Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH QUẢNG NAM

Về ban hành "Bản qui định thực hiện chính sách

hỗ trợ người có công Cách mạng cải thiện nhà ở".

____________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

 

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996, Chỉ thị số 166/TTg ngày 19/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công Cách mạng cải thiện nhà ở;

- Xét đề nghị của Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 118/TTg, Chỉ thị 166/TTg tỉnh và các ngành chức năng liên quan;

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Bản qui định thực hiện chính sách hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở " trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Địa chính, Tài chính - Vật giá, Cục Thuế, Kế hoạch - Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Trưởng Ban chỉ đạo 118/TTg tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

 

Nơi nhận

- Như điều 2

- VP CP ( thay B/cáo)

- Các Bộ, ngành TW l/quan

- TV Tỉnh uỷ,TTHĐND

- Đoàn Đại biểu QH tỉnh

- Các t/viên UBND tỉnh

- Lưu VT, HTVX

-

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN  TỈNH QUẢNG NAM

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

                          Lê Trí Tập (đã ký)

 

 

QUY ĐỊNH

Về thực hiện chính sách hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1150/1998/QĐ-UB

ngày 3/7/1998 của UBND tỉnh Quảng Nam)

__________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Bản quy định này cụ thể hoá tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công cách mạng thực sự có khó khăn về nhà ở theo quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Chính phủ và Chỉ thị số 166/TTg ngày 19/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng, điều kiện và nguyên tắc xét hỗ trợ cải thiện nhà ở, đất ở:

1. Đối tượng :

a) Người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945 (trong trường hợp người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945 đã qua đời thì xem xét từng trường hợp cụ thể để vận dụng giải quyết cho thân nhân chủ yếu  (bố, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng) còn sống hiện đang sử dụng nhà ở, đất ở thuộc sở hữu của Nhà nước đã giao quyền sử dụng cho cán bộ hoạt động CM trước 8/1945).

b) Gia đình liệt sĩ (bao gồm các thân nhân chủ yếu đang thờ phụng liệt sĩ và đang hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước).

c) Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

d) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh MSLĐ do thương tật từ 21% trở lên; bệnh binh MSLĐ từ 61% trở lên.

e) Người hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày đã được công nhận, giải quyết chế độ.

f) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất hoặc Huân chương chiến thắng hạng Nhất.

g) Người có công giúp đỡ cách mạng đã được công nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

 

2. Điều kiện : Các đối tượng nêu tại điểm 1 của điều này có các điều kiện sau đây thì được xem xét hỗ trợ :

a) Phải có hồ sơ gốc do cơ quan LĐTB-XH tỉnh, huyện quản lý, đang hưởng chế độ ưu đãi, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam.

b) Có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không thể tự tạo lập được nhà ở, bị mất nhà do thiên tai, hoả hoạn, hoặc tuy đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng dột nát, chật chội không thể tự khắc phục.

c) Nếu có nhu cầu về đất ở thì phải có đủ điều kiện để được giao quyền sử dụng đất ở theo Luật đất đai và các văn bản cụ thể về đất đai có liên quan của cơ quan chức năng Nhà nước.

3. Nguyên tắc hỗ trợ :

a) Triển khai từng bước, phù hợp với điều kiện KT-XH và khả năng  ngân sách cũng như huy động sự hỗ trợ của nhân dân.

b) Phải căn cứ vào công lao và hoàn cảnh cụ thể của từng người, điều kiện và khả năng của địa phương; không hỗ trợ đồng loạt hoặc bình quân cho các đối tượng.

c) Chỉ hỗ trợ một lần theo hộ gia đình; trường hợp liệt sĩ có nhiều thân nhân không ở trong cùng hộ thì chỉ hỗ trợ cho thân nhân đang thờ phụng liệt sĩ (đối tượng đã được hỗ trợ tiền hoặc cấp đất, bán hoá giá nhà trước ngày ban hành bản quy định này cũng coi như đã được hỗ trợ).

Điều 3. Các hình thức hỗ trợ :

- Tặng nhà tình nghĩa

- Hỗ trợ kinh phí để cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở.

- Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi đối tượng mua nhà của Nhà nước theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 và Nghị định số 21/CP ngày 16/4/1996 của Chính phủ.

- Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất làm nhà ở trong khu quy hoạch dân cư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Miễn giảm tiền mua nhà ở theo quy định tại Quyết định 64/1998/QĐ-TTg ngày 21/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các hình thức hỗ trợ khác như : Mua nhà trả góp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội hỗ trợ tiền hoặc trực tiếp xây tặng nhà...

Điều 4. Nguồn kinh phí hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở.

- Trích từ ngân sách Nhà nước, do ngân sách TW hỗ trợ có quy định về đối tượng hoặc giá trị nhà ở, đất ở được miễn giảm.

- Các khoản đóng góp, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân.

- Quỹ đền ơn đáp nghĩa và các nguồn huy động khác.

Chương II

HỖ TRỢ TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT KHI MUA NHÀ CỦA NHÀ NƯỚC

HOẶC KHI ĐƯỢC GIAO ĐẤT LÀM NHÀ Ở

Điều 5. Các đối tượng điểm 1, có các điều kiện nêu tại điểm 2 điều 2 bản quy định này nếu được Nhà nước giao đất để làm nhà ở, hoặc được cơ quan có thẩm quyền bán nhà thuộc diện Nhà nước quản lý theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ thì được xét hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất (không kể tiền xây dựng hạ tầng cơ sở) quy định tại khoản c, điểm 2, điều 2 Quyết định 118/TTg, được giải quyết theo hình thức miễn, giảm. Cụ thể là :

1. Người hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945, Anh hùng lao động, Anh hùng LLVTND, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh MSLĐ từ 81% trở lên, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng được miễn toàn bộ tiền sử dụng đất.

2. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, MSLĐ từ 61% đến 80% được giảm 90% tiền sử dụng đất.

3. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh MSLĐ từ 41% đến 60% được giảm 80% tiền sử dụng đất.

4. Thân nhân chủ yếu của liệt sĩ, người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp theo định xuất cơ bản; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh MSLĐ từ 21% đến 40% được giảm 70% tiền sử dụng đất.

5. Người tham gia cách mạng bị địch bắt tù đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất hoặc Huân chương chiến thắng hạng Nhất dược giảm 65% tiền sử dụng đất.

Điều 6. Tiền sử dụng đất chỉ được miễn - giảm một lần cho một hộ gia đình. Trường hợp một người thuộc diện hưởng nhiều mức ưu đãi thì chỉ giải quyết mức ưu đãi cao nhất. Trong một gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất thì được cộng các mức ưu đãi của từng người thành chế độ ưu đãi của cả hộ, nhưng mức hỗ trợ tối đa không vượt quá mức quy định tại điểm 1 điều 5 bảng quy định này.

Điều 7. Diện tích đất làm căn cứ để xét miễn - giảm tiền sử dụng đất theo tỷ lệ phần trăm (%) nêu ở điều 5 bản quy định này theo các mức dưới đây :

a) Các phường của thị xã, khu vực thị trấn không quá 100m2/hộ.

b) Các xã đồng bằng ven thành phố, thị xã, khu dân cư ven các trục lộ chính không quá 150m2/hộ.

c) Các xã đồng bằng (không thuộc diện nêu tại điểm b của điều này) không quá 200m2/hộ.

d) Các xã vùng Trung du không quá 300m2/hộ.

e) Các xã miền núi không quá 400m2/hộ.

Điều 8. Tiền sử dụng đất hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở tính theo bảng giá đất của UBND tỉnh Quảng Nam quy định và diện tích đất của từng hộ theo điều 7 của bản quy định này, giải quyết theo điểm 3, điều 12 Nghị định 89/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính v/v thu tiền sử dụng đất và lệ phí.

- Nếu đối tượng chính sách có yêu cầu được cấp diện tích đất ở lớn hơn diện đất nêu tại điều 7, được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chỉ được tính miễn - giảm diện tích theo quy định (tại điều 7), phần diện tích đất ở chênh lệch đối tượng phải trả 100% tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Nếu diện tích đất ở được cấp thấp hơn quy định thì tính theo diện tích thực tế được cấp.

- Hộ chính sách được cấp và giải quyết miễn - giảm tiền sử dụng đất thì không đặt vấn đề hỗ trợ tiền cải tạo, sửa chữa nhà ở (trừ một số trường hợp cá biệt đối tượng nêu tại điểm 1, điều 5).

