Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang

_________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tờ trình số 2818/TTr-BNN-ĐĐ ngày 18 tháng 9 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Xây dựng hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thành một hệ thống khép kín, đảm bảo việc ngăn mặn, thoát lũ, phục vụ cấp thoát nước và các mục tiêu liên quan khác, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương ven biển.

2. Hệ thống đê biển được xây dựng trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, kết hợp chặt chẽ và khoa học giữa giải pháp công trình và phi công trình, gắn với sắp xếp dân cư ven biển; đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt đồng thời phù hợp với lâu dài, thích ứng với tác động xấu của biến đổi khí hậu tới vùng ven biển nước ta.

3. Chú trọng công tác quản lý và duy tu bảo dưỡng sau đầu tư xây dựng, đặc biệt coi trọng trồng rừng ven biển là bộ phận không thể tách rời của hệ thống đê biển. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ đê ven biển; đồng thời mở rộng việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đê biển với quốc tế.

II. MỤC TIÊU

1. Hoàn thiện hệ thống đê biển khép kín từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các địa phương ven biển.

2. Góp phần tạo cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng của từng địa phương, trước hết là những vùng có nhu cầu cấp bách.

3. Về lâu dài, hệ thống đê biển đảm bảo an toàn cho dân sinh, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, thích ứng với nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu; đồng thời từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Củng cố, nâng cấp các tuyến đê hiện có và xây dựng các công trình phụ trợ khác, trồng và giữ rừng chắn sóng ven đê, thành một tuyến đê thống nhất, bền vững, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển.

2. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo từng thời kỳ, có tính tới tác động xấu của biến đổi khí hậu, các địa phương ven biển định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đê biển phù hợp với các chương trình, chiến lược chung của ngành và của toàn quốc.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp công trình:

a) Điều chỉnh và xác định tuyến đê: việc điều chỉnh tuyến đê hiện có và xác định các tuyến đê mới được thực hiện theo nguyên tắc:

- Lựa chọn tuyến đê qua vùng có địa thế cao, có địa chất nền tương đối tốt đảm bảo ổn định và cách xa khu vực sạt lở.

- Trước tuyến đê phải có bãi trồng rừng ngập mặn có chiều rộng tối thiểu 500m.

- Tận dụng tối đa các cồn cát, đồi núi, công trình đã có để hoàn thiện tuyến đê; nối tiếp bền vững với các vị trí ổn định. Đối với đê vùng cửa sông phải đảm bảo không ảnh hưởng đến thoát lũ, cách xa bờ sông khu vực đang bị sạt lở.

- Tuyến đê lựa chọn kết hợp phục vụ giao thông ven biển phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành giao thông.

- Đối với những đoạn bờ biển bồi, từng bước có thể bố trí thêm tuyến đê ngoài tuyến đê chính để lấn biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đối với đoạn bờ biển bị xói lở, nghiên cứu, xem xét kỹ việc di dân và lùi tuyến đê vào phía trong. Trường hợp không thể lùi, phải xây dựng công trình chống xói lở và có các biện pháp gây bồi, giữ bãi.

b) Tiêu chuẩn thiết kế đê:

Căn cứ vào tầm quan trọng của khu vực bảo vệ để xác định tiêu chuẩn thiết kế phù hợp, nhưng tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, theo thứ tự: các khu đô thị và khu dân cư tập trung; các công trình quốc phòng, an ninh; khu kinh tế, văn hóa và hạ tầng quan trọng; khu vực sản xuất nông nghiệp.

c) Mặt cắt ngang đê được thiết kế theo nguyên tắc:

- Đảm bảo ổn định theo mức thiết kế của đê biển hiện có, có sự phòng để tôn cao, thích ứng nước biển dâng.

- Đường giao thông được làm ở hành lang chân đê theo tiêu chuẩn của ngành giao thông.

- Đối với đê biển khu vực miền Trung, cần gia cố 3 mặt hoặc bố trí tràn thích hợp và có thể kết hợp giao thông trên mặt đê.

d) Nâng cấp, xây dựng mới các cầu, cống qua đê:

Việc cải tạo cống cũ, xây dựng cầu, cống mới phải đảm bảo: ngăn được nước; phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; kiểm soát mặn xâm nhập; có thể kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Trước mắt, tập trung thực hiện ở những nơi có nhu cầu ngọt hóa, giao thông cao, còn lại sẽ được thực hiện trong từng giai đoạn của chương trình.

