THÔNG TƯ
CỦA UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC SỐ 12/VGNN-PPCĐ
NGÀY 6 THÁNG 5 NĂM 1985 HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ
QUẢN LÝ GIÁ (BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 33-HĐBT
NGÀY 27-2-1984 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG)
Ngày 27-2-1984, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 33-HĐBT ban hành Điều lệ quản lý giá. Đồng thời giao trách nhiệm cho Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện Điều lệ này. Căn cứ vào các điều khoản trong Điều lệ và phương hướng cải tiến công tác giá cả đã được Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, lần thứ 7 (khoá V) và các văn bản về cải tiến quản lý kinh tế của Hội đồng Bộ trưởng mới ban hành, Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn thực hiện như sau:
I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ VIỆC QUẢN LÝ CÁC LOẠI GIÁ
TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN
Trong chương I, Điều lệ quản lý giá của Hội đồng Bộ trưởng đã quy định những nguyên tắc chung về sự hình thành giá chỉ đạo của Nhà nước và việc quản lý giá. Uỷ ban Vật giá Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng ban hành các văn bản về tính giá thành, giá cả đối với các sản phẩm thuộc kinh tế quốc doanh, tập thể sản xuất. Căn cứ vào điểm 2 và điểm 4 trong Điều 1 và những quy định trong 4 bản danh mục ban hành kèm theo Điều lệ quản lý giá. Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn phạm vi áp dụng các loại giá và việc quản lý các loại giá đó trong nền kinh tế quốc dân như sau:
1. Giá giao nộp, giá thu mua các loại nông sản, lâm sản, hải sản và giá thu mua, giá gia công sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp:
a) Giá thu mua theo hợp đồng kinh tế hai chiều (bao gồm giá thu mua trong nghĩa vụ và giá thu theo hợp đồng kinh tế hai chiều được quy định trong điểm 2 Điều 1 của Điều lệ quản lý giá) là giá chỉ đạo có kế hoạch, ổn định được áp dụng đối với các sản phẩm do hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và nông dân, ngư dân, diêm dân cá thể bán cho Nhà nước theo hợp đồng kinh tế hai chiều.
Gía thu mua theo hợp đồng kinh tế 2 chiều bao gồm giá thành được tính toán theo những định mức hợp lý về tiêu hao vật chất, hao phí lao động và lãi thoả đáng cho cơ sở, người sản xuất. Đồng thời giá này được xác định tương quan hợp lý với giá bán tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng cho nông dân, ngư dân, diêm dân.
Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá những sản phẩm thuộc danh mục số 1 ban hành kèm theo Điều lệ quản lý giá:
- Nếu Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá sản phẩm theo quy cách, phẩm chất... cụ thể thì Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn thực hiện.
Nếu Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá chuẩn thì Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh (nếu trong quyết định giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể hoá giá) căn cứ vào giá chuẩn và những điều ghi trong quyết định giá của Hội đồng Bộ trưởng để quyết định giá sản phẩm tương tự. Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn thực hiện.
Nếu Hội đồng Bộ trưởng quyết định khung giá hoặc giá giới hạn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào khung giá hoặc giá giới hạn và những điều ghi trong quyết định giá của Hội đồng Bộ trưởng để quyết định giá mua sản phẩm trong địa phương.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá sản phẩm thuộc danh mục số 2.
Các Bộ quyết định giá sản phẩm thuộc danh mục số 3.
Trường hợp Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ quyết định giá chuẩn, khung giá, giá giới hạn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá chuẩn, khung giá, giá giới hạn và những điều ghi trong quyết định giá của Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ để quyết định giá mua sản phẩm trong địa phương.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định giá những sản phẩm sau:
- Những sản phẩm ngoài những thứ trong các danh mục số 1, số 2, và số 3.
Những sản phẩm thuộc danh mục số 3 mua theo hợp đồng kinh tế 2 chiều ngoài phần giao nộp cho Trung ương, nếu địa phương thu mua thêm cho nhu cầu của địa phương tại những vùng mới sản xuất, sản lượng ít thì địa phương quyết định giá.
Đối với những sản phẩm thuộc danh mục số 1, số 2 mua theo hợp đồng kinh tế 2 chiều ngoài phần giao nộp cho Trung ương, nếu địa phương thu mua thêm cho nhu cầu của địa phương thì địa phương vẫn phải chấp hành giá chuẩn hoặc khung giá của Hội đồng Bộ trưởng và của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
b) Giá thu mua thoả thuận (bao gồm giá thu mua khuyến khích và giá thu mua thoả thuận được quy định trong điểm 2 Điều 1 Điều lệ quản lý giá) được chỉ đạo linh hoạt theo kế hoạch và được áp dụng đối với những sản phẩm sau:
- Sản phẩm không có trong hợp đồng kinh tế 2 chiều giữa Nhà nước với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và người sản xuất cá thể.
- Phần sản phẩm bán vượt hợp đồng kinh tế 2 chiều.
Những sản phẩm nêu trên không phân biệt sản xuất ở vùng tập Trung hay vùng lẻ tẻ.
Hội đồng Bộ trưởng quyết định khung giá thu mua thoả thuận thóc tẻ.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định khung giá thu mua thoả thuận những sản phẩm sau:
- Sản phẩm mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá thu mua theo hợp đồng kinh tế 2 chiều (trừ thóc tẻ) đã được quy định ở điểm 1 mục I danh mục số 1.
Sản phẩm thuộc điểm 2 mục I danh mục số 2.
Các Bộ quyết định khung giá thu mua thỏa thuận những sản phẩm thuộc danh mục số 3.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá thu mua thoả thuận những sản phẩm sau:
- Những sản phẩm ngoài những thứ trong các danh mục số 1, số 2 và số 3.
Căn cứ vào khung giá thu mua thoả thuận của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ để quyết định giá thu mua thoả thuận những sản phẩm thuộc quyền quyết định giá của Trung ương ở địa phương.
Một số sản phẩm thuộc danh mục số 1 như: ngô, sắn lát khô, khoai lang khô, mía, đường thủ công, cói đay, quế, hoa hồi, sơn ta, chè búp tươi, cá biển tươi và khô, nước mắm, muối ngoài phần giao nộp cho Trung ương (theo kế hoạch của Trung ương giao mua theo giá thoả thuận), nếu địa phương thu mua thêm cho nhu cầu của địa phương thì địa phương được quyền quyết định giá. Các sản phẩm khác thuộc danh mục số 1 như: thóc tẻ, thịt lợn hơi, đậu tương, lạc vỏ, thuốc lá, cà phê, cao su, anh túc và nhựa anh túc, dứa quả, tôm và mực xuất khẩu ngoài phần giao nộp cho Trung ương (theo kế hoạch của Trung ương giao mua theo giá thoả thuận), nếu địa phương thu mua thêm cho nhu cầu của địa phương thì địa phương phải chấp hành khung giá của Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Đối với những sản phẩm thuộc danh mục số 2 và số 3 ngoài phần giao nộp cho Trung ương (theo kế hoạch của Trung ương giao mua theo giá thoả thuận) nếu địa phương thu mua thêm cho nhu cầu của địa phương thì địa phương được quyền quyết định giá.
Đối với những nông sản, lâm sản, hải sản trong các danh mục số 1, số 2, số 3 Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua, giao nộp (bao gồm chỉ tiêu do Hội đồng Bộ trưởng giao và chỉ tiêu do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền giao), nếu địa phương thu mua cho nhu cầu của địa phương thì địa phương được quyền quyết định giá (bao gồm cả giá thu mua theo hợp đồng kinh tế 2 chiều và giá thu mua thoả thuận) nhưng phải báo cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước biết.
Những địa phương không tổ chức sản xuất ra sản phẩm thì không được quyền quyết định giá để mua sản phẩm của địa phương khác không theo kế hoạch
c) Giá thu mua, giá gia công sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp được áp dụng đối với sản phẩm do các hợp tác xã, tổ sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và thợ thủ công cá thể sản xuất được xác định theo các nguyên tắc chính sách đã được quy định trong Thông tư số 194-CT ngày 14-10-1981 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Quyết định số 133-CT ngày 9-5-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các thông tư hướng dẫn số 62/VGNN-TD ngày 24-2-1982, Thông tư số 801/VGNN-KHCS ngày 16-12-1983 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Tuỳ theo nguồn vật tư đưa vào sản xuất giá thu mua, giá gia công sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp được chỉ đạo phân biệt như sau:
- Giá thu mua, giá gia công chỉ đạo có kế hoạch, ổn định được áp dụng đối với những sản phẩm quan trọng, được Nhà nước giao kế hoạch pháp lệnh kèm theo những điều kiện để bảo đảm thực hiện như: cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng thiết yếu... theo giá chỉ đạo có kế hoạch ổn định của Nhà nước cho thợ thủ công.
