Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, khen thưởng và kỷ luật đối với

cán bộ đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ

_______________________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 03 năm 1994 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý Nhà nước và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.

Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29 tháng 5 năm 1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Căn cứ Quyết định số 75/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vận tải và Ông Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, khen thưởng và kỷ luật đối với Cán bộ Đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Vận tải, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở GTVT (sở GTCC), Thủ trưởng và các cá nhân có liên quan trong các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG  
(Đã ký)

 

Lã Ngọc Khuê

 


QUY ĐỊNH

Về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn, khen thưởng

và kỷ luật đối với cán bộ đăng kiểm tại các đơn vị đăng kiểm

phương tiện cơ giới đường bộ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1643/1998/QĐ-BGTVT ngày 6/7/1998

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

________________

 

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trạm trưởng, phó trạm trưởng, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ làm việc tại các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên phạm vi toàn quốc được gọi chung là cán bộ đăng kiểm.

Điều 2. Quy định này áp dụng cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, khen thưởng và kỷ luật các cán bộ đăng kiểm.

Chương 2.

TIÊU CHUẨN CÁN BỘ ĐĂNG KIỂM 

Điều 3. Đối với trạm trưởng, phó trạm trưởng

- Trình độ chuyên môn: Là kỹ sư thuộc các chuyên ngành kỹ thuật cơ khí như: Cơ khí ô tô, cơ khí động lực, cơ khí máy kéo hoặc cơ khí xe máy chuyên dùng có thể tự hành trên đường giao thông đường bộ (gọi chung là chuyên ngành cơ khí phương tiện cơ giới đường bộ).

- Thời gian công tác liên tục chuyên ngành cơ khí phương tiện cơ giới đường bộ tối thiểu là 05 năm.

- Phải là Đăng kiểm viên phương tiện cơ giới đường bộ.

- Trình độ ngoại ngữ: Tiếng Anh tối thiểu bằng A.

- Nắm vững các văn bản quy phạm pháp lý về kỹ thuật và quản lý chuyên ngành đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

Điều 4. Đối với đăng kiểm viên

Đăng kiểm viên là người được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện cơ giới đường bộ. Đăng kiểm viên phương tiện cơ giới đường bộ có các hạng sau:

- Đăng kiểm viên hạng I

- Đăng kiểm viên hạng II

- Đăng kiểm viên hạng III

Đăng kiểm viên là người thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:

- Trình độ là kỹ sư, trung cấp chuyên ngành cơ khí phương tiện cơ giới đường bộ hoặc thợ sửa chữa ô tô bậc 5/7 (Là thợ máy hoặc thợ gầm, có giấy phép lái xe phù hợp và số lượng không vượt quá 1/3 tổng số đăng kiểm viên trong một dây chuyền kiểm tra).

- Thời gian công tác liên tục chuyên ngành cơ khí phương tiện cơ giới đường bộ đối với những người thuyên chuyển công tác từ các đơn vị ngoài ngành đăng kiểm: Tối thiểu là 03 năm với người có trình độ kỹ sư, 05 năm với người có trình độ trung cấp.

- Trình độ ngoại ngữ: Tiếng Anh tối thiểu bằng A.

- Đã qua khóa đào tạo; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ và được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học nghiệp vụ đăng kiểm theo quy chế đào tạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Đã hoàn thành chương trình tập sự theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có thời gian tập sự nghiệp vụ đăng kiểm tối thiểu là 6 tháng kể từ khi được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học nghiệp vụ đăng kiểm.

- Được Cục Đăng kiểm Việt Nam công nhận và cấp thẻ đăng kiểm viên.

Điều 5. Đối với nhân viên nghiệp vụ

- Tiêu chuẩn: Tốt nghiệp phổ thông trung học, có chứng chỉ tin học tối thiểu là trình độ trung cấp.

- Đã qua khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và được cấp chứng chỉ theo quy chế đào tạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 6. Yêu cầu chung đối với cán bộ đăng kiểm

Cán bộ đăng kiểm phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Có tuyên thệ và thực hiện lời tuyên thệ.

- Tôn trọng pháp luật.

- Có ý thức tổ chức kỷ luật, trung thực, khách quan, tác phong hòa nhã, văn minh lịch sự khi giao tiếp.

- Có tinh thần đấu tranh đoàn kết nội bộ.

- Không bị kỷ luật ở cơ quan cũ hoặc địa phương, không có tiền án tiền sự.

- Có ý thức tôn trọng của công, bảo vệ tài sản của đơn vị.

Điều 7. Bổ nhiệm, miễn nhiệm trạm trưởng, phó trạm trưởng

1. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với Trạm trưởng, phó trạm trưởng các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, theo đề nghị của Giám đốc Trung tâm quản lý kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ và Trưởng phòng Nhân sự tiền lương Cục.

