THÔNG TƯ
CỦA BỘ LÂM NGHIỆP SỐ 43-LN/KL NGÀY 21-11-1983
HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 46-HĐBT NGÀY 10-5-1983
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XỬ LÝ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU, LÀM HÀNG GIẢ, KINH DOANH TRÁI PHÉP ĐỐI VỚI NGÀNH LÂM NGHIỆP
Quyền hạn xử phạt hành chính các vi phạm luật về bảo vệ rừng của kiểm lâm nhân dân đã được quy định tại các điều 16,21 và 23 Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, và được quy định cụ thể trong nghị định số 101-CP ngày 21-5-1973 của Hội đồng Chính phủ quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân.
Căn cứ Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép của Hội đồng Nhà nước ngày 30-6-1982 và quyết định số 17-CP ngày 3-2-1972 của Hội đồng Chính phủ về quản lý thống nhất việc khai thác, thu mua, phân phối gỗ và các cơ sở cưa xẻ gỗ.
Để tăng cường việc quản lý bảo vệ rừng, quản lý vật tư lâm sản, đấu tranh ngăn chặn những hành vi đầu cơ, mua bán, vận chuyển và kinh doanh trái phép lâm sản trong lĩnh vực lưu thông hiện nay; căn cứ điều 2 và điều 16 nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc xử phạt bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; Bộ Lâm nghiệp ra thông tư này để hướng dẫn thi hành nghị định số 46-HĐBT đối với ngành lâm nghiệp.
PHẦN I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Mọi hành vi đầu cơ, mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép lâm sản thuộc loại vi phạm nhỏ chưa đến mức truy cứu tránh nhiệm hình sự đều bị xử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của thông tư hướng dẫn này.
2. Vi phạm nhỏ là vi phạm trong trường hợp giá trị hàng lâm sản phạm pháp dưới 20 000 đồng (2 vạn đồng), tính chất của vi phạm không nghiệm trọng, không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng; khi bị phát hiện người vi phạm không có hành động chống lại cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân làm nhiệm vụ.
3. Đối tượng lâm sản bị đầu cơ, mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép được xem xét để vận dụng xử lý theo thông tư này bao gồm gỗ tròn hoặc gỗ xẻ các nhóm, củi, cột, cừ, tre, bương, vầu, luồng, nứa, măng các loại, nhựa thông, cánh kiến, quế, hồi, sa nhân, trầm hương, ba kích, các loại đặc sản lâm sản khác khai thác từ trong rừng Nhà nước, rừng hợp tác xã quản lý kinh doanh; các sản phẩm làm bằng gỗ như giường, tủ, bàn, ghế... còn mới chưa sử dụng; các loại thịt, da, lông chim thú rừng. Riêng đối với các loại cây vườn như xoan, phi lao, bạch đàn... do tập thể, cá nhân, cơ quan, đơn vị trồng để sử dụng, mua bán hợp pháp ra; nếu bị đầu cơ, mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép cũng thuộc đối tượng xem xét để vận dụng xử lý theo thông tư này.
4. Thủ tục xử lý hành chính lâm nghiệp được thực hiện theo thông tư số 3984-LN/KL ngày 15-10-1977 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm luật lệ bảo vệ rừng quy định.
5. Nếu đã bị xử lý mà còn khiếu nại thì Uỷ ban nhân dân cùng cấp xét, giải quyết theo điều 21 Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng.
PHẦN II
CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
1. Hành vi đầu cơ, tàng trữ lâm sản: người nào lợi dụng những khó khăn về khai thác, cung ứng lâm sản cho nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân; lợi dụng những sơ hở trong việc quản lý, bảo vệ rừng; quản lý thống nhất việc khai thác, thu mua, phân phối gỗ hoặc tạo ra những khó khăn, sơ hở đó để mua vét, tàng trữ lâm sản, các loại giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản nhằm thu lợi không chính đáng mà giá trị hàng lâm sản phạm pháp dưới 20 000 đồng thì tuỳ theo lỗi nhẹ hay nặng có thể bị xử phạt một hoặc hai trong ba hình thức sau:
a) Phạt tiền từ 1 đến 3 lần giá trị hàng phạm pháp nếu nguồn gốc lâm sản là hợp pháp.
b) Trưng mua toàn bộ hàng lâm sản phạm pháp theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước đối với mặt hàng lâm sản đó, nếu vi phạm lần đầu, hàng lâm sản phạm pháp không thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý khai thác, thu mua, phân phối.
c) Tịch thu toàn bộ lâm sản phạm pháp hoặc giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản nếu phạm pháp vào một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử phạt mà còn vi phạm.
