THÔNG TƯ
SỐ 3/LN-KL NGÀY 23-2-1988
HƯỚNG DẪN VIỆC KIỂM SOÁT LÂM SẢN.
Ngày 30 tháng 12 năm 1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có công văn số 1582-Về việc đặt trạm kiểm soát lâm sản.
Để nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là việc đặt trạm kiểm soát lâm sản nhằm tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc khai thác và vận chuyển gỗ và các loại lâm sản khác nhưng không được gây trở ngại cho việc lưu thông lâm sản và hàng hoá khác theo đúng chính sách, chế độ Nhà nước, Bộ quy định thống nhất việc kiểm soát lâm sản như sau:
I. VIỆC LẬP TRẠM KIỂM SOÁT LÂM SẢN
- Ở những tỉnh có rừng (20 tỉnh), nơi có đầu mối giao thông thuỷ, bộ vận chuyển lâm sản quan trọng, cần lập trạm kiểm soát lâm sản, Sở Lâm nghiệp báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị để Bộ ký quyết định lập trạm kiểm soát lâm sản.
Trên các trục đường giao thông thuỷ, bộ, các địa phương không được tổ chức nhiều trạm kiểm soát lâm sản, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá.
- Ở những tỉnh có rừng và thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sở Lâm nghiệp báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố ký quyết định lập đội kiểm soát lâm sản lưu động để kiểm tra, xoá bỏ các tụ điểm khai thác, mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép.
- Đối với việc lập trạm kiểm soát cửa rừng thì các đơn vị được giao rừng quản lý, kinh doanh (liên hiệp, lâm trường, hợp tác xã, rừng quốc gia, rừng cấm...) cần thống nhất với cơ quan lâm nghiệp tỉnh để báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh ký quyết định thành lập trạm kiểm soát cửa rừng. Lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị quản lý rừng là nòng cốt tại trạm cửa rừng.
II. VIỆC TỔ CHỨC KIỂM SOÁT LÂM SẢN
1. Kiểm soát tại rừng. Các lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách,
cùng với lực lượng quần chúng bảo vệ rừng phải tăng cường tuần tra trong rừng và kiểm sát tại trạm cửa rừng để phát hiện và xử lý kịp thời các vụ chặt phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép.
Phải kiểm tra chặt chẽ việc khai thác gỗ và phương tiện vận tải ra vào rừng. Khai thác gỗ ngoài kế hoạch, gỗ gia dụng phải có giấy phép của cơ quan lâm nghiệp có thẩm quyền. Khai thác gỗ của các liên hiệp, lâm trường, các đơn vị liên kết kinh tế phải có thiết kế khai thác có phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Gỗ khai thác ra phải thực hiện việc đóng dấu búa kiểm lâm vào gỗ.
Các xe vào rừng nhận gỗ phải có giấy tờ và chỉ được vào đúng nơi quy định (bãi 1, bãi 2) để nhận gỗ.
2. Kiểm soát tại các trạm kiểm soát lâm sản.
- Để việc kiểm soát lâm sản có hiệu quả, đúng thủ tục phải bố trí cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân có đạo đức, có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nắm vững luật lệ về lâm nghiệp. Biên chế của trạm phải đủ để làm 3 ca liên tục. Trong khi làm nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên kiểm lâm phải mặc đồng phục, đeo phù hiệu, cấp hiệu và số hiệu kiểm lâm nhân dân.
Tại các trạm kiểm soát lâm sản cần có lực lượng công an, quân cảnh phối hợp, hỗ trợ làm nhiệm vụ.
- Các trạm kiểm soát lâm sản (đường bộ, đường sông) phải có bảng báo hiệu cách trạm 100m. Trên bảng ghi rõ: "Trạm kiểm soát lâm sản cách 100m, Xe chở lâm sản dừng lại kiểm tra!".
Các trạm chỉ được dừng các loại xe con, xe ca chở khách để kiểm tra nếu phát hiện có chở lâm sản trái phép.
