NGHỊ ĐỊNH
Quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước
đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ "Quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước";
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh bao gồm:
Chi cho công tác quốc phòng, an ninh thuộc nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ;
Chi cho công tác quốc phòng, an ninh ở các cơ quan Trung ương và các địa phương. Khoản chi này được tính trong dự toán ngân sách của các cơ quan và của địa phương.
Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hướng dẫn nội dung chi tiết từng nhiệm vụ chi cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Điều 2. Mọi khoản thu từ lĩnh vực quốc phòng, an ninh đều phải nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, trừ những khoản thu được Chính phủ cho phép để lại chi theo chế độ.
Điều 3. Mọi khoản chi trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đều phải kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với đặc thù quốc phòng, an ninh và tính chất, nội dung từng khoản chi.
Điều 4. Lập, chấp hành, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được thực hiện theo từng cấp dự toán.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý ngân sách của các đơn vị trực thuộc. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ thực hiện quản lý đến đơn vị dự toán cấp 2 được quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 18 Nghị định này.
CHƯƠNG II
LẬP DỰ TOÁN NGÂN SÁCH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 5. Căn cứ để lập dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ:
Định hướng xây dựng và phát triển lực lượng quốc phòng, an ninh chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại trong phạm vi kế hoạch 5 năm và các mục tiêu lâu dài của Đảng và Nhà nước;
Nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh;
Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ;
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách năm sau; Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về lập dự toán ngân sách và các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ;
Tình hình thực hiện dự toán ngân sách các năm trước;
Số kiểm tra về dự toán ngân sách do cơ quan có thẩm quyền thông báo;
Quân số, biên chế, trang bị, khối lượng xây dựng, bảo quản trong năm;
Chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành.
Điều 6. Yêu cầu đối với dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ:
1. Dự toán ngân sách năm phải lập theo đúng quy định, mẫu biểu báo cáo và thời gian do Bộ Tài chính hướng dẫn; phải thể hiện đầy đủ các khoản thu, chi, kể cả các khoản thu được để lại bổ sung ngân sách và chi tiết các khoản chi từ nguồn thu này;
2. Dự toán ngân sách năm phải kèm theo báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán. Những khoản chi có yêu cầu bảo mật cao theo quy định của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là "khoản chi có yêu cầu bảo mật cao") chỉ ghi số tổng hợp, không thuyết minh chi tiết.
Điều 7. Căn cứ vào quyết định của cấp có thẩm quyền về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, số kiểm tra và hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn các đơn vị, các cơ quan chức năng, các ngành nghiệp vụ thuộc Bộ lập dự toán thu, chi ngân sách cho năm kế hoạch.
Điều 8.
1. Các đơn vị dự toán ngân sách thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và tình hình thực tế của đơn vị, lập dự toán ngân sách cấp mình, gửi lên cấp trên theo quy định phân cấp hiện hành của từng Bộ.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ xem xét dự toán ngân sách do các đơn vị trực thuộc lập; tổng hợp, lập dự toán ngân sách của Bộ, gửi Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, trình Chính phủ.
Điều 9.
Cơ quan quân sự, công an địa phương lập dự toán ngân sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Dự toán ngân sách do cơ quan quân sự, công an địa phương lập phải phân rõ:
Phần do ngân sách trung ương đảm bảo, tổng hợp gửi lên cấp trên theo phân cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ;
Phần do ngân sách địa phương đảm bảo, gửi cơ quan tài chính địa phương cùng cấp để trình Hội đồng nhân dân địa phương quyết định, đồng gửi cơ quan cấp trên để tổng hợp. Khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về dự toán ngân sách giao cho đơn vị mình, cơ quan quân sự, công an địa phương báo cáo lên cấp trên theo từng cấp để Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổng hợp.
Điều 10. Các cơ quan Trung ương lập dự toán chi cho công tác quốc phòng, an ninh thuộc nhiệm vụ của mình trong dự toán ngân sách của cơ quan theo đúng quy định hiện hành.
CHƯƠNG III
CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 11. Sau khi được Chính phủ giao dự toán ngân sách, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phân bổ dự toán ngân sách được giao cho các đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc, bảo đảm phù hợp với dự toán ngân sách được giao. Kết quả phân bổ dự toán ngân sách, kể cả việc phân bổ tiếp số dự toán đầu năm chưa phân bổ hết, cho các đơn vị dự toán cấp 2 và số chi tập trung của Bộ, phải gửi Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
Điều 12. Điều kiện chi ngân sách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh:
1. Đã có trong dự toán ngân sách được giao. Trường hợp đặc biệt chưa có trong dự toán, phải được cấp có thẩm quyền quyết định;
2. Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành áp dụng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
3. Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền chuẩn chi;
4. Ngoài các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3 của Điều này, trường hợp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các công việc khác phải đấu thầu thì còn phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Chính phủ, trừ những công việc có yêu cầu bảo mật cao.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, cấp phát chi ngân sách trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
1. Bộ Tài chính:
a) Kiểm tra việc phân bổ dự toán ngân sách năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cho các đơn vị trực thuộc;
b) Thông báo hạn mức chi hàng quý cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, phù hợp với nội dung và tiến độ thực hiện nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán ngân sách năm được duyệt;
c) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ trong việc phân phối hạn mức chi hàng quý cho các đơn vị dự toán cấp 2;
d) Kiểm tra mục đích, tính chất của từng khoản chi, đảm bảo đủ các điều kiện chi theo quy định, trước khi ra lệnh xuất quỹ ngân sách trong trường hợp Bộ Tài chính cấp bằng lệnh chi tiền;
đ) Kiểm tra việc sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng ngân sách, sau khi đã thỏa thuận với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ.
