THÔNG TƯ
Quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
_____________________
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
1. Thông tư này quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là xe cơ giới) đã có biển số đăng ký hoặc đã qua sử dụng được phép nhập khẩu.
2. Thông tư này không áp dụng đối với các xe cơ giới sau đây:
a) Mô tô, xe gắn máy;
b) Xe cơ giới được cải tạo để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Xe cơ giới là các loại phương tiện giao thông cơ giới hoạt động trên đường bộ (trừ mô tô, xe gắn máy) được định nghĩa tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7271 - Phương tiện giao thông đường bộ - Ô tô - Phân loại theo mục đích sử dụng, kể cả ô tô sát-xi.
2. Tổng thành là động cơ, khung, buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng, thiết bị chuyên dùng lắp trên xe.
3. Hệ thống là hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động, hệ thống treo, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu.
4. Cải tạo xe cơ giới là việc thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, tổng thành của xe cơ giới. Trường hợp thay thế hệ thống, tổng thành bằng hệ thống, tổng thành khác cùng kiểu loại, của cùng Hãng sản xuất (cùng mã phụ tùng) thì không coi là cải tạo.
5. Xe cơ giới nguyên thủy là xe cơ giới không có sự thay đổi cấu tạo, hình dáng, bố trí, nguyên lý làm việc, thông số, đặc tính kỹ thuật của toàn bộ các hệ thống, tổng thành so với ban đầu của Hãng sản xuất.
6. Xe ô tô chở người là xe ô tô có kết cấu và trang bị dùng để chở người và hành lý mang theo.
7. Cơ quan thẩm định thiết kế là các Sở Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
8. Cơ sở thiết kế là tổ chức hành nghề kinh doanh dịch vụ thiết kế xe cơ giới.
9. Cơ sở thi công cải tạo là tổ chức hành nghề thi công cải tạo xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định.
10. Thẩm định thiết kế là việc xem xét, kiểm tra, đối chiếu các nội dung hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định có liên quan.
11. Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là việc kiểm tra, đánh giá xe cơ giới đã được thi công cải tạo theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định đảm bảo các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Điều 4. Các quy định khi cải tạo xe cơ giới
Xe cơ giới sau khi cải tạo phải thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông và phải đảm bảo tuân thủ các quy định sau đây:
1. Không được cải tạo thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của ô tô đến thời điểm thẩm định thiết kế cải tạo.
2. Không được cải tạo ô tô chuyên dùng nhập khẩu trong thời gian 05 năm và ô tô tải đông lạnh nhập khẩu trong thời gian 03 năm, kể từ ngày được cấp biển số đăng ký.
3. Không được cải tạo các xe ô tô khác thành xe ô tô chở khách (ô tô chở người).
4. Không được cải tạo ô tô chở người thành ô tô tải các loại, trừ trường hợp cải tạo ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả chỗ người lái) thành ô tô tải VAN.
5. Không được cải tạo ô tô đầu kéo thành ô tô tải (trừ ô tô tải chuyên dùng).
6. Không được cải tạo thay đổi kích cỡ lốp, số trục và vết bánh xe của ô tô.
7. Không được cải tạo thay đổi chiều dài cơ sở ô tô tải, kể cả khi cải tạo ô tô tải thành ô tô tải loại khác và ngược lại (trừ ô tô tải chuyên dùng và trường hợp cải tạo trở lại thành xe cơ giới nguyên thủy).
8. Không được cải tạo tăng kích thước dài, rộng, cao của thùng chở hàng ô tô tải (trừ ô tô tải chuyên dùng). Trường hợp cải tạo lắp đặt thành thùng kín, thêm khung mui che mưa, nắng bảo vệ hàng hóa, thì chiều cao toàn bộ của xe cơ giới sau cải tạo phải thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09: 2011/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô.
