Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức,

cá nhân khi vi phạm trong quản lý, điều hành và hoạt động

kinh doanh vận tải khách bằng ô tô

___________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 12 tháng 4 năm 2002;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức và Pháp lệnh Chống tham nhũng ngày 26 tháng 02 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Đã ký)

 

Đào Đình Bình

 


QUY ĐỊNH

Trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi vi phạm trong quản lý,

điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3633/2003/QĐ-BGTVT ngày 02/12/2003

của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải).

_________________

 

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy định này xác định trách nhiệm, hành vi vi phạm và hình thức xử lý khi vi phạm trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô trong phạm vi cả nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô bao gồm:

1. Các tổ chức:

a) Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, Khu vực Quản lý đường bộ, Ban quản lý bến xe;

b) Các doanh nghiệp vận tải, khai thác bến xe: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, hợp tác xã.

2. Cá nhân:

a) Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính; Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ; Trưởng Ban quản lý bến xe;

b) Các Giám đốc doanh nghiệp vận tải, Giám đốc doanh nghiệp khai thác bến xe, Chủ nhiệm hợp tác xã (hoặc người quản lý);

c) Người lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ (nếu có).

Điều 3. Ngoài Quy định này, các tổ chức, cá nhân nêu tại Điều 2 của Quy định này còn phải tuân thủ các quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chương 2:

QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM

Mục A. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ  VÀ LÃNH ĐẠO CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG QUẢN LÝ VẬN TẢI.

Điều 4.  Cục Đường bộ Việt Nam.

1. Tổ chức và hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô trong phạm vi cả nước.

2. Thẩm định và công bố các tuyến vận tải khách quốc tế và tuyến vận tải khách liên tỉnh qua tỉnh liền kề.

3. Tiếp nhận giấy đăng ký khai thác vận tải trên tuyến quốc tế, tuyến liên tỉnh và chủ trì hiệp thương để các doanh nghiệp đưa xe vào khai thác.

4. Ủy quyền cho các Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính công bố tuyến vận tải khách cố định và tiếp nhận giấy đăng ký khai thác vận tải trên một số tuyến vận tải khách liên tỉnh.

5. Giao nhiệm vụ, chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ quản lý các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh bằng ô tô có cự ly lớn hơn 300 km đến 1000 km thuộc địa danh các tỉnh, thành phố trong phạm vi quản lý của Khu. Chỉ đạo, giám sát lực lượng Thanh tra giao thông các Khu Quản lý đường bộ.

6. Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong công tác tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động vận tải khách trên các tuyến, các bến xe và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

7. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu, nghiệp vụ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành vận tải khách bằng ô tô trong phạm vi cả nước.

8. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động vận tải khách bằng ô tô tại các doanh nghiệp vận tải, bến xe, Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính; xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

9. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thống nhất quản lý hoạt động vận tải khách liên tỉnh bằng ô tô trong phạm vi cả nước.

10. Triển khai Quy định này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 5. Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.

1. Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam về quản lý nhà nước chuyên ngành vận tải khách bằng ô tô thuộc địa phương quản lý.

2. Công bố các tuyến vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh với tỉnh kề và các tuyến vận tải khách liên tỉnh khác theo ủy quyền của Cục Đường bộ Việt Nam.

3. Tiếp nhận Giấy đăng ký khai thác vận tải khách trên tuyến của các doanh nghiệp vận tải có trụ sở đóng tại địa bàn do Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính công bố và được ủy quyền của Cục Đường bộ Việt Nam; tổ chức hiệp thương các doanh nghiệp trên tuyến và công bố cho doanh nghiệp đưa xe vào khai thác.

4. Phát hành và quản lý phù hiệu “Xe chạy hợp đồng”, “Sổ nhật trình chạy xe” và các giấy tờ khác liên quan đến quản lý vận tải theo quy định.

5. Tổ chức xây dựng quy hoạch hệ thống bến xe trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch.

6. Chỉ đạo các cơ quan tham mưu, nghiệp vụ hoàn thành trách nhiệm về quản lý, hoạt động vận tải khách bằng ô tô, hoạt động các bến xe trong phạm vi địa phương.

7. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động vận tải khách bằng ô tô của các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp khai thác bến xe, Ban quản lý bến xe, các cá nhân làm công tác quản lý liên quan đến vận tải khách và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

8. Giám đốc Sở chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý, điều hành và tình trạng hoạt động vận tải khách bằng ô tô trong phạm vi địa phương.

9. Triển khai Quy định  này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 6. Khu Quản lý đường bộ.

1. Trực tiếp quản lý các tuyến vận tải khách bằng ô tô theo phân công của Cục Đường bộ Việt Nam.

2.  Tiếp nhận giấy đăng ký khai thác tuyến của các doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn Khu quản lý và tổ chức hiệp thương để các doanh nghiệp đưa xe vào khai thác trên tuyến.

3. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong khai thác tuyến thuộc phạm vi quản lý của Khu theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ đạo cơ quan tham mưu, nghiệp vụ hoàn thành nhiệm vụ quản lý hoạt động vận tải khách bằng ô tô trong phạm vi quản lý của Khu.  

5. Tổng giám đốc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam về quản lý, điều hành và hoạt động vận tải khách bằng ô tô trong phạm vi quản lý của Khu.

6. Triển khai Quy định này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 7.  Ban quản lý bến xe.

1. Kiểm tra việc thực hiện hành trình, lịch trình của xe, xác nhận số lượng khách và ngày giờ xe rời bến, đến bến vào sổ nhật trình chạy xe.

2. Kiểm tra giấy tờ của xe, lái xe trước khi xe vào vị trí xếp khách.

3. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về vận tải tại bến xe.

4. Yêu cầu chủ xe bố trí xe chạy thay thế để bảo đảm lịch trình vận tải khi có yêu cầu đột xuất.

5. Chủ trì việc phối hợp kiểm tra với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong khu vực của bến.

6. Lập biên bản các vi phạm, xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm của lái xe, phụ xe, các nhân viên doanh nghiệp bến xe.

7. Trưởng Ban quản lý bến xe chịu trách nhiệm trực tiếp trước Giám đốc Sở về hoạt động của bến xe theo trách nhiệm được giao.

8. Triển khai Quy định này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 8. Doanh nghiệp vận tải.

1. Tổ chức kinh doanh vận tải khách trên tuyến cố định theo đúng quy định:

a) Bố trí đủ xe hoạt động vận tải bảo đảm điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới theo quy định của Nhà nước;

b) Thực hiện đúng tuyến đường và lịch trình, hành trình trên tuyến đã đăng ký;

c) Yêu cầu lái xe đưa ô tô vào đón, trả khách tại các bến xe khách và các trạm, điểm đỗ dọc đường đã được công bố;

d) Chuẩn bị đủ vé bán cho khách đi xe;

đ) Hợp đồng với bến xe, với trạm nghỉ theo phương án chạy xe được duyệt.

2. Hợp đồng với khách khi xe vận chuyển khách theo phương thức hợp đồng.

3. Bảo đảm các xe chở khách đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có Giấy chứng nhận và Tem kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường, có Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực và tuân thủ Quy định bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa ô tô hiện hành.

4. Phổ biến, giáo dục thường xuyên cho đội ngũ lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ hiểu, thực hiện pháp luật về giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn cho khách và hoạt động của phương tiện trên đường.

5. Ký kết hợp đồng lao động với người lái xe, phụ xe hoặc nhân viên phục vụ theo quy định của pháp luật về lao động.

6. Giám đốc chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới trước pháp luật về quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và các vi phạm của người lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ theo kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

7. Kiểm tra, xử lý các vi phạm của lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ và giải quyết khiếu nại của khách đi xe về chất lượng phục vụ không đúng với cam kết, bồi thường thiệt hại (nếu có).

8. Triển khai Quy định này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 9. Doanh nghiệp khai thác bến xe.

1. Ký hợp đồng với đơn vị vận tải để xe được vào bến đón, trả khách trên tuyến vận tải khách theo chỉ đạo của cơ quan quản lý tuyến đã công bố và các hợp đồng dịch vụ phục vụ lái xe và phương tiện vận tải.

