CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác thanh tra, thực hiện các kết luận
sau thanh tra trên địa bàn tỉnh Yên Bái
____________________
Thời gian qua, nhất là từ khi Luật Thanh tra có hiệu lực thi hành (01/10/2004), công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác thanh tra có nhiều đổi mới, thực hiện đúng chương trình, kế hoạch, đúng trọng tâm, trọng điểm theo định hướng chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thiết lập kỷ cương xã hội.
Tuy nhiên, có lúc, có nơi, công tác thanh tra còn bị động; một số kết luận thanh tra chưa được đối tượng chấp hành nghiêm túc; có kết luận, kiến nghị xử lý về kinh tế, về hành chính đối với cán bộ vi phạm chưa được cơ quan có liên quan quan tâm kiểm tra, đôn đốc thực hiện kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân một số huyện, xã, phường, thị trấn chưa quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách, đặc biệt là việc xử lý kết luận sau thanh tra; lực lượng, đội ngũ cán bộ thanh tra còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ; chưa có ý thức phấn đấu tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và chính trị, còn thiếu sự chủ động trong công tác thanh tra.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt một số nội dung công việc sau đây:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị) tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh tra. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII “Tăng cường tổ chức và hoạt động thanh tra, coi đó là công cụ quan trọng và hữu hiệu để bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước; thiết lập kỷ cương xã hội”.
2. Thanh tra tỉnh:
a) Hàng năm, căn cứ định hướng kế hoạch công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, Chương trình, kế hoạch công tác thanh tra được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, chủ động hướng dẫn các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra. Phối hợp, rà soát chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các trường hợp chồng chéo, trùng lắp về nội dung thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch về biên chế, cán bộ cho cơ quan Thanh tra tỉnh. Cùng với các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức thanh tra trực thuộc bố trí đủ biên chế, cán bộ thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho cán bộ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cấp, ngành mình bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đối với những tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp cần phải có sự thanh tra, kiểm tra về nhiều lĩnh vực thì thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để giảm bớt cuộc thanh tra, kiểm tra và tránh gây phiền hà cho đối tượng được thanh tra. Trước mắt có kế hoạch, biện pháp cụ thể giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại kéo dài, không để phát sinh phức tạp, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân.
4. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có quyết định thành lập Đoàn hoặc cử Thanh tra viên, chuyên viên tiến hành thanh tra, kiểm tra phải thường xuyên chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra. Kết thúc thanh tra, kiểm tra, các Đoàn thanh tra, kiểm tra phải có kết luận bằng văn bản theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra.
5. Trong quá trình thanh tra, các Đoàn thanh tra và Thanh tra viên phải thực thi theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thực hiện xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Khi có kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng được thanh tra phải có biện pháp khắc phục, xử lý nghiêm, kịp thời và báo cáo kết quả biện pháp khắc phục, xử lý với cơ quan đã ra quyết định thanh tra. Các cơ quan Thanh tra hoặc người phụ trách công tác thanh tra phải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra và tổ chức phúc tra các kết luận thanh tra khi cần thiết. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật, kể cả với cán bộ thanh tra và đối tượng thanh tra.
Từ nay đến hết năm 2010, Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thị xã, thành phố, Thanh tra các Sở, ban ngành cần tập trung thực hiện Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt. Có Kế hoạch cụ thể, tránh bị động khi có yêu cầu thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Trung ương, ngành và tỉnh.
6. Cơ quan Thanh tra cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các sở, các ngành trong khối nội chính và Ủy ban Kiểm tra Đảng, để nắm chắc tình hình, trong đó có công tác tổ chức, cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, các ngành. Nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời thông tin liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây phức tạp nội bộ. Chủ động phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, lãng phí. Triển khai có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Quyết định số 1536/QĐ-UBND ngày 08/10/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Thực hiện tốt Quy chế tiếp công dân được ban hành kèm theo Quyết định số 28/2009/QĐ-UBND ngày 07/12/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế số 01/QCPH/TTr-UBKTTU-CA-VKSND-TAND ngày 31/7/2009 của Thanh tra tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh về phối hợp công tác giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm tra Đảng và các cơ quan Tư pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, công khai và chế độ thông tin, báo cáo theo quy định trước ngày 25 hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh). Thanh tra tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện và định kỳ hàng tháng báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.