9. Không được cải tạo tăng kích thước dài, rộng, cao của thùng chở hàng ô tô tải tự đổ. Nếu cải tạo giảm kích thước thùng chở hàng phải đảm bảo thể tích chứa hàng của thùng chở hàng ô tô sau cải tạo thỏa mãn công thức sau:
Trong đó:
- V: Thể tích chứa hàng của thùng hàng (m3)
- Q: Trọng tải thiết kế (tấn)
10. Trọng lượng toàn bộ của xe cơ giới sau cải tạo phải đảm bảo:
a) Đối với ô tô khách: Không lớn hơn trọng lượng toàn bộ tương ứng với số người cho phép chở lớn nhất theo quy định của nhà sản xuất.
b) Đối với ô tô tải: Không lớn hơn trọng lượng toàn bộ lớn nhất của ô tô nguyên thủy và không vượt quá trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông.
11. Không sử dụng các hệ thống, tổng thành đã qua sử dụng trong cải tạo xe cơ giới, trừ tổng thành động cơ, thiết bị chuyên dùng. Các thiết bị nâng, xi téc chở hàng nguy hiểm, phải có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị xếp dỡ, nồi hơi, thiết bị áp lực sử dụng trong giao thông vận tải.
12. Trong suốt quá trình sử dụng, mỗi xe cơ giới chỉ được cải tạo, thay đổi một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc khung và không quá ba trong sáu hệ thống, tổng thành sau đây:
a) Hệ thống truyền lực bao gồm: ly hợp, hộp số, trục các đăng và truyền lực chính;
b) Hệ thống chuyển động bao gồm: bánh xe, cầu bị động;
c) Hệ thống treo;
d) Hệ thống phanh;
đ) Hệ thống lái;
e) Buồng lái, thân xe hoặc thùng hàng.
13. Việc cải tạo một hệ thống, tổng thành nếu dẫn đến việc ảnh hưởng tới đặc tính làm việc của các hệ thống, tổng thành có liên quan khác thì phải được xem xét, tính toán cụ thể và phải được coi là cải tạo cả hệ thống, tổng thành có liên quan.
Chương II
THIẾT KẾ VÀ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ
Điều 5. Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo
Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo bao gồm:
1. Thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới cải tạo gồm các phần sau:
a) Giới thiệu mục đích cải tạo;
b) Đặc tính kỹ thuật cơ bản của xe cơ giới trước và sau cải tạo;
c) Nội dung thực hiện cải tạo và các bước công nghệ thi công;
d) Tính toán các đặc tính động học, động lực học liên quan tới nội dung cải tạo;
đ) Tính toán kiểm tra sức bền các chi tiết liên quan tới nội dung cải tạo;
e) Những hướng dẫn cần thiết cho việc sử dụng xe cơ giới sau khi cải tạo;
g) Kết luận;
h) Mục lục;
i) Tài liệu tham khảo trong quá trình thiết kế.
2. Các bản vẽ kỹ thuật gồm:
a) Bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới trước khi cải tạo;
b) Bản vẽ bố trí chung của xe cơ giới sau khi cải tạo;
c) Bản vẽ lắp đặt tổng thành hệ thống được cải tạo hoặc thay thế;
d) Bản vẽ những chi tiết được cải tạo bao gồm cả hướng dẫn công nghệ và vật liệu được phép sử dụng khi cải tạo, thay thế.
Các bản vẽ kỹ thuật phải được trình bày theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
3. Bản thông số, tính năng kỹ thuật của các tổng thành, hệ thống mua mới liên quan tới nội dung tính toán thiết kế (bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ sở thiết kế).
Điều 6. Miễn lập hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo
Xe cơ giới cải tạo trong các trường hợp sau được miễn lập hồ sơ thiết kế:
1. Ô tô tải thông dụng cải tạo thùng hàng, lắp ráp khung mui theo thiết kế mẫu và ngược lại.
2. Ô tô tập lái, sát hạch lắp đặt bàn đạp phanh phụ bằng cách liên kết với bàn đạp phanh chính thông qua một thanh đòn dẫn động cơ khí và ngược lại.
