NGHỊ ĐỊNH
Về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ
_________________________________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Chính phủ ban hành Nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về việc thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính đối với loại hình dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 61 và Điều 63 Luật Lâm nghiệp.
2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên thuộc 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. ERPA là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, được ký ngày 22 tháng 10 năm 2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD); Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển giao lại cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 95% lượng giảm phát thải ký kết và lượng bổ sung (nếu có) để sử dụng cho Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
2. Kết quả giảm phát thải là lượng khí carbon dioxide (CO2) được giảm, hấp thụ hoặc được lưu giữ do các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong khu vực giảm phát thải khí nhà kính chênh lệch so với mức tham chiếu được xác định trong ERPA, được tính theo tấn CO2.
3. Chuyển nhượng kết quả giảm phát thải là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA (gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có)).
4. Cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng là cộng đồng dân cư quy định tại khoản 24 Điều 2 Luật Lâm nghiệp, ký kết thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức, cư trú hợp pháp trong khu vực tiếp giáp với khu rừng hoặc nằm trong khu rừng tự nhiên của chủ rừng là tổ chức.
5. Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng là văn bản được ký giữa chủ rừng là tổ chức với cộng đồng dân cư và Ủy ban nhân dân cấp xã có cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng, trong đó bao gồm các nội dung do các bên đề xuất, thảo luận và thống nhất để hợp tác quản lý có hiệu quả một diện tích rừng cụ thể của chủ rừng là tổ chức.
Điều 3. Nguyên tắc chuyển nhượng và quản lý tài chính ERPA
1. Nguyên tắc chuyển nhượng
a) Việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải được xác định theo thỏa thuận trong ERPA.
b) Kết quả giảm phát thải đã được chuyển nhượng theo ERPA thì không được chuyển nhượng cho đối tác khác.
2. Nguyên tắc quản lý tài chính
a) Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định của Luật Lâm nghiệp được chi trả theo quy định tại Nghị định này; thực hiện theo dõi, hạch toán riêng với các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng khác.
b) Thực hiện chi trả bằng tiền Đồng Việt Nam, áp dụng tỷ giá giao dịch thực thế tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế phát sinh của Ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản tiếp nhận nguồn thu từ ERPA.
c) Chi phí triển khai thực hiện bảo đảm nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước.
3. Định mức chi
a) Đối với khoán bảo vệ rừng: Mức khoán tối thiểu bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tối đa không lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo đối tượng nhận khoán trên cùng địa bàn cấp tỉnh. Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
b) Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế: Định mức hỗ trợ là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm.
c) Đối với nội dung chi khác: Định mức chi được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Thuế
Nghĩa vụ thuế phát sinh từ việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải theo quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định pháp luật về thuế có liên quan.
Chương II
CHUYỂN NHƯỢNG KẾT QUẢ GIẢM PHÁT THẢI VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ERPA
Điều 4. Chuyển nhượng kết quả giảm phát thải
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thay mặt Chính phủ Việt Nam và các chủ rừng là đại diện chủ sở hữu, quản lý và sử dụng kết quả giảm phát thải từ rừng tự nhiên tại 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong thời gian thực hiện ERPA.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho Quỹ Đối tác các-bon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA.
3. Ngoài lượng giảm phát thải đã ký kết theo ERPA, trường hợp Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế có nhu cầu mua thêm lượng giảm phát thải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án chuyển nhượng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
4. Thời gian chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính được tạo ra do các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng từ năm 2018 đến năm 2024, thực hiện chuyển nhượng đến ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Điều 5. Tiếp nhận nguồn thu và đối tượng hưởng lợi từ ERPA
1. Tiếp nhận nguồn thu
a) Nguồn thu được tiếp nhận từ việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính theo ERPA.
b) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam mở tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận nguồn tiền từ ERPA và thực hiện điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
c) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh mở tài khoản tiền Đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận nguồn kinh phí do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối và thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi.
2. Đối tượng hưởng lợi
a) Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp được giao quản lý rừng tự nhiên.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật.
c) Cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân cấp xã có Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức.
d) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
đ) Các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tại địa bàn 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Điều 6. Các nội dung được chi trả
1. Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính, gồm:
a) Rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các hướng dẫn cơ chế, chính sách về giảm phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp;
b) Rà soát, theo dõi đánh giá biến động trữ lượng các-bon rừng; kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; tổ chức triển khai các giải pháp về quản lý rừng bền vững;
c) Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
d) Nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.
2. Hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, gồm:
a) Bảo vệ rừng tự nhiên;
b) Các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, gồm:
a) Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm cung ứng, giống cây trồng, giống vật nuôi; quản lý lập địa và phát triển kinh tế rừng trồng; mua sắm thiết bị chế biến nông lâm sản; tham quan học tập xây dựng các mô hình trình diễn về phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng;
b) Hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác; được cộng đồng tham gia quản lý rừng thống nhất đề xuất;
c) Hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các hương ước, quy chế, cam kết thực thi pháp luật.
4. Hoạt động quản lý, gồm:
a) Quản lý và điều phối nguồn thu;
b) Hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá;
c) Đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm phát thải;
d) Truyền thông, tuyên truyền;
đ) Hoạt động giải quyết thắc mắc, khiếu nại và phản hồi.
Điều 7. Xác định số tiền chi trả
1. Loại rừng, căn cứ xác định diện tích rừng được chi trả
a) Loại rừng được chi trả là rừng tự nhiên thuộc 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
b) Căn cứ xác định diện tích rừng: Kết quả điều tra, kiểm kê rừng theo chu kỳ; kết quả theo dõi diễn biến rừng hằng năm.
2. Tiêu chí xác định số tiền điều phối cho địa phương
a) Kết quả giảm phát thải của từng tỉnh;
b) Diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.
3. Xác định số tiền thu và chi trả từ ERPA tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 8. Chia sẻ lợi ích từ ERPA
1. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
a) Được trích tối đa 0,5% tổng số tiền thu được từ ERPA, lãi tiền gửi (nếu có) để chi cho các hoạt động quy định tại điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định này. Mức trích cụ thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Nội dung chi thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
b) Được trích tối đa 3% tổng số tiền thu được từ ERPA để chi cho các hoạt động quy định tại khoản 1 và điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 4 Điều 6 Nghị định này. Mức trích cụ thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Nội dung chi thực hiện theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
c) Số tiền còn lại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này.
2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh
a) Được trích tối đa 10% tổng số tiền được điều phối, lãi tiền gửi (nếu có) để chi cho các nội dung quy định tại khoản 1; điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 4 Điều 6 Nghị định này. Mức trích cụ thể trong kế hoạch thu, chi hằng năm của Quỹ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Nội dung chi quản lý và điều phối nguồn thu theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 6 Nghị định này thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Các nhiệm vụ còn lại thực hiện theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
b) Số tiền còn lại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chi trả theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này cho chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định tại Luật Lâm nghiệp.
3. Chủ rừng là tổ chức
a) Chủ rừng là tổ chức được trích 10% số tiền nhận được từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để chi cho công tác quản lý rừng. Nội dung chi quy định tại điểm d khoản 3 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP;
b) Số tiền còn lại sau khi trích kinh phí quản lý, chủ rừng ưu tiên chi trả cho các hoạt động trong Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng, trong đó tối đa 2% chi cho Ủy ban nhân dân cấp xã có cộng đồng dân cư tham gia quản lý rừng theo Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng, phần còn lại được chi trả cho các hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định này. Nội dung tham gia hoạt động quản lý rừng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng toàn bộ số tiền được chi trả giảm phát thải khí nhà kính để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.
5. Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp sử dụng tiền được chi trả theo nội dung chi theo quy định tại khoản 4 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
6. Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định này sử dụng tiền được chi trả theo nội dung chi theo quy định tại điểm b, điểm d, điểm g khoản 4 Điều 70 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.
7. Cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng được chi trả theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.
Điều 9. Lập kế hoạch chia sẻ lợi ích
1. Kế hoạch chia sẻ lợi ích gồm kế hoạch tài chính tổng thể và kế hoạch tài chính hằng năm.
2. Kế hoạch tài chính tổng thể
Căn cứ vào số tiền nhận được từ ERPA, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam lập kế hoạch tài chính tổng thể theo Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
3. Kế hoạch tài chính hằng năm
a) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
Căn cứ kế hoạch tài chính tổng thể đã được phê duyệt và xác định số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam lập kế hoạch tài chính năm theo Mẫu số 02 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Căn cứ kế hoạch tài chính năm được phê duyệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam thông báo số tiền điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
b) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh
Căn cứ số tiền thông báo điều phối từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh lập kế hoạch tài chính năm theo Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Đối với Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Sau khi có ý kiến đồng ý của Hội đồng quản lý Quỹ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Đối với Quỹ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sau khi có ý kiến đồng ý của Hội đồng quản lý quỹ, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ kế hoạch tài chính năm được phê duyệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh thông báo số tiền chi trả cho chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
c) Chủ rừng là tổ chức
Căn cứ thông báo số tiền chi trả của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, Chủ rừng là tổ chức xây dựng kế hoạch tài chính năm theo Mẫu số 04 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt kế hoạch tài chính hằng năm cho chủ rừng là tổ chức kinh tế không do nhà nước thành lập.
