QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
V/v Ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý chợ Bà Rịa
________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21-6-1994;
Căn cứ Thông tư số 15/TM-CSTTTN ngày 16-10-1996 của Bộ Thương mại hướng dẫn về Tổ chức và quản lý chợ;
Căn cứ Quyết định số 61/QĐ.UBT.TCHCSN ngày 9-2-1998 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chế về tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
Căn cứ Quyết định số 195/QĐ.UB ngày 15-4-1999 của UBND tỉnh về việc Thành lập Chợ Bà Rịa;
Theo đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Chợ Bà Rịa.
Quy chế này gồm 5 chương và 15 điều.
Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, Chủ tịch UBND thị xã Bà Rịa, Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Trưởng Ban Quản lý Chợ Bà Rịa chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
TM. UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH
Nguyễn Trọng Minh
QUY CHẾ
Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý chợ Bà Rịa
(Ban hành kèm theo Quyết định số 577/1999/QĐ-UB ngày 21/10/1999 của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1: Chợ Bà Rịa là chợ loại 1, chịu sự quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND thị xã Bà Rịa theo ủy quyền của UBND tỉnh đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chức năng có liên quan.
Điều 2: Bộ máy điều hành và quản lý Chợ Bà Rịa là Ban Quản lý; Ban Quản lý Chợ Bà Rịa là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 3: Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý chợ được quy định cụ thể như sau:
1. Soạn thảo nội quy, quy chế hoạt động của chợ thông qua UBND thị xã Bà Rịa trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Xem xét và ra quyết định việc chấp thuận hay không chấp thuận đơn xin đặt cửa hàng, cửa hiệu, sạp hàng buôn bán tại chợ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh tại chợ.
3. Sắp xếp nơi mua, bán theo yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh, văn minh thương nghiệp phù hợp với đặc điểm của chợ và theo sơ đồ tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Quản lý toàn bộ cơ sở vật chất của chợ, lập quy hoạch và tổ chức thực hiện việc sửa chữa, xây dựng mới, bảo đảm cho hoạt động của chợ được liên tục, an toàn, văn minh, hiệu quả.
5. Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc những người buôn bán tại chợ thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước về kinh doanh thương mại, dịch vụ.
6. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý các vi phạm về nội quy hoạt động của chợ theo thẩm quyền phân cấp.
7. Tổ chức theo dõi thống kê lưu lượng hàng hóa tại chợ, tình hình biến động thị trường và giá cả trên địa bàn chợ; báo cáo kịp thời các mặt hoạt động của chợ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có liên quan.
8. Tổ chức các dịch vụ phục vụ các hoạt động của chợ, bao gồm:
+ Tổ chức việc cho thuê địa điểm và phương tiện kinh doanh, phục vụ cho việc mua hàng hóa và dịch vụ.
+ Trông giữ, bảo quản tài sản và phương tiện của người mua, người bán tại chợ.
+ Tổ chức bảo vệ hàng hóa ngoài giờ, dịch vụ nghỉ trọ, y tế, dịch vụ bảo vệ môi trường tại chợ theo yêu cầu của người kinh doanh.
Chương II
CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
Điều 4: Cơ cấu tổ chức.
- Bộ máy quản lý:
+ Ban Quản lý chợ do Trưởng ban lãnh đạo, giúp việc Trưởng ban có từ 1 đến 2 Phó Trưởng ban.
+ Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng ban, Phó Trưởng ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
- Kế toán Ban Quản lý chợ do Chủ tịch UBND thị xã Bà Rịa quyết định sau khi có văn bản thỏa thuận của Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh.
- Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý chợ có các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ giúp việc được quy định như sau:
+ Tổ Hành chính quản trị,
+ Tổ Trật tự,
+ Tổ Bảo vệ và Phòng cháy chữa cháy,
+ Tổ Kỹ thuật,
+ Tổ Vệ sinh quản lý cây xanh, hoa kiểng,
+ Tổ Tổng đài điện thoại,
+ Tổ Điều hành bến xe vãng lai,
+ Tổ Quản lý dịch vụ hải sản,
+ Tổ Thu hoa chi và lệ phí.