- Trong khi làm nhiệm vụ, các trạm kiểm soát lâm sản phải chấp hành nghiêm chỉnh các thủ tục quy định về kiểm soát lâm sản như ghi chép sổ sách mẫu biểu đúng quy định, sổ nhật ký kiển soát lâm sản, sổ cái B, sổ nhập xuất lâm sản tịch thu, sổ quỹ, v.v..., lập biên bản, xử lý các vụ vi phạm, giải quyết lâm sản và trích thưởng theo đúng luật lệ hiện hành.
3. Những quy định cơ bản hiện hành về quản lý rừng, quản lý vật tư gỗ và lâm sản, đặc sản rừng.
Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý thống nhất vật tư gỗ và lâm sản, đặc sản rừng. Nhà nước và ngành đã có nhiều văn bản quy định cụ thể. Đó là cơ sở pháp lý trong khâu kiểm soát lâm sản.
Đối với khai thác và lưu thông lâm sản, Bộ yêu cầu các đơn vị chấp hành những quy định sau:
- Về khai thác rừng phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ như Chỉ thị số 10-LN/KL ngày 12-4-1985, Thông tư số 14-CNR ngày 17-4-1986 Quyết định số 69-QĐ/KL ngày 17-4-1986 và các văn bản hướng dẫn bổ sung khác.
Đối với xe chuyên dụng chuyển gỗ phải thực hiện theo Quyết định số 68-CT ngày 28-2-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
- Về quản lý vật tư gỗ và lâm sản phải thực hiện đúng Chỉ thị số 199-CT ngày 12-6-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Đối với gỗ tận dụng phải thực hiện đúng Chỉ thị số 37-CNR ngày 8-10-1983 của Bộ, đối với gỗ quý hiếm, gỗ nguyên liệu giấy phải thực hiện đúng Chỉ thị số 13-LN/KL và 16-LN/KL của Bộ.
Nghiêm cấm việc lợi dụng gỗ tận dụng, củi để chở gỗ chính phẩm, gỗ quý hiếm và gỗ nguyên liệu giấy.
- Về thủ tục vận chuyển gỗ và lâm sản, đặc sản rừng. Gỗ và lâm sản, đặc sản rừng vận chuyển từ bãi 1 ra bãi 2, và từ bãi 2 đi tổng kho và các nơi tiêu thụ phải có dấu búa kiểm lâm đóng vào gỗ, và phải có đủ thủ tục giấy tờ như quy định tại Thông tư số 9-LN/KL ngày 12-4-1986 của Bộ.
4. Đối với các vụ vi phạm phải kiên quyết xử lý theo đúng Thông tư số 23-LN/KL ngày 8-10-1986 của Bộ, trường hợp vận chuyển trái phép gỗ quý hiếm, gỗ nguyên liệu giấy phải xử lý theo Chỉ thị số 13-LN/KL hoặc Chỉ thị số 16-LN/KL của Bộ.
Việc xử lý với các xe chở gỗ trái phép giải quyết như sau:
Đối với xe trong ngành làm nhiệm vụ chở gỗ (kể cả xe hợp đồng chở gỗ cho ngành lâm nghiệp) nếu chở dư khối lượng quá 5% hoặc sai chủng loại thì lập biên bản cho bốc lóng gỗ đó xuống và xử lý theo luật lệ hiện hành. Tuyệt đối không được giữ xe, giữ gỗ hợp pháp.
Đối với lái xe (kể cả ngành lâm nghiệp) dùng phương tiện để tiếp tay cho bọn buôn lậu chở gỗ trái phép thì phải xử phạt nghiêm khắc.
5. Gỗ và lâm sản thu hồi phải giao cho cơ quan cung ứng lâm sản phân phối theo kế hoạch như quy định tại Chỉ thị số 44-LN/KL ngày 15-10-1977 của Bộ. Nghiêm cấm việc tự tiện sử dụng gỗ và lâm sản tịch thu.
6. Thưởng cho người có công phát hiện, bắt giữ các vụ vi phạm luật lệ bảo vệ rừng được khuyến khích và kịp thời theo đúng luật lệ hiện hành.
Bộ yêu cầu các Sở Lâm nghiệp, Chi cục kiểm lâm nhân dân chỉ đạo và kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại các trạm kiểm soát lâm sản, ngăn ngừa những tiêu cực trong khâu kiểm soát lâm sản, để việc kiểm soát lâm sản góp phần hỗ trợ cho quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, bảo vệ vững chắc vốn rừng hiện có.