Giá thu mua thoả thuận được áp dụng đối với những sản phẩm sau:
- Sản phẩm sản xuất ngoài chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh do các cơ sở tự tìm kiếm vật tư mà những vật tư đó không thuộc danh mục sản phẩm Nhà nước độc quyền kinh doanh.
Phần sản phẩm giao vượt kế hoạch cho thương nghiệp quốc doanh do cơ sở sản xuất tiết kiệm vật tư sản xuất thêm sản phẩm.
Các cơ sở sản xuất, hợp tác xã tự tìm kiếm nguyên liệu hoặc mua trên thị trường đều phải chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường, giá cả; không được tự tiện nâng giá để tranh mua với Nhà nước và các cơ sở sản xuất khác. Các hợp đồng mua và bán theo giá thoả thuận đều phải gửi cơ quan quản lý giá có thẩm quyền biết để theo dõi.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước căn cứ vào những quy định của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định giá thu mua, giá gia công sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.
Các Bộ quyết định giá thu mua, giá gia công những sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp lưu thông trong phạm vi toàn quốc, hoặc nhiều tỉnh có ghi trong kế hoạch thu mua, gia công của Nhà nước.
Để bảo đảm tương quan thu nhập giữa các ngành nghề, giữa các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trong địa phương trước khi quyết định giá các Bộ phải trao đổi thống nhất với tỉnh và phải chấp hành theo chế độ gia công, thu mua của tỉnh, bao gồm cả chế độ về tiền công, lợi nhuận v.v... Nếu có sự tranh chấp ý kiến thì báo về Uỷ ban Vật giá Nhà nước xử lý.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá thu mua, giá gia công những sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp ngoài những sản phẩm thuộc thẩm quyền quyết định giá của các Bộ.
Đối với những mặt tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định giá của các Bộ, nếu địa phương thu mua và gia công cho nhu cầu của địa phương hoặc cho tỉnh bạn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá chuẩn của Bộ để quyết định giá cho thích hợp. Trường hợp Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua, gia công, nếu địa phương thu mua và gia công cho nhu cầu của địa phương hoặc tỉnh bạn thì địa phương được quyền quyết định giá.
2. Các loại giá bán buôn.
a) Giá bán buôn xí nghiệp: được áp dụng đối với tất cả các sản phẩm trong chỉ tiêu pháp lệnh (bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất bằng vật tư Nhà nước cân đối hoặc bằng vật tư do xí nghiệp tự kiếm, kể cả vật tư tự nhập khẩu) của các xí nghiệp công nghiệp, lâm trường, nông trường (sau đây gọi tắt là xí nghiệp) do Trung ương hoặc địa phương quản lý thuộc các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản...
Giá bán buôn xí nghiệp được quy định trên cơ sở giá thành hợp lý cộng với lãi định mức theo chế độ hiện hành.
Giá thành làm căn cứ xác định giá bán buôn xí nghiệp được tính toán theo định mức Trung bình tiên tiến về tiêu hao vật chất và hao phí lao động do cấp có thẩm quyền quy định. Giá thành này được xác định phân biệt theo:
- Từng xí nghiệp hoặc nhóm xí nghiệp có điều kiện sản xuất tương tự nhau.
- Vật tư dùng vào sản xuất được Nhà nước cung ứng hay xí nghiệp tự kiếm bổ sung.
Các xí nghiệp sản xuất giao sản phẩm cho các tổ chức tiêu thụ (liên hiệp các xí nghiệp cung ứng, Tổng công ty và Công ty thương nghiệp quốc doanh...) được thanh toán theo giá bán buôn xí nghiệp.
Chênh lệch giữa giá bán buôn xí nghiệp và giá bán buôn công nghiệp là khoản thu quốc doanh được nộp ngay và đủ vào Ngân sách Nhà nước khi sản phẩm được chuyển vào khâu sản xuất sang khâu lưu thông.
Trong khi chưa có đủ điều kiện để thực hiện cơ chế tổ chức tiêu thụ chịu trách nhiệm nộp thu quốc doanh hoặc được cấp bù lỗ (nếu có) khi nhận hàng của đơn vị sản xuất như điểm 3 Điều 7 của Điều lệ quản lý giá quy định thì xí nghiệp có nhiệm vụ thu và nộp thay cho tổ chức tiêu thụ khoản chênh lệch giá này vào Ngân sách Nhà nước khi giao sản phẩm cho các tổ chức tiêu thụ. Nếu giá tiêu thụ sản phẩm do Nhà nước quy định thấp hơn giá bán buôn xí nghiệp đã duyệt thì Ngân sách Nhà nước bù lỗ cho khâu lưu thông theo tinh thần Nghị quyết số 156-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 30-11-1984.
Uỷ banVật giá Nhà nước căn cứ vào các quy định của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định giá bán buôn xí nghiệp và quyết định giá bán buôn xí nghiệp những sản phẩm sau:
- Sản phẩm thuộc điểm 2 mục 2 danh mục số 2.
- Sản phẩm là tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng quan trọng mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá bán buôn vật tư và giá bán lẻ.
- Sản phẩm mà Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền đã quyết định giá bán lẻ.
Các Bộ quyết định giá bán buôn xí nghiệp các sản phẩm thuộc danh mục số 3 (bao gồm cả tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) do các xí nghiệp trực thuộc Bộ sản xuất.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá bán buôn xí nghiệp các sản phẩm sau đây do các xí nghiệp địa phương sản xuất:
- Sản phẩm ngoài danh mục sản phẩm do Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn xí nghiệp.
- Sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm do Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn xí nghiệp nhưng Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua, giao nộp, địa phương sản xuất để tiêu dùng tại địa phương và bán cho tỉnh bạn.
Đối với những sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm do Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn xí nghiệp ngoài phần giao nộp cho Trung ương, nếu địa phương sản xuất thêm cho nhu cầu của địa phương hoặc tỉnh bạn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá bán buôn xí nghiệp của Uỷ ban Vật giá Nhà nước để quyết định giá bán buôn xí nghiệp cho phù hợp với tình hình sản xuất của các cơ sở.
b) Giá bán buôn hàng nhập khẩu là khâu giá đầu tiên có ảnh hưởng đến các khâu hình thành giá nối tiếp và đến cân đối tài chính của các tổ chức làm nhiệm vụ nhập khẩu.
Giá bán buôn hàng nhập là giá thanh toán giữa cơ quan nhập khẩu với đơn vị đặt mua hàng; được áp dụng đối với tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng do cơ sở, Bộ, tỉnh nhập khẩu.
Giá bán buôn hàng nhập được xác định bằng giá nhập ngoại tệ quy đổi ra tiền Việt Nam thông qua tỷ giá kết toán nội bộ (+) cộng chi phí lưu thông các khâu và có lãi định mức cho cơ quan nhập khẩu.
Giá bán sau cùng cho người tiêu dùng (giá bán buôn vật tư đối với tư liệu sản xuất hoặc giá bán lẻ đối với hàng tiêu dùng) đối với hàng nhập được xác định theo nguyên tắc lấy giá trị trong nước làm cơ sở và phù hợp với chính sách giá trong nước.
Việc thu bù chênh lệch (nếu có) giữa 2 mức giá nói trên sẽ do cơ quan tài chính căn cứ vào các quyết định giá của cơ quan quản lý giá có thẩm quyền để quyết toán với cơ quan nhập khẩu.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn hàng nhập những hàng hoá nhập khẩu theo kế hoạch Nhà nước, trường hợp cần uỷ quyền cho Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá bán buôn hàng nhập đối với một số mặt hàng sẽ có văn bản quy định cụ thể.