2. Cơ quan tài chính địa phương:
a) Thông báo hạn mức chi hàng quý phần do ngân sách địa phương đảm bảo cho cơ quan quân sự, công an địa phương cùng cấp;
b) Kiểm tra việc sử dụng ngân sách của các cơ quan quân sự, công an địa phương đối với phần do ngân sách địa phương đảm bảo.
3. Cơ quan Kho bạc Nhà nước:
Kiểm tra lệnh chuẩn chi; nếu lệnh chuẩn chi phù hợp với hạn mức chi do cơ quan có thẩm quyền thông báo và đảm bảo các điều kiện chi quy định tại Điều 12 của Nghị định này thì thanh toán cho người nhận tiền. Đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật cao, không kiểm tra chi tiết nội dung từng khoản chi.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ:
a) Phân bổ dự toán ngân sách năm cho các đơn vị trực thuộc theo đúng nhiệm vụ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
b) Căn cứ vào hạn mức chi hàng quý được Bộ Tài chính thông báo, sau khi trao đổi với Bộ Tài chính, phân phối hạn mức chi hàng quý cho các đơn vị dự toán cấp 2; đồng gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch và tổng hợp gửi Bộ Tài chính;
c) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng ngân sách của các đơn vị trực thuộc;
d) Tổ chức kiểm soát chi đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật cao do các đơn vị trực thuộc thực hiện.
5. Đơn vị sử dụng ngân sách:
a) Chuẩn chi đúng chế độ, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành, theo mức chi được phân phối;
b) Quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.
Điều 14. Cấp phát kinh phí thường xuyên cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, trừ khoản chi có tính chất xây dựng cơ bản:
1. Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ lập dự toán ngân sách chi hàng quý gửi cơ quan cấp trên trực tiếp; Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổng hợp gửi Bộ Tài chính.
2. Bộ Tài chính thẩm tra dự toán chi quý của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và căn cứ vào khả năng ngân sách nhà nước để bố trí mức chi cho các Bộ và ủy quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phân phối hạn mức chi quý cho các đơn vị dự toán cấp 2.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ thông báo hạn mức chi hàng quý cho các đơn vị dự toán cấp 2 theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Nghị định này.
4. Các đơn vị dự toán cấp 2 căn cứ vào hạn mức chi được thông báo, rút kinh phí chuyển cho đơn vị trực thuộc hoặc chi tiêu theo quy định.
Ngoài tài khoản hạn mức, các đơn vị dự toán cấp 2 được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước để nhận và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
5. Đơn vị dự toán từ cấp 3 trở xuống theo quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 và điểm c, d khoản 2 Điều 18 Nghị định này được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để nhận kinh phí của cấp trên, cấp cho cấp dưới hoặc chi tiêu theo mục chi của Mục lục ngân sách nhà nước.
6. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ vào mức chi hàng quý được phân phối và nhu cầu chi của đơn vị mình, ra lệnh chuẩn chi, kèm theo hồ sơ thanh toán, trừ hồ sơ của các khoản chi có yêu cầu bảo mật cao, gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
7. Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ thanh toán và lệnh chuẩn chi của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, kiểm tra việc đảm bảo các điều kiện chi ngân sách, thực hiện việc cấp phát, thanh toán cho đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người cung ứng vật tư, dịch vụ.
8. Đối với các khoản chi đặc biệt theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và các khoản chi đột xuất, Bộ Tài chính cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ theo hình thức lệnh chi tiền.
9. Đối với những khoản chi bằng ngoại tệ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ lập dự toán chi hàng quý gửi Bộ Tài chính xét duyệt và cấp phát theo chế độ hiện hành.
Điều 15. Cấp phát vốn đầu tư xây dựng trong dự toán chi thường xuyên của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ:
1. Hàng quý, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổng hợp dự toán chi đầu tư xây dựng của các đơn vị trực thuộc, chi tiết theo các đơn vị dự toán cấp 2, gửi Bộ Tài chính.
2. Bộ Tài chính thẩm tra dự toán chi quý về vốn đầu tư xây dựng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, căn cứ vào khả năng ngân sách nhà nước, bố trí mức chi quý, thông báo cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ; đồng gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổ chức việc cấp phát cho các đơn vị theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ thực hiện việc thanh, quyết toán chi đầu tư và xây dựng với các đơn vị; tổng hợp báo cáo gửi Bộ Tài chính theo chế độ hiện hành.
