Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm

trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi,

phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật

_______________

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng phối hợp thực hiện công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và đạt được kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng một số mặt hàng thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật còn thấp; lợi dụng tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, công tác quản lý còn bất cập, thị trường vật tư nông nghiệp trong tỉnh đã xuất hiện một số loại hàng hoá kém chất lượng, hàng giả gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các cấp, các ngành và các lực lượng có chức năng chống hàng giả chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác này; thiếu chủ động phối hợp trong chỉ đạo điều hành với các hành vi sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tổ chức lực lượng thực thi nhiệm vụ còn chồng chéo nảy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; công tác chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm đúng mức; hình thức xử phạt chưa nghiêm đối với người vi phạm; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động áp dụng các biện pháp chống hàng giả, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để chống hàng giả.

Thực hiện Chỉ thị số 28/2008/CT-TTg ngày 28/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách chống hàng giả, hàng kém chất lượng và Chỉ thị số 3246/CT-BNN-PC ngày 31/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật. Nhằm khắc phục những nguyên nhân tồn tại nêu trên, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi, lợi ích người tiêu dùng, đồng thời xử lý nghiêm với tổ chức, cá nhân vi phạm. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan nhất là các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; các quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện tốt công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong các tầng lớp nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cần tăng cường chủ động phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; chất lượng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng điểm, không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các tổ chức, cá nhân. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công, đóng gói, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nói trên; nội dung kiểm tra gồm việc chấp hành pháp luật về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh, giấy phép sản xuất kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề, chất lượng sản phẩm, đóng gói, nguồn gốc, nhãn mác hàng hoá... để xử lý vi phạm theo pháp luật.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, thanh tra theo chức năng, nhiệm vụ; thông báo cho các ngành chức năng, địa phương các loại vật tư nông nghiệp được phép và không được phép lưu hành tại Việt Nam để các ngành, địa phương biết thực hiện kiểm tra; Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra, thành lập Đoàn thanh tra liên ngành trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt; phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra hàng hoá vật tư nông nghiệp.

4. Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra, thanh tra theo nhiệm vụ được giao.

5. Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá, đóng gói hàng hoá, nhãn mác hàng hoá, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... để xử lý theo quy định pháp luật; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ của Đoàn thanh tra liên ngành.

6. Công an tỉnh tổ chức kiểm tra chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các loại hàng hoá vật tư nông nghiệp nói trên, chỉ đạo Công an các huyện, thành phố điều tra, khám phá việc sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để xử lý theo quy định của Bộ Luật hình sự; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Tài chính bố trí đủ kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu phân tích kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và kinh phí hoạt động của Đoàn thanh tra.

8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật với quy mô sản xuất nhỏ, thủ công trên địa bàn, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

9. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh cần đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hoá đảm bảo chất lượng, nghiêm túc thực hiện quy định về chất lượng hàng hoá, xác lập quyền sở hữu công nghệ; áp dụng các biện pháp tích cực bảo vệ sản phẩm hàng hoá của mình; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả.

10. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

11. Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên đưa tin phản ánh kịp thời chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và của Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngoài danh mục, hàng quá sử dụng... để khuyến cáo cho người tiêu dùng được biết.

12. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tác hại đối với hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực hàng hoá vật tư nông nghiệp, phải thường xuyên chỉ đạo, nắm bắt thông tin, tổ chức ngăn chặn triệt để; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình.

Thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai, thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thanh Quán