- Việc thành lập các Tổ và bổ nhiệm Tổ trưởng do Trưởng Ban Quản lý chợ quyết định sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND thị xã Bà Rịa.
Điều 5: Quản lý Lao động - Tiền lương:
1. Định mức lao động của Ban Quản lý chợ do UBND thị xã Bà Rịa đề nghị Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh phê duyệt.
2. Việc tuyển dụng và sử dụng lao động của Ban Quản lý chợ thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động.
3. Quỹ lương thanh toán cho CB-CNV của Ban Quản lý chợ được trích từ các nguồn thu của Ban Quản lý chợ và được quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành.
4. Việc xếp lương, nâng lương đối với CB-CNV của Ban Quản lý chợ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các Doanh nghiệp.
Điều 6: Chế độ làm việc:
1. Ban Quản lý chợ làm việc theo chế độ thủ trưởng, Trưởng Ban Quản lý chợ là người lãnh đạo cao nhất, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Để thực hiện chức trách trên, Trưởng Ban Quản lý chợ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
+ Tổ chức điều hành công việc thuộc chức năng, thẩm quyền của Ban Quản lý chợ.
+ Xây dựng kế hoạch theo định kỳ hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Trực tiếp quản lý CB.CNV thuộc Ban; thực hiện chế độ chính sách CB.CNV, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người lao động, tạo điều kiện cho CB.NV hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; thực hiện đúng, đủ mọi quyền lợi hợp pháp của CB.CNV.
+ Thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính, công sản, phát huy hiệu quả tài sản do Nhà nước và tập thể giao quản lý.
+ Thực hiện nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, tuyển dụng, sử dụng đối với CB.CNV theo đúng trình tự thẩm quyền quy định hiện hành của Nhà nước.
+ Được phép quan hệ với các cơ quan chức năng có liên quan khi giải quyết các công việc có liên quan đến Ban Quản lý chợ.
3. Phó trưởng ban:
Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban, khi thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban ủy quyền, Phó Trưởng ban được sử dụng quyền hạn của Trưởng ban để giải quyết công việc. Các Phó Trưởng ban không được giải quyết công việc vượt quá thẩm quyền được phân công.
4. Kế toán:
+ Là người giúp việc Trưởng ban trong công tác kế toán, thống kê theo các quy định hiện hành về quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với đơn vị sự nghiệp có thu.
+ Kế toán có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ kế toán trưởng ban hành kèm theo Nghị định số 26/HĐBT ngày 18-3-1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
+ Trực tiếp chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, các cơ quan quản lý ngành và trước pháp luật về tính chính xác của các số liệu trong công tác hạch toán kế toán, thống kê của Ban.
5. Các tổ chuyên môn, nghiệp vụ do Tổ trưởng phụ trách; nhiệm vụ cụ thể của các Tổ do Trưởng ban phân công.
Chương III
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CHỢ
Điều 7: Nguồn thu của Ban Quản lý chợ bao gồm:
1. Thu tiền cho thuê diện tích bán hàng đối với những người đặt cửa hàng, cửa hiệu, buôn bán cố định, thường xuyên tại chợ.
2. Thu tiền bán vé vào chợ hàng ngày (hoa chi) đối với những người buôn bán không thường xuyên, không cố định tại chợ.
3. Thu tiền từ các hoạt động dịch vụ khác do Ban Quản lý chợ tổ chức và quản lý, bao gồm:
+ Thu tiền hợp đồng bảo vệ hàng hóa ngoài giờ.
+ Thu tiền dịch vụ vệ sinh.
+ Thu tiền cho thuê phương tiện kinh doanh.
+ Thu tiền giữ xe, tổ chức bốc xếp vận chuyển.
+ Thu từ các hoạt động dịch vụ khác.