2. Giám đốc Sở GTVT, Sở GTCC quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với Trạm trưởng, phó trạm trưởng các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trực thuộc Sở sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Chương 3.

NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ ĐĂNG KIỂM

Điều 8. Đối với trạm trưởng, phó trạm trưởng

- Trạm trưởng là người đứng đầu đơn vị, chịu trách nhiệm toàn bộ mọi hoạt động của đơn vị mình trước Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT, Sở GTCC.

- Trạm trưởng có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong đơn vị, giám sát chất lượng công việc của từng thành viên và tổ chức triển khai mọi công việc do cấp trên giao cho.

- Phó trạm trưởng là người giúp việc cho trạm trưởng. Nhiệm vụ của phó trạm trưởng do trạm trưởng phân công và phải chịu trách nhiệm trước trạm trưởng về nhiệm vụ được giao.

- Tham gia và là thành viên của hội đồng nghiệm thu chất lượng kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ của sở GTVT (sở GTCC) theo các quy định hiện hành.

- Thẩm tra thiết kế hoặc sản phẩm có liên quan đến đóng mới, sửa chữa, hoán cải, trang bị lại phương tiện, phụ tùng .v.v… theo yêu cầu của cơ quan chức năng khi được sự đồng ý của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 9. Đối với đăng kiểm viên

- Trực tiếp thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật theo các quy định hiện hành theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị.

- Tham gia phân tích nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường bộ theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị, khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

- Tham gia nghiên cứu khoa học và thực hiện những nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị.

- Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo đơn vị và pháp luật về kết quả công việc được giao.

Điều 10. Nhiệm vụ và trách nhiệm chung đối với cán bộ đăng kiểm

Ngoài những nhiệm vụ và trách nhiệm nêu trên, cán bộ đăng kiểm còn có những nhiệm vụ và trách nhiệm sau đây:

- Nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tuân thủ mọi quy định, nội quy của đơn vị.

- Tuyệt đối không được cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho đối tượng kiểm định, giám sát.

- Cán bộ đăng kiểm phải có trách nhiệm phát hiện, tố giác các vi phạm, tiêu cực trong đơn vị mình.

- Trong khi làm việc phải mặc đồng phục và đeo thẻ đăng kiểm viên theo đúng quy định.

- Có ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng, giữ gìn, bảo dưỡng máy móc thiết bị kiểm định cũng như tài sản khác của đơn vị.

- Chấp hành các quy tắc an toàn lao động theo quy định hiện hành.

- Mọi bất đồng về chuyên môn nghiệp vụ giữa các đăng kiểm viên hoặc giữa đăng kiểm viên với chủ phương tiện phải chuyển lên lãnh đạo đơn vị giải quyết. Nếu lãnh đạo đơn vị không giải quyết được thì phải chuyển lên Giám đốc Trung tâm Quản lý kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ xem xét giải quyết.

Chương 4.

QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ ĐĂNG KIỂM

Điều 11. Đối với trạm trưởng, phó trạm trưởng

- Ký hồ sơ kỹ thuật cấp cho phương tiện cơ giới đường bộ theo các quy định hiện hành.

- Bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm tổ trưởng đăng kiểm viên.

- Có quyền phủ quyết kết luận của đăng kiểm viên khi xét thấy kết luận đó chưa đúng và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

- Có quyền khen thưởng và xử lý vi phạm đối với cán bộ công nhân viên trong đơn vị theo khoản 1 Điều 15 của Quy định này.

Điều 12. Đối với đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ

- Đăng kiểm viên được tiến hành các bước kiểm tra theo sự phân công của lãnh đạo đơn vị, được ký các nội dung đã được phân công theo các quy định hiện hành.

- Có quyền bảo lưu và báo cáo cấp trên ý kiến của mình về kết luận đánh giá tình trạng kỹ thuật phương tiện hoặc sản phẩm khác với quyết định của lãnh đạo đơn vị.

- Yêu cầu chủ phương tiện cung cấp đầy đủ hồ sơ kỹ thuật theo quy định để phục vụ cho công tác kiểm định.

- Có quyền dừng việc kiểm định kỹ thuật đối với phương tiện và báo cáo cấp trên quyết định của mình nếu xét thấy phương tiện không đủ khả năng đảm bảo an toàn kỹ thuật, hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy định của quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ.