Các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh quyết định giá bán buôn hàng nhập những vật tư, hàng hoá do Bộ, tỉnh hoặc cơ sở tự nhập bằng nguồn ngoại tệ tự có theo kế hoạch được Hội đồng Bộ trưởng cho phép, nhưng phải gửi quyết định giá cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước biết.
Gía bán buôn hàng nhập của những vật tư do Bộ, tỉnh, cơ sở tự nhập được xác định trên cơ sở cân đối xuất nhập khẩu trong kế hoạch hàng năm của các Bộ, các tỉnh và theo cơ chế thu bù chênh lệch ngoại thương được áp dụng cho ngành và địa phương.
c) Gía bán buôn công nghiệp:
Trong khi chưa thực hiện quy định cơ chế cơ quan tiêu thụ nộp thu quốc doanh, xí nghiệp có nhiệm vụ thu và nộp thay cho các tổ chức tiêu thụ khoản chênh lệch giữa giá bán buôn công nghiệp và giá bán buôn xí nghiệp vào Ngân sách Nhà nước như đã nêu trên, thì giá bán buôn công nghiệp là giá giao hàng giữa đơn vị sản xuất và cơ quan tiêu thụ (bao gồm cả xí nghiệp địa phương giao hàng cho cơ quan tiêu thụ Trung ương).
Tuỳ theo từng sản phẩm mà giá bán buôn công nghiệp được xác định bằng giá bán buôn vật tư hoặc giá bán lẻ ổn định trừ chiết khấu lưu thông. Đối với sản phẩm chưa có giá bán buôn vật tư và giá bán lẻ ổn định thì giá bán buôn công nghiệp được xác định bằng giá bán buôn xí nghiệp cộng thu quốc doanh (nếu có).
Đối với sản phẩm trong chỉ tiêu pháp lệnh được sản xuất bằng nguồn vật tư do xí nghiệp tự kiếm thì xí nghiệp phải xác định giá bán buôn xí nghiệp như đã nêu trên (điểm a, mục 2); còn giá bán buôn công nghiệp trước mắt được xác định theo tinh thần Thông tư số 2/VGNN- KHCS ngày 3-4-1985 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước. Cụ thể là:
Nếu giá bán buôn xí nghiệp của sản phẩm được sản xuất bằng nguồn vật tư do xí nghiệp tự kiếm bằng hoặc nhỏ hơn giá bán buôn công nghiệp của sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng nguồn vật tư do Nhà nước cung ứng thì vẫn giao hàng theo giá bán buôn công nghiệp của sản phẩm được sản xuất bằng vật tư do Nhà nước cung ứng.
- Nếu giá bán buôn xí nghiệp vượt giá bán buôn công nghiệp thì dùng giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp (giá giới hạn thấp) trừ chiết khấu lưu thông vật tư, thương nghiệp để có giá bán buôn công nghiệp mới.
- Nếu giá bán buôn công nghiệp mới này vẫn thấp hơn giá bán buôn xí nghiệp thì xí nghiệp được bán cho cơ quan tiêu thụ (bao gồm cả thương nghiệp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và hợp tác xã mua bán) theo giá thoả thuận. Xí nghiệp trao đổi thống nhất với Bộ chủ quản (đối với xí nghiệp Trung ương), Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Uỷ ban Vật giá tỉnh nếu được uỷ quyền (đối với xí nghiệp địa phương) trước khi quyết định giá và phải được cơ quan quản lý giá chấp thuận bằng văn bản.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn công nghiệp những sản phẩm sau đây:
- Sản phẩm mà Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định giá bán buôn vật tư, giá bán lẻ.
- Sản phẩm mà Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã quyết định giá bán lẻ.
- Sản phẩm thuộc mục II danh mục số 2.
- Sản phẩm là hàng tiêu dùng thuộc danh mục số 3 do các Bộ quyết định giá bán buôn xí nghiệp.
- Sản phẩm thuộc danh mục số 3 do các xí nghiệp địa phương sản xuất giao cho Trung ương.
Đối với những sản phẩm thuộc danh mục số 1, số 2 và số 3 do địa phương sản xuất giao cho Trung ương theo kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Vật giá Nhà nước sẽ trao đổi với tỉnh giao hàng trước khi quyết định giá bán buôn công nghiệp.
Các Bộ: quyết định giá bán buôn công nghiệp những sản phẩm, phụ tùng, bao bì đóng gói... do xí nghiệp trực thuộc Bộ sản xuất, tiêu dùng chủ yếu trong nội bộ ngành thuộc điểm 3 mục II danh mục số 2.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định giá bán buôn công nghiệp những sản phẩm sau:
- Sản phẩm ngoài những thứ trong các danh mục số 1, số 2 và số 3.
- Sản phẩm trong các danh mục số 1, số 2 và số 3 nhưng Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua giao nộp.
Đối với những sản phẩm thuộc các danh mục số 1, số 2 và số 3, ngoài phần giao nộp cho Trung ương, nếu địa phương sản xuất cho nhu cầu của địa phương hoặc tỉnh bạn thì Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá bán buôn công nghiệp của Uỷ ban Vật giá Nhà nước để quyết định giá bán buôn công nghiệp cho phù hợp.
d) Giá bán buôn vật tư được chỉ đạo có kế hoạch, ổn định và được áp dụng đối với các loại nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị... sản xuất trong nước và nhập khẩu. Tuỳ theo tính chất của từng loại sản phẩm, giá này được áp dụng theo một mức thống nhất trong cả nước hoặc có chênh lệch theo khu vực.
Đối với một số loại vật tư do cơ sở, Bộ, tỉnh tự tìm kiếm (kể cả vật tư được phép nhập khẩu bằng nguồn ngoại tệ tự có hoặc vay vốn ngân hàng), trong điều kiện hiện nay Ngân sách Nhà nước chưa đủ khả năng thu bù chênh lệch cho cơ sở, Bộ, tỉnh thì giá bán buôn vật tư có thể được xác định theo giá thực mua trong khung giá do cơ quan quản lý giá có thẩm quyền theo Điều lệ quản lý giá quy định.
Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá bán buôn vật tư các sản phẩm thuộc danh mục số 1, trường hợp Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá chuẩn thì Uỷ ban Vật giá Nhà nước căn cứ vào giá chuẩn của Hội đồng Bộ trưởng để quyết định giá những sản phẩm tương tự.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn vật tư những sản phẩm thuộc danh mục số 2.
Đối với những vật tư có nhiều quy cách, phẩm chất khác nhau (vật liệu xây dựng, hàng quy chế...) mà Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá chuẩn nếu cần để các Bộ cụ thể hoá giá sẽ ghi rõ trong từng quyết định giá:
Các Bộ quyết định giá bán buôn vật tư những sản phẩm sản xuất và tiêu thụ trong nội bộ ngành (ngoài những thứ trong các danh mục số 1 và số 2).
Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định giá bán buôn vật tư những loại sản phẩm sau đây:
Sản phẩm, hàng hoá ngoài những thứ trong các danh mục số 1, số 2 và số 3.
Sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục số 3 sản xuất tại địa phương và tiêu dùng tại địa phương, Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua giao nộp.
Đối với những sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục số 1 và số 2 sản xuất tại địa phương và tiêu dùng tại địa phương, Trung ương không giao chỉ tiêu thu mua và giao nộp (gạch, ngói, đá, cát, sỏi...) thì địa phương căn cứ vào giá chuẩn của Trung ương để quyết định giá bán sản phẩm cụ thể, sau khi trao đổi thống nhất với Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
3. Giá bán lẻ hàng tiêu dùng, giá dịch vụ sinh hoạt (sửa chữa, ăn uống công cộng...) cước vận tải hành khách, cước bưu điện (sau đây gọi chung là giá bán lẻ).
a) Giá bán lẻ ổn định của Nhà nước (bao gồm cả giá cung cấp cho những người ăn lương) được áp dụng đối với quỹ hàng cung cấp, quỹ hàng đối lưu theo hợp đồng hai chiều và một số mặt hàng thuộc diện chính sách xã hội (thuốc chữa bệnh, sữa cho trẻ em, giấy viết cho học sinh...) và được xác định gắn liền với thu nhập của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh và nhân dân lao động.
