CHỈ THỊ
Về tăng cường và hiện đại hóa công tác thống kê
Trong những năm qua, công tác Thống kê đã từng bước được hoàn thiện và phát triển phù hợp với quá trình đổi mới của đất nước. Số liệu thống kê ngày càng phát huy tác dụng là căn cứ quan trọng để đánh giá, phân tích thực trạng, và xu hướng phát triển của tình hình kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng cấp, từng ngành. Nội dung hệ thống chỉ tiêu, phương pháp thu thập và xử lý số liệu đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao đối với ngành thống kê trong điều kiện tăng cường hợp tác và hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới, thông tin thống kê đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập. Hệ thống chỉ tiêu thống kê thiếu đồng bộ, chưa được cung cấp kịp thời, một số chỉ tiêu chưa bảo đảm độ tin cậy cần thiết, nhất là số liệu cân đối lớn của nền kinh tế. Số liệu thống kê chưa được lưu giữ và truyền đưa bằng các phương tiện hiện đại, thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng.
Nguyên nhân của những thiếu sót và hạn chế nêu trên có phần do năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức thống kê các cấp, các ngành. Nhưng mặt khác, cũng do điều kiện sản xuất manh mún, ý thức chấp hành luật pháp trong lĩnh vực kế toán, thống kê không nghiêm, cơ chế công khai hóa số liệu về sản xuất kinh doanh không đồng bộ và chưa đủ hiệu lực.
Để khắc phục những hạn chế và thiếu sót nói trên, nhằm phát huy tác dụng của thông tin thống kê trong quản lý, điều hành ở các cấp, các ngành, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Tổng cục Thống kê phải khẩn trương triển khai những việc sau đây:
a) Tổng kết và đánh giá rút kinh nghiệm qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Kế toán và Thống kê báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 1998. Trên cơ sở đó xây dựng dự án Luật Thống kê trình Chính phủ vào cuối năm 1999.
b) Căn cứ vào nhu cầu thông tin thống kê cần thiết cho việc quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, tiến hành rà soát đánh giá hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện hành, phân loại và bổ sung những chỉ tiêu mới, bảo đảm tính đồng bộ của số liệu thống kê kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thu thập và cung cấp số liệu định kỳ của từng loại chỉ tiêuH: hàng tháng, hàng quý, nửa năm, một năm, 2 -3 năm, 5 năm và 10 năm.
c) Nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nội dung, phương pháp thu thập số liệu và tính toán các chỉ tiêu phản ánh các cân đối lớn và hiệu quả của nền kinh tế, kết quả thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống của nhân dân và bảo đảm công bằng xã hội. Phấn đấu đến năm 2000, hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội của nước ta được thực hiện theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
d) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành phân công trách nhiệm cụ thể trong việc thu thập và cung cấp số liệu giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, bảo đảm tính đồng bộ và chính thống của số liệu thống kê nhà nước gồm hai nguồn: Thống kê theo cấp hành chính do Tổng cục Thống kê quản lý và thống kê do các bộ, ngành quản lý. Việc phân công trách nhiệm thu thập và cung cấp số liệu thống kê về các lĩnh vực kinh tế - xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc và yêu cầu sau đây:
Số liệu thống kê có thể khai thác và tính toán từ các hồ sơ hành chính về từng lĩnh vực do bộ, ngành nào quản lý thì bộ, ngành đó chịu trách nhiệm tổng hợp, cung cấp cho Tổng cục Thống kê và các ngành, các cấp có liên quan.
Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập những số liệu liên ngành và những số liệu mà các bộ, ngành không có điều kiện thực hiện hoặc thực hiện nhưng không bảo đảm tính khách quan và tiết kiệm chi phí.
đ) Phát triển công nghệ thông tin, xây dựng các cơ sở dữ liệu và mạng thông tin thống kê trong phạm vi cả nước, bảo đảm việc truyền dẫn và khai thác số liệu thống kê được thuận lợi.
e) Xây dựng Đề án ''Chương trình phát triển công tác thống kê giai đoạn 2001-2020'' trình Chính phủ vào năm 2000, nhằm phát huy tác dụng của thống kê là phương tiện quản lý hữu hiệu, đáp ứng yêu cầu đánh giá, phân tích thực trạng và dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong phạm vi cả nước và từng cấp, từng ngành.
2. Các bộ, ngành tiến hành đánh giá thực trạng, ưu điểm và thiếu sót, yếu kém của tổ chức thống kê để có biện pháp khắc phục. Căn cứ vào hệ thống số liệu mà bộ, ngành chịu trách nhiệm tổng hợp và cung cấp, tiến hành củng cố tổ chức, bảo đảm đủ biên chế và các điều kiện cần thiết để từng bước nâng cao chất lượng và hiện đại hóa công tác thống kê.
Đối với những bộ, ngành tự bảo đảm hầu hết số liệu thống kê cần thiết trên cơ sở tổng hợp thông tin từ các hồ sơ hành chính thì hệ thống thống kê cần được xây dựng từ cơ quan trung ương đến địa phương để thực hiện cung cấp số liệu theo phạm vi toàn ngành và từng cấp quản lý.
Ở những bộ, ngành quản lý các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà phần lớn thông tin thống kê do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập và cung cấp thì tổ chức thống kê chủ yếu tập trung vào việc điều tra thu thập số liệu, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tác nghiệp về chuyên môn, kỹ thuật.
3. Tổng cục Thống kê, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm trong công tác thống kê.
4. Bộ Tài chính bố trí kinh phí điều tra thu thập và xử lý số liệu thống kê trong ngân sách hàng năm của Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.