THÔNG TƯ
Về quản lý tài chính đối với sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm và sử dụng lao động dôi thừa ở các cơ sở kinh tế quốc doanh.
___________________________
Từ năm 1960 đến nay, Chính phủ đã ban hành Thông tư số 63 ngày 14/11/1960, chỉ thị số 59-TTg ngày 4/4/1967 và số 69-TTg ngày 24/4/1970 quy định việc quản lý và khuyến khích sử dụng phế liệu, phế phẩm để sản xuất hàng tiêu dùng. Nhưng cho đến nay, trong các xí nghiệp còn có nhiều phế liệu, phế phẩm như: gỗ vụn, vải rẻo, giấy vụn vv... chưa được tận dụng hợp lý, hoặc còn bị vứt bỏ lãng phí.
Ở nhiều xí nghiệp số lao động dôi ra chưa có việc làm ở khâu sản xuất chính chưa được sắp xếp công tác ....
Thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và để góp phần đẩy mạnh việc tận dụng phế liệu, phế phẩm kết hợp việc sử dụng có hiệu quả kinh tế số lao động dôi ra, Bộ Tài chính quy định dưới đây chế độ quản lý tài chính và hạch toán kế toán đối với việc sử dụng lao động dôi thừa để sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm.
-
YÊU CẦU ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP CÓ TỔ CHỨC SẢN XUẤT MẶT HÀNG PHỤ BẰNG PHẾ LIỆU PHẾ PHẨM LÀ:
1/ Xí nghiệp thường xuyên phát sinh phế liệu, phế phẩm và thực hiện được tỷ lệ phế liệu, phế phẩm đối với các mặt hàng Nhà nước đã quy định.
2/ Việc tổ chức sản xuất mặt hàng phụ phải đảm bảo không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chính của đơn vị, xí nghiệp phải tự trang trải mọi chi phí bằng thu nhập của mình là chủ yếu, ngoài ra phải phấn đấu có doanh lợi cho xí nghiệp và tích luỹ cho Ngân sách.
3/ Phải thực hiện đúng chế độ hạch toán kinh tế, chế độ quản lý tài chính và chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành.
4/ Xí nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm được cơ quan chủ quản cấp trên chuẩn y (Bộ chủ quản đối với xí nghiệp trung ương, Ty chủ quản đối với xí nghiệp địa phương) và báo cáo cho cơ quan tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban kế hoạch cung cấp biết trước khi đi vào sản xuất.
II. NGUỒN VỐN ĐỂ SẢN XUẤT:
1. Vốn cố định:
Xí nghiệp tận dụng những thiết bị máy móc thừa, hoặc tu sửa thiét bị hư hỏng không cần dùng cho dây chuyền sản xuất chính. Chi phí sửa chữa thiết bị do nguồn vốn sửa chữa lớn của đơn vị chịụ.
Sau khi đã tận dụng hết năng lực thiết bị hiện có, mà vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nếu cần xây dựng hoặc bổ sung thiết bị máy móc mới, thì xí nghiệp phải tính toán đầy đủ hiệu quả vốn đầu tư và dùng các nguồn vốn sau đây để chi:
+ Trích từ quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của xí nghiệp.
+ Vay vốn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, vốn vay sẽ được hoàn trả bằng tiền trích khấu hao cơ bản và quý phát triển sản xuất (phần trích từ lãi của sản phẩm sản xuất bằng phế liệu).
Trường hợp cần phải bỏ vốn đầu tư tương đối lớn để tận dụng phế liệu, phế phẩm và số lao động dôi ra thì xí nghiệp phải lập đề án kinh tế kỹ thuật theo đúng chế độ hiện hành để xin vay vốn ngân hàng Nhà nước hoặc trình lên cấp có thẩm quyền xét duyệt để xin cấp vốn xây dựng cơ bản.
Việc quản lý vốn cố định phải theo đúng chế độ hiện hành. Nếu có tài sản cố định xí nghiệp tạo ra bằng vốn vay ngân hàng thì tiền khấu hao cơ bản của những tài sản cố định này được dùng để trả nợ tiền vay ngân hàng về đầu tư xây dựng cơ bản.
