QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ
an ninh, trật tự của lực lượng Công an xã" giai đoạn 2013-2020
__________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành VB QPPL của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;
Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 của Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, khóa XVII tại kỳ họp thứ 8 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an xã”;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 1087/TTr-CAT-PV28 ngày 09/9/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng Công an xã” giai đoạn 2013 - 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định của UBND tỉnh Yên Bái ban hành trước đây trái với nội dung Đề án ban hành kèm theo Quyết định này không còn giá trị thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Phạm Duy Cường
|
ĐỀ ÁN
Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ an ninh
trật tự của lực lượng Công an xã giai đoạn 2013 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái)
_______________________
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Căn cứ vào vị trí, vai trò, chức năng của Công an xã trong công tác đảm bảo An ninh trật tự
Tại Điều 3 Pháp lệnh Công an xã đã xác định vai trò, chức năng quan trọng của lực lượng Công an xã, là lực lượng tham mưu nòng cốt, xung kích trong công tác đảm bảo An ninh trật tự ở cơ sở.
2. Yêu cầu hiện nay trong công tác đấu tranh bảo vệ An ninh trật tự
Trong những năm qua, tình hình ANTT có diễn biến phức tạp, trên lĩnh vực ANCT, tình hình xuất nhập cảnh trái phép; di dịch cư tự do; tuyên truyền phát triển đạo trái phép vào vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao; tình hình đơn thư khiếu kiện về việc thực hiện chế độ, chính sách, đền bù giải phóng mặt bằng v.v… có chiều hướng gia tăng. Trên lĩnh vực TTXH: Tình hình vi phạm trật tự quản lý kinh tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản và khoáng sản trái phép, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, hoạt động của tội phạm về ma tuý còn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, đối tượng nghiện ma tuý gia tăng; tội phạm cướp, hiếp dâm, trộm cắp tài sản, đánh bạc; tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn xảy ra nhiều. Công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực ANTT ở cở sở chưa chặt chẽ, còn sơ hở nên các đối tượng đã lợi dụng hoạt động và vi phạm pháp luật. Do vậy, công tác ANTT phải được đảm bảo ngay từ cơ sở. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong công tác đấu tranh bảo vệ An ninh trật tự hiện nay.
II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
- Kiện toàn lực lượng Công an xã một cách khoa học, đảm bảo về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở trong tình hình mới.
- Đảm bảo về chính sách, điều kiện, phương tiện, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an xã.
- Việc xây dựng Đề án dựa trên cơ sở tổ chức, biên chế, trang bị hiện có để củng cố, xây dựng lực lượng Công an xã.
- Đề án được xây dựng, triển khai từ năm 2013 đến năm 2020.
III. NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Về số lượng dự kiến bố trí như sau:
Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT với 292 thôn, bản, tổ, khu phố trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Hiện có 18 xã, thị trấn loại I với 156 thôn, bản, tổ, khu phố loại I (trong đó có 07 xã, thị trấn nằm trong số xã trọng điểm, phức tạp về ANTT);
109 xã, thị trấn loại II với 1028 thôn, bản, tổ, khu phố loại II (trong đó có 14 xã, thị trấn nằm trong số xã trọng điểm, phức tạp về ANTT);
42 xã, thị trấn loại III với 321 thôn, bản, tổ, khu phố loại III (trong đó có 02 xã nằm trong số xã trọng điểm, phức tạp về ANTT);
- Mỗi xã loại I, xã loại II và xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (kể cả thị trấn loại I, loại II - nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy): bố trí 02 Phó Công an. Xã loại III bố trí 01 phó Công an.
Xã loại I, loại II, loại III bố trí 03 Công an viên làm nhiệm vụ thường trực, như vậy số lượng Phó Công an xã và Công an viên thường trực là:
Xã loại I: 18 xã x 5 = 90 người
Xã loại II: 109 xã x 5 = 545 người
Xã trọng điểm, phức tạp thuộc xã loại III: 2 xã x 5 = 10 người
Xã loại III: 40 xã x 4 = 160 người
Tổng số: 805 người.
- Mỗi thôn, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về ANTT, xã loại I, loại II bố trí 02 Công an viên, cụ thể là: 1476 thôn, bản x 2 = 2952 người.
- Các thôn, bản thuộc xã loại III bố trí 01 Công an viên, cụ thể là: 321 thôn, bản x 1 = 321 người.
Tổng cộng là 4247 người.
- Xã loại III (kể cả thị trấn loại III, nơi chưa bố trí lực lượng Công an chính quy): bố trí 01 Phó Công an và 03 Công an viên làm nhiệm vụ thường trực. Thôn, bản, tổ, khu phố bố trí 01 Công an viên/thôn, bản, tổ, khu phố.