- Các khoản thu ở mục 1; 2 do UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá tỉnh và UBND thị xã Bà Rịa; khoản thu ở mục 3 do Ban Quản lý chợ căn cứ giá cả thị trường để quy định mức thu cụ thể và báo cáo với UBND tỉnh, UBND thị xã Bà Rịa theo quy định tại Thông tư số 15/TM/CSTTTN ngày 16-10-1996 của Bộ Thương mại và được quản lý theo chế độ hạch toán kinh doanh dịch vụ hiện hành của Nhà nước.
Điều 8: Các khoản chi của Ban Quản lý chợ bao gồm:
1. Chi lương hành chính phục vụ công tác quản lý chợ theo chế độ tài chính hiện hành.
2. Chi sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của chợ, mua sắm, bổ sung phương tiện phục vụ cho hoạt động của chợ.
3. Hoàn trả vốn vay (nếu có) và nộp ngân sách Nhà nước.
Các khoản chi ở mục 1; 2 do Ban Quản lý chợ căn cứ nhu cầu xây dựng và phát triển của chợ, cân đối các nguồn thu trong từng thời gian, xây dựng kế hoạch chi thông qua UBND thị xã Bà Rịa, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; khoản chi ở mục 3 chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 9: Ban Quản lý chợ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thu, chi tài chính theo định kỳ hàng năm thông qua UBND thị xã Bà Rịa và Sở Tài chính - Vật giá tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chương IV
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 10: Đối với UBND thị xã Bà Rịa:
1. Ban Quản lý chợ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu của UBND thị xã Bà Rịa.
2. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của UBND thị xã Bà Rịa trong toàn bộ các mặt công tác của chợ.
Điều 11: Đối với các cơ quan chức năng có liên quan:
1. Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chức năng có liên quan.
2. Chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực chợ.
3. Phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy thực hiện các phương án chữa cháy và trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.
4. Phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường trong việc kiểm tra thị trường chống các hành vi kinh doanh trái phép.
5. Hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế những tổ chức, cá nhân kinh doanh trong chợ.
6. Hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc cấp giấy phép kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ.
Điều 12: Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ:
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh cố định tại chợ đều phải đăng ký hợp đồng thuê địa điểm với Ban Quản lý chợ (thời gian thuê, giá thuê, phương thức thanh toán và các điều khoản khác) được thực hiện theo thỏa thuận giữa Ban Quản lý chợ và từng tổ chức, cá nhân bảo đảm phù hợp với quy định của Nhà nước.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh không thường xuyên tại chợ, khi có nhu cầu kinh doanh phải mua vé vào chợ (hoa chi) mỗi ngày.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cố định tại chợ được ưu tiên ký hợp đồng mới khi hợp đồng cũ hết hạn, có quyền thừa kế, chuyển nhượng cơ sở kinh doanh trong phạm vi quyền sử dụng. Khi chuyển nhượng phải làm thủ tục chuyển đổi hợp đồng với Ban Quản lý chợ theo quy định.
4. Có quyền khiếu nại và yêu cầu khắc phục các thiếu sót, vi phạm của CB-CNV của Ban Quản lý chợ.
5. Thực hiện đúng các nội quy của chợ và các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng.
6. Chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh:
+ Kinh doanh đúng nội dung giấy phép.
+ Nộp thuế đầy đủ, đúng hạn.
+ Không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng cấm.
+ Niêm yết công khai bảng giá của mặt hàng do mình kinh doanh.
Điều 13: Ban Quản lý chợ không tùy tiện đề ra các quy định trái với quy định chung gây phiền hà, khó khăn cho người kinh doanh trong chợ.
Chương V
ĐIỂU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Việc bổ sung, sửa đổi quy chế này do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Điều 15: Trong quá trình thực hiện quy chế này nếu có gì chưa phù hợp, Trưởng ban Quản lý chợ đề nghị UBND thị xã Bà Rịa cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.