2/ Vốn lưu động:
Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất mặt hàng phụ là phế liệu, phế phẩm đã được tính trong vốn dự trữ của sản xuất chính, cho nên các xí nghiệp phải tận dụng vốn lưu động hiện có để sản xuất; nếu thiếu thì xí nghiệp được vay vốn ngân hàng theo Nghị quyết 19-CP ngày 29/1/176.
III. TIÊU THỤ, THUẾ VÀ LỖ LÃI:
1/ Về tiêu thụ:
Sản phẩm phụ sản xuất ra phải đảm bảo tiêu chuẩn quy cách phẩm chất do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quy định; phải ký được hợp đồng tiêu thụ với các mặt hàng có số lượng lớn trước khi sản xuất.
Nguyên tắc tiêu thu sản phẩm là phải bán cho thương nghiệp cấp I hoặc cấp II. Chỉ trong trường hợp thương nghiệp không nhận mua thì được phép bán cho các hợp tác xã tiêu thụ để phân phối cho cán bộ, công nhân viên sử dụng, nhưng cấm mua đi bán lại.
Giá bán sản phẩm phụ, phải theo đúng giá cả của Nhà nước quy định; giá cả phế liệu, phế phẩm dùng để sản xuất mặt hàng phụ phải theo đúng các nguyên tắc đã quy định trong Thông tư số 42-TTLB/VGTC ngày 17/2/1973 của liên Bộ Uỷ ban Vật giá - Tài chính. Trường hợp các mặt hàng phụ chưa có giá, thì do hai bên mua và bán thoả thuận trên cơ sở tham khảo giá của mặt hàng tương tự và đảm bảo trang trải các khoản chi phí sản xuất, phí lưu thông và có lãi.
2/ Nộp thuế hoặc thu quốc doanh:
Tất cả các mặt hàng phụ làm bằng phế liệu phế phẩm đều phải nộp thuế hoặc thu quốc doanh theo đúng chế độ hiện hành.
Trong thời gian đầu, sản xuất chưa ổn định, nếu giá thành còn cao đến mức khoong có lãi hoặc bị lỗ, thì xí nghiệp có thể đề nghị cơ quan tài chính xét cho giảm hoặc miễn thuế. Các trường hợp được giảm hoặc miễn thuế như sau:
+ Mặt hàng không có lãi,
+ Mặt hàng có ít lãi (thấp hơn hoặc bằng lãi định mức Nhà nước quy định cho từng loại xí nghiệp).
Việc miễn giảm thuế đối với mặt hàng phụ làm bằng phế liệu, phế phẩm kể trên được xét định hàng năm. Do cơ quan tài chính trực tiếp quản lý xí nghiệp quyết định sau khi bàn bạc với Bộ, tổng cục chủ quản (đối với xí nghiệp trung ương) hoặc Sở, Ty chủ quản (đối với xí nghiệp địa phương).
Trường hợp đặt biệt phải tổ chức sản xuất để sử dụng số lao động dôi thừa, sau khi miễn giảm thuế mà cơ sở sản xuất vẫn bị lỗ, thì sau khi được cơ quan tài chính xét duyệt, xí nghiệp được dùng lãi sản xuất kinh doanh chính để bù và được kế hoạch hoá trong kế hoạch lỗ lãi của xí nghiệp.
3/ Phân phối lợi nhuận của việc kinh doanh mặt hàng phụ làm bằng phế liệu, phế phẩm.
Lợi nhuận thu được do tiêu thụ sản phẩm sản xuất bằng phế liệu, phế phẩm phải theo đúng chế độ quản lý tài chính, nghĩa là phải tính lợi nhuận trên cơ sở doanh thu bán hàng trừ các yếu tố:
+ Giá thành đầy đủ (bao gồm chi phí nguyên liệu nhiên liệu, vật liệu, tiền lương, khấu hao thiết bị, động lực, quản lý phí vv...).
+ Thuế hoặc thu quốc doanh tính theo chế độ hiện hành.
