QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành Quy định về trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị
trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
__________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/6/2008;
Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;
Theo Văn bản thẩm định số 450/STP-VBPQ ngày 01/4/2009 của Sở Tư pháp và đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 278/TTr-SXD ngày 13/4/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2009.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2009/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Việc quản lý cây xanh đô thị nhằm:
1. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về cây xanh đô thị đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị để phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh.
2. Đáp ứng mục tiêu tăng tỷ lệ diện tích cây xanh, góp phần cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong các đô thị, phù hợp và góp phần tạo nên bản sắc của mỗi một đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy định này điều chỉnh việc quản lý cây xanh trong các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2. Quy định này áp dụng đối với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về quản lý, tư vấn, phát triển, khai thác và sử dụng cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Cây xanh đô thị bao gồm: Cây xanh sử dụng nơi công cộng; cây xanh chuyên dụng; cây xanh sử dụng hạn chế; cây xanh trồng trên lề đường phố; cây cổ thụ; cây được bảo tồn; cây xanh cấm trồng và trồng hạn chế; cây xanh nguy hiểm...được giải thích cụ thể tại Mục III phần I của Thông tư 20/2005/ TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng.
Điều 4. Nguyên tắc chung quản lý cây xanh đô thị
1. Tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý.
2. Việc trồng cây xanh đô thị phải thực hiện theo quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch chuyên ngành cây xanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải mang bản sắc địa phương, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về sử dụng, mỹ quan, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường đô thị; hạn chế làm hư hỏng các công trình cơ sở hạ tầng ở trên, dưới mặt đất, cũng như trên không.
4. Các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây xanh ở nơi công cộng, trước mặt nhà, trong khuôn viên đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng quản lý có thẩm quyền để giải quyết kịp thời khi phát hiện tình trạng cây nguy hiểm và các hành vi gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh đô thị.
5. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với cây xanh đô thị như: Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng, đóng đinh, chăng biển quảng cáo... được quy định cụ thể tại Mục V, Phần I của Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng.
Điều 5. Quản lý cây xanh đô thị
Các quy định về quản lý cây xanh đô thị bao gồm: Công tác quy hoạch, trồng cây xanh, duy trì và bảo vệ cây xanh, chặt hạ và dịch chuyển cây xanh trong đô thị, quản lý và phát triển vườn ươm cây xanh, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia quản lý và phát triển cây xanh trong các đô thị trên địa bàn tỉnh được quy định cụ thể tại phần II của Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng.
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ
Điều 6. Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Quản lý thống nhất cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
2. Ban hành văn bản quy định về trách nhiệm quản lý cây xanh, các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị.
3. Ban hành danh mục cây cần bảo tồn, cây cổ thụ, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trong các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 7. Sở Xây dựng
Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh:
1. Chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn về công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;
2. Phối hợp với Sở Văn hóa Du lịch và Thể thao; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Sở, Ngành liên quan lập trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trong các đô thị trên địa bàn tỉnh.
3. Chủ trì thẩm định các đồ án quy hoạch cây xanh, các dự án đầu tư trồng cây xanh trong các đô thị trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ cây xanh đô thị.
5. Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan để quản lý việc phát triển, khai thác và sử dụng cây xanh; thanh kiểm tra các hoạt động về quản lý, phát triển, khai thác và sử dụng cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.
6. Định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
Điều 8. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan xây dựng các chính sách ưu đãi về nguồn vốn và các chính sách khác nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Điều 9. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, Ngành liên quan xây dựng danh mục đặc tính các loại cây trồng thường gặp, xác định cây cổ thụ, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trong đô thị trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Hỗ trợ, phát triển nguồn giống, chủng loại cây xanh nhằm tạo sự đa dạng, phong phú trong hệ thống cây xanh đô thị; phát triển cơ sở vườn ươm phục vụ nhu cầu trồng cây xanh trong trên địa bàn.
Điều 10. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, Ngành liên quan xây dựng danh mục các loại cây cần bảo tồn trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Điều 11. Chủ đầu tư xây dựng các công trình Hạ tầng kỹ thuật đô thị có ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị (ngành điện, Bưu chính viễn thông, cấp nước, thoát nước …)
Các chủ đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình Hạ tầng kỹ thuật đô thị nếu có ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh đô thị phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh để có biện pháp bảo đảm sự an toàn cho hệ thống cây xanh đô thị.