Đối với những sản phẩm do các Bộ, các tỉnh tự nhập khẩu hoặc sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tự kiếm, nếu đưa vào bán theo các quỹ hàng nói trên đều phải chấp hành theo giá bán lẻ ổn định của Nhà nước.
Về thẩm quyền quyết định giá bán lẻ ổn định của Nhà nước của các cấp được thực hiện theo các danh mục số 1, số 2, số 3 và số 4 ban hành kèm theo Điều lệ quản lý giá.
Để bảo đảm thu nhập thực tế của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh...và của nhân dân lao động, trong khi Nhà nước chưa thay đổi chính sách tiền lương và chính sách giá thu mua, giá gia công... nếu Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, các tỉnh cần điều chỉnh giá bán những mặt hàng thuộc quỹ hàng cung cấp, quỹ hàng đối lưu theo hợp đồng hai chiều và một số mặt hàng thuộc diện chính sách đã nói trên thì phải xin ý kiến Hội đồng Bộ trưởng trước khi quyết định giá.
b) Giá kinh doanh thương nghiệp (bao gồm giá cao có hướng dẫn và giá kinh doanh thương nghiệp được quy định trong điểm 2 Điều 1 của Điều lệ quản lý giá) là giá bán bình thường (hoặc bán thưởng khi mua nông sản, lâm sản, hải sản...) và được chỉ đạo linh hoạt theo kế hoạch để góp phần điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả.
Giá kinh doanh thương nghiệp được áp dụng đối với các sản phẩm sau đây:
- Sản phẩm ngoài quỹ hàng bán cung cấp, quỹ hàng đối lưu theo hợp đồng hai chiều và một số mặt hàng thuộc diện chính sách xã hội.
- Phần sản phẩm sau khi đã bảo đảm quỹ hàng bán cung cấp, quỹ hàng đối lưu theo hợp đồng hai chiều và một số mặt hàng thuộc diện chính sách xã hội.
Hội đồng Bộ trưởng quy định chính sách giá kinh doanh thương nghiệp và quyết định giá những mặt hàng thuộc mục III danh mục số 1; trường hợp cần uỷ quyền cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ quyết định giá sẽ có văn bản riêng.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước căn cứ vào những quy định của Hội đồng Bộ trưởng để hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định giá kinh doanh thương nghiệp và quyết định giá kinh doanh thương nghiệp những mặt hàng thuộc điểm 2, điểm 3 mục III danh mục số 2.
Các Bộ quyết định giá kinh doanh thương nghiệp những mặt hàng thuộc điểm 2 mục III danh mục số 3 (danh mục mặt hàng cụ thể được quy định trong các thông tư liên Bộ giữa Uỷ ban Vật giá Nhà nước với các Bộ).
Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định giá kinh doanh thương nghiệp đối với những sản phẩm sau đây:
Sản phẩm sản xuất và tiêu dùng tại địa phương ngoài những thứ trong các danh mục số 1, số 2, và số 3.
Đối với những sảnn phẩm thuộc các danh mục số 1, số 2, và số 3 thì tùy theo hình thức quyết định giá của Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giá cụ thể như sau:
Đối với mặt hàng Trung ương quyết định một mức giá thống nhất cho cả nước hoặc cho từng vùng thì Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn thực hiện mà không được quyền thay đổi mức giá đó.
Đối với mặt hàng Trung ương quyết định khung giá; trong phạm vi khung giá đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mức giá cụ thể bán trong địa phương. Khi nào cần vượt khung giá nói trên Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định giá xem xét, quyết định.
Đối với hàng Trung ương chỉ quyết định mức giá tối thiểu thì Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định mức giá cụ thể bán trong địa phương.
Các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá kinh doanh thương nghiệp đều phải chấp hành theo nguyên tắc: đối với cùng mặt hàng, có cùng chất lượng, bán theo một mức giá thống nhất trong từng tỉnh hoặc trong một khu vực (bao gồm 1 huyện hoặc một số huyện), không phân biệt nguồn hàng (hàng trong kế hoạch hay hàng liên doanh liên kết ngoài kế hoạch) và cửa hàng kinh doanh (hợp tác xã mua bán hay cửa hàng thương nghiệp quốc doanh).
II. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP
TRONG VIỆC CỤ THỂ HOÁ GIÁ VÀ QUYẾT ĐỊNH GIÁ
Nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc cụ thể hoá giá và quyết định giá đã được quy định trong 4 bản danh mục kèm theo Điều lệ quản lý giá.
Khi có sản phẩm mới phát sinh, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các ngành, các cấp phải báo cáo Uỷ ban Vật giá Nhà nước biết để kịp thời trình Hội đồng Bộ trưởng đưa bổ sung vào 4 bản danh mục nói trên. Đối với những điểm đã ghi trong Điều 6 (nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân huyện), Điều 7 (nhiệm vụ quyền hạn của các đơn vị sản xuất, kinh doanh) và 4 bản danh mục của Điều lệ quản lý giá, Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn rõ thêm như sau:
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành các cấp trong việc cụ thể hoá giá:
Theo điểm 1 mục II danh mục số 2 điểm 1 mục I, mục II, mục III, của các danh mục số 3 và số 4 thì Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh đều có nhiệm vụ cụ thể hoá giá. Để tránh tình trạng trùng lắp về nhiệm vụ và bảo đảm triển khai nhanh chóng các quyết định giá, trong quyết định giá của cơ quan có thẩm quyền đều phải ghi rõ giao nhiệm vụ cho cơ quan nào cụ thể hoá giá.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ cụ thể hoá giá phải quyết định giá sản phẩm cụ thể sau 7 ngày kể từ ngày nhận được giá chuẩn (hoặc khung giá, giá giới hạn) của cấp có thẩm quyền. Việc cụ thể hoá giá phải theo nguyên tắc sau:
- Nếu là giá của một mặt hàng cụ thể theo quy cách, phẩm chất nhất định (sản phẩm chuẩn) thì khi quyết định mức giá sản phẩm cùng loại, phải bảo đảm tương quan hợp lý với giá sản phẩm chuẩn.
Tiêu chuẩn chất lượng để làm căn cứ xếp loại sản phẩm do Tổng cục tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng, thuộc Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước quy định sau khi thống nhất với các ngành có liên quan.
- Nếu là khung giá thì khi quyết định mức giá sản phẩm cụ thể không được vượt quá mức giá tối đa hoặc nhỏ hơn mức giá tối thiểu.
Nếu là giá giới hạn cao hoặc giới hạn thấp thì khi quyết định giá sản phẩm cụ thể không được vượt giá giới hạn cao và nhỏ hơn giá giới hạn thấp.
Cơ quan lập phương án giá, ngoài phần kiến nghị mức giá chuẩn còn phải dự kiến mức giá sản phẩm cụ thể (theo quy cách, phẩm chất, khu vực...) để cơ quan có thẩm quyền quyết định giá được kịp thời.
Việc chọn sản phẩm chuẩn do cơ quan lập phương án giá kiến nghị và được sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền quyết định giá.
Các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh được giao nhiệm vụ cụ thể hoá giá chuẩn của Hội đồng Bộ trưởng và của Uỷ ban Vật giá Nhà nước phải trao đổi với Uỷ ban Vật giá Nhà nước trước khi quyết định giá.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp trong việc quyết định giá:
a) Hội đồng Bộ trưởng: (danh mục số 1) Điểm 1 mục I:
Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá giao nộp, giá thu mua tre nứa làm nguyên liệu giấy. Uỷ ban Vật giá Nhà nước căn cứ vào giá giao nộp, giá thu mua tre nứa làm nguyên liệu giấy để quyết định giá giao nộp, giá thu mua cụ thể cho từng loại (gỗ, tre, nứa, giang...).
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá thu mua tre nứa dùng cho nhu cầu xây dựng cơ bản và nhu cầu khác. Nếu giao cho Trung ương thì Bộ Lâm nghiệp quyết định giá giao, sau khi trao đổi thống nhất với tỉnh giao hàng.
Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá giao nộp, gia thu mua tôm xuất khẩu, mực xuất khẩu. Bộ Thuỷ sản căn cứ vào giá giao nộp, giá thu mua tôm xuất khẩu, mực xuất khẩu của Hội đồng Bộ trưởng để quyết định giá giao nộp, giá thu mua tôm, mực tiêu dùng trong nước, sau khi trao đổi thống nhất với các tỉnh có sản lượng khai thác lớn.