Căn cứ kế hoạch tài chính năm được phê duyệt, Chủ rừng là tổ chức thông báo số tiền hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cộng đồng dân cư quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng.
Căn cứ thông báo số tiền chi trả của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng lập kế hoạch tài chính năm theo Mẫu số 05 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
đ) Ủy ban nhân dân cấp xã quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định này.
Căn cứ thông báo số tiền hỗ trợ của chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã lập kế hoạch tài chính năm theo Mẫu số 05 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Điều 10. Giải ngân, thanh toán
1. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam
Căn cứ vào kế hoạch tài chính hằng năm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.
2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh
a) Căn cứ kế hoạch tài chính hằng năm được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chi trả cho chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng và thời gian thanh toán.
b) Hình thức chi trả
Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng, chuyển tiền qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ rừng là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng.
3. Chủ rừng là tổ chức
a) Căn cứ kế hoạch tài chính hằng năm được phê duyệt, chủ rừng là tổ chức thực hiện chi trả cho cộng đồng dân cư tham gia Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng theo kết quả nghiệm thu và dự toán được phê duyệt; chi trả cho Ủy ban nhân dân cấp xã tham gia Thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng theo dự toán và chứng từ chi thực tế theo quy định của pháp luật.
b) Hình thức chi trả
Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng.
Đối với cộng đồng dân cư thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng, chuyển tiền qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Chế độ báo cáo
1. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện ERPA trước ngày 30 tháng 11 hằng năm.
2. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với Quỹ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam về tình hình thực hiện ERPA tại địa phương 06 tháng (trước ngày 15 tháng 6), hằng năm (trước ngày 15 tháng 10).
3. Chủ rừng là tổ chức báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng, chủ rừng là tổ chức kinh tế không do nhà nước thành lập báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời các chủ rừng gửi báo cáo tới Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh về tình hình thực hiện ERPA định kỳ 06 tháng (trước ngày 01 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 01 tháng 10).
4. Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh về tình hình thực hiện ERPA định kỳ 06 tháng (trước ngày 01 tháng 6) và hằng năm (trước ngày 01 tháng 10).
Điều 12. Quyết toán
1. Quyết toán hằng năm
a) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam khóa sổ kế toán vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, lập báo cáo quyết toán theo Mẫu số 01 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán đến ngày 30 tháng 6 năm sau, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định và phê duyệt trước ngày 15 tháng 7 năm sau.
b) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh khóa sổ kế toán vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, lập báo cáo quyết toán theo Mẫu số 02 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán đến ngày 30 tháng 6 năm sau.
Đối với Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh: Quỹ gửi Sở Tài chính để tổ chức thẩm định và phê duyệt trước ngày 15 tháng 7 năm sau.
Đối với Quỹ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quỹ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định và phê duyệt trước ngày 15 tháng 7 năm sau.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Báo cáo quyết toán được phê duyệt, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh gửi 01 bản kết quả về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổng hợp.
c) Chủ rừng là tổ chức khóa sổ kế toán vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, lập báo cáo quyết toán theo Mẫu số 03 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; thời gian lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán đến ngày 30 tháng 6 năm sau, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng trước ngày 15 tháng 7 năm sau. Sau khi được thẩm định, phê duyệt, nộp Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh 01 bản kết quả thẩm định, phê duyệt để tổng hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán hằng năm đối với kinh phí chi trả cho chủ rừng là tổ chức kinh tế không do nhà nước thành lập.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng khóa sổ kế toán vào ngày 31 tháng 12 hằng năm, lập báo cáo quyết toán theo Mẫu số 04 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, lập và điều chỉnh báo cáo quyết toán đến ngày 30 tháng 6 năm sau, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt trước ngày 15 tháng 7 năm sau. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Báo cáo quyết toán được phê duyệt, gửi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh 01 bản kết quả để tổng hợp.
đ) Thời gian phê duyệt quyết toán kinh phí ERPA thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ tài chính đối với từng loại hình tổ chức.