Với mô hình trên, dự kiến nhu cầu bố trí lực lượng Công an xã tại 169 đơn vị xã, thị trấn như sau: Tổng số 4247 người, trong đó Trưởng Công an xã 169 người; Phó trưởng Công an xã 298 người; Công an viên 3780 người (trong đó Công an viên thường trực tại xã là: 507 người; Công an viên thôn, bản, tổ, khu phố 3273 người).
2. Dự trù các nguồn kinh phí
2.1. Chi trả lương cho Trưởng Công an xã, Phó Công an xã và Công an viên hằng năm hưởng lương theo quy định pháp luật hiện hành.
- Chi trả cho phó Công an xã tăng thêm: Được hưởng phụ cấp bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở, cụ thể:
129 đồng chí x 1.150.000đ/tháng x 12 tháng = 1.780.200.000đ
(Một tỷ bảy trăm tám mươi triệu hai trăm ngàn đồng chẵn).
- Chi trả cho Công an viên thường trực và Công an viên thôn, bản: Được hưởng phụ cấp bằng hệ số 0,8 mức lương cơ sở, cụ thể:
1983 đồng chí x 920.000đ/tháng x 12 tháng = 21.892.320.000đ
(Hai mốt tỷ tám trăm chín hai triệu ba trăm hai mươi ngàn đồng chẵn).
Tổng cộng mục 2.1: 23.672.520.000đ (Hai mươi ba tỷ sáu trăm bảy hai triệu năm trăm hai mươi ngàn đồng).
Như vậy: Kinh phí địa phương chi trả tăng lên: 23.672.520.000đ (Hai mươi ba tỷ sáu trăm bảy hai triệu năm trăm hai mươi ngàn đồng).
2.2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện hằng năm
- Kinh phí đào tạo một lớp Trung cấp Trưởng Công an xã: một khoá học 2 năm, do ngân sách Trung ương cấp.
- Kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ Công an xã.
Tổng số 43 lớp, kinh phí là: 3.085.700.000đ (Ba tỷ không trăm tám nhăm triệu bảy trăm ngàn đồng chẵn), do ngân sách địa phương chi trả (Phụ lục I kèm theo)
2.3. Trang bị công cụ hỗ trợ, tủ sắt, bàn ghế (cấp lần đầu)
Đề nghị Bộ Công an trang bị cho Trưởng Công an xã, thị trấn 01 khẩu súng bắn đạn hơi cay, 01 gậy điện, 04 khoá số 8, mỗi đồng chí Công an viên một gậy cao su.
Dự kiến kinh phí như sau:
- Súng bắn hơi cay: Tổng số 169 xã, thị trấn x 6.000.000đ/khẩu = 1.014.000.000đ (Một tỷ không trăm mười bốn triệu đồng chẵn).
- Gậy điện: Tổng số 169 xã, thị trấn x 3.000.000đ/gậy = 507.000.000đ (Năm trăm linh bảy triệu đồng chẵn).
- Khoá số 8: Tổng số 169 xã, thị trấn mỗi xã 04 chiếc: 169 xã, thị trấn x 300.000đ/chiếcx 4 = 202.800.000 (hai trăm linh hai triệu tám trăm ngàn đồng ngàn đồng).
- Gậy cao su Việt Nam: Tổng số: 3780 đ/c Công an viên x 100.000đ/chiếc = 378.000.000đ (Ba trăm bảy mươi tám triệu đồng chẵn); đã cấp 1797
- Tủ sắt 04 ngăn: Bộ Công an đã cấp đủ đến năm 2013 mỗi xã, thị trấn 01 chiếc.
- Bàn ghế: Tổng số: 1.300.000đ/bộ x 169 xã/thị trấn = 219.700.000đ (Hai trăm mười chín triệu bảy trăm nghìn đồng chẵn).
Tổng cộng mục 2.3: 2.321.500.000đ (Hai tỷ ba trăm hai mốt triệu năm trăm nghìn đồng chẵn).
2.4. Trang phục Công an xã, thị trấn
Trang phục Công an xã được may đo, mua sắm, cấp theo quy định của Nghị định 73/NĐ-CP, tổng chi cho 1 đồng chí Công an xã trong 1 năm là: 1.425.000đ (Một triệu bốn trăm hai lăm ngàn đồng) (Phụ lục II kèm theo).
Tổng số kinh phí trang phục Công an xã toàn tỉnh một năm: 4247x 1.425.000đ = 6.051.975.000đ (Sáu tỷ không trăm năm mốt triệu chín trăm bảy nhăm ngàn đồng chẵn). Hằng năm tỉnh đã cấp là: 3.675.000.000đ, số tăng thêm hằng năm là: 2.376.975.000đ (Hai tỷ ba trăm bảy sáu triệu chín trăm bảy nhăm ngàn đồng).
