THÔNG TƯ
Quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, giải quyết khiếu nại, tố cáo
trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định quy trình tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dânđược giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức, pháp nhân thương mại và cá nhân có liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Điều 3. Nguyên tắc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
1. Cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết trong Công an nhân dân phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tố tụng hình sự quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021); Chương II, Chương III Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT).
2. Bảo đảm mọi khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền đều phải được tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết kịp thời, khách quan, đúng quy định pháp luật.
Điều 4. Sử dụng mẫu văn bản
Các văn bản ban hành trong việc tiếp nhận, phân loại, thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự được thực hiện theo các mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT (gồm 11 mẫu).
Điều 5. Hồ sơ giải quyết khiếu nại và tố cáo trong tố tụng hình sự
1. Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự phải được lập, đánh số bút lục theo các khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT.
2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự đều phải lập, đăng ký, quản lý theo quy định của Bộ Công an về chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ Công an nhân dân.
Chương II
QUY TRÌNH TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI,
THỤ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
Điều 6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý khiếu nại trong tố tụng hình sự
1. Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại (sau đây gọi chung là người giải quyết khiếu nại) có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận khiếu nại, phân công cán bộ nghiên cứu, phân loại, đề xuất xử lý đơn. Trường hợp xác định là đơn khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì ghi chép vào sổ theo dõi kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự (sau đây viết tắt là Thông tư số 119/2021/TT-BCA).
2. Các trường hợp khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân gồm:
a) Khiếu nại quyết định tố tụng của Phó Thủ trưởng, Điều tra viên của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân;
b) Khiếu nại hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân;
3. Các trường hợp khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:
a) Khiếu nại quyết định tố tụng của cấp phó các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
b) Khiếu nại hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
4. Khi tiếp nhận khiếu nại trong tố tụng hình sự tại khoản 2, khoản 3 Điều này và đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì người giải quyết khiếu nại xem xét phân loại, xử lý như sau:
a) Khiếu nại đối với quyết định tố tụng của Phó Thủ trưởng, Điều tra viên của Cơ quan điều tra nào thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra đó giải quyết;
b) Khiếu nại đối với hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra nào thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra đó giải quyết;
c) Khiếu nại đối với quyết định tố tụng của cấp phó các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nào thì chuyển đến cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đó giải quyết;
d) Khiếu nại đối với hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nào thì chuyển đến cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đó giải quyết;
đ) Trường hợp có khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra; cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng tại thời điểm đó không có Thủ trưởng Cơ quan điều tra và cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì giải quyết như sau:
Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra vắng mặt đã ủy quyền cho Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc có Phó Thủ trưởng được giao quyền Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Phó Thủ trưởng được ủy quyền hoặc được giao quyền đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trừ trường hợp khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của mình;
Trường hợp cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vắng mặt đã ủy quyền cho cấp phó hoặc có cấp phó được giao quyền cấp trưởng thì cấp phó được ủy quyền hoặc được giao quyền đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trừ trường hợp khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của mình.
5. Khi tiếp nhận khiếu nại trong tố tụng hình sự không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc xác định đơn thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng không đủ điều kiện thụ lý thì tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan, người tiếp nhận khiếu nại thực hiện như sau:
a) Chuyển đơn đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại Điều 474, 475 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021);
b) Trả lại đơn; hướng dẫn gửi đơn; chuyển đơn; yêu cầu người khiếu nại bổ sung theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT;
c) Trường hợp người khiếu nại không đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc không hợp tác trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu thì người giải quyết khiếu nại báo cáo người có thẩm quyền về việc đơn khiếu nại không đủ điều kiện thụ lý và đề xuất lưu đơn để theo dõi, quản lý.
Điều 7. Trình tự thụ lý và giải quyết khiếu nại trong trường hợp đủ điều kiện thụ lý
Kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền và đủ điều kiện thụ lý, trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), người giải quyết khiếu nại phải thụ lý và thực hiện các thủ tục như sau:
1. Ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại trình bày về nội dung khiếu nại và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại; Yêu cầu cơ quan, cá nhân có quyết định tố tụng, hành vi tố tụng bị khiếu nại giải trình bằng văn bản về quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến những nội dung bị khiếu nại trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
2. Kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụngnhư sau:
a) Kiểm tra các căn cứ ban hành quyết định tố tụng, thực hiện hành vi tố tụng bị khiếu nại;
b) Thẩm quyền ban hành quyết định tố tụng, thẩm quyền của người thực hiện hành vi tố tụng bị khiếu nại;
c) Nội dung của quyết định tố tụng và việc thực hiện hành vi tố tụng bị khiếu nại;
d) Trình tự, thủ tục ban hành quyết định tố tụng và việc thực hiện hành vi tố tụng bị khiếu nại.
3. Trường hợp kiểm tra nội dung khiếu nại thấy có căn cứ xác định quyết định tố tụng, hành vi tố tụng là đúng trình tự, thủ tục và đúng quy định pháp luật thì người giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay mà không cần tiến hành xác minh, giải quyết theo trình tự quy định.
Trường hợp cần tiến hành xác minh nội dung khiếu nại thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư này.
Điều 8. Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại
1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp tự mình xác minh hoặc phân công người tiến hành xác minh nội dung khiếu nại trừ những người bị khiếu nại là Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra đã thực hiện tham mưu hoặc ký quyết định tố tụng và thực hiện hành vi tố tụng để đảm bảo khách quan, cụ thể:
Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an giao Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh giao Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh; Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện giao Đội điều tra tổng hợp; Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an giao Cục An ninh điều tra Bộ Công an; Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh giao Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh tham mưu, giải quyết khi người tham gia tố tụng khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng của Cán bộ điều tra, Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an các cấp.
Trường hợp khiếu nại đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Phó Thủ trưởng Cơ điều quan tra thuộc hệ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp bộ, cấp tỉnh; Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra cấp bộ, cấp tỉnh do Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra cấp bộ, cấp tỉnh quyết định phân công giải quyết để đảm bảo tính khách quan.
2. Cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra Công an các cấp tự mình xác minh hoặc phân công người tiến hành xác minh nội dung khiếu nại trừ những người bị khiếu nại là cấp phó, cán bộ điều tra đã thực hiện tham mưu hoặc ký quyết định tố tụng và thực hiện hành vi tố tụng để đảm bảo khách quan.
3. Trường hợp cần phải xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc ban hành quyết định phân công người tiến hành xác minh nội dung khiếu nại và thông báo về việc thụ lý khiếu nại gửi cho người khiếu nại, đồng thời gửi một bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát giải quyết khiếu nại trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra Thông báo về việc thụ lý khiếu nại.
4. Người giải quyết khiếu nại phải lập kế hoạch xác minh, giải quyết khiếu nại trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phê duyệt.
5. Người giải quyết khiếu nại ban hành văn bản yêu cầu người khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung khiếu nại như sau:
a) Thông tin nhân thân của người khiếu nại;
b) Thông tin, tài liệu, chứng cứ và trình bày bằng văn bản các nội dung có liên quan đến quyết định, hành vi tố tụng bị khiếu nại;
c) Trường hợp người khiếu nại hoặc người đại diện hợp pháp của người khiếu nại không đến, không hợp tác làm việc, không ký biên bản làm việc, không cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và trình bày theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, hết thời hạn giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại kết luận trên cơ sở tài liệu và đơn đã nhận.
6. Người giải quyết khiếu nại yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bằng văn bản và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung bị khiếu nại.
Trong trường hợp nội dung văn giải trình chưa rõ, hồ sơ, tài liệu do người bị khiếu nại cung cấp chưa đầy đủ, người giải quyết khiếu nại làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại, yêu cầu giải trình bổ sung và cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan để làm rõ nội dung bị khiếu nại.
Trường hợp không làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại vì lý do khách quan, người giải quyết khiếu nại hoặc người được phân công xác minh nội dung khiếu nại có văn bản yêu cầu người bị khiếu nại giải trình bổ sung bằng văn bản. Thời hạn yêu cầu giải trình bổ sung và cung cấp tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật.
7. Quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại ban hành văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại. Thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật.
Trường hợp cần phải làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại thông báo trước nội dung, thời gian, địa điểm làm việc. Nội dung làm việc phải được lập biên bản.
8. Người được phân công xác minh nội dung khiếu nại tiến hành các biện pháp, các nội dung theo kế hoạch xác minh, giải quyết khiếu nại đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ thời gian đặt ra trong kế hoạch. Trong quá trình xác minh, giải quyết có thể đề xuất bổ sung kế hoạch thực hiện.
9. Quá trình giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại có thể trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.
10.Thời hạn giải quyết khiếu nại là 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
11. Trường hợp kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, nếu thấy cần thiết thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại. Nội dung đối thoại phải được lập biên bản.
12. Trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại, nếu người khiếu nại có đơn rút nội dung khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại xử lý như sau:
a) Trường hợp người khiếu nại rút toàn bộ nội dung khiếu nại thì dừng việc xác minh, ban hành quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại;
b) Trường hợp người khiếu nại rút một phần thì tiếp tục xác minh nội dung khiếu nại còn lại theo quy định.
Điều 9. Báo cáo kết quả xác minh, kết luận nội dung khiếu nại
1. Kết thúc việc xác minh, người được phân công xác minh phải có báo cáo kết quả xác minh và đề xuất, trong đó thể hiện rõ quan điểm giải quyết đối với từng nội dung khiếu nại và đề xuất hướng giải quyết cụ thể, biện pháp giải quyết như sau:
a) Chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc bác đơn khiếu nại;
b) Giữ nguyên, sửa đổi hoặc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định bị khiếu nại;
c) Giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại.
2. Căn cứ báo cáo kết quả xác minh và đề xuất, người được phân công xác minh dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại trình Thủ trưởng cơ quan điều tra (đối với Cơ quan điều tra), cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (đối với các cơ quan của Công an nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra) duyệt, ký ban hành.
Điều 10. Thông báo và tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại
1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan điều tra, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi các quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc giải quyết khiếu nại; người khiếu nại, người bị khiếu nại. Đồng thời, báo cáo hoặc thông báo kết quả giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức có chức năng giám sát đã chuyển đơn đến và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác (nếu thấy cần thiết).
2. Trường hợp đối với các nội dung khiếu nại đúng, người được phân công xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại đề xuất Thủ trưởng Cơ quan điều tra; cấp trưởng các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra các biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả thiệt hại (nếu có).
3. Giải quyết khiếu nại phát hiện người ban hành quyết định tố tụng, thực hiện hành vi tố tụng trái pháp luật thì người giải quyết khiếu nại báo cáo người có thẩm quyền yêu cầu người ban hành quyết định tố tụng, thực hiện hành vi tố tụng trái pháp luật, căn cứ quy định pháp luật để hủy quyết định tố tụng trái pháp luật và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật, quy định Bộ Công an.
Chương III
QUY TRÌNH TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI,
THỤ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO
Điều 11. Tiếp nhận, phân loại, xử lý tố cáo trong tố tụng hình sự
1. Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo (sau đây gọi chung là người giải quyết tố cáo) có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận đơn tố cáo, lập biên bản ghi nội dung tố cáo khi người tố cáo trực tiếp đến trình bày việc tố cáo (trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh); ghi chép vào sổ theo dõi kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại Thông tư số 119/2021/TT-BCA.
2. Khi tiếp nhận tố cáo trong tố tụng hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này và đủ điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì người giải quyết tố cáo xử lý như sau:
a) Tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra nào thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra đó chỉ đạo giải quyết;
b) Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp huyện thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh chỉ đạo giải quyết;
c) Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra Bộ Công an chỉ đạo giải quyết;
d) Tố cáo Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thì chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo giải quyết;
đ) Trường hợp tố cáo Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra nhưng tại thời điểm tố cáo, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã được bổ nhiệm là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì chuyển tố cáo đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên một cấp hoặc Bộ trưởng (nếu là Thủ trưởng Cơ quan điều tra Bộ Công an) để giải quyết;
e) Trường hợp tố cáo Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra nhưng tại thời điểm đó không có Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì giải quyết như sau:
Trường hợp Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa bổ nhiệm Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì chuyển đơn đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên một cấp chỉ đạo giải quyết;
Trường hợp Thủ trưởng Cơ quan điều tra vắng mặt đã ủy quyền cho Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc có Phó Thủ trưởng được giao quyền Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Phó Thủ trưởng được ủy quyền hoặc được giao quyền đó có thẩm quyền giải quyết tố cáo trừ trường hợp đó là tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
g) Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi tiếp nhận tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về tố cáo và quyết định việc thụ lý, giải quyết tố cáo.
3. Khi tiếp nhận tố cáo trong tố tụng hình sự không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì chuyển đơn đến Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Nếu nội dung tố cáo đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không đưa ra được chứng cứ mới có thể làm thay đổi nội dung giải quyết trước đây hoặc tố cáo người giải quyết khiếu nại nhưng người tố cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho nội dung tố cáo hoặc tố cáo không đủ điều kiện thụ lý theo Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra văn bản không thụ lý tố cáo và nêu rõ lý do.
5. Nếu thông tin tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong Công an nhân dân thì cơ quantiếp nhận đơn tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.
Điều 12. Phân công xác minh nội dung tố cáo và thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo
1. Kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 9 của Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT. Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết về việc không thụ lý giải quyết tố cáo.
2. Ban hành quyết định phân công xác minh tố cáo. Trường hợp người giải quyết tố cáo không trực tiếp tiến hành xác minh thì ra quyết định phân công tiến hành xác minh nội dung tố cáo.
3. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định phân công xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải gửi văn bản thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để tiến hành kiểm sát việc giải quyết tố cáo và thông báo việc thụ lý đơn tố cáo cho người tố cáo biết.
Điều 13. Tiến hành xác minh nội dung tố cáo
1. Người được phân công xác minh tố cáo phải lập kế hoạch xác minh trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt. Chủ động thực hiện kế hoạch xác minh, chịu trách nhiệm trước pháp luật; người ra quyết định phân công về kết quả xác minh tố cáo.
2. Người xác minh nội dung tố cáo làm việc trực tiếp và yêu cầu người tố cáocung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung tố cáo như sau:
a) Thông tin nhân thân của người tố cáo;
b) Thông tin, tài liệu, chứng cứ và trình bày bằng văn bản các nội dung có liên quan đến nội dung tố cáo;
c) Trong trường hợp nội dung đơn tố cáo chưa rõ và thông tin, tài liệu, chứng cứ do người tố cáo cung cấp chưa đầy đủ, người giải quyết tố cáo làm việc trực tiếp với người tố cáo, yêu cầu cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung tố cáo. Nội dung làm việc với người tố cáo phải được lập biên bản.
3. Trường hợp không làm việc trực tiếp với người tố cáo vì lý do khách quan thì người giải quyết tố cáo có văn bản yêu cầu người tố cáo cung cấp bổ sung thông tin, tài liệu, chứng cứ, vật chứng (nếu có) để làm rõ nội dung tố cáotrong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người tố cáo nhận được văn bản yêu cầu để làm rõ nội dung tố cáo.
4. Người giải quyết tố cáo yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản và cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung bị tố cáo.
Người bị tố cáo giải trình chưa rõ, chưa cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ thì người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh phải làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, yêu cầu giải trình bổ sung và đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Nội dung làm việc với người bị tố cáo phải được lập biên bản.
Trường hợp không làm việc trực tiếp với người bị tố cáo vì lý do khách quan, người giải quyết tố cáo hoặc người được phân công xác minh có văn bản yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về nội dung tố cáo và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ để làm rõ nội dung tố cáo. Thời hạn yêu cầu giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.
5. Quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo ban hành văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo. Thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phải trong thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật.
Trường hợp làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh, làm rõ nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải thông báo trước nội dung, thời gian, địa điểm làm việc. Nội dung làm việc phải được lập biên bản.
6. Trường hợp xét thấy cần thiết bảo vệ người tố cáo khi họ bị đe dọa, trả thù, trù dập thì người giải quyết tố cáo phải đề xuất biện pháp kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ người tố cáo.
7. Người được phân công xác minh nội dung tố cáo tiến hành các biện pháp, các nội dung theo kế hoạch xác minh nội dung tố cáo đã được phê duyệt, đảm bảo đúng tiến độ thời gian đặt ra trong kế hoạch.
8. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn kịp thời hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
9. Trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì người giải quyết tố cáo chuyển tố cáo và thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết; đồng thời, thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền để thực hiện việc kiểm sát theo quy định.
10. Thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với tố cáo có nhiều tình tiết hoặc phải xác minh nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
Điều 14. Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo
1. Kết thúc xác minh nội dung tố cáo, người được phân công xác minh phải có báo cáo kết quả xác minh và đề xuất trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Bộ trưởng Bộ Công an. Báo cáo phải nêu rõ nội dung vụ việc, xác định nội dung tố cáo đúng; đúng một phần; sai toàn bộ hoặc không đủ cơ sở kết luận; đề xuất kiến nghị các biện pháp giải quyết nội dung tố cáo và trả lời người tố cáo.
2. Trường hợp xét thấy cần thiết, người được phân công xác minh nội dung tố cáo đề xuất tổ chức tham khảo ý kiến tư vấn của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý cấp trên hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trước khi kết luận nội dung tố cáo.
Điều 15. Kết luận nội dung tố cáo, thông báo và xử lý các vấn đề liên quan
1. Căn cứ báo cáo kết quả xác minh và đề xuất đã được Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt, người được phân công xác minh nội dung tố cáo dự thảo Quyết định giải quyết tố cáo trình Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Bộ trưởng Bộ Công an ký, ban hành.
2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ban hành Quyết định giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo phải gửi Quyết định giải quyết tố cáo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để tiến hành kiểm sát việc giải quyết tố cáo, người tố cáo, người bị tố cáo. Đồng thời thông báo việc giải quyết tố cáo cho cơ quan quản lý người bị tố cáo; báo cáo hoặc thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển đơn đến.
3. Trường hợp đối với các nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần, người được phân công xác minh, giải quyết tố cáo đề xuất Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu cơ quan, người bị tố cáo khắc phục và giải quyết hậu quả thiệt hại (nếu có) theo quy định pháp luật.
4. Giải quyết tố cáo phát hiện người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật. Người giải quyết tố cáo căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật, quy định Bộ Công an.
5. Trường hợp kết luận xác định người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật thì người giải quyết tố cáo căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật báo cáo Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý người tố cáo theo quy định pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2024.
2. Khiếu nại, tố cáo đã được thụ lý, đang xác minh và chưa có kết luận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành.
3. Khi những điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu trong thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới thì nội dung dẫn chiếu trong thông tư này được điều chỉnh và thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo hệ lực lượng Cảnh sát; Cục An ninh điều tra Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này đối với Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo hệ lực lượng An ninh.
3. Cục Hồ sơ nghiệp vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc lập, đăng ký, quản lý, sử dụng hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) để có hướng dẫn kịp thời.