Điều 16. Việc cấp phát vốn cho các dự án, công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung của Nhà nước, thực hiện qua hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển theo Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
Điều 17. Việc cấp phát vốn cho các dự án, công trình xây dựng cơ bản đặc biệt thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực hiện theo cơ chế riêng; Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết để Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ thực hiện.
CHƯƠNG IV
KẾ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 18. Kế toán ngân sách của các đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ chia thành các cấp sau đây:
1. Bộ Quốc phòng:
a) Bộ Quốc phòng là đơn vị dự toán cấp 1, quan hệ trực tiếp với Bộ Tài chính;
b) Quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, Tổng cục và đơn vị tương đương là đơn vị dự toán cấp 2, quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 1;
c) Sư đoàn và đơn vị tương đương là đơn vị dự toán cấp 3, quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 2 (Học viện, nhà trường và đơn vị tương đương trực thuộc Bộ là đơn vị dự toán cấp 3, được trực tiếp quan hệ với đơn vị dự toán cấp 1);
d) Trung đoàn và đơn vị tương đương là đơn vị dự toán cấp 4, quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 3;
đ) Các đơn vị trực thuộc không có ngân sách độc lập, là cấp dự toán chi tiêu cơ sở, kế toán thực hiện ghi chép việc nhận kinh phí do cấp trên cấp để chi và thanh, quyết toán kinh phí với cấp trên.
2. Bộ Nội vụ:
a) Bộ Nội vụ là đơn vị dự toán cấp 1, quan hệ trực tiếp với Bộ Tài chính;
b) Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Cục, Nhà trường và đơn vị tương đương trực thuộc Bộ, công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị dự toán cấp 2, quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 1;
c) Các trại giam thuộc Bộ, một số đơn vị công an quận, huyện và tương đương có chi tiêu lớn, chi tiêu đặc biệt được thành lập đơn vị dự toán cấp 3, quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 2;
d) Các đơn vị trực thuộc không có ngân sách độc lập, là cấp dự toán chi tiêu cơ sở, kế toán thực hiện ghi chép việc nhận kinh phí do cấp trên cấp để chi và thanh, quyết toán với cấp trên.
Điều 19. Các đơn vị dự toán thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phải tổ chức hạch toán kế toán, báo cáo và quyết toán ngân sách theo chế độ kế toán Nhà nước; chấp hành nghiêm chỉnh Pháp lệnh Kế toán thống kê. Việc vận dụng những nội dung cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của quốc phòng, an ninh phải được sự thỏa thuận của Bộ Tài chính.
Điều 20. Báo cáo kế toán và quyết toán phải đảm bảo chính xác, trung thực với số liệu đã ghi trong sổ kế toán. Nội dung báo cáo quyết toán phải phù hợp với nội dung ghi trong dự toán được duyệt và theo Mục lục ngân sách nhà nước.
Điều 21.
1. Việc xét duyệt quyết toán ngân sách của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được thực hiện theo nguyên tắc cấp trên duyệt cho cấp dưới;
2. Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán thu, chi ngân sách năm của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ. Tùy theo điều kiện và nội dung cụ thể, Bộ Tài chính có thể tham gia xét duyệt quyết toán năm của một số đơn vị dự toán cấp 2.
Điều 22. Cơ quan quân sự, công an địa phương quyết toán ngân sách năm (phần Ngân sách địa phương đảm bảo) với cơ quan tài chính địa phương.
Điều 23. Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiểm toán theo kế hoạch hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
CHƯƠNG V
QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC QUỐC PHÒNG, AN NINH
Điều 24. Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đúng mục đích, đúng chế độ với hiệu quả cao, bảo đảm an toàn, bí mật theo các quy định của cấp có thẩm quyền.
Điều 25. Tài sản Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quản lý, sử dụng bao gồm:
1. Tài sản chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, gồm trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện vũ khí, khí tài, doanh trại, sân bay, bến cảng, các công trình phòng thủ, công trình chiến đấu, đất dùng vào mục đích quân sự, cơ sở giam giữ và các tài sản khác phục vụ công tác nghiệp vụ quốc phòng, an ninh;
2. Tài sản phục vụ công tác quản lý, là những tài sản khác thuộc quyền quản lý, sử dụng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, nhưng không thuộc các loại tài sản nêu tại khoản 1 Điều này.
Điều 26.
1. Đối với tài sản chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổ chức quản lý, sử dụng theo quy chế riêng do cơ quan có thẩm quyền ban hành; định kỳ báo cáo các cơ quan hữu quan theo quy định của Chính phủ.
2. Đối với tài sản phục vụ công tác quản lý, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ tổ chức quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài sản nhà nước.
Điều 27. Tài sản tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ được quản lý theo quy chế hiện hành về quản lý tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 1998. Những nội dung khác về lập, chấp hành và quyết toán ngân sách không quy định trong Nghị định này, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ.
Những quy định trước đây về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trái với nội dung Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12 năm 1996 của Chính phủ và Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 29. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định này cho phù hợp với đặc điểm của từng Bộ.
Điều 30. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.