Điểm 5 mục II: Hội đồng Bộ trưởng quyết định chiết khấu lưu thông toàn ngành của các Bộ: Vật tư, Nội thương, Thuỷ sản, Ngoại thương, Lương thực, Y tế, Văn hoá... là chiết khấu lưu thông theo ngành hàng.
Ngành hàng là một sản phẩm hoặc một nhóm sản phẩm có đặc điểm sản xuất, kinh doanh và sự hình thành chi phí lưu thông tương tự nhau. Thí dụ: xăng, dầu, vật liệu xây dựng, thuỷ tinh, sành sứ, lương thực, vải sợi...
Điểm 1 mục III: Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá bán lẻ vải: phin, pôpơlin, kaki, lụa đen, sa tanh, thun, sơviốt. Nếu Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá vải chuẩn thì trong quyết định sẽ ghi rõ giao nhiệm vụ cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước hoặc các Bộ cụ thể hoá giá.
Điểm 2 mục III: Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá cho thuê nhà ở. Uỷ ban Vật giá Nhà nước căn cứ vào giá cho thuê nhà ở của Hội đồng Bộ trưởng để quyết định giá chuẩn cho thuê nhà dùng để làm việc, sản xuất, kinh doanh. Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước để quyết định giá cụ thể trong địa phương.
- Mục V: Về tỷ giá hối đoái, giá giới hạn xuất khẩu và nhập khẩu Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Bộ Ngoại thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Ngoại thương sẽ có thông tư hướng dẫn riêng theo từng chuyên đề cụ thể.
b) Uỷ ban Vật giá Nhà nước (danh mục số 2).
Điểm 2 mục I: Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá giao nộp, giá thu mua cam và dứa xuất khẩu ở vùng sản xuất tập trung. Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào giá của Uỷ ban Vật giá Nhà nước và tương quan về chất lượng để quyết định giá giao nộp, giá thu mua cam, dứa ở những vùng sản xuất không tập trung, sản lượng ít tiêu dùng trong nước. Các Bộ quyết định giá cam, dứa ở những vùng không tập trung sản lượng ít, tiêu dùng trong nước do các đơn vị trực thuộc sản xuất, nhưng phải bảo đảm tương quan hợp lý với giá cam, dứa xuất khẩu do Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá. Để bảo đảm tính thống nhất giá trong vùng đề nghị các Bộ, trước khi quyết định giá cần có sự trao đổi thống nhất với tỉnh có liên quan.
Điểm 2 mục II: Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn các loại máy móc, thiết bị dùng trong công nghiệp khai khoáng, xây dựng và trong sản xuất nông nghiệp. Đối với máy móc, thiết bị dùng trong các ngành kinh tế quốc dân khác như: công nghiệp nhẹ, y tế, văn hoá, giáo dục... thẩm quyền quyết định giá được quy định như sau:
Thiết bị toàn bộ do Hội đồng Bộ trưởng quyết định giá.
Thiết bị lẻ hoặc máy móc (ngoài những thứ trong các danh mục số 1 và số 2) sản xuất và tiêu dùng trong nội bộ ngành do Bộ quyết định giá (bao gồm giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp, giá bán buôn vật tư). Trường hợp bán ra ngoài ngành thì Bộ phải trao đổi vớí bên đặt hàng trước khi quyết định giá. Nếu không đạt được sự nhất trí thì báo cáo Uỷ ban Vật giá Nhà nước sử lý. Thiết bị lẻ hoặc máy móc (ngoài những thứ trong các danh mục số 1 và 2), do xí nghiệp địa phương sản xuất tiêu dùng tại địa phương hoặc bán cho tỉnh bạn thì do Uỷ ban Nhân tỉnh quyết định giá. Nếu sản xuất giao cho Trung ương theo kế hoạch (có cân đối vật tư) thì Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn công nghiệp (giá giao hàng), Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định giá bán buôn xí nghiệp như đã nêu trong điểm 2 mục I trong Thông tư hướng dẫn này.
Điểm 2 và điểm 3 mục III: Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết giá bán lẻ chuẩn hoặc khung giá của những mặt hàng thuộc điểm 2 và điểm 3 mục III danh mục số 2; trong quyết định giá sẽ ghi rõ giao nhiệm vụ cho Bộ hoặc tỉnh cụ thể hoá giá.
c) Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng (danh mục số 3).
Danh mục những sản phẩm cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ được quy định trong các thông tư liên Bộ giữa Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ kèm theo Thông tư hướng dẫn này; Đối với một số điểm trong danh mục số 3, Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn thêm như sau:
Điểm 4 mục II danh mục số 3 quy định "đối với những mặt hàng tiêu dùng thuộc danh mục số 3 thì Bộ sản xuất quyết định giá bán buôn xí nghiệp, Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn công nghiệp sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và Bộ kinh doanh bán lẻ". Đề nghị các Bộ có sản xuất hàng tiêu dùng khẩn trương cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước xác định danh mục cụ thể những mặt hàng do Uỷ ban Vật giá Nhà nước quyết định giá bán buôn công nghiệp.
Điểm 5 mục II danh mục số 3 quy định: "Đối với phế liệu thu được trong quá trình sản xuất (ngoài tấm cám thu được từ xay xát thóc, phế liệu từ bông sợi, kim loại màu, dầu thải, than qua lửa trong danh mục số 2) thì Bộ phụ trách cung ứng nguyên liệu chính quyết định giá chuẩn hoặc khung giá. Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản của xí nghiệp có phế liệu cụ thể hoá giá các phế liệu căn cứ vào giá chuẩn hoặc khung giá đó". Đề nghị Bộ Vật tư và các Bộ, các tỉnh làm nhiệm vụ cung ứng vật tư cần khẩn trương quy định giá chuẩn hoặc khung giá để Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản của xí nghiệp quy định giá phế liệu cụ thể. Nếu các Bộ phụ trách cung ứng chưa chỉ đạo giá thì Bộ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ quản của xí nghiệp có phế liệu được quyền quyết định giá.
Đối với giá mua phế liệu của nhân dân do cơ quan trực tiếp thu mua quyết định, sau khi trao đổi thống nhất với Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố.
d) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (danh mục số 4).
Điều lệ quản lý giá của Hội đồng Bộ trưởng mới quy định danh mục sản phẩm do Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và một số Bộ quyết định giá. Hội đồng Bộ trưởng giao trách nhiệm cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, các tỉnh tiếp tục xác định thẩm quyền quyết định giá của những sản phẩm còn lại. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào Thông tư hướng dẫn này và các thông tư liên Bộ kèm theo để dự kiến danh mục sản phẩm do tỉnh được quyền quyết định giá gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước để có thông báo chính thức.
Trong phạm vi quyền hạn của mình, Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể uỷ quyền cho Uỷ ban Vật giá tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện quyết định giá một số sản phẩm theo quy định trong Điều lệ quản lý giá.
Đối với thẩm quyền quyết định giá của các sở (trực thuộc tỉnh) trong Điều lệ quản lý giá không quy định, nhưng đối với một số sở có quản lý sản xuất kinh doanh lớn, số lượng và năng lực cán bộ làm công tác giá đáp ứng được yêu cầu thì Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở quyết định giá một số sản phẩm, sau khi đã lấy ý kiến của Hội đồng Vật giá tỉnh.
đ) Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh:
Theo điểm 3 Điều 6 trong điều lệ quản lý giá thì: "Uỷ ban Nhân dân huyện được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quyết định giá một số dịch vụ và một số sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu khai thác trong huyện và tiêu dùng chủ yếu trong phạm vi huyện". Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về quản lý kinh doanh của mỗi huyện và số lượng, năng lực của cán bộ làm công tác giá của huyện mà phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện quyết định giá. Đối với những huyện chưa có cán bộ làm công tác giá thì không nên phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện quyết định giá.
e) Các đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh và công tư hợp doanh (hạch toán kinh tế độc lập).
