CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
V/v Thực hiện các biện pháp cần thiết để tháo gỡ, giải quyết
khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
_________
Khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian qua đã thể hiện vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân đầu tư tăng trưởng kinh tế, vào sản xuất kinh doanh, ổn định và tăng thu nhập cho một bộ phận lớn dân cư trên địa bàn, góp phần tăng thu cho ngân sách,... Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tư nhân gặp không ít khó khăn về: Thủ tục hành chính, ngành nghề kinh doanh, vốn, đất đai, thị trường, công tác thanh tra kiểm tra, ...
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp của tư nhân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, tạo môi trường thuận lợi, giúp đỡ phát triển hộ kinh doanh cá thể; đồng thời căn cứ vào Báo cáo tình hình kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:
1. Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính trong việc: cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, thủ tục giao và cho thuê đất, cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư, cấp giấy phép xây dựng,... củng cố bộ máy làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, không gây phiền hà, sách nhiễu cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh của dân doanh; xử lý kỷ luật nghiêm khắc các trường hợp cán bộ công chức nhũng nhiễu, hối lộ.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo chuyên ngành, lĩnh vực và địa bàn; trả lời vướng mắc, giải quyết các khó khăn, kiến nghị của dân doanh kịp thời và thấu đáo nhất là các lĩnh vực: Hải quan, Thuế và Nhà đất. Các Sở, ngành thường kỳ gặp gỡ doanh nghiệp đối thoại bình đẳng, công khai và giải quyết kịp thời các khiếu nại của doanh nghiệp theo đúng thẩm quyền, khắc phục tình trạng vụ việc khiếu nại của doanh nghiệp bị đùn đẩy qua nhiều cơ quan, kéo dài gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
2. Sở Tư pháp và Ban chỉ đạo cải cách hành chính tiếp tục rà soát các loại giấy phép con do các cơ quan Trung ương và tỉnh ban hành trước đây trái với Luật doanh nghiệp để kịp thời bãi bỏ (đối với loại giấy phép do tỉnh ban hành hoặc kiến nghị Chính phủ thu hồi (đối với loại giấy phép do Trung ương ban hành).
Các Sở, ngành, địa phương các Doanh nghiệp trong quá trình quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh nếu phát hiện vẫn còn tồn tại những loại giấy phép con gây cản trở hoạt động, hoặc những ngành nghề không cần giấy phép con thì phải báo cáo, kiến nghị kịp thời với UBND tỉnh.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc công bố quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; công bố quỹ đất chưa sử dụng, quỹ đất đang có nhu cầu cho thuê... trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở UBND tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Kế họach và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp để các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất biết và lập thủ tục xin thuê đất, hoặc giao đất để đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt. Đối với những khu vực chưa có quy hoạch được duyệt, cần khẩn trương hoàn thành và trình duyệt để công bố rộng rãi.
4. Sở Công nghiệp sớm triển khai, công bố rộng rãi về quy hoạch các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt để các doanh nghiệp được biết; định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư đầu tư vào các cụm công nghiệp này.
5. Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng, đặc biệt là Quỹ hỗ trợ phát triển cần tăng cường năng lực trong việc thẩm định dự án, giải quyết các vấn đề về thủ tục vay vốn, đơn giản hóa thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới chi nhánh tới các trung tâm thị trấn, trung tâm thương mại tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có thể tiếp cận được dễ dàng với các nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
6. Sở Thương mại: Phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan đề xuất biện pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; tăng cường và cải tiến thông tin thị trường thương mại, dự báo tình hình diễn biến thị trường và giá cả để giúp doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường ngăn chặn có hiệu quả việc sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng trốn lậu thuế.
7. Cục Thuế nâng cao chất lượng công tác quản lý thuế theo hướng tự kê khai nộp thuế, vừa phải đảm bảo chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, vừa phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu; cần có biện pháp quản lý hóa đơn GTGT hữu hiệu hơn để tránh tình trạng mua bán hóa đơn như hiện nay gây thiệt hại cho Nhà nước và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hoàn thuế GTGT kịp thời cho đối tượng được hoàn thuế.
8. Cục Hải quan tiếp tục cải tiến thủ tục kiểm hóa hàng xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa được thuận lợi và nhanh chóng; đồng thời phải ngăn chặn có hiệu quả hàng nhập lậu.
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận lao động từ các trường dạy nghề của địa phương; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc pháp luật về lao động.
10. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng còn thiếu sự phối hợp và chồng chéo dẫn đến gây rất nhiều khó khăn, phiền hà, làm nản lòng các doanh nhân. UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 42/2001/CT-UB ngày 07/11/2001 V/v Chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan cần phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
11. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các công việc có liên quan, hướng dẫn, theo dõi, báo cáo việc thực hiện Chỉ thị này; có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh những vấn đề mới nảy sinh.
Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này./.