Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc lập các Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên một số
đường giao thông thuỷ, bộ ra vào vùng biên giới

BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 398/HĐBT ngày 6-12-1991 của Hội động Bộ trưởng về tổ chức chỉ đạo quản lý thị trường;

Để thực hiện Quyết định số 114/TTg ngày 21-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu và Công điện số 1252/NC ngày 29-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc xoá bỏ các trạm kiểm soát lập ra trái phép trên đường giao thông;

Sau khi thống nhất với các ngành có liên quan ở Trung ương trong phiên họp ngày 29-4-1993 và với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trạm kiểm soát;

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trong Thông báo số 2512/KTTH ngày 28-5-1993 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập các Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên một số đường giao thông thuỷ, bộ ra vào vùng biên giới ghi trong danh mục kèm theo.

Điều 2. Trạm kiểm soát cố định liên ngành tổ chức và hoạt động theo quy chế đính kèm Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 86/QLTT-TW ngày 2-8-1991 và các Quyết định khác của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương đã ban hành trước đây về việc thành lập các trạm kiểm soát liên ngành trên đường ra vào vùng biên giới.

Điều 4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới có trạm kiểm soát có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này. Trong quá trình thực hiện nếu cần bổ sung, sửa đổi gì thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố bàn với Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương để cùng thống nhất quyết định.

Các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện Quyết định

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM SOÁT CỐ ĐỊNH
LIÊN NGÀNH TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG THUỶ, BỘ RA
VÀO VÙNG BIÊN GIỚI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 210/QLTT-TW ngày 29-6-1993
của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương)

CHƯƠNG I
TỔ CHỨC

Điều 1. Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên đường giao thông thuỷ, bộ ra, vào vùng biên giới (dưới đây gọi tắt là trạm) là tổ chức phối hợp liên kiểm của lực lượng cảnh sát nhân dân, thuế vụ và quản lý thị trường... ở địa phương để kiểm soát hàng hoá và phương tiện vận tải ra vào vùng biên giới theo các quy định của pháp luật, góp phần ngăn chặn các hành vi buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới.

Điều 2. Trạm được thành lập ở các tỉnh biên giới, trên một số tuyến đường giao thông thuỷ, bộ ra, vào vùng biên giới và do Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương quyết định lập sau khi bàn thống nhất với các ngành có liên quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh biên giới nơi đặt trạm.

Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi có trạm trực tiếp tổ chức và quản lý, điều hành hoạt động của trạm.

Trạm không tổ chức ở các cửa khẩu; ở đây bộ đội biên phòng, Hải quan, thuế vụ, kiểm dịch động vật, thực vật thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành.

Điều 3. Mỗi trạm do một trạm trưởng phụ trách và hai phó trạm trưởng giúp việc trạm trưởng.

Tuỳ theo nhu cầu công tác ở từng trạm, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định về thành phần tham gia trạm ngoài các lực lượng nói ở điều 1, và biên chế cán bộ, nhân viên của trạm bảo đảm yêu cầu kiểm soát 24 giờ/ngày đêm.

Điều 4. Trạm được sử dụng con dấu riêng; có trụ sở cố định và được trang bị các phương tiện làm việc cần thiết theo yêu cầu công tác của một trạm kiểm soát.

Điều 5. Cán bộ, nhân viên công tác tại trạm do cơ quan, đơn vị nào cử đến thì cơ quan, đơn vị ấy trả lương và các chế độ khác (nếu có).

Cán bộ, nhân viên trạm phải được lựa chọn kỹ lưỡng, bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, hiểu biết nghiệp vụ kiểm tra, nắm vững chính sách, pháp luật liên quan đến nhiệm vụ kiểm tra và có sức khoẻ tốt để làm việc.

Không được tuyển vào trạm những người không đủ tiêu chuẩn hoặc đang bị kỷ luật từ khiển trách trở lên vì bất kỳ lý do gì.

Không cử đến làm việc tại trạm những người có vợ (hoặc chồng), bố mẹ và con đang buôn bán trên tuyến đường đặt trạm ấy.

Định kỳ có sự thay đổi cán bộ, nhân viên làm việc tại trạm.

Điều 6. Trạm chịu sự kiểm tra, giám sát toàn diện của Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự kiểm tra, giám sát chuyên ngành của cơ quan ngành dọc chức năng cấp trên.

Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý và điều hành hoạt động của trạm.

Các ngành ở tỉnh cử cán bộ tham gia công tác tại trạm có trách nhiệm cùng với Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh:

1- Lựa chọn cán bộ lãnh đạo trạm để Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm.

