Sign In

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ,

công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

________________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 và thay thế Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

Về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

(Kèm theo Quyết định số 24 /2021/QĐ-UBND

ngày 12 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

_________________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập;

2. Cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện;

3. Cán bộ, công chức cấp xã.

Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 4. Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Chương II

THẨM QUYỀN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, PHƯƠNG PHÁP,

NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN  CHỨC

Điều 5. Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức  

1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý

a) Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm quyết định nội dung nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và nhận định chiều hướng, triển vọng phát triển của cán bộ, công chức, viên chức.

b) Đối với các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các Trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, xếp loại chất lượng.

c) Đối với các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các Trường học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đánh giá hoặc phân công, phân cấp việc đánh giá cho Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện. Người được giao thẩm quyền đánh giá phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

2. Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng công chức

- Cấp Sở: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

- Cấp huyện: Trưởng phòng đánh giá, xếp loại chất lượng đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý, chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng.

b) Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức

- Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

- Căn cứ vào điều kiện cụ thể, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc đánh giá hoặc phân công, phân cấp việc đánh giá viên chức thuộc thẩm quyền quản lý. Người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức phải chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về kết quả đánh giá.

Điều 6. Phương pháp đánh giá

1. Tập thể, cá nhân có thẩm quyền thực hiện nhận xét, đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

2. Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng nơi công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Điều 7. Tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức

1. Tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá theo các tiêu chí sau:

a) Chính trị tư tưởng;

b) Đạo đức, lối sống;

c) Tác phong, lề lối làm việc;

d) Ý thức tổ chức kỷ luật;

đ) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

e) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;

g) Ứng dụng công nghệ thông tin.

2. Ngoài tiêu chí chung tại Khoản 1, Điều 7 Quy định này, cán bộ, công chức, viên chức đánh giá thêm các tiêu chí sau:

2.1. Các chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; các Hội cấp tỉnh đặc thù

a) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;

b) Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành;

c) Năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức, viên chức;

d) Lãnh đạo, chỉ đạo cải cách chế độ công vụ, công chức;

đ) Kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính;

e) Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin;

g) Kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện;

h) Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hàng năm của đơn vị.

Đối với các tiêu chí: Kết quả đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính; kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; kết quả đánh giá, xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động hàng năm của đơn vị trên địa bàn tỉnh được tính như sau:

- Tại thời điểm đánh giá chưa công bố kết quả của năm đánh giá thì lấy kết quả của năm trước liền kề để chấm điểm cho năm đánh giá.

- Không chấm điểm đối với các tiêu chí không phát sinh nhiệm vụ trong năm. Kết quả được tính theo tỷ lệ giữa tổng điểm đạt được của các tiêu chí có phát sinh nhiệm vụ với tổng điểm tối đa của các tiêu chí có phát sinh nhiệm vụ trong năm nhân với 100.

2.2. Các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan hành chính thuộc Sở; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trưởng, Phó các Chi cục và tương đương thuộc Sở

a) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;

b) Năng lực lãnh đạo, quản lý;

c) Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức;

d) Kết quả xếp loại thi đua của Phòng được giao lãnh đạo, quản lý.

2.3. Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử.

2.4. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban chuyên môn, bộ phận nghiệp vụ thuộc đơn vị

a) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;

b) Năng lực tập hợp, đoàn kết;

c) Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

d) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết được thể hiện ở khối lượng, chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện công việc;

đ) Kết quả xếp loại thi đua của đơn vị, phòng được giao quản lý, phụ trách.

2.5. Viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức;

b) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;

c) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết được thể hiện ở khối lượng, chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực hiện công việc.

2.6. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã

a) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao;

b) Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành;

c) Năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 8. Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

1. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý

a) Làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại kết quả công tác theo chức trách nhiệm vụ được giao theo mẫu số 1, số 2, số 4, số 6;

b) Tổ chức cuộc họp tập thể lãnh đạo của cơ quan, tổ chức, đơn vị để nhận xét, đánh giá (đối với cán bộ); Tổ chức cuộc họp toàn thể cơ quan, tổ chức, đơn vị để nhận xét, đánh giá (đối với công chức, viên chức); Trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị để các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản.

c) Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý công tác;

d) Cơ quan (bộ phận) tham mưu về công tác cán bộ tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá theo điểm b, điểm c khoản 1, Điều 8 và tài liệu liên quan (nếu có) đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng; cấp có thẩm quyền quản lý xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng.

đ) Thông báo bằng văn bản và công khai về kết quả đánh giá cho người được đánh giá, xếp loại chất lượng theo quy định (ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử).

2. Công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

a) Đối với công chức

- Công chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 3;

- Công chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, các thành viên tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức;

- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cho công chức theo quy định (ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử).

b) Đối với viên chức

- Viên chức làm báo cáo tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao theo mẫu số 5;

- Viên chức trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp của cơ quan, đơn vị, các thành viên tham dự đóng góp ý kiến. Các ý kiến được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc người được giao thẩm quyền đánh giá viên chức căn cứ ý kiến tại cuộc họp nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức;

- Thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cho viên chức theo quy định (ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử).

Chương III

TIÊU CHÍ XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC,

VIÊN CHỨC, CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CẤP TỈNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VÀ TRÁCH NHIỆM LÃNH ĐẠO CƠ QUAN, ĐƠN VỊ,   ĐỊA PHƯƠNG

 

Điều 9. Tiêu chí xếp loại chất lượng Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; các Hội cấp tỉnh đặc thù

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; các Hội cấp tỉnh đặc thù được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo bảng nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm.

(Đính kèm mẫu số 1)

Điều 10. Tiêu chí xếp loại chất lượng Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các cơ quan hành chính thuộc Sở; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trưởng, Phó các Chi cục và tương đương thuộc Sở

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trưởng, Phó các Chi cục và tương đương thuộc Sở được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo bảng nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm.