Xí nghiệp hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận kinh doanh cơ bản; hoàn thành được nhiệm vụ nộp thuế hoặc thu quốc doanh đối với mặt hàng phụ; chấp hành đúng chế độ quy định của Nhà nước về sử dụng phế liệu, phế phẩm và tổ chức hạch toán rõ ràng, thì lợi nhuận thu được trong việc kinh doanh mặt hàng phụ được phân phối theo chế độ ưu đãi như sau:
a/ Trường hợp sản xuất những mặt hàng phụ hoàn toàn bằng phế liệu, phế phẩm loại ra và thiết bị sẵn có, không xin cấp thêm vật tư, thiết bị của Nhà nước, thì được trích 80% lợi nhuận thu được vào các quỹ của xí nghiệp, còn 20% nộp vào Ngân sách Nhà nước.
b/ Trường hợp sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm, nhưng được cấp thêm một phần nguyên vật liệu tốt để sản xuất, thì được trích từ 60 - 70% lợi nhuận thu được vào các quỹ xí nghiệp; còn 30-40% nộp vào ngân sách Nhà nước.
c/ Trường hợp sản xuất mặt hàng phụ bằng nguyên liệu tốt là nông, lâm thổ sản khai thác tại địa phương, nhằm giải quyết việc làm cho số lao động dôi ra thì được trích 50% đến 80% lợi nhuận thu được vào các quỹ xí nghiệp (tuỳ theo điều kiện lao động nặng nhẹ), còn từ 20% đến 50% nộp vào ngân sách Nhà nước.
Phần lợi nhuận giữ lại ở xí nghiệp, được phân phối cho các quỹ như sau:
+ Quỹ khuyến khích phát triển sản xuất 50%
+ Quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng 50% (mỗi quỹ 25%).
- Chế độ ưu đãi về phân phối lợi nhuận này, chỉ áp dụng cho các đơn vị thực hiện chế độo hạch toán kinh tế trực tiếp tổ chức sản xuất, sản phẩm phụ bằng phế liệu phế phẩm và sử dụng lao động dôi thừa. Những đơn vị thu mua và tiêu thụ phế liệu, phế phẩm hoặc tổ chức gia công cho bên ngoài không thuộc đối tượng thi hành chế độ này.
Nếu việc sản xuất mặt hàng phụ bằng phế liệu, phế phẩm được Nhà nước trang bị thành một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh của xí nghiệp, thì việc sử dụng lợi nhuận thu được vẫn theo như chế độ tài chính hiện hành đối với sản xuất chính.
Cấm dùng lợi nhuận của mặt hàng phụ sản xuất bằng phế liệu, phế phẩm cũng như các nguồn vốn khác vào việc thành lập các quỹ trái phép (quỹ đen).
IV. HẠCH TOÁN VIỆC SỬ DỤNG PHẾ LIỆU, PHẾ PHẨM ĐỂ SẢN XUẤT MẶT HÀNG PHỤ.
A. Nhiệm vụ hạch toán vịệc sử dụng phế liệu, phế phẩm để sản xuất mặt hàng phụ:
Sử dụng phế liệu, phế phẩm để sản xuất mặt hàng phụ là một bộ phận của sản xuất hàng hoá trong xí nghiệp. Kế toán trưởng cũng như những kế toán viên cần chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ hạch toán và nhiệm vụ sau đây, tránh tuỳ tiện gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
1/ Tổ chức theo dõi, phản ánh, giám đốc chặt chẽ các hoạt động kinh tế tài chính về sản xuất mặt hàng phụ trong các khâu:
+ Giao nhận phế liệu, phế phẩm.
+ Tính lương và thực hiện trả lương chính xác.
+ Hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành các mặt hàng phụ.
+ Hạch toán tiêu thụ, hạch toán lãi, lỗ và các khoản phải nộp vào ngân sách.
2/ Qua công tác hạch toán, kiểm tra tình hình sử dụng vốn, hiệu quả kinh tế tài chính của việc kinh doanh mặt hàng phụ, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của xí nghiệp, tiết kiệm chi phí, tăng số lượng, chất lượng mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.
3/ Chấp hành các chế độ, thể lệ về hạch toán của Nhà nước nói chung và các quy định về việc sử dụng phế liệu, phế phẩm để sản xuất mặt hàng phụ.
B. Phương pháp hạch toán việc sử dụng phế liệu phế phẩm để sản xuất mặt hàng phụ.
1/Đối với tất cả các tổ chức kinh tế trong nền kinh tế quốc dân: Việc sản xuất mặt hàng phụ bằng cách tận dụng phế liệu, phế phẩm được coi là một bộ phận của sản xuất sản phẩm hàng hoá và hạch toán trực tiếp trên tài khoản 23 “sản xuất phụ” (mở chi tiết theo các đối tượng tính giá thành).
2/ Trường hợp các đơn vị kinh tế tổ chức sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản như bộ phận chăn nuôi trong các xí nghiệp công nghiệp, bộ phận sản xuất gạch ngói để bán trong các nông trường vv... thì hạch toán vào tài khoản 30 “sản xuất kinh doanh ngoài cơ bản”.
3/ Tổ chức đảm nhiệm sản xuất mặt hàng phụ được coi là một phân xưởng sản xuất của xí nghiệp như các phân xưởng sản xuất khác và không có bộ máy kế tóan riêng, nhưng kế toán trưởng phải phân công người chuyên trách về việc sản xuất mặt hàng phụ và kế toán trưởng chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh đó.
Hạch toán phải chính xác, rành mạch và kịp thời các hoạt động kinh tế tài chính về sản xuất và kinh doanh mặt hàng phụ.
- Tổ chức mở số sách để phản ánh và giám đốc các hoạt động sản xuất mặt hàng phụ.
- Cách ghi chép vào tài khoản kế toán như sau:
a/ Thực hiện quy định của Nhà nước về hạch toán vật liệu, bất cứ phế liệu, phế phẩm do sản xuất loại ra, do thu nhặt được trong quá trình bảo quản thành phẩm, hàng hoá vv... đều phải đánh giá và hạch toán nhập kho phế liệu (TK 05.7) và ghi số:
Nợ TK 05 - Nguyên liệu và vật liệu (05.7)
Có TK 20 - Sản xuất chính
Có TK 40 - Thành phẩm
Có TK 41 - Hàng hoá .....
b/ Khi xuất phế liệu, phế phẩm để sản xuất mặt hàng phụ:
Nợ TK 23 - Sản xuất phụ (chi tiết)
Có TK 05 - Nguyên liệu và vật liệ (05.7)
Nếu trong kết cấu giá thành của mặt hàng phụ có sử dụng nguyên liệu và vật liệu chính, vật liệu phụ mua ngoài thì khoản mục giá thành hạch toán riêng:
1. Phế liệu, phế phẩm dùng vào sản xuất.
2. Nguyên vật liệu chính.
3. Vật liệu phụ ....
c/ Các chi phí sản xuất khác như tiền lương, bảo hiểm xã hội, khấu hao tài sản cố định, động lực mua ngoài vv... sẽ ghi sổ:
Nợ TK 23 - Sản xuất phụ (chi tiết)
Có các tài khoản liên quan
d/ Khi mặt hàng phụ sản xuất xong, được kiểm nghiẹm nhập kho thành phẩm:
Nợ TK 40 - Thành phẩm (chi tiết)
Có TK 23 - Sản xuất phụ
đ/ Khi xuất mặt hàng phụ để tiêu thụ:
Nợ TK 45 - Hàng hoá gửi đi, lao vụ và công tác đã hoàn thành.
(Khi thu được tiền hoặc xác định đã tiêu thụ chuyển qua TK 46)
Hoặc Nợ TK 46 - Tiêu thụ
Có TK 40 - Thành phẩm
e/ Khi thu được tiền về tiêu thụ mặt hàng phụ.
Nợ TK 51 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 46 - Tiêu thụ
Hoặc TK 64 - Thanh toán với người mua và người đặt hàng
g/ Xác định kết quả về tiêu thụ mặt hàng phụ:
- Trường hợp lãi:
Nợ TK 46 - Tiêu thụ
Có TK 99 - Lãi, lỗ
- Trường hợp lỗ:
Nợ TK 99 - Lãi, lỗ
Có TK 46 - Tiêu thụ.
h/ Phần lãi về tiêu thụ mặt hàng phụ để lại cho xí nghiệp:
- Trích lập các quỹ xí nghiệp:
Nợ TK 80 - Vốn trích (chi tiết)
Có TK 87 - Các quỹ xí nghiệp (chi tiết)
- Sau đó khi được duyệt y báo cáo quyết toán hạch toán vào lãi do tiêu thụ mặt hàng phụ:
Nợ TK 99 - Lãi, lỗ
Có TK 80 - Vốn trích
Trong quá trình thực hiện, các Bộ, các ngành, các tỉnh thành cần thường xuyên kiểm tra phát hiện những thiếu sót và kịp thời phản ảnh cho Bộ Tài chính biết để bổ xung.