinh, tốt nghiệp, lên lớp; không áp đặt chỉ tiêu về kết quả thi một cách máy móc; đẩy mạnh việc xây dựng nền nếp, kỷ cương trong dạy và học; đồng thời kiên quyết chấn chỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm mọi tiêu cực trong giáo dục.

c) Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, khẩn trương có giải pháp tích cực để giải quyết những bất cập hiện nay về cơ cấu giáo viên, các môn học, ngành học và vùng miền; coi trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp nhà giáo, thường xuyên tự học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

d) Tăng cường công tác quản lý giáo dục, quy định phân cấp rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng cấp quản lý giáo dục; củng cố và làm tốt công tác thanh tra giáo dục các cấp, chú trọng công tác kiểm tra tại các đơn vị trường học. Nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá giáo dục góp phần xây dựng môi trường giáo dục ngày càng phát triển lành mạnh.

2. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục nghiêm túc thực hiện chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên không phải chỉ riêng ngành Giáo dục và Đào tạo mà là nhiệm vụ của cấp uỷ Đảng, Chính quyền địa phương các cấp. Quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tích cực kiểm tra, chấn chỉnh nền nếp dạy và học ở các nơi có lớp phổ cập, hạn chế thấp nhất việc chuyển học sinh Trung học cơ sở, học sinh Tiểu học sang học tập hệ không chính qui; có biện pháp tích cực giảm tỷ lệ lưu ban, chống bỏ học. Trước mắt, cần tăng cường các hoạt động tích cực để tổ chức thực hiện cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" tại địa phương.

3. Các ngành có các cơ sở giáo dục và đào tạo, dạy nghề trực thuộc: Cần chủ động phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; thông báo cho Sở Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Các nhà trường xây dựng các chương trình phối hợp với gia đình và Hội phụ huynh học sinh giáo dục con em mình thái độ học tập đúng đắn, trung thực với mục tiêu vì chất lượng cuộc sống, vì sự cầu thị, tiến bộ để phát triển, không tiếp tay cho các hiện tượng tiêu cực.

5. Các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương chủ động phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo xây dựng các chương trình truyền hình, phát thanh, báo điện tử, báo chí khác phản ánh kịp thời các nội dung trên và các hoạt động của các cấp, các ngành, của ngành Giáo dục vàĐào tạo đối với cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổng hợp tình hình và báo cáo theo định kỳ 3 tháng một lần kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này của các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Xuân Lộc