(Đính kèm mẫu số 2)

Điều 11. Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo bảng nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm.

(Đính kèm mẫu số 3)

Điều 12. Tiêu chí xếp loại chất lượng Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban chuyên môn, bộ phận nghiệp vụ thuộc đơn vị

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban chuyên môn, bộ phận nghiệp vụ thuộc đơn vị được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo bảng nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm.

(Đính kèm mẫu số 4)

Điều 13. Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo bảng nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm.

(Đính kèm mẫu số 5)

Điều 14.  Tiêu chí xếp loại chất lượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã

Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp; Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cấp xã; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm theo bảng nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm.

(Đính kèm mẫu số 6)

Điều 15. Một số nguyên tắc đánh giá lãnh đạo các cấp

Việc đánh giá lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị, địa phương dựa trên kết quả điểm số các chỉ số: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hoặc chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI), chất lượng hoạt động các cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm.

1. Kết quả xếp loại một trong các chỉ số ICT, PAR Index, PCI hoặc DDCI, chất lượng hoạt động hàng năm trong năm của cơ quan, đơn vị đạt tỷ lệ dưới 50% tổng điểm đánh giá thì trong năm đó người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương không được xem xét xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

2. Kết quả đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, đơn vị sự nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là tiêu chí quan trọng để xếp loại thi đua, khen thưởng người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Các đơn vị được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định.

3. Nếu để đơn vị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó liên quan của các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định.

Điều 16. Nguyên tắc chấm điểm, xếp loại chất lượng

1. Việc đánh giá kết quả thực hiện, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành bằng phương pháp chấm điểm từng quý (qua phần mềm) theo các nội dung, tiêu chí với tổng 100 điểm. Việc xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chỉ thực hiện 01 lần vào cuối năm (Phiếu đánh giá), đối với các quý chỉ chấm điểm và không xếp loại chất lượng. Tổng điểm đánh giá hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức bằng tổng các điểm bình quân của các tiêu chí.

2. Điểm bình quân cuối năm của tiêu chí được tính theo nguyên tắc bình quân gia quyền. Tiêu chí nào phát sinh trong nhiều quý thì khi đánh giá, chấm điểm, điểm bình quân cuối năm của tiêu chí sẽ bằng tổng điểm của các quý chia cho tổng số quý phát sinh.

3. Đối với các tiêu chí mà cán bộ, công chức, viên chức không phải thực hiện (trong cả năm) do không thuộc đối tượng hoặc đặc thù công việc không yêu cầu thì được tính điểm tối đa tiêu chí đó.

4. Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước khi bình xét thi đua nên được lấy kết quả thi đua của năm trước liên kề để chấm điểm cho năm sau.

5. Việc lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi cán bộ, công chức, viên chức công tác chỉ thực hiện 01 lần vào cuối năm.

6. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm về tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không được vượt quá 20% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN  CHỨC

Điều 17.  Sử dụng kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức

Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 18. Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được thể hiện bằng văn bản, lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm:

1. Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá;

2. Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (Mẫu số 1, 2, 3, 4, 5 và 6);

3. Ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy nơi công tác (nếu có);

4. Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền quản lý;

5. Hồ sơ giải quyết khiếu nại về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có);

6. Các văn bản khác liên quan (nếu có).

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Áp dụng Quy định này đối với những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và khoản 1, Điều 3 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

1. Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước thì được đánh giá theo mẫu số 3

2. Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP làm việc trong các đơn vị sự công lập thì được đánh giá theo mẫu số 5

Điều 20. Thời gian thực hiện

Căn cứ nhiệm vụ trọng tâm trong năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể, cụ thể hóa công việc theo từng vị trí công tác hoặc vị trí việc làm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức chấm điểm theo định kỳ hàng quý trên cơ sở mức độ hoàn thành nhiệm vụ đã được phân công. Kết quả chấm điểm hàng quý là cơ sở để Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tổng hợp đánh giá, xếp loại cả năm đối với từng cán bộ, công chức, viên chức.

1. Thời gian chấm điểm hàng quý:

Trước ngày 05/4, 05/7, 05/10, 05/11, các cá nhân cập nhật tình hình thực hiện nhiệm vụ công việc vào các phiếu chấm điểm qua phần mềm điện tử;

Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục và đào tạo tổ chức đánh giá 01 năm 02 lần theo từng học kỳ để phù hợp với năm học và thời gian nghỉ hè của giáo viên.

2. Thời gian thẩm định năm:

a) Trước ngày 15/11 hàng năm: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phải hoàn tất việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị (trừ các chức danh được đánh giá tại Mẫu số 1);

b) Trước ngày 05/12 hàng năm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng: các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; các Hội cấp tỉnh đặc thù tiến hành tự đánh giá, chấm điểm và xếp loại chất lượng và gửi Phiếu đánh giá, chấm điểm và xếp loại chất lượng (trừ cấp xã) đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ);

c) Trước ngày 10/12 hàng năm: Hội đồng thẩm định của tỉnh họp xem xét, phân tích kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các chức danh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng: các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp (trừ cấp xã), các Hội cấp tỉnh đặc thù để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng trước ngày 15/12.

Điều 21. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

1. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, tổng hợp báo cáo việc thực hiện Quy định này. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đối với: các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các cấp; các Hội cấp tỉnh đặc thù.

2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức triển khai thực hiện, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

3. Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 15 tháng 11 (trừ các chức danh được đánh giá tại Mẫu số 1) (theo mẫu số 7, mẫu số 8 đính kèm) để báo cáo Bộ Nội vụ.

Trong quá trình thực hiện Quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, có phương án bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

 

 

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phan Ngọc Thọ