Điều 12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công
1. Tổ chức thực hiện việc quản lý cây xanh trong các đô thị thuộc địa bàn mình quản lý theo hướng dẫn của Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng.
2. Tổ chức lập, phê duyệt các đề án quy hoạch cây xanh, các dự án đầu tư trồng cây xanh, các kế hoạch phát triển cây xanh đô thị theo phân cấp nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Cấp giấy phép chặt hạ, di dời cây xanh trong các trường hợp sau:
a) Cây xanh thuộc danh mục cây cổ thụ, cây cần bảo tồn; sau khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Xây dựng và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
b) Cây xanh trồng trên lề đường phố, công viên thuộc sở hữu công cộng trên địa bàn thuộc mình quản lý;
c) Cây xanh có chiều cao từ 10 m và đường kính từ 30 cm trở lên có trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thuộc phạm vi mình quản lý. (mẫu giấy phép chặt hạ, di dời theo phụ lục 1).
4. Giao cho các phòng, ban chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu trong công tác quản lý, phát triển, khai thác, sử dụng cây xanh trong các đô thị, trên địa bàn mình quản lý.
5. Tại các đô thị chưa có đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh thì tùy từng điều kiện cụ thể của địa phương tiến hành lựa chọn, ký hợp đồng với các đơn vị chuyên ngành, thực hiện việc trồng, chăm sóc, khai thác và sử dụng cây xanh.
6. Tuyên truyền, giáo dục, vận động các tổ chức, nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh trên địa bàn.
7. Lập kế hoạch vốn hàng năm và 5 năm để phát triển cây xanh trong các đô thị thuộc địa bàn mình quản lý.
8. Báo cáo tình hình quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn theo định kỳ vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm gửi cho Sở Xây dựng để kịp tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 13. Ủy ban nhân dân các xã, phường thuộc thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các thị trấn
1. Có trách nhiệm phối hợp quản lý bảo vệ phát triển cây xanh cùng với các tổ chức trực tiếp quản lý cây xanh đô thị, đồng thời vận động nhân dân địa phương bảo vệ, trồng mới cây xanh.
2. Thực hiện việc giám sát, kiểm tra, phát hiện các hành vi xâm hại đến cây xanh đô thị trên địa bàn của mình kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Điều 14. Các tổ chức trực tiếp quản lý cây xanh đô thị
1. Thực hiện trồng, chăm sóc, khai thác hệ thống cây xanh đô thị theo các nội dung trong hợp đồng đã ký với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công.
2. Cung cấp các dịch vụ có liên quan đến cây xanh đô thị.
3. Lập danh sách và tổ chức đánh số các loại cây xanh, cây cần bảo tồn, cây cổ thụ trên đường phố, nơi công cộng, trong khuôn viên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hàng năm có nhiệm vụ lập báo cáo kiểm kê diện tích cây xanh và số lượng cây trồng mới với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công.
4. Thường xuyên kiểm tra, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề có liên quan về cây xanh.
5. Trước khi chặt hạ, di dời cây xanh thuộc nhóm cây ghi ở điểm 3 điều 12 của quy định này phải xin phép. (mẫu đơn xin chặt hạ theo phụ lục 2)
6. Nghiên cứu đề xuất về chủng loại cây xanh trồng trong đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và cảnh quan của từng đô thị (tham khảo danh mục các loại cây xanh theo phụ lục số 3)
7. Phối hợp với các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện phong trào xã hội hóa trong công tác quản lý, chăm sóc và phát triển hệ thống cây xanh trong đô thị.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh, tổ chức thực hiện việc quản lý cây xanh đô thị theo quy định này và các quy định của Pháp luật khác có liên quan.
Điều 16. Thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm
Các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về cây xanh tổ chức thanh, kiểm tra các hoạt động về quản lý, phát triển, khai thác sử dụng cây xanh đô thị theo phân cấp. Các vi phạm về quản lý và phát triển khai thác sử dụng cây xanh đô thị theo quy định này và các văn bản Pháp luật khác có liên quan đều bị xử lý theo Pháp luật hiện hành.
Điều 17. Xử lý tồn tại
Trường hợp trong các đô thị, hiện trạng cây xanh có những nơi chưa phù hợp với Quy hoạch xây dựng đô thị và quy định tại Thông tư 20/2005/TT- BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng thì có kế hoạch từng bước thay thế, chỉnh trang cho phù hợp.
Điều 18. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.