2. Thực hiện hợp đồng đã ký kết, chỉ được từ chối phục vụ khi chủ xe vi phạm hợp đồng hoặc vi phạm các quy định về vận tải, có biên bản hoặc đề nghị của cơ quan quản lý tuyến.

3. Bảo đảm trật tự, an toàn, vệ sinh trong bến xe.

4. Chấp hành quy định về quản lý bến xe và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý bến xe.

5. Bảo vệ, ngăn ngừa và đề nghị chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi làm mất trật tự, an toàn tại bến xe và được yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại.

6. Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới trước pháp luật về các vi phạm trong khai thác bến xe theo kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

7. Triển khai Quy định này đến từng cán bộ, công nhân liên quan.

Mục B. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LÁI XE, PHỤ XE VÀ NHÂN VIÊN PHỤC VỤ

Điều 10. Người lái xe.

1. Là đại diện chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ được giao và phải chịu mọi trách nhiệm trong quá trình hoạt động của phương tiện.

2. Đưa xe chở khách hoạt động đúng tuyến đã đăng ký, thực hiện theo biểu đồ chạy xe đã được phân công.

3. Thực hiện chạy xe đúng hành trình, lịch trình đã quy định và đón, trả khách tại các bến xe, các điểm đỗ dọc đường đã được công bố.

4. Mang đủ giấy tờ còn hiệu lực theo quy định của pháp luật đối với xe và người lái như: Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật - bảo vệ môi trường, Sổ nhật trình chạy xe (nếu xe chạy theo tuyến cố định), hợp đồng vận chuyển khách (nếu xe chạy theo phương thức hợp đồng).

5. Thực hiện theo cam kết đã ký trong hợp đồng vận chuyển khách khi xe hoạt động theo phương thức hợp đồng.

Điều 11. Người phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe.

1. Thực hiện đúng nhiệm vụ do lái xe giao và liên đới trách nhiệm với lái xe về mọi hoạt động của xe.

2. Kiểm tra vé hoặc bán vé cho khách; bảo đảm khách đi xe đều có vé và chỗ ngồi theo số ghi trên vé.

3. Bảo đảm giữ xe sạch, vệ sinh.

4. Hướng dẫn nội quy đi xe cho khách.

5. Bảo đảm trật tự, an toàn và bảo quản hành lý, hàng hóa cho khách đi xe.

Chương 3:

HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM

Mục A. HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI LÃNH ĐẠO, NHÂN VIÊN TRONG CƠ QUAN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ VẬN TẢI HOẶC DO TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI

Điều 12. Quy định chung.

1. Hành vi vi phạm

a) Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn làm trái với quy định trong quản lý và công bố trên tuyến theo thẩm quyền được giao;

b) Cấp giấy chấp thuận đăng ký hoạt động trên tuyến trái với quy định;

c) Thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc bao che trong kiểm tra, kiểm soát đối với nhiệm vụ được giao để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện mà có kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

d) Khi giải quyết công việc không làm đúng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao mà đùn đẩy, né tránh hoặc cản trở để xảy ra tranh chấp, khiếu kiện vượt cấp theo kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

đ) Khi có đơn thư tố cáo hành vi tiêu cực mà có kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

2. Hình thức xử lý

a) Đối với nhân viên:

- Khiển trách khi vi phạm lần đầu một trong các điểm a, d khoản 1 Điều 12 của Quy định này;

- Cảnh cáo khi vi phạm lần đầu một trong các điểm b, c, đ khoản 1 Điều 12 của Quy định này;

- Hạ bậc lương khi vi phạm lần đầu cả 2 điểm hoặc lần 2 một điểm khoản 1 Điều 12 của Quy định này;

- Đình chỉ công tác có thời hạn hoặc chuyển công tác khác khi: vi phạm lần 3 một trong các điểm a , d khoản 1 Điều 12 của Quy định này; vi phạm lần 2 cả 2 điểm khoản 1 Điều 12 của Quy định này;

b) Đối với lãnh đạo bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Điều 13. Đối với Cục Đường bộ Việt Nam.