2.5. Trụ sở làm việc của Công an xã
Hiện nay lực lượng Công an xã toàn tỉnh được xây dựng như sau: Tổng số 169 xã, thị trấn, trong đó: Công an xã có trụ sở làm việc riêng: 28 đơn vị. Công an xã có phòng làm việc riêng: 95 đơn vị. Công an xã có phòng làm việc chung với dân quân xã: 46 đơn vị.
Dự kiến đến năm 2020:Căn cứ vào điều kiện kinh phí của địa phương, nên chỉ xây dựng 46 trụ sở làm việc mới ở các xã Công an xã làm việc chung với dân quân xã. Dự kiến mỗi trụ sở làm việc có 05 phòng gồm: 01 phòng làm việc của Trưởng, phó Công an xã, 01 phòng làm việc sinh hoạt chung, 01 phòng nghỉ, 01 phòng bếp ăn, 01 phòng vệ sinh chung. Dự trù kinh phí xây dựng 01 trụ sở Công an xã: 1.000.000.000đ (một tỷ đồng). Bình quân hằng năm chi 6.600.000.000đ (sáu tỷ sáu trăm triệu đồng) (Phụ lục III kèm theo)
3. Chế độ chính sách
Theo quy định: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và các chế độ chính sách khác theo quy định hiện hành của Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn”.
a. Trưởng Công an xã hưởng lương theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
b. Phó Trưởng Công an xã hưởng phụ cấp bằng hệ số 1,0 mức lương cơ sở.
c. Công an viên thường trực tại xã và Công an viên thôn, bản hưởng mức phụ cấp bằng hệ số 0,8 mức lương cơ sở.
4. Kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã.
5. Lộ trình thực hiện Đề án
5.1 Năm 2013:
Căn cứ vào thực tế tình hình ANTT ở cơ sở và ngân sách của địa phương,trong năm 2013, bố trí thêm cho 23 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự mỗi xã 01 Phó Công an xã.
Ngân sách bố trí cho phần tăng thêm là: 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) gồm: Phụ cấp, trang phục cấp lần đầu, bồi dưỡng nghiệp vụ.
5.2. Từ năm 2014 đến năm 2020:
- Về khoản lương, phụ cấp cho lực lượng Công an xã tăng lên hằng năm trong toàn tỉnh (23.672.520.000đ), sau khi Trung ương phê duyệt và cấp bổ xung ngân sách, tỉnh Yên Bái sẽ xem xét, cân đối để triển khai thực hiện.
- Trước mắt hằng năm, ngân sách chi trả phụ cấp cho Phó Công an ở 169 xã, thị trấn, 23 Phó Công an xã tăng thêm tại 23 xã trọng điểm, phức tạp về An ninh trật tự và số Công an viên hiện có; các xã còn lại sẽ thực hiện khi được Trung ương phê duyệt và cấp bổ xung ngân sách.
- Về trụ sở làm việc, trang phục, công cụ hỗ trợ, kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ Công an xã, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, hằng năm tỉnh xem xét, cân đối hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để thực hiện cho phù hợp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh
Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
a. Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành liên quan chỉ đạo việc thực hiện soạn thảo chương trình, nội dung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục xác định xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự (nếu có), báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét quyết định. Căn cứ vào khung số lượng Phó Trưởng Công an xã, Công an viên và tình hình thực tế của địa phương, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó Trưởng Công an xã, Công an viên ở từng xã.
b. Lập dự trù kinh phí phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, xây dựng trụ sở làm việc; kinh phí mua sắm trang thiết bị, sổ sách, biểu mẫu, phương tiện phục vụ công tác của Công an xã; vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận Công an xã, kinh phí tổng kết khen thưởng, chi khác báo cáo Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp, hỗ trợ hằng năm.
c. Chỉ đạo Công an huyện, thị xã, thành phố, các phòng chức năng trong công tác tuyển chọn, bố trí, đào tạo nhân sự, thực hiện chính sách theo quy định cho Công an xã.
d. Hướng dẫn, quản lý việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.
đ. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng và địa phương giải quyết hoặc báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện những nội dung của Đề án.
2. Sở Nội vụ
Phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm cho lực lượng Công an xã toàn tỉnh.
3. Sở Tài chính
a. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nội vụ dự toán cụ thể mức kinh phí phục vụ nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng; kinh phí mua sắm, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận Công an xã, trụ sở làm việc.
b. Hằng năm, căn cứ chế độ quy định và lộ trình thực hiện của Đề án, có trách nhiệm tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách địa phương bảo đảm triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành của nhà nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính tổng hợp và cân đối kế hoạch đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng Công an xã, thị trấn.
b. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Công an xã, thị trấn hằng năm, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
5. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh
Phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ban ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp theo dõi việc thực hiện Đề án.
6. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
Chủ động trong việc lập kế hoạch xây dựng trụ sở làm việc; lập dự trù kinh phí cho huyện, thị xã, thành phố báo cáo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chỉ đạo thực hiện./.