2. Quyết toán kết thúc ERPA
a) Trước ngày 30 tháng 6 năm sau năm kết thúc ERPA, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam lập báo cáo quyết toán kết thúc ERPA theo Mẫu số 05 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt.
b) Trước ngày 30 tháng 5 năm sau năm kết thúc ERPA, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh lập báo cáo quyết toán kết thúc ERPA theo Mẫu số 06 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này gửi Sở Tài chính (đối với Quỹ trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với Quỹ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức thẩm định, phê duyệt.
c) Trước ngày 30 tháng 4 năm sau năm kết thúc ERPA, Chủ rừng là tổ chức lập báo cáo quyết toán kết thúc ERPA theo Mẫu số 07 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định pháp luật về tài chính phù hợp với loại hình tổ chức của chủ rừng. Sau khi được thẩm định, phê duyệt, nộp Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh 01 bản kết quả thẩm định, phê duyệt để tổng hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán kết thúc ERPA đối với chủ rừng là tổ chức kinh tế không do nhà nước thành lập.
d) Trước ngày 30 tháng 4 năm sau năm kết thúc ERPA, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng lập báo cáo quyết toán kết thúc theo Mẫu số 08 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, phê duyệt.
3. Kinh phí chưa sử dụng trong năm được chuyển tiếp sang năm sau sử dụng. Kết thúc ERPA, đối với kinh phí chưa được sử dụng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam rà soát, tổng hợp và đề xuất phương án, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 13. Kiểm toán
1. Nguyên tắc kiểm toán: Kiểm toán toàn bộ hoạt động chi từ nguồn thu từ ERPA tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các cấp; các đối tượng hưởng lợi từ ERPA quy định tại Nghị định này.
2. Thời gian kiểm toán: Thực hiện kiểm toán hằng năm và kiểm toán kết thúc ERPA.
3. Cơ quan kiểm toán: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam tổ chức lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập theo quy định pháp luật hiện hành và quy định của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.
Điều 14. Kiểm tra, giám sát, công khai tài chính
1. Kiểm tra, giám sát
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện ERPA tại trung ương và địa phương.
b) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền từ nguồn thu ERPA; thực hiện, duy trì khối lượng giảm phát thải; đầu mối giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hoạt động kiểm tra giám sát tại các địa phương.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện ERPA tại địa phương.
d) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thực hiện các hoạt động của các đối tượng hưởng lợi từ ERPA.
đ) Các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân tham gia giám sát đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhà nước, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn thu từ ERPA.
e) Ngân hàng Tái Thiết và Phát triển quốc tế kiểm tra, giám sát về việc duy trì kết quả giảm phát thải và quản lý, sử dụng tiền từ ERPA, bao gồm cả việc tiếp cận các hồ sơ có liên quan đến ERPA đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các cấp và các đối tượng hưởng lợi.
2. Công khai tài chính
a) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và các đối tượng hưởng lợi thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật có liên quan.
b) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh và chủ rừng là tổ chức công khai danh sách đối tượng hưởng lợi tại cơ sở bằng các hình thức: niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, website của đơn vị.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tổ chức và hướng dẫn thực hiện ERPA; ban hành kế hoạch chia sẻ lợi ích từ ERPA; đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, bảo đảm không gây thất thoát, sử dụng trái mục đích; báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện ERPA trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
c) Xây dựng báo cáo kết quả giảm phát thải gửi Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện ERPA báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 10 năm 2025.
2. Các bộ, ngành có liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý nhà nước của mình, các bộ, ngành chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Nghị định, đồng thời chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành trong việc thực hiện Nghị định này.
Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ
1. Tổ chức thực hiện ERPA tại địa phương: Ban hành kế hoạch triển khai ERPA; tổ chức chỉ đạo, triển khai các hoạt động của ERPA tại địa phương; lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động các nguồn lực để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
2. Chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai ERPA.
3. Không thực hiện chuyển nhượng kết quả giảm phát thải đã ký ERPA trong thời gian thực hiện ERPA cho đối tượng khác.
4. Đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện ERPA theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
5. Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực hiện ERPA tại địa phương trước ngày 30 tháng 10 hằng năm.
6. Thực hiện tổng kết, đánh giá việc thực hiện ERPA tại địa phương, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 7 năm 2025.
Điều 17. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành, thực hiện thí điểm đến ngày 31 tháng 12 năm 2026.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.