3. Lắp thêm các nắp chắn bụi cho thùng hàng ô tô tải tự đổ.
Điều 7. Thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo
1. Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo phải được Cơ quan thẩm định thiết kế thẩm định và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này. Hiệu lực của Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo là 12 tháng kể từ ngày ký.
2. Cán bộ được giao thẩm định thiết kế của Cơ quan thẩm định thiết kế phải là kỹ sư cơ khí ô tô có Giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn nghiệp vụ về công tác cải tạo xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
3. Trong trường hợp các Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện để thẩm định thiết kế thì Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.
4. Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này.
b) 04 bộ hồ sơ thiết kế, thành phần theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực) của cơ sở thiết kế đối với trường hợp thẩm định thiết kế lần đầu.
d) Các bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ sở thiết kế: Giấy Đăng ký xe ô tô, Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển), Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu).
đ) Tài liệu kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo.
5. Trình tự, thủ tục thẩm định thiết kế
a) Tổ chức, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế theo quy định và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cơ quan thẩm định thiết kế;
b) Cơ quan thẩm định thiết kế tiếp nhận và kiểm tra thành phần hồ sơ; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết giấy hẹn thời gian trả kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế;
c) Cơ quan thẩm định thiết kế tiến hành thẩm định thiết kế; nếu hồ sơ thiết kế chưa đạt yêu cầu thì thông báo bổ sung, sửa đổi; nếu hồ sơ thiết kế đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo;
d) Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Cơ quan thẩm định thiết kế hoặc qua hệ thống bưu chính;
e) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thiết kế, Cơ quan thẩm định thiết kế cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo nếu hồ sơ đạt yêu cầu; hoặc thông báo cho tổ chức, cá nhân nếu hồ sơ không đạt yêu cầu.
6. Hồ sơ thiết kế sau khi được cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo được lưu tại Cơ quan thẩm định thiết kế và được gửi cho các cơ quan sau đây: Cơ sở thiết kế cải tạo, Cơ sở thi công cải tạo và Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu xe cơ giới cải tạo.
7. Khi có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định mới ban hành hoặc có sửa đổi trước ngày thiết kế được thẩm định, thì Cơ quan thẩm định thiết kế, Đơn vị đăng kiểm phải thông báo, hướng dẫn các cơ sở thiết kế bổ sung sửa đổi hồ sơ thiết kế mới.
Điều 8. Trách nhiệm thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo
1. Các Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo cho xe cơ giới có đăng ký biển số của địa phương mình theo quy định sau:
a) Cải tạo, lắp đặt các hệ thống, tổng thành: khung, truyền lực, treo, buồng lái, thân xe thùng hàng, hệ thống điện, hệ thống đèn chiếu sáng và tín hiệu của:
- Ô tô tải (theo danh mục từ 3.2.1 đến 3.2.9 của TCVN 7271);
- Ô tô tải chuyên dùng chở xe máy thi công (mục 3.2.10.2 của TCVN 7271);
- Sơ mi rơ moóc, rơ moóc;
- Ô tô chở người đến 25 chỗ (kể cả chỗ người lái).
b) Lắp đặt thêm thiết bị chuyên dùng phục vụ việc bốc xếp và chở hàng cho ô tô tải thông dụng; lắp đặt ghế ngồi trên thùng chở hàng của ô tô tải tập lái, sát hạch;
c) Cải tạo ô tô chở người thành ô tô cứu thương, ô tô tang lễ;
d) Cải tạo ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành ô tô tải VAN;
đ) Cải tạo thay thế động cơ khác loại của ô tô tải thông dụng, ô tô tải tự đổ, ô tô tải chuyên dùng chở xe máy thi công, ô tô chở người đến 25 chỗ (kể cả chỗ người lái) phải đảm bảo Động cơ thay thế có công suất lớn nhất, số vòng quay ứng với công suất lớn nhất, mô men xoắn lớn nhất, với thay đổi giảm không quá 10%, thay đổi tăng không quá 15%.
2. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo sau:
a) Cải tạo các hệ thống, tổng thành của:
- Ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, ô tô tải chuyên dùng.
- Ô tô chở người trên 25 chỗ (kể cả chỗ người lái).
b) Cải tạo thay đổi hệ thống lái, hệ thống phanh, hệ thống nhiên liệu của xe cơ giới;
c) Ô tô các loại cải tạo thành ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo và ngược lại; sơ mi rơ moóc và rơ moóc thông thường cải tạo thành sơ mi rơ moóc, rơ moóc chuyên dùng và ngược lại;
d) Thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới đối với trường hợp các Sở Giao thông vận tải không đủ điều kiện thẩm định thiết kế.
Chương III
THI CÔNG CẢI TẠO XE CƠ GIỚI, NGHIỆM THU VÀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XE CƠ GIỚI CẢI TẠO
Điều 9. Thi công cải tạo
1. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện tại các cơ sở sản xuất có đủ tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh ngành nghề cải tạo xe cơ giới phù hợp với các quy định pháp luật.
2. Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện theo đúng thiết kế đã được thẩm định, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
3. Xe cơ giới sau cải tạo xuất xưởng phải được Cơ sở thi công kiểm tra đảm bảo chất lượng sản phẩm. Kết quả kiểm tra được lập thành Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.
Điều 10. Nghiệm thu xe cơ giới cải tạo
1. Xe cơ giới sau khi đã thi công cải tạo theo thiết kế thẩm định phải được nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
2. Việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo được thực hiện tại các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc các Sở Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Thành phần nghiệm thu xe cơ giới cải tạo gồm Lãnh đạo Đơn vị đăng kiểm, các đăng kiểm viên có Giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn nghiệp vụ về công tác cải tạo xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này và Cơ sở thi công cải tạo xe.
3. Đối với trường hợp cải tạo khung xương ô tô khách thì phải được kiểm tra và nghiệm thu từng phần theo thiết kế tại cơ sở thi công.
4. Hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới cải tạo gồm:
a) Văn bản đề nghị kiểm tra chất lượng xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, Cơ sở thi công phải đăng ký kiểm tra nghiệm thu từng phần với Đơn vị đăng kiểm sẽ nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo;
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có chứng thực) của cơ sở thi công cải tạo đối với trường hợp kiểm tra chất lượng lần đầu;
c) Thiết kế đã được thẩm định;
d) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ sở thi công: Giấy Đăng ký xe ô tô, Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển), Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu);
đ) Ảnh chụp kiểu dáng; hệ thống, tổng thành cải tạo của xe cơ giới sau cải tạo.
e) Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo;
g) Giấy chứng nhận đối với các thiết bị đặc biệt, thiết bị chuyên dùng theo quy định.
5. Thiết bị kiểm tra: Việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo phải sử dụng các thiết bị, dụng cụ kiểm tra phù hợp để kiểm tra các hạng mục, hệ thống, tổng thành liên quan đến nội dung cải tạo theo quy định.
6. Kết quả nghiệm thu được lập thành Biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này.
7. Việc nghiệm thu các xe cơ giới cải tạo có cùng nhãn hiệu, số loại, động cơ, các kích thước cơ bản, trọng lượng và thi công theo cùng một thiết kế với xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo chỉ được thực hiện tại Đơn vị đăng kiểm đã nghiệm thu sản phẩm đầu tiên. Hồ sơ nghiệm thu gồm:
a) Văn bản cho phép của Cơ quan thẩm định thiết kế;
b) Hồ sơ nghiệm thu cải tạo đầy đủ theo quy định tại các điểm a, d, đ, e và điểm g khoản 4 Điều này.
Điều 11. Cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo
1. Xe cơ giới sau cải tạo đã nghiệm thu đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định hiện hành thì được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo gồm 02 liên cấp cho chủ xe để làm thủ tục kiểm định và đăng ký biển số.
3. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo là 06 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp chủ xe để quá thời hạn hiệu lực hoặc mất Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo thì phải đưa xe tới Đơn vị đăng kiểm đã nghiệm thu để kiểm tra và cấp lại.
Điều 12. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo
1. Tổ chức, cá nhân hoàn thiện 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 10 và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu cải tạo.
2. Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ: Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì hẹn thời gian kiểm tra xe cơ giới cải tạo tại Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới.
3. Đơn vị đăng kiểm tiến hành nghiệm thu xe cơ giới cải tạo. Nếu không đạt thì thông báo và hướng dẫn tổ chức, cá nhân khắc phục; nếu đạt thì cấp Giấy chứng nhận cải tạo cho tổ chức, cá nhân.
4. Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở Đơn vị đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính.
5. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho tổ chức, cá nhân là 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đạt yêu cầu.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM THI HÀNH
Điều 13. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
1. Tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới; quản lý dữ liệu xe cơ giới cải tạo của các Cơ quan thẩm định thiết kế, Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu cải tạo.
3. Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này.
4. Ban hành và công bố các thiết kế mẫu cho ô tô tải cải tạo thùng hàng, lắp ráp khung mui.
5. Tổ chức tập huấn và cấp Giấy chứng nhận đã tham gia tập huấn nghiệp vụ về công tác cải tạo xe cơ giới cho cán bộ, đăng kiểm viên thực hiện công tác cải tạo xe cơ giới;
6. Thống nhất phát hành, quản lý, hướng dẫn và kiểm tra sử dụng phôi Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo.
7. Tổng hợp kết quả thực hiện công tác cải tạo xe cơ giới để định kỳ báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Điều 14. Trách nhiệm của các Sở Giao thông vận tải
1. Bố trí cán bộ thực hiện thẩm định thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này.
2. Hướng dẫn các cơ sở thiết kế tại địa phương thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.
3. Thực hiện báo cáo, lưu trữ hồ sơ và sử dụng phần mềm quản lý xe cơ giới cải tạo đúng quy định. Gửi danh sách các cán bộ thẩm định thiết kế về Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 15. Trách nhiệm của các Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới
1. Nghiệm thu và cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo quy định tại Thông tư này.
2. Sử dụng phôi Giấy chứng nhận, phần mềm quản lý xe cơ giới cải tạo đúng quy định.
3. Truyền số liệu, gửi báo cáo định kỳ trước ngày 05 hàng tháng về việc nghiệm thu và sử dụng phôi Giấy chứng nhận theo mẫu tại Phụ lục VIII của Thông tư này về Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải.
4. Có trách nhiệm báo cáo, cung cấp đầy đủ hồ sơ, số liệu cho việc kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác cải tạo xe cơ giới.
Điều 16. Phí và lệ phí
Cơ quan thẩm định thiết kế, Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu cải tạo được thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành.
Điều 17. Lưu trữ hồ sơ
1. Hồ sơ thẩm định thiết kế được lưu trữ tại Cơ quan thẩm định thiết kế.
2. Hồ sơ nghiệm thu, bản sao chụp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo được lưu trữ tại Đơn vị đăng kiểm nghiệm thu cải tạo.
Chương V
HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2012 và bãi bỏ các văn bản sau đây:
a) Quyết định số 15/2005/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 02 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;
b) Điều 1 Thông tư số 37/2011/TT-BGTVT ngày 06 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BGTVT ngày 15 tháng 02 năm 2005, Quy định điều kiện thành lập và hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới ban hành kèm theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 09 năm 2005, Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2009 quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Thông tư số 22/2009/TT-BGTVT ngày 06 tháng 10 năm 2009 quy định về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
c) Nội dung tại các văn bản khác trái với quy định tại Thông tư này.
2. Các Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị đến hết thời hạn được cấp.
Điều 19. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.