Theo Điều 7 của Điều lệ quản lý giá thì các đơn vị sản xuất kinh doanh và công tư hợp doanh (bao gồm cả công ty, xí nghiệp liên hợp và liên hiệp các xí nghiệp) được quyết định giá những sản phẩm sau đây:
- Thành phẩm hoặc nửa thành phẩm sản xuất làm mẫu, sản xuất thử, sản xuất để sử dụng trong nội bộ xí nghiệp vào mục đích tiếp tục quá trình sản xuất, nhưng không được đội giá sản phẩm cuối cùng đang có hiệu lực thi hành.
- Được thoả thuận với khách hàng khoản phụ giá tạm thời cộng vào giá bán buôn xí nghiệp, trong trường hợp do cải tiến kỹ thuật sản xuất mà chất lượng sản phẩm được nâng cao, nhưng chưa được cấp dấu (hoặc giấy chứng nhận) chất lượng Nhà nước. Mức phụ giá này không được cao hơn mức quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền (3-5% đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp I và 7-10% đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp cao). Xí nghiệp phải làm thủ tục xin cấp dấu chất lượng và lập phương án giá gửi cơ quan có thẩm quyền xét duyệt việc cấp dấu chất lượng và quyết định giá bán buôn sản phẩm mới.
- Sản phẩm thuộc phần sản phẩm phụ.
- Sản phẩm và dịch vụ ngoài danh mục số 1, số 2, số 3 và số 4.
- Sản phẩm ngoài chỉ tiêu pháp lệnh được sản xuất bằng nguồn vật tư do xí nghiệp tự kiếm (theo Thông tư số 2/VGNN-KHCS ngày 3-4-1985 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước).
Sản phẩm làm mẫu là sản phẩm không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, sản xuất đơn chiếc hoặc sản xuất loại nhỏ để chào hàng hay theo yêu cầu của khách hàng.
Sản phẩm sản xuất thử là sản phẩm không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao về sản xuất chính nhưng có ghi trong kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Nhà nước (hoặc của ngành). Sản phẩm được sản xuất bằng quy trình công nghệ mới do sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học hoặc ứng dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, nhưng chưa được phép đưa vào sản xuất hàng loạt.
Sản phẩm sản xuất phụ là những sản phẩm do các đơn vị sản xuất kinh doanh tổ chức làm thêm trên cơ sở tận dụng phế liệu, phế phẩm của sản xuất chính (ngoài phần phế liệu, phế phẩm mà Nhà nước đã có kế hoạch điều cho các cơ sở sản xuất khác) và một số vật liệu phụ do xí nghiệp mua thêm. Sản phẩm sản xuất phụ không nằm trong diện mặt hàng sản xuất chính của xí nghiệp.
Xí nghiệp được quyền quyết định giá sản phẩm sản xuất phụ, nhưng phải đăng ký mặt hàng, giá thành, giá bán những sản phẩm đó với cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của xí nghiệp và Uỷ ban Vật giá tỉnh.
III. TRÌNH TỰ LẬP PHƯƠNG ÁN GIÁ, QUYẾT ĐỊNH
VÀ CÔNG BỐ GIÁ
1. Nội dung của phương án giá đã được Hội đồng Bộ trưởng quy định trong Điều 9, Điều 10 của Điều lệ quản lý giá các cơ sở sản xuất kinh doanh, các ngành, các cấp căn cứ vào những quy định trong 2 điều trên để thực hiện.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn mẫu phương án giá trong các văn bản hướng dẫn tính giá sản phẩm cụ thể. Trước mắt, hướng dẫn rõ thêm nội dung cơ bản của phương án giá hàng xuất, nhập khẩu, giá thu mua nông sản, lâm sản, hải sản và giá bán lẻ hàng tiêu dùng như sau:
a) Phương án giá hàng xuất khẩu gồm
Những nét lớn về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (trang thiết bị, lao động...; tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước giao):
- Chi phí sản xuất, giá thành, giá vốn hàng xuất khẩu.
- Tương quan giữa giá sản phẩm xuất khẩu và giá sản phẩm tiêu thụ trong nước.
- Giá xuất khẩu thu được bằng ngoại tệ và hiệu quả xuất khẩu sản phẩm đó.
b) Phương án giá hàng nhập khẩu gồm:
- Sự cần thiết phải nhập khẩu.
- Cơ cấu giá vốn hàng nhập khẩu (gồm giá nhập bằng tiền ngoại tệ, giá nhập tính quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá kết toán của Nhà nước hoặc của Bộ, của tỉnh; chi phí nhập khẩu các khâu...).
- So sánh giá vốn nhập khẩu với giá trong nước của hàng hoá tương tự.
- Đối với sản phẩm nhập khẩu lần đầu, trong nước chưa sản xuất và cũng chưa có sản phẩm nhập khẩu tương tự thì trong phương án phải có luận chứng về chi phí nhập khẩu và căn cứ vào chính sách giá trong nước mà kiến nghị mức giá.
c) Phương án giá thu mua nông sản, hải sản... gồm:
- Những nét lớn về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Tình hình thực hiện các định mức kinh tế kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt (năng xuất, sản lượng, định mức về tiêu hao vật chất và hao phí lao động cho 1 đơn vị diện tích, cho một đơn vị sản phẩm...).
- Tình hình chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
- Tỷ giá giữa các sản phẩm trồng trọt, giữa các sản phẩm chăn nuôi, giữa sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt.
- Tỷ giá giữa giá thu mua nông sản và giá bán tư liệu sản xuất nông nghiệp và hàng công nghiệp tiêu dùng cho nông dân, ngư dân.
- Những ảnh hưởng của mức giá kiến nghị đến thu nhập của hợp tác xã , tập đoàn sản xuất, nông dân, ngư dân; đến Ngân sách Nhà nước; đến giá thành hoặc giá nguyên liệu đưa vào chế biến hay xuất khẩu; đến giá bán lẻ hàng nông sản, thực phẩm.
- Những biện pháp nhằm khắc phục những tác động đến các mặt nêu trên và dự kiến tác dụng của việc điều chỉnh giá đến sản xuất, thu mua nắm nguồn hàng.
d) Phương án chiết khấu lưu thông vật tư, hàng hoá gồm:
- Những nét lớn về tình hình kinh doanh (tổ chức màng lưới kinh doanh, nguồn hàng...).
- Tổng mức lưu chuyển hàng hoá (mua vào, bán ra...).
- Chi phí vận chuyển (phương thức, phương tiện, khoảng cách vận chuyển), chi phí bốc dỡ, bảo quản, hao hụt sản phẩm.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định.
Lãi vay Ngân hàng.
- Chi phí tiền lương của cán bộ quản lý và nhân viên bán, mua hàng.
- Các khoản chi phí khác.
- Tỷ lệ lãi định mức tính trong chiết khấu.
Những căn cứ và phương pháp phân bổ chiết khấu theo nhóm hàng, theo khu vực, theo cấp kinh doanh.
đ) Phương án giá bán lẻ hàng tiêu dùng gồm:
- Những nét lớn về tình hình kinh doanh của đơn vị.
- Giá mua vào hoặc giá nhập khẩu.
- Chiết khấu thương nghiệp các khâu.
- Chính sách tiêu dùng của sản phẩm (ý nghĩa xã hội của hàng hoá, đối tượng tiêu dùng hàng hoá...).
- Quan hệ cung cầu hàng hoá.
- Tác động của mức giá kiến nghị đến thu nhập của các tầng lớp nhân dân, đến kết quả kinh doanh của cơ quan lưu thông và Ngân sách Nhà nước.
2. Trình tự lập và trình phương án giá: Theo Điều 11 của Điều lệ quản lý giá thì "phương án giá các sản phẩm thuộc danh mục số 1 và số 2 phải do đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng, thủ trưởng Bộ chủ quản thẩm tra và gửi cho Hội đồng Bộ trưởng qua Uỷ ban Vật giá Nhà nước, (nếu là sản phẩm thuộc danh mục số 1) và gửi cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước (nếu là sản phẩm thuộc danh mục số 2). Các phương án giá trình Bộ trưởng phải gửi qua Vụ ( hoặc phòng) Vật giá của Bộ. Các phương án giá trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phải gửi qua Uỷ ban Vật giá tỉnh. Cơ quan Vật giá có trách nhiệm thẩm tra phương án, đưa ra nhận xét và kiến nghị của mình". Căn cứ vào quy định trên Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn rõ thêm như sau:
a) Phương án giá các sản phẩm thuộc thẩm quyền quyết định giá của Hội đồng Bộ trưởng hoặc của Uỷ ban Vật giá Nhà nước do đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng gửi Bộ chủ quản (hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với đơn vị sản xuất kinh doanh do địa phương quản lý) và Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Thủ trưởng Bộ chủ quản (đối với đơn vị Trung ương), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với đơn vị địa phương) thẩm tra có ý kiến kết luận chính thức và gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước xem xét trước khi trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc Uỷ ban Vật giá Nhà nước xét duyệt (nếu là phương án giá thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Vật giá Nhà nước).
