NGHỊ QUYẾT
Về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015
_______________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo;
Căn cứ Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số: 770/TTr-UBND ngày 30/6/2011 của UBND tỉnh về ban hành Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015 với những nội dung sau:
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng quát:
- Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo. Giảm nhanh số lượng hộ nghèo, hạn chế đến mức tối đa số hộ tái nghèo và phát sinh mới, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.
- Thu hẹp khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các nhóm dân cư, giữa các dân tộc, tăng cường khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo.
- Hỗ trợ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt thế mạnh của từng địa phương. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Xây dựng nông thôn ổn định, duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
- Tạo bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn. Tăng cường năng lực cho người dân và cộng đồng để phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt; từng bước phát huy lợi thế của từng địa phương, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Bước đầu phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô nhỏ và vừa, người dân tiếp cận các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5%.
- Giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Chính phủ và hỗ trợ từ quỹ “Ngày vì người nghèo”.
- Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 65% lao động xã hội.
- Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tập huấn, huấn luyện đạt trên 40%.
- Mỗi năm tạo việc làm cho 4.500 - 5.000 lao động.
2. Nhiệm vụ và giải pháp
2.1. Về công tác tuyên truyền:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về công tác giảm nghèo.
- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và người dân về trách nhiệm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2.2. Về cơ chế, chính sách:
- Thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho người nghèo như: Hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, khuyến nông - khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất... Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí để giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
- Có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các dân tộc đặc biệt khó khăn của tỉnh gồm: Mảng, La Hủ, Cống, Si La, Khơ Mú để từng bước giảm nghèo bền vững cho các dân tộc này.
- Đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ, tăng cường lấy ý kiến của cấp cơ sở và của người dân trong việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Thực hiện phân cấp trong tổ chức, quản lý thực hiện chương trình cho các xã và giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
2.3. Về nguồn vốn:
- Huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo với phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện; ưu tiên đầu tư các công trình cấp thiết.
- Ngoài nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu của các bộ, ngành Trung ương bố trí hàng năm, ngân sách địa phương bố trí một phần cho nhiệm vụ giảm nghèo; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các nguồn vốn tài trợ quốc tế, vốn tái định cư các công trình thuỷ điện... để lồng ghép trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo.
- Ngân hàng chính sách tập trung huy động nguồn vốn cho các hộ nghèo vay để phát triển sản xuất.
2.4. Về công tác cán bộ:
Tăng cường cán bộ của các sở, ban ngành tỉnh, các cơ quan của các huyện, thị xã làm nhiệm vụ giảm nghèo, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại chỗ từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tiếp tục tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí các tri thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo.
Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với cán bộ tăng cường cơ sở để động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm gắn bó với cơ sở.
2.5. Về chỉ đạo điều hành:
- Phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng; xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch và các chính sách giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và uốn nắn những sai sót trong tổ chức thực hiện.
3. Kinh phí thực hiện chương trình:
Tổng kinh phí: 3.259.200 triệu đồng. Trong đó:
- Vốn tín dụng:
|
1.081.000 triệu đồng.
|
- Ngân sách trung ương:
|
2.157.500 triệu đồng.
|
- Ngân sách địa phương:
|
10.700 triệu đồng.
|
- Vốn huy động khác:
|
10.000 triệu đồng.
|
Kế hoạch kinh phí các năm:
- Năm 2011:
|
501.500 triệu đồng.
|
- Năm 2012:
|
576.300 triệu đồng.
|
- Năm 2013:
|
641.900 triệu đồng.
|
- Năm 2014:
|
723.600 triệu đồng.
|
- Năm 2015:
|
815.900 triệu đồng.
|
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này tổ chức thực hiện.
Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.