Sign In

NGHỊ QUYẾT

Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh

Lào Cai, giai đoạn 2011-2020

______________
 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ 21

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 03/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 124/TTr-UBND ngày 01/12/2010 của UBND tỉnh Lào Cai về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2020, Báo cáo thẩm tra số 62/BC-BKT ngày 10/12/2010 của Ban kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Thông qua Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2020 như với nội dung chủ yếu sau:

I. Hiện trạng tài nguyên rừng

1. Diện tích đất lâm nghiệp và các loại đất loại rừng

Diện tích tự nhiên: 638.389,6 ha; đất lâm nghiệp 417.934,2 ha, trong đó:

- Đất có rừng: 329.377,2 ha, gồm; rừng tự nhiên: 257.691 ha, rừng trồng: 71.686 ha

- Đất chưa có rừng: 88.557 ha.

2. Trữ lượng rừng: Tổng trữ lượng rừng toàn tỉnh trên 18,516 triệu m3 gỗ và trên 196,407 triệu cây tre, vầu, nứa.

3. Hiện trạng quy hoạch 3 loại rừng: Rừng đặc dụng: 46.070 ha; rừng phòng hộ: 170.089,1 ha; rừng sản xuất: 201.7754 ha.

II. Nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

 1. Mục tiêu, nhiệm vụ

- Mục tiêu: Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 53% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020; Đến năm 2015 cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao và cho thuê; kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; hoàn thành mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại các huyện nghèo, các xã có nguy cơ sa mạc hóa; xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh lâm nghiệp; giải quyết việc làm cho 150.000-170.000 lao động đến năm 2020.

- Nhiệm vụ: Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 417.700 ha đất lâm nghiệp, từng được quy hoạch đến năm 2020; trong đó 46.000 ha rừng đặc dụng, 170.000 ha rừng phòng hộ và 201.700 ha rừng sản xuất. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng rừng, đất rừng, đặc biệt là rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

2. Nội dung Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

2.1. Bảo vệ rừng

Phát huy vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ rừng của các cấp chính quyền. Tăng cường phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng bảo vệ của các chủ rừng và chính quyền xã. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có 329.377 ha.

+ Rừng đặc dụng: Bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích có rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn;

+ Rừng phòng hộ: Tập trung vào những khu vực có mức độ xung yếu và rất xung yếu, khu vực rừng đầu nguồn;

+ Rừng sản xuất: tập trung bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng trên địa bàn

2.2. Phát triển rừng

- Khoanh nuôi phục hồi 11.796 ha rừng đặc dụng và phòng hộ.

- Trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác 100.803 ha: trồng mới 52.803 ha (trong đó có 15.000 ha cao su), trong đó: Rừng đặc dụng 36 ha; rừng phòng hộ 6.042 ha; rừng sản xuất 46.725 ha.

- Trồng cải tạo rừng và làm giàu rừng: 9.000 ha.

- Trồng khoảng 3,0 triệu cây phân tán/năm.

2.3. Khai thác

- Khai thác gỗ toàn kỳ 3.000.000 m3, bình quân mỗi năm 300.000 m3 chủ yếu tập trung khai thác rừng trồng, cây phân tán, khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên, khai thác hưởng lợi theo QĐ 178/QĐ-TTg; từng bước giảm khai thác rừng tự nhiên.

- Khai thác tre, nứa, vầu: 21.900 ha tương đương khoảng 420.000-720.000 tấn, bình quân 35.000-60.000 tấn/năm; khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ khác gồm: thảo quả, quế thanh, mủ cao su, song, mây, thiên niên kiện, Hoàng Liên, sa nhân, hạt dè, lá dong, măng tre; các loài cây khác...

Ưu tiên sử dụng gỗ và các lâm sản ngoài gỗ khai thác được cho các cơ sở chế biến trong tỉnh.

2.4. Chế biến lâm sản

Hoàn thiện các nhà máy sản xuất hiện có, đưa vào hoạt động gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến lâm sản; thực hiện tốt sự liên kết giữa người dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu vời các nhà máy chế biến. Đưa 80% nguyên liệu vào chế biến để sản xuất ra hàng hoa đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu, 20% nguyên liệu được sử dụng tại chỗ.

Định hướng quy hoạch các nhà máy chế biến như sau:

- Nâng cao năng lực chế biến cho Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên, Văn Bàn bàng giải pháp đầu tư thiết bị mới sản xuất các mặt hàng như: Ván ghép thanh, đồ mộc gia dụng; đũa, giấy đế; Riêng đối với Công ty lâm nghiệp Văn Bàn xây dựng cơ sở ngâm tẩm hoặc sấy gỗ rừng tự nhiên để nâng cao giá trị gỗ cũng như giá trị sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng.

- Xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản theo vùng nguyên liệu.

3. Tổng hợp vốn đầu tư và nguồn vốn

- Tổng vốn đầu tư: 2.997.961 triệu đồng trong đó:

+ Vốn ngân sách: 960.038 triệu đồng (bình quân 96.003,8 triệu đồng/năm).