2- Cử người đủ tiêu chuẩn đến làm việc theo yêu cầu công tác.

3- Hướng dẫn cho trạm về chuyên môn, nghiệp vụ, chính sách, pháp luật về lĩnh vực công tác của ngành.

4- Chỉ đạo, điều hành trạm hoạt động đúng pháp luật.

5- Cung cấp các ấn chỉ và điều kiện làm việc cho hoạt động kiểm tra của trạm theo quy định của ngành.

6- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên làm việc ở trạm.

7- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của trạm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện sai phạm.

 

CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 7. Trạm có nhiệm vụ:

1- Giám sát, kiểm tra hàng hoá và phương tiện vận tải qua lại trạm trong việc chấp hành pháp luật Nhà nước.

2- Phát hiện, xử lý theo quyền hạn của mình hoặc chuyển giao vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh xem xét, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

3- Thực hiện các chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo công tác của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh và các ngành thành viên.

4- Tổng hợp tình hình và báo cáo theo yêu cầu của cấp trên về tình hình vi phạm, về kết quả hoạt động của trạm; đề xuất các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa, khắc phục các vi phạm pháp luật trên thị trường.

5- Quản lý cán bộ, nhân viên, tài sản của trạm, tiền, hàng, tang vật, phương tiện vận tải tạm giữ theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 8. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, trạm có quyền:

1- Dừng phương tiện vận tải tại trạm, yêu cầu người bị kiểm tra, chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận tải xuất trình các giấy tờ có liên quan đến nội dung kiểm tra.

2- Kiểm tra hàng hoá trên phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính nếu có căn cứ chắc chắn là trên phương tiện vận tải ấy đang cất giấu, chuyên chở hàng hoá vi phạm pháp luật.

3- Tạm giữ giấy tờ, hàng hoá, phương tiện vận tải là tang vật vi phạm theo thủ tục hành chính để ngăn chặn và đảm bảo việc xử lý vi phạm.

4- Theo các quy định của pháp luật về việc xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, trạm được quyền xử phạt:

a) Cảnh cáo

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng

c) Tịch thu hàng hoá, phương tiện vi phạm có trị giá đến 2.000.000 đồng.

d) Áp dụng các biện pháp hành chính đối với tổ chức hoặc cá nhân vi phạm để ngăn chặn, đình chỉ và khắc phục kịp thời hành vi vi phạm.

Vụ vi phạm cần phải xử phạt ở mức cao hơn thẩm quyền xử phạt của trạm thì trạm chuyển giao ngay hồ sơ về Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh để xem xét xử lý kèm theo kiến nghị của trạm.

5- Trường hợp khẩn cấp được mượn các phương tiện vận tải và phương tiện thông tin liên lạc để đuổi bắt kẻ vi phạm hoặc cấp cứu người bị nạn.

 

CHƯƠNG III
CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC

Điều 9. Trạm phải:

1- Có biển viết rõ tên trạm treo trước trụ sở trạm.

2- Niêm yết tại trụ sở trạm nhiệm vụ, quyền hạn của trạm đã được quy định.

3- Thực hiện chế độ điều lệnh công tác của ngành chủ quản và quy chế chung của trạm kiểm soát.

4- Thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền pháp luật quy định về việc kiểm soát, bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính.

5- Cập nhật sổ sách về hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý vụ việc của trạm.

6- Sử dụng ấn chỉ kiểm tra và quản lý hồ sơ, giấy tờ theo quy định chung.

7- Quản lý và sử dụng vũ khí và các trang bị theo đúng quy định.

Điều 10. Trạm trưởng là người lãnh đạo, quản lý trực tiếp trạm, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường và các ngành thành viên ở tỉnh về các mặt công tác của trạm.

Trạm trưởng có quyền:

1- Phân công công tác cho cán bộ, nhân viên tham gia trạm.

2- Quản lý và điều hành công việc ở trạm theo đúng quy chế, pháp luật và sự chỉ đạo của cấp trên.

3- Quyết định việc kiểm tra phương tiện vận tải, hàng hoá và tạm giữ giấy tờ, tang vật vi phạm theo thủ tục hành chính quy định ở khoản 2 và 3 Điều 8 chương 2 bản quy chế này.

4- Quyết định việc xử phạt hành chính đối với vi phạm theo thẩm quyền của trạm.

5- Thay mặt trạm quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan.

6- Đề nghị cấp trên khen thưởng hoặc kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên trạm có thành tích hoặc có sai phạm.

Điều 11. Cán bộ, nhân viên các ngành làm việc ở trạm thực hiện chức trách của ngành khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại trạm, đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ lực lượng khác để cùng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; chấp hành sự phân công công việc của trạm trưởng và kỷ luật công tác chung của trạm.

Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và xử lý, nếu có ý kiến khác nhau giữa các thành viên với lãnh đạo trạm thì trạm trưởng quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên. Ý kiến khác nhau được bảo lưu và báo cáo về Ban chỉ đạo Quản lý thị trường và ngành chủ quản ở tỉnh xem xét cho ý kiến.

Điều 12. Nghiêm cấm trạm:

1- Tuỳ tiện dừng xe, kiểm ra người, phương tiện vận tải, hàng hoá qua trạm nếu không có sự vi phạm pháp luật, làm ách tắc giao thông, hư hỏng hàng hoá và sự đi lại bình thường của nhân dân.

2- Khám xét, bắt giữ người, hàng hoá, phương tiện vận tải, đồ vật trái với các quy định của pháp luật.

3- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà cho hành khách, chủ hàng, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vận tải.

4- Có thái độ hống hách, thiếu lễ độ, hoặc có hành vi xâm hại đến danh dự, sức khoẻ, tính mạng và tài sản của nhân dân.

5- Chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng hoá, tang vật, phương tiện thu giữ tại trạm.

 

CHƯƠNG IV
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 13. Cán bộ, nhân viên trạm có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, góp phần vào việc mở rộng lưu thông hàng hoá theo pháp luật, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an toàn cho giao thông và an ninh trật tự xã hội sẽ được xét khen thưởng về tinh thần và vật chất theo chế độ chung của nhà nước.

Điều 14. Cán bộ, nhân viên trạm nếu vi phạm những điều nghiêm cấm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, của các doanh nghiệp hoặc công dân thì phải bồi thường.

Danh mục các trạm kiểm soát cố định liên ngành được phép thành lập trên một số đường giao thông thuỷ, bộ ra, vào vùng biên giới

Tỉnh Lạng Sơn:

1- Trạm kiểm soát cố định liên ngành tại km3, quốc lộ 1A thuộc thị xã Lạng Sơn.

2- Trạm kiểm soát cố định liên ngành tại xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc, quốc lộ 1B.

Tỉnh Hà Giang:

3- Trạm kiểm soát cố định liên ngành tại dốc Vĩnh Tuy, quốc lộ 2.

Tỉnh Lao Cai:

4- Trạm kiểm soát cố định liên ngành km 76 + 500, quốc lộ 70 thuộc huyện Bảo Yên.

Tỉnh Lai Châu:

5- Trạm kiểm soát cố định liên ngành Tuần Giáo, quốc lộ 6.

Tỉnh Sơn La:

6-Trạm kiểm soát cố định liên ngành km 56, quốc lộ 6

Tỉnh Quảng Ninh:

7- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên biển đặt tại Vạn Gia, xã Vĩnh Thực, huyện Hải Ninh.

8- Trạm kiểm soát cố định liên ngành km9, đường 4A, huyện Hải Ninh.

Thành phố Hải Phòng:

9- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên biển đặt ở Đảo Cát Hải.

Tỉnh Quảng Trị:

10- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên đường 9 tại cầu Đkrông, huyện Hương Hoá.

Tỉnh Sông Bé:

11- Trạm kiểm soát cố định liên ngành Mũi Tầu, quốc lộ 13, thị xã Thủ Dầu Một.

 

Tỉnh Tây Ninh:

12- Trạm kiểm soát cố định liên ngành tại ngã ba Gò Dầu, quốc lộ 22.

13- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên sông Vàm Trảng, huyện Trảng Bàng.

Tỉnh Long An:

14- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên sông Trà, xã Thạnh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành.

15- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên sông Thạnh Hoá tại ngã ba Tuyên Nhơn.

Tỉnh An Giang:

16- Trạm kiểm soát cố định liên ngành trên sông Tiền tại ngã ba Chợ Mới, xã Long Điền A.

17- Trạm kiểm soát cố định liên ngành thuỷ, bộ Long Xuyên, xã Mỹ Thành.

Ghi chú: Danh mục này không bao gồm:

1- Các trạm, Đội tuần tra kiểm soát giao thông của ngành công an theo quy định của Bộ Nội vụ.

2- Các trạm kiểm soát lâm sản được phép thành lập ở một số tỉnh, thành phố có lâm sản.

3- Các trạm kiểm soát xe quá khổ, quá tải theo quy định của Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải.

4- Các trạm kiểm soát chuyên ngành của bộ đội biên phòng, Hải quan, kiểm dịch động vật và thực vật tại các cửa khẩu biên giới./.

Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Vũ Trọng Nam