Chương 5.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐĂNG KIỂM

Điều 13. Khen thưởng

Cán bộ đăng kiểm hoàn thành tốt nhiệm vụ và trách nhiệm được giao: Thực hiện công tác kiểm định kỹ thuật theo đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ nghiệp vụ đăng kiểm; Có ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo dưỡng máy móc thiết bị kiểm định cũng như các tài sản khác của đơn vị; Có công phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ có thể áp dụng các hình thức khen thưởng như sau:

- Tuyên dương, khen thưởng và đề nghị khen thưởng ở các cấp.

- Xét nâng hạng đăng kiểm viên trước thời hạn.

- Ưu tiên đưa đi đào tạo nghiệp vụ ở trong nước và ngoài nước.

Điều 14. Kỷ luật

1. Cán bộ đăng kiểm phải chịu hình thức khiển trách khi có một trong những vi phạm sau:

- Không chấp hành sự phân công nhiệm vụ.

- Không tố giác các hành vi vi phạm.

- Vi phạm nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.

- Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, kết luận đánh giá trong công tác kiểm định.

- Nhận tiền cho hoặc quà biếu của chủ phương tiện, người đưa phương tiện đến kiểm định hoặc thông qua trung gian.

2. Cán bộ đăng kiểm bị tước quyền kiểm tra, ký các nội dung của hồ sơ kiểm định trong thời hạn 06 tháng và thông báo toàn ngành, khi có một trong những vi phạm sau:

- Bị khiển trách lần thứ hai.

- Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, kết luận đánh giá dẫn đến cấp các ấn chỉ cho phương tiện cơ giới đường bộ trái với các quy định hiện hành.

3. Cán bộ đăng kiểm bị tước quyền kiểm tra và ký các nội dung đã được phân công vô thời hạn và không bố trí làm công tác kiểm định, giám sát kỹ thuật khi có một trong những vi phạm sau:

- Bị khiển trách lần thứ ba.

- Cố ý sửa chữa, tẩy xóa hay hủy bỏ các biểu mẫu, ấn chỉ và hồ sơ có liên quan nhằm làm sai lệch kết quả kiểm định.

- Lạm dụng hay cố ý làm trái quy định của quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ hoặc gây khó khăn cho đối tượng kiểm định, giám sát kỹ thuật và có biểu hiện tiêu cực.

- Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, kiểm tra, bảo dưỡng máy móc thiết bị kiểm định cũng như các tài sản khác của đơn vị gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Cán bộ đăng kiểm bị buộc thôi việc khi có một trong những vi phạm sau:

- Vi phạm kỷ luật sau khi đã bị xử lý kỷ luật theo khoản 3 Điều 14.

- Tổ chức môi giới, móc ngoặc cố ý làm trái các quy định đối với công tác kiểm định kỹ thuật.

5. Trạm trưởng, phó trạm trưởng và tổ trưởng liên đới chịu trách nhiệm mỗi khi trong đơn vị của mình phụ trách có một trong những vi phạm sau:

- Thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị và các tài sản khác của đơn vị gây hậu quả nghiêm trọng về mặt tài chính.

- Tổ chức tập thể nhận tiền hối lộ hoặc quà biếu của người môi giới, của chủ phương tiện hay người đưa phương tiện đến kiểm định.

- Thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, kết luận đánh giá dẫn đến cấp các ấn chỉ cho phương tiện cơ giới đường bộ trái với các quy định hiện hành.

6. Ngoài những hình thức kỷ luật nêu trên, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Trạm trưởng căn cứ vào đề nghị của hội đồng kỷ luật đơn vị, ra quyết định kỷ luật đối với phó trạm trưởng, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ trong trường hợp vi phạm nêu tại khoản 1 Điều 14 và gửi báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc Sở GTVT, sở GTCC căn cứ vào đề nghị của hội đồng kỷ luật, của đoàn kiểm tra để ra quyết định kỷ luật đối với Cán bộ đăng kiểm trong trường hợp vi phạm ở các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 14 và thông báo hình thức kỷ luật cho toàn ngành.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ cụ thể của từng hạng đăng kiểm viên; chương trình đào tạo, quy chế thi, cấp chứng chỉ và thẻ đăng kiểm do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định.

Điều 17. Cục Đăng kiểm Việt Nam có nhiệm vụ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm tại các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên phạm vi toàn quốc.

Điều 18. Đối với những cán bộ tiếp nhận và bổ nhiệm trước ngày quyết định này có hiệu lực được giải quyết như sau:

- Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo đúng tiêu chuẩn nêu tại Chương II của quy định này trong thời hạn 02 năm và thông báo cho các đăng kiểm viên phương tiện cơ giới đường bộ trong cả nước biết để thực hiện.

- Nếu sau thời hạn đào tạo trên, các cán bộ này không đạt yêu cầu và không có chứng chỉ phù hợp theo quy định thì sẽ miễn nhiệm và không phân công công tác theo các chức danh tại các đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lã Ngọc Khuê