Vụ (hoặc phòng) Vật giá của Bộ, Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố có trách nhiệm giúp lãnh đạo Bộ, tỉnh thẩm tra phương án, đưa ra nhận xét và kiến nghị của mình về phương án giá do các đơn vị xây dựng.
b) Phương án giá sản phẩm thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ do đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng, gửi qua Vụ (hoặc phòng) Vật giá của Bộ thẩm tra và trình lãnh đạo Bộ xét duyệt.
c) Phương án giá sản phẩm thuộc thẩm quyền quyết định giá của Uỷ ban nhân dân tỉnh do đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng, gửi qua Uỷ ban Vật giá tỉnh và Sở chủ quản.
Giám đốc Sở chủ quản thẩm tra và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Uỷ ban Vật giá tỉnh xét duyệt.
Đối với phương án giá sản phẩm do các đơn vị sản xuất, kinh doanh của địa phương lập và trình các cấp có thẩm quyền xét duyệt, nếu là phương án giá phức tạp có liên quan đến nhiều ngành hoặc là phương án giá có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan thì trước khi trình duyệt phải đưa ra lấy ý kiến của Hội đồng Vật giá tỉnh. Thành phần và quy chế làm việc của Hội đồng Vật giá tỉnh được thực hiện theo Thông tư số 683/VGNN-KHCS ngày 10-9-1984 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
3. Thời hạn xét duyệt giá:
Điều 12 của Điều lệ quản lý giá có quy định: "kể từ khi nhận được phương án giá đúng thể thức và nội dung quy định, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá phải duyệt giá trong thời hạn:
- Không quá 30 ngày đối với những sản phẩm và dịch vụ thuộc các danh mục số 1 và số 2.
Không quá 15 ngày đối với những sản phẩm và dịch vụ thuộc các danh mục số 3 và số 4".
Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn rõ thêm như sau:
a) Các cơ quan có nhiệm vụ thẩm tra các phương án giá do các đơn vị sản xuất kinh doanh xây dựng trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền quyết định giá thì sau 7 ngày kể từ khi nhận được phương án giá đúng thể thức và nội dung quy định phải có ý kiến chính thức của mình gửi lên cơ quan có thẩm quyền xét duyệt giá.
b) Đối với phương án giá sản phẩm có tính chất thời vụ cơ quan lập phương án giá phải gửi trước thời vụ thu mua là 30 ngày. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá phải duyệt giá sau 15 ngày kể từ khi nhận được phương án giá đúng thể thức và nội dung quy định.
c) Thời hạn xét duyệt giá quy định trên đây, được tính bắt đầu từ ngày cơ quan có thẩm quyền xét duyệt giá nhận được phương án giá do cơ quan có trách nhiệm trình.
Thí dụ: Phương án giá bán buôn xí nghiệp vải do Nhà máy dệt 8/3 xây dựng gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Công nghiệp nhẹ ngày 1-2-1985, nhưng đến ngày 8-2-1985 Bộ Công nghiệp nhẹ mới có ý kiến chính thức gửi tới Uỷ ban Vật giá Nhà nước thì thời hạn xét duyệt giá được tính bắt đầu từ ngày 9-2-1985.
d) Nếu quá thời hạn quy định mà cơ quan có thẩm quyền quyết định giá chưa xét duỵệt xong thì cơ quan trình phưong án giá có quyền tạm thời cho thực hiện mức giá đã kiến nghị trong phương án. Khi có quyết định chính thức đơn vị sản xuất kinh doanh không phải thanh toán lại.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét duyệt các phương án giá đúng thời hạn quy định, các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng năm cần xây dựng giá thành kế hoạch đơn vị sản phẩm (hoặc chi phí lưu thông) trình Bộ chủ quản (đối với cơ sở Trung ương quản lý), Uỷ ban nhân dân tỉnh (đối với cơ sở địa phương quản lý) xét duyệt. Cuối năm hạch toán giá thành thực tế đơn vị sản phẩm (hoặc chi phí lưu thông) gửi Bộ (tỉnh) chủ quản đồng thời gửi cho cơ quan giá cả, tài chính biết để theo dõi.
4. Quyết định và công bố giá: Điều 13 của Điều lệ quản lý giá có quy định: "tất cả các quyết định giá của các Bộ, của Uỷ ban nhân dân các tỉnh đều phải gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước để lập các bảng giá hiện hành của Nhà nước", Uỷ ban Vật giá Nhà nước đề nghị khi các Bộ, các tỉnh gửi cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước các quyết định giá, cần gửi kèm theo phương án giá hoặc bản tóm tắt nội dung phương án giá để tạo điều kiện thuận lợi cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước kiểm tra lại các quyết định giá và giải quyết những khiếu nại khi cần thiết.
Đối với các điểm khác trong Điều 13, đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh.
5. Phân công trách nhiệm lập phương án giá: căn cứ vào điểm 2 Điều 3, điểm 1 Điều 4, điểm 2 Điều 7... thì Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, các cơ sở sản xuất kinh doanh... đều có trách nhiệm lập phương án giá, Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn việc thực hiện như sau:
a) Uỷ ban Vật giá Nhà nước chủ trì cùng các Bộ, các tỉnh lập các phương án giá:
- Khi cải cách giá, tổng điều chỉnh giá hoặc điều chỉnh nhiều loại giá (giá bán buôn, giá thu mua, giá bán lẻ...) và giá nhiều loại sản phẩm trong cùng 1 đợt nằm trong dự kiến kế hoạch Nhà nước. Các Bộ sản xuất kinh doanh và các tỉnh có trách nhiệm dự kiến mức giá của những sản phẩm do Bộ hoặc tỉnh quản lý gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước xem xét đưa vào phương án giá chung.
- Khi điều chỉnh cá biệt từng sản phẩm theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng.
b) Các Bộ, chủ trì cùng các ngành có liên quan lập phương án giá những sản phẩm mới sản xuất hoặc nhập khẩu lần đầu trong các danh mục số 1 và số 2 do Bộ quản lý sản xuất kinh doanh và phương án xin điều chỉnh, giá những sản phẩm trong các danh mục trên khi điều kiện sản xuất kinh doanh thay đổi.
Đối với phương án giá thu mua (bao gồm giá thu mua theo hợp đồng kinh tế 2 chiều và giá thu mua thỏa thuận) các loại nông sản, hải sản... do Bộ quản lý sản xuất chủ trì cùng Bộ thu mua và các tỉnh lập.
Đối với phương án giá bán lẻ do Bộ lưu thông chủ trì cùng với Bộ sản xuất lập và trình, có sự tham gia của Bộ Lao động và Tổng Công đoàn Việt Nam.
Đối với phương án giá bán buôn hàng nhập (bao gồm cả tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng) do cơ quan làm nhiệm vụ nhập khẩu cùng Bộ hoặc tỉnh được giao nhiệm vụ nhập khẩu lập.
c) Uỷ ban nhân dân các tỉnh lập phương án giá những sản phẩm do địa phương sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu thuộc thẩm quyền quyết định giá của Trung ương khi thấy cần xin duyệt giá hoặc điều chỉnh giá cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của địa phương.
Uỷ ban Vật giá tỉnh có trách nhiệm thẩm tra phương án giá của các cơ sở lập, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh phương án giá trước khi tỉnh trình lên Trung ương xét duyệt.
d) Các đơn vị sản xuất kinh doanh quốc doanh, công tư hợp doanh (hạch toán kinh tế độc lập):
- Đối với xí nghiệp, nông trường, lâm trường, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp... lập phương án giá bán buôn xí nghiệp của các sản phẩm do đơn vị sản xuất để trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định giá và phương án giá do xí nghiệp quyết định giá để làm căn cứ xuất trình trong trường hợp cơ quan thanh tra Nhà nước về giá cần kiểm tra.