- Nguồn gốc lâm sản là trái phép.
- Hàng phạm pháp là gỗ tròn hoặc gỗ xẻ các nhóm, măng các loại, nhựa thông và các sản phẩm chế biến từ nhựa thông, cánh kiến, quế, hồi, sa nhân, trầm hương, ba kích.
- Hàng phạm pháp là các giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản.
2. Người nào có hành vi mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, gian lậu, trốn tránh sự kiểm soát của kiểm lâm nhân dân và các cơ quan thừa hành pháp luật khác mà giá trị hàng phạm pháp dưới 20 000 đồng thì tuỳ theo lỗi nhẹ hay nặng có thể bị xử phạt một hoặc hai trong ba hình thức sau:
a) Tịch thu toàn bộ hàng lâm sản phạm pháp, nếu nguồn gốc lâm sản là trái phép.
b) Phạt tiền từ 1 đến 2 lần giá trị hàng hoá phạm pháp, nếu vi phạm lần đầu.
c) Phạt tiền từ 3 đến 5 lần giá trị hàng phạm pháp nếu đã bị xử lý mà còn vi phạm.
3. Người nào kinh doanh hoặc gia công chế biến hàng lâm sản không có giấy phép kinh doanh, gia công chế biến hoặc không đúng với nội dung được phép, vi phạm pháp luật về thuế công thương nghiệp thì tuỳ theo lỗi nhẹ hay nặng ngoài việc bị cơ quan có chức năng quản lý thị trường, thuế vụ xử phạt theo các quy định hiện hành còn bị cơ quan kiểm lâm nhân dân xử phạt 1 hoặc 2 trong 3 hình thức sau:
a) Trưng mua toàn bộ hàng lâm sản phạm pháp theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước nếu vi phạm lần đầu, lâm sản phạm pháp không thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý khai thác, thu mua, phân phối.
b) Tịch thu toàn bộ số lâm sản phạm pháp và dụng cụ, phương tiện mà người vi phạm dùng để gia công chế biến, nếu nguồn gốc lâm sản là trái phép.
c) Phạt tiền từ 3 đến 5 lần giá trị hàng lâm sản phạm pháp nếu đã bị xử lý mà còn vi phạm.
4. Trị giá hàng lâm sản phạm pháp nói trong thông tư này, được tính theo giá trị trung bình trên thị trường không có tổ chức trong thời gian xử lý vi phạm. Giá này do cơ quan quản lý giá địa phương xác định.
PHẦN III
VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT PHẠM PHÁP VÀ TIỀN PHẠT
1. Tang vật là những lâm sản trái phép; những dụng cụ, phương tiện dùng để phạm pháp và những giấy tờ có giá trị phân phối, vận chuyển lâm sản. Việc tạm giữ, quyết định xử lý tịch thu hoặc trả lại tang vật cho người vi phạm, các cơ quan kiểm lâm nhân dân thực hiện theo các quy định hiện hành tại thông tư số 3984/LN/KL ngày 15-10-1977 của Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn việc xử phạt hành chính các vi phạm luật lệ bảo vệ rừng.
2. Việc giải quyết tang vật sau khi đã xử lý tịch thu được thực hiện theo chỉ thị số 44-LN/Kl ngày 29-10-1977 của Bộ Lâm nghiệp về việc giao nộp, phân phối những lâm sản phạm pháp sau khi đã xử lý. Riêng đối với gỗ tròn, gỗ xẻ các nhóm xử lý tịch thu, cơ quan kiểm lâm nhân dân giao cho các liên hiệp chế biến và cung ứng lâm sản hoặc các công ty phân phối lâm sản đại phương để phân phối cho các nhu cầu theo kế hoạch. Giá giao theo giá bán buôn công nghiệp quy định cho từng khu vực. Nếu vụ vi phạm cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát nhân dân, phải biên nhận những tang vật đã tạm giữ; việc giải quyết tang vật phải theo quyết định của viện kiểm sát nhân dân.