đ) Tăng cường quan trắc, nghiên cứu, đánh giá hiện tượng xói lở đê biển theo mùa, do tác động bất lợi của thiên nhiên hoặc những tác động chưa phù hợp của con người…, kịp thời đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để phòng tránh hoặc thích ứng với những tác động đó, đảm bảo an sinh và phát triển bền vững của các địa phương ven biển.

e) Trồng cây ven biển và bảo vệ đê: tập trung nguồn lực, nhất là huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo tồn những khu vực đã có rừng cây trước đê, đảm bảo rừng cây có chiều rộng tối thiểu 500m; đồng thời, từng địa phương phải có quy hoạch, kế hoạch tạo bãi để trồng cây chắn sóng khu vực trước đê. Trên hai mái đê phải được trồng cỏ hoặc bảo vệ mái đê bằng vật liệu cứng phù hợp, đảm bảo chống xói lở cho đê.

2. Nhóm giải pháp phi công trình:

a) Tổ chức khảo sát, đo đạc, điều tra cơ bản từng vùng, từng địa phương, trên cơ sở đó rà soát lại quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, đảm bảo phù hợp với chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng ben biển, quy hoạch phát triển của ngành, của từng địa phương, có tính tới sự thích ứng với tác động xấu của biến đổi khí hậu trong những năm tới.

b) Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ việc củng cố, nâng cấp hệ thống đê điều; tăng cường việc nghiên cứu, quan trắc, cảnh báo sớm diễn biến xói lở, bồi ở các vùng biển có nguy cơ cao để đề xuất việc điều chỉnh tuyến đê phù hợp và có các biện pháp thích hợp phòng tránh, hoặc thích ứng.

c) Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các dải cồn cát ven biển, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản tại các khu vực bờ biển.

d) Tổ chức tốt công tác quản lý đê biển sau đầu tư, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và huy động sự tham gia quản lý của cộng đồng trong việc trồng cây và bảo vệ rừng chắn sóng ven biển, bảo vệ đê, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

3. Về vốn đầu tư:

Vốn đầu tư củng cố, nâng cấp, xây dựng hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang được tập trung từ các nguồn:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ theo chương trình mục tiêu.

- Lồng ghép từ các chương trình, dự án liên quan khác trên địa bàn như: chương trình tuyến đường giao thông ven biển, tuyến đường quốc phòng ven biển và chương trình biển Đông – Hải đảo.

- Vốn vay ODA, vốn vay và các nguồn tài trợ khác.

- Huy động từ các doanh nghiệp có lợi ích trực tiếp hoặc được giao khai thác, sử dụng đất ven biển vào mục đích kinh doanh.

VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2009 đến 2020, được chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: từ năm 2009 đến 2012: chủ yếu trồng cây, đắp đất khép kín tuyến đê từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang.

- Giai đoạn 2: từ 2013 đến 2016: tiếp tục củng cố tuyến đê và đường giao thông.

- Giai đoạn 3: từ 2017 đến 2020: xây dựng cầu, cống lớn, hoàn thiện hệ thống đê và hệ thống đường giao thông.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê (từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang) có trách nhiệm:

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương lập các dự án đầu tư xây dựng cụ thể trình cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện đầu tư theo quy định.

- Bố trí, dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn và nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tổ chức thực hiện các dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo chủ động và sử dụng vốn có hiệu quả cao nhất.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ đê, trồng rừng và giữ rừng ven biển của cộng đồng cư dân ven biển.

- Hướng dẫn, khuyến khích nhân dân tham gia trồng rừng, giữ rừng ven biển và quản lý, bảo vệ đê và bảo vệ môi trường ven biển.

- Tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình, bảo đảm hiệu quả đầu tư và phát triển kinh tế của địa phương.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đê điều, đảm bảo hệ thống đê được xây dựng theo quy hoạch, thành một thể thống nhất, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành và của địa phương; nghiên cứu, hướng dẫn các cơ chế, chính sách liên quan trong lĩnh vực xây dựng, tu bổ và quản lý đê biển…

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các dự án theo quy hoạch; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, thi công công trình; có ý kiến về kỹ thuật đối với các dự án quan trọng, có kỹ thuật phức tạp, khi địa phương yêu cầu.

- Triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc nâng cấp, xây dựng các công trình đê, cầu, cống trên đê…

- Tổng kết, sơ kết theo từng giai đoạn nhằm rút kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư và tính khả thi của chương trình.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương liên quan: bố trí nguồn vốn để thực hiện chương trình; căn cứ nhu cầu và khả năng ngân sách nhà nước, hàng năm bố trí nguồn vốn theo chương trình mục tiêu riêng để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện; theo dõi, giám sát thực hiện đầu tư đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và hiệu quả.

4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương trong việc tổ chức thực hiện chương trình, đảm bảo phù hợp mục tiêu, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng