Sign In

CHỈ THỊ

Về việc thực hiện một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển mạnh thị trường nội địa

 

Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương mại, phát triển thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp nhằm tổ chức và phát triển thị trường nội địa. Những chính sách và biện pháp này đã tác động tích cực đối với sản xuất và lưu thông hàng hoá, thị trường nội địa bước đầu được mở rộng, lưu chuyển hàng hoá ngày một tăng, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên thị trường nội địa cũng còn không ít yếu kém và bất cập như: chậm xác lập và phát triển các mô hình tổ chức thị trường và các kênh lưu thông để bảo đảm sự gắn kết ổn định và đa dạng từ sản xuất đến tiêu dùng; kết cấu hạ tầng thương mại chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; công tác dự báo cung - cầu, giá cả chưa đáp ứng tốt yêu cầu điều hành nền kinh tế cũng như thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh; quá trình liên kết và tích tụ giữa các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp thương mại nhà nước chưa được định hướng rõ nét, do đó không tạo được sức cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập; quản lý nhà nước về thương mại còn chưa bám sát được thực tiễn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế kinh tế nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, hầu hết các doanh nghiệp đều nhỏ bé, thành phần kinh tế tư nhân mới bắt đầu hình thành; nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp về vị trí, vai trò của thị trường nội địa chưa được đầy đủ; công tác tổ chức thị trường nội địa chưa được chú trọng đúng mức, thiếu sự chỉ đạo cụ thể trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã có.

Để khắc phục các yếu kém trên đây, phát huy hơn nữa vai trò của thị trường nội địa trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế của đất nước, tạo cơ sở vững chắc cho hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các tỉnh) tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi mua bán hàng hoá, bao gồm: chợ, trung tâm thương mại (bán buôn, bán lẻ hàng hoá), siêu thị và mạng lưới các cửa hàng phù hợp và đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng của nhân dân trên từng địa bàn.

a) Bộ Thương mại có trách nhiệm:

- Phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị với vị trí, quy mô phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của từng địa bàn; chú trọng quy hoạch phát triển các chợ đầu mối bán buôn, chợ chuyên doanh, các trung tâm thương mại và các siêu thị lớn một cách hợp lý.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, thiết kế mẫu cho các loại hình chợ, siêu thị và trung tâm thương mại để bảo đảm được tính hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm trong xây dựng cũng như trong khai thác, sử dụng.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cân đối nguồn vốn từ ngân sách trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để bố trí theo kế hoạch hàng năm nhằm hỗ trợ đầu tư một phần về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án xây dựng chợ theo tinh thần Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Trong đó, ưu tiên cho những tỉnh trọng điểm về nông sản hàng hoá ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng. Trước mắt, tập trung hoàn thành việc thí điểm xây dựng, khai thác và quản lý các chợ đầu mối bán buôn nông sản cấp vùng tại các tỉnh: Nghệ An, Đắk Lắk, Cần Thơ để rút kinh nghiệm triển khai trên phạm vi cả nước.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi.

c) Các Bộ quản lý chuyên ngành phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh lựa chọn một số đơn vị trực thuộc Bộ, địa phương để chỉ đạo và hướng dẫn trở thành đơn vị đi đầu trong việc xây dựng và phát triển các loại hình kinh doanh thương mại văn minh, hiện đại. Trước mắt, trong hai năm (2004 - 2005), tập trung củng cố và xây dựng mới một số trung tâm thương mại, siêu thị và mạng lưới cửa hàng ở các đô thị loại I và tại một số khu kinh tế cửa khẩu lớn.

d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm:

- Tổ chức lập và phê duyệt các dự án quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành.

- Dành quỹ đất và huy động các nguồn vốn đầu tư để triển khai xây dựng các dự án chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn. Trước mắt, trong hai năm (2004 - 2005), tập trung nguồn lực xây dựng các chợ đầu mối bán buôn nông sản (có tính đến yếu tố liên kết giữa các vùng kinh tế), các trung tâm thương mại cấp tỉnh, các chợ dân sinh bán lẻ tổng hợp ở các xã và cụm xã đang có nhu cầu bức xúc về chợ; đặc biệt, chú trọng phát triển chợ ở các trung tâm cụm xã thuộc khu vực miền núi, biên giới và vùng đồng bào dân tộc với quy mô hợp lý, có tính đến tập quán họp chợ ở từng địa phương.

2. Tạo lập mối liên kết giữa lưu thông hàng hoá với sản xuất, đặc biệt là với sản xuất nông nghiệp. Phát triển các phương thức đại lý mua bán hàng hóa và cung cấp các dịch vụ, vật tư cho sản xuất và tiêu dùng theo hợp đồng ổn định, lâu dài.

a) Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành bổ sung và hoàn chỉnh Quy chế đại lý mua bán hàng hoá; phối hợp với các cơ quan và địa phương hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp thiết lập mạng lưới kinh doanh và đại lý mua bán hàng hóa.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với thực tiễn.

c) Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng với hộ nông dân trong việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; chỉ đạo chính quyền cơ sở thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục và để nông dân nhận thức đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tiêu thụ nông sản theo hợp đồng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kinh nghiệm về ký kết và thực hiện hợp đồng cho nông dân; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản; phối hợp với các cơ quan của Trung ương thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết theo đúng chức năng và thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên trong việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản.

3. Từng bước hình thành các tập đoàn thương mại, các tổng công ty kinh doanh thương mại lớn theo hướng văn minh, hiện đại.

Các Bộ quản lý ngành chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung trong hoạt động thương mại để hình thành các tập đoàn thương mại, các tổng công ty thương mại lớn có hệ thống kinh doanh xuyên suốt trên các địa bàn, kinh doanh đa ngành hoặc chuyên ngành, vừa phát triển xuất, nhập khẩu, vừa mở rộng kinh doanh thương mại tại thị trường nội địa; mối liên kết kinh tế trong các hệ thống kinh doanh chủ yếu thông qua phương thức mua bán theo hợp đồng, theo đơn đặt hàng và qua mạng lưới đại lý.

4. Thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội thuộc lĩnh vực thương mại trên thị trường nội địa.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, trong đó có các hiệp hội thuộc lĩnh vực thương mại theo hướng: kết hợp việc bảo vệ lợi ích của hội viên với việc bảo hiểm rủi ro và chia sẻ lợi ích cho người sản xuất, nhất là nông dân; phát huy vai trò của hiệp hội trong việc kết hợp tổ chức điều phối các hoạt động xuất nhập khẩu với hoạt động kinh doanh trên thị trường nội địa; nâng cao vai trò của hiệp hội trong quá trình tham gia hoạch định các cơ chế, chính sách vĩ mô nhằm bình ổn thị trường và giá cả các mặt hàng trọng yếu.

5. Phát triển mạnh các hợp tác xã thương mại - dịch vụ trên các địa bàn, trọng tâm là địa bàn nông thôn.

a) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại và Uỷ ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào Luật Hợp tác xã (năm 2003) chỉ đạo, định hướng việc xây dựng các hợp tác xã thương mại - dịch vụ trên các địa bàn, trọng tâm là địa bàn nông thôn với mô hình chủ yếu là hợp tác xã nông (lâm, ngư) nghiệp - thương mại - dịch vụ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cho sản xuất nông (lâm, ngư) nghiệp như: cung ứng vật tư sản xuất đầu vào, hỗ trợ việc tìm kiếm thị trường, nguồn hàng và tổ chức tiêu thụ hàng hoá cho nông dân.

Khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã với thành phần tham gia bao gồm cả thể nhân (cá nhân, hộ kinh doanh, hộ nông dân...), pháp nhân (doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã khác,...). Xây dựng hợp tác xã trở thành đầu mối chủ yếu trong việc ký kết hợp đồng mua bán và làm đại lý mua bán với doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản và vật tư nông nghiệp trên thị trường nông thôn để thực hiện tiêu thụ phần lớn nông sản cho nông dân và cung ứng những vật tư nông nghiệp quan trọng cho sản xuất nông nghiệp.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương sửa đổi Nghị định số 15/CP ngày 21 tháng 02 năm 1997 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã cho phù hợp với Luật Hợp tác xã (năm 2003) và những văn bản pháp luật khác có liên quan, nhất là các chính sách: cho thuê đất tạo mặt bằng kinh doanh, miễn, giảm thuế, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã,…

c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành kèm theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

6. Tăng cường quản lý nhà nước, từng bước hoàn chỉnh thể chế quản lý lưu thông hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo, điều hành thị trường, giá cả các mặt hàng trọng yếu, bảo đảm cho thị trường nội địa phát triển ổn định và bền vững.

Bộ Thương mại có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành nhằm thực thi có hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất và lưu thông hàng giả, các hoạt động kinh doanh trái phép và các hành vi gian lận thương mại khác; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về chất lượng và quản lý chất lượng hàng hoá trong lưu thông nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và một số tổng công ty nhà nước trong việc cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ điều hành thị trường trong nước trên cơ sở nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích, đánh giá quan hệ cung - cầu, giá cả các mặt hàng trọng yếu của nền kinh tế quốc dân; chủ động có giải pháp đối phó với tác động bất lợi của thị trường quốc tế, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm xử lý kịp thời, nâng cao hiệu quả điều hành thị trường trong nước.

- Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách và thể chế hiện hành về lưu thông hàng hoá và kinh doanh dịch vụ thương mại trên thị trường nội địa, nhất là những mặt hàng và dịch vụ có tác động lớn đến sản xuất, đời sống, môi trường sinh thái để kịp thời bổ sung, sửa đổi hoặc kiến nghị với các cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

7. Bộ Thương mại có trách nhiệm theo dõi và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về quản lý thị trường trong nước và tình hình thực hiện Chỉ thị này.

8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị này.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Vũ Khoan