Lên đầu trang
I. GIỚI THIỆU CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ PHÁP LUẬT

CSDLQG về pháp luật được xây dựng trên cơ sở quy định tại các văn bản: Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/05/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 ; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Quyết định số 1605/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Được xây dựng từ năm 2012, hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2013, CSDLQG về pháp luật bao gồm: Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật Trung ương (trong đó có 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán nhà nước) và 63 Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật địa phương. Qua một thời gian đưa vào khai thác và sử dụng chính thức trên mạng internet, CSDLQG về pháp luật đã cung cấp một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cho người dân và doanh nghiệp khai thác và sử dụng để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng và thi hành pháp luật. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2015/NĐ-CP, nhằm tạo hành lang pháp lý cho CSDLQG về pháp luật hoạt động hiệu quả, giúp người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thông tin pháp lý của Nhà nước.
Theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP, CSDLQG về pháp luật là cơ sở dữ liệu dùng chung cho các Bộ, ngành, địa phương, khi đưa vào sử dụng đã khắc phục được tình trạng trùng lặp, chồng chéo giữa các Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đồng thời chấm dứt tình trạng xây dựng tràn lan các Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật mà hiệu quả khai thác, sử dụng không cao ở cả Trung ương và địa phương. Nghị định cũng quy định việc thực hiện trích xuất CSDLQG về pháp luật về Cổng thông tin điện tử của của Bộ, ngành, địa phương, để tiến tới chỉ khai thác, sử dụng CSDLQG về pháp luật. Cho đến nay, nhiều bộ, ngành và hầu hết các tỉnh/thành phố trực thuộc TW trên cả nước đã thực hiện việc trích xuất CSDLQG về PL về Cổng thông tin điện tử của mình. Điều này tạo thuận lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp có thể tìm hiểu hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và của từng địa phương nói riêng.

II. SƠ LƯỢC MÔ HÌNH CSDLQG VỀ PHÁP LUẬT

CSDLQG về pháp luật tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là văn bản) dưới dạng văn bản điện tử do Chính phủ thống nhất quản lý, có địa chỉ truy cập vbpl.vn, bao gồm các Cơ sở dữ liệu thành phần: Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật Trung ương và Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương.
+ Cơ sở dữ liệu Văn bản pháp luật Trung ương: Là Cơ sở dữ liệu chứa văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương ban hành hoặc phối hợp ban hành. Các loại văn bản được quản lý bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật; Văn bản hợp nhất; Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
+ Cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật địa phương: là Cơ sở dữ liệu chứa văn bản quy phạm pháp luật của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc. Các loại văn bản được quản lý bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
+ Các chuyên mục khác: ngoài các Cơ sở dữ liệu thành phần kể trên, CSDLQG về pháp luật còn có các chuyên mục khác như: Giới thiệu văn bản mới, Tin tức, Tình huống pháp luật. Ngoài ra, CSDLQG về thủ tục hành chính, bộ pháp điển điện tử, cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp cũng trích xuất về CSDLQG về pháp luật.

III. MỘT SỐ TÍNH NĂNG, TIỆN ÍCH CỦA CSDLQG VỀ PHÁP LUẬT

Hiện nay, CSDLQG về PL có giao diện tương đối thân thiện, dễ tìm kiếm, dễ khai thác các thông tin và tải về sử dụng. Cơ sở dữ liệu cung cấp các chức năng, tiện ích cơ bản và thuận tiện như:
- Xem nội dung toàn văn các thông tin liên quan của văn bản;
- Tự động tạo mục lục phần, chương, điều của văn bản;
- Tự động tạo liên kết nhanh đến văn bản liên quan của văn bản đang xem;
- Xem các văn bản hướng dẫn, thay thế, sửa đổi, bổ sung (nếu có)…. của văn bản đang xem;
- Tự động xác định tình trạng hiệu lực của văn bản khi có văn bản thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, đình chỉ toàn bộ hoặc một phần; văn bản sửa đổi, bổ sung…;
- Tra cứu lịch sử thay đổi hiệu lực của văn bản;
- Cho phép quản lý và tra cứu văn bản gốc (như công báo điện tử, bản Scan hoặc bản có chữ ký số);
- Tra cứu lược đồ các văn bản liên quan;
- Tra cứu văn bản tiếng Anh (nếu có);
- Tải các văn bản về để sử dụng.
- Đối với văn bản của địa phương cho phép tạo liên kết đến văn bản của Trung ương.
- Và nhiều tính năng, tiện ích khác.
Chi tiết cách khai thác các tính năng, tiện ích của CSDLQG về pháp luật xem chi tiết tại phần hướng dẫn khai thác.