Ngoài việc áp dụng hình thức xử lý hành vi vi phạm quy định tại Điều 12, không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Điều 4 của Quy định này thì:

1. Cục trưởng, Phó Cục trưởng bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

2. Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ trực tiếp bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc cách chức tùy theo tính  chất, mức độ vi phạm.

Điều 14. Đối với Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.

Ngoài việc áp dụng hình thức xử lý hành vi vi phạm quy định tại Điều 12, không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Điều 5 của Quy định này thì:

1. Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính bị kỷ luật từ mức khiển trách đến cảnh cáo, hạ ngạch, bậc lương hoặc cách chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

2. Lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo bị khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, bậc lương hoặc cách chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Điều 15. Đối với Khu Quản lý đường bộ.

Ngoài việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm quy định tại Điều 12, không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Điều 6 của Quy định này thì:

1. Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc bị kỷ luật từ mức khiển trách đến cảnh cáo, hạ ngạch, bậc lương hoặc cách chức tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm.

2. Lãnh đạo phòng, ban tham mưu liên quan công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải khách bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch hoặc bị cách chức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Mục B.  HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI  BAN QUẢN LÝ BẾN XE

Điều 16. Hành vi vi phạm.

Ngoài các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 12 của Quy định này, Ban Quản lý bến xe bị xử lý đối với hành vi vi phạm sau:

1. Không kiểm tra thực hiện hành trình, lịch trình của xe tại Sổ nhật trình chạy xe (ngày giờ xe rời bến, đến bến và dừng đón khách tại các điểm theo quy định đã đăng ký hoạt động); không xác nhận vào Sổ nhật trình chạy xe theo quy định.

2. Không kiểm tra giấy tờ của lái xe, xe trước khi xe vào vị trí xếp khách.

3. Không chủ trì việc phối hợp kiểm tra với chính quyền địa phương, cơ quan công an, thuế vụ, y tế để bảo đảm trật tự, an toàn trong bến, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

4. Không triển khai Quy định này đến từng cán bộ công nhân viên liên quan.

 Điều 17. Hình thức xử lý.

Ngoài việc áp dụng hình thức xử lý hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Quy định này, còn:

1. Bị khiển trách khi vi phạm lần đầu khoản 3, 4 Điều 16 của Quy định này.

2. Bị cảnh cáo khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 1, 2 vi phạm lần 2 khoản 3, 4 Điều 16 của Quy định này.

3. Hạ bậc lương khi:

a) Vi phạm lần 3 khoản 3 Điều 16 của Quy định này;

b) Vi phạm lần 2 một trong các khoản 1, 2 Điều 16 của Quy định này.

4. Bị cách chức khi:

a) Vi phạm lần 4 khoản 3 hoặc vi phạm lần 3 khoản 2 Điều 16 của Quy định này;

b) Vi phạm lần 3 một trong các khoản 1, 2 Điều 16 của Quy định này.

Mục C. HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VẬN TẢI

Điều 18. Hành vi vi phạm

1. Không bố trí đủ lái xe trên các tuyến đường dài, để lái xe làm việc quá thời gian quy định.

2. Giao xe cho lái xe vận tải khách mà không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp.

3. Không ký hợp đồng với các bến xe, các trạm nghỉ trên đường theo phương án chạy xe được duyệt.

4. Không đăng ký khai thác vận tải khách trên các tuyến cố định, không có hợp đồng vận tải bằng văn bản khi hoạt động theo phương thức hợp đồng.

5. Bỏ chuyến, không chạy đúng hành trình, lịch trình đã quy định.

6. Không giao cho lái xe các giấy tờ cần thiết như Sổ nhật trình chạy xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Hợp đồng vận chuyển…

7. Không tuân thủ Quy định bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa ô tô hiện hành.

8. Không triển khai Quyết định này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 19. Hình thức xử lý.

1. Đối với doanh nghiệp vận tải:

a) Không được tham gia hoạt động vận tải khách khi vi phạm khoản 4 Điều 18 của Quy định này;

b) Cảnh cáo lần đầu khi vi phạm một trong các khoản 1, 2 ,3 ,5 ,6 ,7 ,8 Điều 18 của Quy định này;

c) Đình chỉ có thời hạn 30 ngày hoạt động trên tuyến khi vi phạm lần 2 một trong các khoản 1, 2,3 ,5 ,6 ,7 ,8 Điều 18 của Quy định này;

d) Bị thu hồi giấy chấp thuận đăng ký hoạt động trên tuyến, giấy phép đăng ký kinh doanh khi vi phạm lần thứ 3 một trong các khoản 1, 2 ,3 ,5 ,6 ,7 ,8 hoặc vi phạm lần 2 hai khoản Điều 18 của Quy định này.

2. Đối với Giám đốc doanh nghiệp:

a) Chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới chịu trách nhiệm khi vi phạm một trong các khoản 1 ,2 ,3 ,6 ,7 ,8 Điều 18 của Quy định này về các hành vi vi phạm của công nhân lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ tham gia vận chuyển khách theo kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền;

b) Bị khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức, bãi miễn chức khi vi phạm các quy định tại Điều 18 của Quy định này tùy theo kết luận của cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Mục D. HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP KHAI THÁC BẾN XE

Điều 20. Hành vi vi phạm.

1. Không hợp đồng với doanh nghiệp vận tải cho thuê quầy bán vé hoặc không hợp đồng nhận ủy thác bán vé với các doanh nghiệp vận tải, chủ xe theo quy định.

2. Không ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải theo quy định của cơ quan quản lý tuyến; hợp đồng dịch vụ phục vụ lái xe và phương tiện.

3. Không tổ chức xe ô tô khách vào bến đón khách, trả khách theo hợp đồng, gây mất trật tự, an toàn tại bến.

4. Không tổ chức trông giữ xe ban đêm nếu có điều kiện.

5. Không tổ chức các dịch vụ bốc, dỡ, bảo quản hàng, hành lý cho khách, bảo đảm vệ sinh môi trường.

6. Không bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức kiểm tra phòng, chống cháy nổ trong bến xe.

7. Thu cao hơn mức quy định các loại phí, lệ phí, giá do Nhà nước quy định.

8. Tự đặt quy định thu các loại phí, lệ phí, giá.

9. Không triển khai Quy định này đến từng cán bộ, công nhân viên liên quan.

Điều 21. Hình thức xử lý.

1. Khiển trách khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 2 ,4 ,6 ,7 ,9 Điều 20 của Quy định này.

2. Cảnh cáo khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 1 ,3 ,5 hoặc vi phạm lần 2 một trong các khoản 2 ,4 ,6 ,7 ,9 Điều 20 của Quy định này.

3. Hạ bậc lương khi:

a) Vi phạm lần 3 một trong các khoản 2 ,4 ,6 ,7 Điều 20 của Quy đinh này;

b) Vi phạm lần đầu khoản 8 hoặc vi phạm lần 2 một trong 3 khoản 1 ,3 ,5 Điều 20 của Quy định này.

4. Cách chức khi:

a) Vi phạm lần 4 một trong các khoản 2 ,4 ,6 ,7 hoặc vi phạm lần 3 một trong 3 khoản 1 ,3 ,5 Điều 20 của Quy định này;

b) Vi phạm lần 2 khoản 8 Điều 20 của Quy định này.

Mục Đ. HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI LÁI XE

Điều 22. Hành vi vi phạm

Ngoài hành vi vi phạm quy định tại Điều 60, Điều 61 Luật Giao thông đường bộ còn bổ sung các hành vi vi phạm sau:

1. Đưa khách vào nơi ăn, nghỉ để khách bị bắt phải ăn hoặc ăn với giá đắt, bị hành hung hoặc đe doạ.

2. Có hành động đe doạ, tranh giành khách.

3. Giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe vận tải khách.

4. Không đưa khách vào các trạm nghỉ trên đường mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng.

5. Không đưa xe vào bến đã ký đón, trả khách; rời bến còn chạy vòng vo để lấy thêm khách.

Điều 23. Hình thức xử lý.

1. Cảnh cáo khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 4 ,5 Điều 22 của Quy định này.

2. Đình chỉ lái xe một nốt trong thời gian 03 tháng khi vi phạm lần đầu một trong các khoản 1 ,2 ,3 hoặc vi phạm lần 2 một trong các khoản 4 ,5 Điều 22 của Quy định này;

3. Đình chỉ lái xe một nốt trong thời gian 6 tháng khi vi phạm lần 2 một trong các khoản 1 ,2 ,3 hoặc vi phạm lần 3 khoản 4 ,5 Điều 22 của Quy định này;

4. Đình chỉ lái xe một nốt trong thời gian một năm khi vi phạm lần 3 một trong các khoản 1, 2, 3 hoặc vi phạm lần 4 một trong các khoản 4, 5 Điều 22 của Quy định này.

Mục E. HÀNH VI VI PHẠM VÀ HÌNH THỨC XỬ LÝ ĐỐI VỚI PHỤ XE VÀ NHÂN VIÊN PHỤC VỤ TRÊN XE

Điều 24. Hành vi vi phạm.

1. Lấy khách không bán vé hoặc bán vé cao hơn mức quy định; có thái độ không tôn trọng khách đi xe,

2. Để khách lên, xuống xe khi xe đang chạy.

3. Để hàng trong khoang chở khách.

4. Xếp hàng trên mui xe khách làm lệch xe.

5. Nhận khách quá số ghế quy định.

Điều 25. Hình thức xử lý.

1. Cảnh cáo khi vi phạm lần đầu một trong các khoản tại Điều 24 của Quy định này;

2. Hạ bậc lương khi vi phạm lần 2 một trong các khoản tại Điều 24 của Quy định này.

3.  Phải bố trí làm việc khác khi vi phạm lần 3 một trong các khoản tại Điều 24 của Quy định này.

Mục G.  THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 26. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

1. Xử lý kỷ luật đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ.

2. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét quyết định xử lý kỷ luật đối với Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính không hoàn thành trách nhiệm.

Điều 27. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1. Xử lý kỷ luật đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.

2. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện việc thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, hợp tác xã theo phân cấp quản lý.

Điều 28. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

1. Kỷ luật đối với:

a) Cán bộ, nhân viên các cơ quan tham mưu của Cục;

b) Phó Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ;

c) Giám đốc, Phó Giám đốc đơn vị vận tải thuộc quyền quản lý của Cục.

2. Thu hồi giấy chấp thuận đăng ký hoạt động trên tuyến theo quy định.

3. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, hợp tác xã theo phân cấp quản lý.

Điều 29. Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ.

1. Xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, nhân viên cơ quan tham mưu của Khu.

2. Thu hồi giấy chấp thuận đăng ký hoạt động trên tuyến theo quy định.

Điều 30. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính.

1. Kỷ luật đối với:

a) Cán bộ, nhân viên các cơ quan tham mưu của Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính;

b) Giám đốc, Phó Giám đốc đơn vị quản lý vận tải; Trưởng ban, Phó trưởng Ban quản lý bến xe và các chức danh thuộc thẩm quyền.

2. Thu hồi giấy chấp thuận đăng ký hoạt động trên tuyến theo quy định.

3. Thông báo về các doanh nghiệp, hợp tác xã để Hội đồng quản trị, người quản lý xem xét quyết định khi vi phạm Điều 19 ,23 ,25 của Quy định này.

4. Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, hợp tác xã.

Điều 31. Giám đốc, Hội đồng Quản trị doanh nghiệp vận tải, khai thác bến xe; Ban Quản trị hợp tác xã, Trưởng Ban quản lý bến xe.

1. Giám đốc doanh nghiệp vận tải, khai thác bến xe xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, công nhân viên thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Hội đồng Quản trị doanh nghiệp, Ban Quản trị hợp tác xã xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, nhân viên, xã viên thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Trưởng Ban quản lý bến xe:

a) Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công nhân viên thuộc thẩm quyền theo quy định;

b) Lập biên bản xử lý hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều 19 của Quy định này, xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32.  Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ, Giám đốc doanh nghiệp, Trưởng Ban quản lý bến xe có trách nhiệm phổ biến Quy định này tới các đơn vị, cá nhân có liên quan để thực hiện.

Điều 33.  Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ vận tải, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giao thông công chính, Tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ có trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời bằng văn bản về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cơ chế mới./.