- Đối với công ty, xí nghiệp (cơ quan gia công thu mua) chịu trách nhiệm lập phương án giá thu mua, giá gia công sản phẩm tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Đối với những sản phẩm thuộc thẩm quyền quyết định, giá thu mua, giá gia công của các Bộ thì cơ quan gia công phải phối hợp với Uỷ ban Vật giá tỉnh, Liên hiệp xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tỉnh lập và trình.
6. Trách nhiệm của xí nghiệp, Bộ (tỉnh) chủ quản và cơ quan Vật giá trong việc lập phương án giá, thẩm tra, trình và xét duyệt giá.
- Giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng các đơn vị kinh doanh chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính đúng đắn của phương án giá do đơn vị xây dựng.
- Bộ chủ quản, Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm trước Nhà nước về những phương án giá do Bộ hoặc tỉnh thẩm tra, trình Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban Vật giá Nhà nước được Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền quyết định giá.
- Cơ quan Vật giá và cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm trước Nhà nước về những quyết định giá do mình phê chuẩn.
IV. KIỂM TRA, THANH TRA, KỶ LUẬT NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ
Chương IV Điều lệ quản lý giá của Hội đồng Bộ trưởng gồm:
Điều 14.- Quy định về trách nhiệm của Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, các tỉnh và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc kiểm tra, thanh tra về giá. Đồng thời giao nhiệm vụ cho Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm tổ chức hệ thống thanh tra Nhà nước về giá.
Điều 15.- Quy định 8 điều kỷ luật về giá Nhà nước và mức độ xử lý đối với những đơn vị và cá nhân vi phạm kỷ luật về giá của Nhà nước.
Điều 16.- Quy định tỷ lệ trích tiền thưởng cho những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý những vụ vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.
Những vấn đề trên đây phức tạp có liên quan đến nhiều ngành, Uỷ ban Vật giá Nhà nước sẽ có thông tư hoặc thông tư liên Bộ hướng dẫn thực hiện cụ thể.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Sau khi có Nghị định số 33-HĐBT ngày 27-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Điều lệ quản lý giá. Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã có các công văn hướng dẫn các Bộ, các tỉnh tổ chức thực hiện toàn diện Điều lệ quản lý giá. Các văn bản đó là:
- Số 101-VGNN-KHCS ngày 7-3-1984 gửi Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
- Số 113-VGNN-KHCS ngày 13-3-1984 gửi các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
- Số 175-VGNN-KHCS ngày 15-5-1984 gửi các Bộ quản lý sản xuất kinh doanh
- Số 443-VGNN-KHCS ngày 16-7-1984 gửi Uỷ ban Vật giá các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở vào.
- Thông tư số 683-VGNN-KHCS ngày 10-9-1984 hướng dẫn về quy chế làm việc của Hội đồng Vật giá tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.
- Thông tư số 151-VGNN-TTg ngày 23-3-1985 hướng dẫn về tổ chức và chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của hệ thống thanh tra Nhà nước về giá.
Gần đây, căn cứ các nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến quản lý kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, lần thứ 7, Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã có Thông tư số 2-VGNN-KHCS ngày 3-4-1985, và Công văn số 174-VGNN-PPCĐ ngày 4-4-1985 hướng dẫn công tác giá cả thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp quốc doanh.
Đề nghị các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất kinh doanh căn cứ vào những quy định trong Điều lệ quản lý giá và nội dung hướng dẫn của Uỷ ban Vật giá Nhà nước trong các văn bản trên và trong Thông tư hướng dẫn này tiếp tục thực hiện một số công tác sau đây:
1. Tiếp tục phổ biến, quán triệt nội dung nghị định và Điều lệ quản lý giá của Hội đồng Bộ trưởng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh quốc doanh, công tư hợp doanh. Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc khu vực kinh tế cá thể và tư nhân chỉ phổ biến những vấn đề có liên quan như: Nguyên tắc chung về việc quản lý giá, chế độ lập phương án giá, nội dung kỷ luật Nhà nước về giá... để mọi người hiểu và nghiêm chỉnh thực hiện.
2. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh giá chỉ đạo của Nhà nước, kiểm tra, phát hiện và kịp thời báo cáo về Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước những đơn vị, cá nhân tự động quyết định hoặc thay đổi giá chỉ đạo của Nhà nước, nhất là đối với những tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng và dịch vụ quan trọng, thuộc thẩm quyền quyết định giá của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các Bộ.
Đối với giá những mặt hàng thuộc các danh mục số 1 và số 2 nếu các Bộ và các tỉnh thấy chưa hợp lý thì lập phương án giá kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng hoặc Uỷ ban Vật giá Nhà nước giải quyết, trong khi chờ giải quyết các ngành, các cấp không được tự động thay đổi giá do Hội đồng Bộ trưởng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã quy định.
Đối với giá các mặt hàng thuộc danh mục số 3, số 4 và những mặt hàng thuộc các danh mục số 1, số 2 nhưng Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước đã uỷ quyền cho Bộ hoặc tỉnh quyết định giá, đề nghị các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh soát xét lại nếu thấy chưa hợp lý thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh.
3. Chỉ đạo các xí nghiệp quốc doanh (bao gồm cả lâm trường, nông trường) do Trung ương và địa phương quản lý xây dựng phương án giá bán buôn xí nghiệp năm 1985 cho các sản phẩm do đơn vị sản xuất gửi cơ quan quản lý giá có thẩm quyền quyết định theo đúng tinh thần Nghị quyết số 156-HĐBT ngày 30-11-1984, Nghị quyết 51-HĐBT ngày 22-12-1985, Nghị quyết số 52-HĐBT ngày 23-2-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về một số vấn đề cải tiến quản lý công nghiệp: quốc doanh, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh và Thông tư hướng dẫn số 2/VGNN-KHCS của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
4. Thành lập hệ thống thanh tra Nhà nước về giá từ Trung ương đến địa phương, và bố trí những cán bộ thanh tra về giá có đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra theo đúng tinh thần Thông tư số 151/VGNN-TTg của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra giá và tăng cường kỷ luật Nhà nước về giá như đã ghi trong chương IV của Điều lệ quản lý giá.
Động viên, khen thưởng kịp thời những đơn vị và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ quản lý giá của Nhà nước và xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị và cá nhân vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá cả.
5. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh quốc doanh, công tư hợp doanh trực thuộc thống kê lại toàn bộ giá bán sản phẩm do đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định giá của Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, gửi Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ chủ quản (đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh do Trung ương quản lý) và Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh do địa phương quản lý) để lập bảng giá chỉ đạo hiện hành của Nhà nước.
6. Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào những quy định trong Điều lệ quản lý giá và Thông tư hướng dẫn này, nghiên cứu soạn thảo văn bản về quản lý giá và phân cấp quyền quyết định giá trong địa phương, tranh thủ ý kiến của Uỷ ban Vật giá Nhà nước trước khi ban hành.
7. Thành lập Hội đồng Vật giá của tỉnh theo tinh thần Thông tư hướng dẫn số 683/ VGNN-KHCS ngày 10 tháng 9 năm 1984 của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.
8. Tăng cường công tác tổ chức ngành giá từ địa phương đến Trung ương, đặc biệt là cơ sở và có quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với cán bộ làm công tác giá ở huyện.
Trong quá trình thực hiện nếu có điều nào chưa sát hợp, đề nghị các cơ sở sản xuất kinh doanh, các Bộ, các tỉnh phản ánh kịp thời về Uỷ ban Vật giá Nhà nước để bổ sung sửa đổi.
Các quy định trước đây của Uỷ ban Vật giá Nhà nước, của các Bộ, các tỉnh trái với Thông tư hướng dẫn này đều không có hiệu lực thi hành.
Đồng chí lãnh đạo Vụ (hoặc phòng) Vật giá của các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp lãnh đạo Bộ, tỉnh nghiên cứu quán triệt Thông tư hướng dẫn này, thường xuyên phản ánh tình hình thực hiện về Uỷ ban Vật giá Nhà nước.