+ Vốn vay: 403.652 triệu đồng (bình quân 40.365,2 triệu đồng/năm).

+ Vốn tự có: 1.634.271,0 triệu đồng (bình quân 163.427,0 triệu đồng/năm).

III. Giải pháp thực hiện

1.1. Về tổ chức quản lý

- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý lâm nghiệp từ tỉnh xuống địa phương: Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.

- Cấp huyện: UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và chế biến lâm sản.

1 .2. Tổ chức sản xuất:

- Hệ thống các Hạt kiểm lâm, Ban quản ý rừng phòng hộ, Ban quản lý khu bảo tồnthiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ, triển khai, chỉ đạo, tổ chức sản xuất ở cơ sở theo kế hoạch giao hàng năm về các nội dung: Bảo vệ rừng, PCCCR, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng...

- Hệ thống các đơn vị sản xuất lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, ché biến lâm sản, tư vấn thiết kế...

- Tổ chức giao đất, giao rừng: đến năm 2013 hoàn thành công tác giao đất gắn với giao rừng, giao khoán rừng và cho thuê rừng.

1.3. Giải pháp bảo vệ rừng

- Tổ chức quản lý và thực hiện tốt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh; quy chế quản lý 3 loại rừng của Chính phủ, gắn bảo vệ rừng với chính quyền địa phương.

- Tập trung bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ nơi sung yếu, rất sung yếu, bảo tồn nguồn gen quy hiếm, bảo tồn và phát triển tính đa rạng sinh học và môi trường; rừng tự nhiên có trữ lượng trung bình, giàu, có nguy cơ xâm hại cao.

1 .4. Giải pháp phát triển rừng

- Đầu tư có trọng điểm cho trồng rừng kinh tế tập trung nguyên liệu theo hướng đa dạng sản phẩm có năng xuất chất lượng có giá trị hàng hóa cao. Ưu tiên phát triển ở các huyện vùng thấp, có thị trường tiêu thụ ổn định, chi phí trồng rừng thấp như các huyện Bảo yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bát Xát, Thành phố Lào Cai; nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các cơ sở chế biến trọng yếu.

- Tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở 3 huyện vùng cao thuộc Nghị quyết 30a: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và một số xã vùng cao của huyện Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát có nguy cơ sa mạc hóa cao, tỷ lệ tán che phủ của rừng thấp; trồng rừng bảo vệ biên giới.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, phát triển trang trại rừng, mô hình kinh tế rừng tổng hợp.

1.5. Khai thác sử dụng rừng: Khai thác rừng hợp lý theo điều chế rừng, đảm bảo tái sinh phục hồi rừng. Quy chế khai thác gỗ rừng tự nhiêm, nghiêm cấm khai thác hủy hoại tài nguyên rừng, tổn hại tính đa dạng sinh học.

1.6. Về phát triển chế biến lâm sản: Xây dựng các cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến, nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

1.7. Giải pháp về chính sách:

- Tiếp tục thực hiện các chính sách về lâm nghiệp hiện hành: Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Quyết định 661/QĐ-TTg; Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg; Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg; Quyết định 164/2008/QĐ-TTg; Quyết định 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010; Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16/11/2010.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng chính sách mới để thực hiện cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, như: Chính sách phát triển rừng cao su.

1.8. Giải pháp về vốn

- Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

- Ngân sách đầu tư cho việc bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; phát triển giống cây trồng lâm nghiệp. Công tác điều tra cơ bản, hỗ trợ một phần theo chính sách cho trồng rừng kinh tế, cơ sở chế biến, vận chuyển sản phẩm hàng hóa lâm sản sau chế biến, chuyển giao công nghệ.

- Nguồn vốn vay, tín dụng, nguồn tự có tập trung cho bảo vệ và phát triển rừng sản xuât; cho khai thác chế biến tiêu thụ lâm sản. Các hoạt động mang tính chất sản xuất kinh doanh rừng

IV. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên

- Các chương trình gồm: Chương trình quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp vi mô; Chương trình giao, khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp; Chương trình phát triển giống cây lâm nghiệp; Chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lâm nghiệp; Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và dịch vụ môi trường; Chương trình phát triển và quản lý rừng bền vững; Chương trình khuyến lâm; Chương tình ứng dụng công nghệ để trồng rừng xán xuất, chế biến gỗ và lâm sản; Chương trình điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; Chương trình xúc tiến thương mại; Chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

- Các dự án gồm: Dự án trồng cao su; Dự án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp; Dự án theo dõi diễn biến tài nguyên rừng phục vụ quản lý rừng bền vững; Dự án quản lý rừng bền vững cho các chủ rừng; Dự án quản lý rừng cộng đồng; Dự án phát triển và quản lý bền vững các vùng trồng rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản; Dự án phát triển trồng cây lâm nghiệp phân tán; Dự án Bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ; Dự án tăng cường năng lực bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi pháp luật trong ngành lâm nghiệp.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho

1. Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện.

2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa XIII - Kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 17 tháng 12 năm 2010 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Sùng Chúng