3. Đối với tiền phạt, tiền bán lâm sản phạm pháp xử lý tịch thu, tiền nuôi rừng truy thu... cơ quan kiểm lâm nhân dân xử lý vi phạm sau khi trừ các chi phí bảo quản, vận chuyển và trích thưởng (nếu có), số còn lại nộp vào quỹ nuôi rừng theo quyết định số 88-HĐBT ngày 24-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc lập quỹ nuôi rừng và các thông tư liên Bộ Lâm nghiệp- Tài chính và của Bộ Lâm nghiệp quy định cụ thể thực hiện quyết định trên.
4. Những người có thành tích phát hiện hoặc tham gia bắt giữ kẻ phạm pháp, ngoài việc được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước, còn được thưởng từ 5 đến 10% số tiền phạt hoặc tiền bán lâm sản phạm pháp xử lý tịch thu, tiền nuôi rừng truy thu (chỉ được trích thưởng một trong 3 loại); tuỳ theo công lao đóng góp, mức thưởng tối đa một lần không quá 2000 đồng (hai nghìn đồng) cho một người. Riêng đối với cán bộ, nhân viên kiểm lâm nhân dân thì tiền thưởng theo mức nói trên được chuyển cho đơn vị.
Về thủ tục xét thưởng: khi có người phát hiện hoặc tham gia bắt giữ các vụ vi phạm về lâm nghiệp thuộc diện được thưởng thì hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân hoặc kiểm soát lâm sản làm thủ tục đề nghị, chi cục trưởng chi cục chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt trưởng hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh, thành phố xét, ký quyết định thưởng. Nghiệm cấm lấy hàng lâm sản tịch thu hay trưng mua để thưởng. Trong trường hợp số tiền thưởng theo tỷ lệ sau khi đã thưởng đến mức tối đa cho người được thưởng mà còn dư, thì số dư đó sẽ được dử dụng vào công việc phúc lợi tập thể của đơn vị, địa phương.
Các quy định về khen thưởng ghi trong điểm 4, phần III thông tư này thay thế quy định thưởng cho người có công phát hiện, tham gia bắt giữ kẻ phạm pháp về lâm nghiệp, tại thông tư số 12-KL ngày 24-3-1982 của Bộ Lâm nghiệp về việc thu tiền nuôi rừng.
PHẦN IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Về việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm luật bảo vệ rừng đã được Bộ Lâm nghiệp quy định tại thông tư số 3984-LN/KL ngày 15-10-1977 là một văn bản pháp luật hiện hành. Thông tư hướng dẫn này chỉ vận dụng để xét, xử lý hành chính đối với các hành vi đầu cơ, mua bán, vận chuyển và kinh doanh trái phép lâm sản là vật tư, hàng hoá trong lĩnh vực lưu thông.
2. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức lâm nghiệp các cấp, các chi cục kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm lâm nhân dân cấp tỉnh, thành phố, các hạt kiểm lâm nhân dân, hạt kiểm soát lâm sản là cơ quan được Bộ Lâm nghiệp giao quyền hạn trực tiếp xét, quyết định xử lý hành chính theo thông tư này. Các cơ quan lâm nghiệp, các tổ chức kiểm lâm nhân dân các cấp phải tranh thủ sự lãnh đạo của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan ở địa phương như công an, tài chính, viện kiểm soát nhân dân, toà án nhân dân và phải tổ chức cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị nghiên cứu quán triệt nghị định số 46-HĐBT ngày 10-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư hướng dẫn này để xét, xử phạt đúng pháp luật.
3. Những quy định trước đây về xử phạt hành chính các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản trái với thông tư này thì nay bãi bỏ.
4. Thông tư hướng dẫn này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
5. Cục trưởng Cục kiểm lâm nhân dân có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thi hành thông tư hướng dẫn này.