Chương III

TẶNG NHÀ TÌNH NGHĨA, MIẼN GIẢM TIỀN MUA NHÀ,

HỖ TRỢ KINH PHÍ CẢI TẠO HOẶC SỬA CHỮA NHÀ Ở

Điều 9. Nhà tình nghĩa : các đối tượng nêu tại điểm 1, điều 5 bản quy định này nếu thuê nhà của Nhà nước, được Nhà nước bán theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994, Nghị định 21/CP ngày 16/4/1996 của Chính phủ thì có thể được xét tặng nhà tình nghĩa.

Các đối tượng nói trên nếu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, không thể tạo lập được nhà ở, chưa được cấp đất hoặc thuê nhà của Nhà nước, hiện đang phải ở nhờ nhà người khác không phải là thân nhân chủ yếu của mình hoặc bị mất nhà do thiên tai, hoả hoạn thì được xét hỗ trợ kinh phí hoặc vận động các cơ quan đơn vị làm nhà tình nghĩa.

Điều 10. Xét giảm tiền mùa nhà hoặc hỗ trợ kinh phí cải tạo sửa chữa nhà ở:

a) Các đối tượng nêu ở các điểm 2, 3, 4, 5 đuều 5 của bản quy định này được giảm tiền khi được cơ quan có thẩm quyền xét bán nhà thuộc diện quản lý của Nhà nước theo Nghị định 61/CP. Mức tiền được giảm và hình thức miễn giảm thực hiện theo Quyết định 64/1998/QĐ-TTg ngày 21/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể tự tạo lập được nhà ở đang phải ở nhà tạm bợ... thì tuỳ từng trường hợp cụ thể và khả năng kinh phí cho phép mà từng bước có sự hỗ trợ hoặc vận động cơ quan, đơn vị và nhân dân sửa chữa cải tạo nhà ở.

b) Nguồn kinh phí để giải quyết hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở phải thể hiện trong phương án cụ thể của các địa phương theo nguyên tắc : người có công cách mạng có hộ khẩu thường trú tại địa phương nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm lập phương án cân đối (bao gồm kinh phí địa phương, kinh phí từ việc huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cấp trên) và quỹ đất theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu các đối tượng chính sách nêu trên bị mất, hư hỏng nhà do thiên tai, hoả hoạn thì được ưu tiên giải quyết, kinh phí để trợ giúp được sử dụng trong quỹ phòng chống thiên tai.

Chương IV

THỦ TỤC, THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT

Điều 11. Hồ sơ đề nghị xét giải quyết chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở của người có công cách mạng được lập thành 4 bộ, gồm có :

- Đơn đề nghị hỗ trợ của người có công.

- Giấy chứng nhận là người có công do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Hồ sơ đề nghị xét giải quyết chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở nêu ở điều 11 nộp tại UBND xã (phường, thị trấn) nơi đối tượng cư trú. UBND xã (phường, thị trấn) có trách nhiệm kiểm tra xác nhận thực trạng nhà ở, đất ở, căn cứ vào quy hoạch đất ở và khả năng kinh phí của mình có phương án đề nghị lên UBND huyện, thị xã hoặc trực tiếp giải thích cho đối tượng (nếu thấy yêu cầu của đối tượng chưa đúng với điều kiện được hỗ trợ).

Điều 13. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị của xã (thị trấn) nêu tại điều 12 trên đây. UBND huyện, thị xã (trực tiếp là BCĐ 118 của huyện) phải phúc tra lập phương án giải quyết. Thủ tục như sau :

1. Ra quyết định cấp đất theo phân cấp của tỉnh cho đối tượng đủ tiêu chuẩn và điều kiện ở khu dân cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quyết định cấp đất cần ghi rõ tỷ lệ % và số tiền sử dụng đất được miễn giảm để cơ quan chức năng có căn cứ thực hiện. Nếu xét thấy chưa đúng đối tượng, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không thể giải quyết được thì có văn bản trả lời cho xã và đối tượng.

2. Trường hợp không thuộc thẩm quyền cấp đất hoặc có nhiều khó khăn không thể giải quyết được thì UBND huyện, thị xã. UBND huyện, thị xã sau khi xét duyệt lập danh sách (kèm theo 2 bộ hồ sơ) đề nghị về UBND tỉnh (nộp cho BCĐ 118/TTg thường trực là Sở LĐTB-XH). Đề nghị của UBND huyện, thị xã phải nêu rõ được tiêu chuẩn, điều kiện, hướng giải quyết, trong đó có trách nhiệm của cấp mình.

3. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận danh sách và hồ sơ, tổ chuyên viên BCĐ của tỉnh hoàn thành công tác thẩm định, trình BCĐ để BCĐ trình UBND tỉnh giải quyết. UBND huyện, thị và các ngành chức năng chịu trách nhiệm thi hành các quyết định của UBND tỉnh.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Các huyện, thị xã đều thành lập BCĐ của cấp mình và chỉ đạo UBND xã, phường thành lập BCĐ thực hiện Quyết định 118/TTg, Chỉ thị 166/TTg. BCĐ có tổ chuyên viên giúp việc là cán bộ của các ngành LĐTB-XH, Tài chính, Địa chính, Chi cục thuế...

- Hàng năm các địa phương, cơ sở phải tiến hành kê khai đánh giá thực trạng nhà ở, đất ở, qua đó xây dựng phương án hỗ trợ ở cấp mình trên nguyên tắc : ưu tiên trợ giúp cho các đối tượng có nhiều công lao, các đối tượng có khó khăn đặc biệt về nhà ở đất ở trước, phải huy động tổng hợp các nguồn ngay tại địa phương cơ sở trong việc hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở. Quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, công khai các nguồn thu, đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 118/TTg và Chỉ thị 166/TTg về UBND tỉnh (qua thường trực BCĐ tỉnh).

Điều 15. Trách nhiệm của các ngành :

1. Sở LĐTB-XH là cơ quan thường trực BCĐ thực hiện Quyết định 118/TTg và Chỉ thị 166/TTg có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc xác nhận đối tượng có công, thực trạng nhà ở và mức hỗ trợ. Thường xuyên phối hợp với Sở TC-VG, Xây dựng, Địa chính, Cục thuế theo dõi việc thực hiện các Quyết định 118, Chỉ thị 166, hướng dẫn của các Bộ, ngành TW và bản quy định này; phổ biến kịp thời kinh nghiệm hay, việc làm tốt; kiểm tra uốn nắn sai sót lệch lạc, đồng thời tổng hợp báo cáo đề xuất với BCĐ và UBND tỉnh để bổ sung, sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình KT-XH.

2. Sở TC-VG, Sở LĐTB-XH phối hợp với UBMT và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội phát động phong trào tặng nhà tình nghĩa, huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa; theo dõi, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn  đóng góp, đồng thời tổ chức các hình thức thích hợp nhằm tuyên truyền, động viên sự đóng góp của cơ quan, đơn vị, đoàn thể và nhân dân trong việc hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở.

3. Sở Xây dựng, Sở Địa chính, Cục thuế và các ngành liên quan theo chức năng của mình phối hợp với Thường trực BCĐ giúp UBND tỉnh và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã quy hoạch, thẩm định phương án hỗ trợ, đề xuất tỷ lệ đất trong quy hoạch dân cư để hỗ trợ người có công và thực hiện tốt phương án hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt.

4. Sở TC-VG, Sở KH&ĐT hàng năm cân đối trong kế hoạch ngân sách một khoản kinh phí để hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở.

5. Cục thuế tỉnh hướng dẫn thủ tục giải quyết việc miễn - giảm tiền sử dụng đất ở, nhà ở đối với các đối tượng trong bản quy định này. Theo dõi, chỉ đạo và tổng hợp số lượng đối tượng, kinh phí miễn giảm, đồng thời thường xuyên báo cáo kết quả cho UBND tỉnh (qua thường trực BCĐ tỉnh).

Điều 16. Khen tưởng, xử lý vi phạm.

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở được xét khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

2. Người nào có hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người có công cách mạng cải thiện nhà ở như lập hồ sơ sai sự thật, lợi dung chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi cá nhân, không chấp hành các quyết định của cấp có thẩm quyền,  không tổ chức công tác quản lý, thống kê, theo dõi, báo cáo thì tuỳ mức độ nặng hay nhẹ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.

Điều 17. Giao cho Thủ truởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm phối hợp với UBMT, các đoàn thể tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai thực hiện nội dung bản quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vấn đề bất hợp lý hoặc chưa phù hợp với quy định của Nhà nước thì UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo về thường trực BCĐ 118/TTg của tỉnh để BCĐ tổng hợp trình UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./.

 

                               

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Trí Tập