THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng số 186-HĐBT ngày 27/11/1989 về phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương số thu về tiền nuôi rừng
_________________________________
Liên Bộ Lâm nghiệp - Tài chính hướng dẫn cụ thể số thu về tiền nuôi rừng phân cấp cho Ngân sách địa phương quy định tại tiết 1, điểm B, mục I Nghị quyết số 186/HĐBT ngày 27/11/1989 của Hội đồng Bộ trưởng như sau:
I/ PHÂN CẤP QUẢN LÝ SỐ THU VỀ TIỀN NUÔI RỪNG.
1/ Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp (các lâm nghiệp, các liên hiệp lâm nông công nghiệp và các đơn vị quốc doanh lâm nghiệp khác thuộc Trung ương và địa phương, dưới đây gọi tắt là các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp):
Toàn bộ số thu về tiền nuôi rừng của các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp trực thuộc Trung ương và địa phương (bao gồm cả tiền nuôi rừng của những sản phẩm do các lực lượng khác khai thác trên lâm phận của lâm trường) được phân phối cho đơn vị và Ngân sách Nhà nước như sau:
a- Được để lại đơn vị 60% số thu về tiền nuôi rừng để lập quỹ nuôi rừng dùng vào việc đầu tư xây dựng vốn rừng tại chỗ theo kế hoạch hàng năm và theo dự án hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền xét duyệt.
b- 40% số thu về tiền nuôi rừng còn lại nộp vào Ngân sách Nhà nước và điều tiết (100%) cho Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (Chi cục Kho bạc hoặc Chi nhánh Kho bạc Nhà nước) để lập quỹ nuôi rừng tập trung của địa phương.
2/ Đối với các đơn vị tập thể, hộ gia đình và tư nhân, cá thể được Nhà nước giao đất, giao rừng để trồng rừng và chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác gỗ và lâm sản: Số thu về tiền nuôi rừng được phân phối như sau:
a- Trường hợp nhận đất trồng để trồng rừng (bao gồm quế, hồi và các đặc sản khác) được để lại 80% số thu về tiền nuôi rừng để đầu tư tiếp cho chu kỳ sau, còn 20% nộp vào Ngân sách Nhà nước qua cơ quan Kiểm lâm nhân dân khu vực.
b- Trường hợp nhận rừng tự nhiên để chăm sóc, nuôi dưỡng (bao gồm quế, hồi và các đặc sản khác) được để lại 60% số thu về tiền nuôi rừng để tu bổ lại rừng đã khai thác, còn 40% nộp vào Ngân sách Nhà nước qua cơ quan Kiểm lâm nhân dân khu vực.
c- Số thu về tiền nuôi rừng 20% ở tiết (a) và 40% ở tiết (b) nói trên được nộp vào Ngân sách Nhà nước và điều tiết 100% cho Ngân sách địa phương.
3/ Tỷ lệ điều tiết số thu về tiền nuôi rừng nói ở tiết b, điểm 1 và điểm 2 nói trên nộp vào mỗi cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu (dưới đây gọi tắt là tỉnh) quy định.
II/ TỔ CHỨC THU VỀ TIỀN NUÔI RỪNG.
Kể từ ngày 1/1/1990, Liên Bộ Lâm nghiệp - Tài chính thống nhất giao cho lực lượng Kiểm lâm nhân dân thu số tiền nuôi rừng của các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể trên địa bàn tỉnh (nói ở tiết b, điểm 1 và điểm 2 mục I trên đây) và nộp khoản thu tiền nuôi rừng này vào Ngân sách Nhà nước và điều tiết 100% cho Ngân sách địa phương qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (Chi nhánh Kho bạc hoặc Chi cục Kho bạc Nhà nước) thực hiện việc điều tiết cho các cấp ngân sách do tỉnh quản lý (Ngân sách tỉnh, huyện).
Chi cục (hoặc phòng) thu quốc doanh thuộc Sở Tài chính và Sở Lâm nghiệp (hoặc Sở Nông Lâm nghiệp) tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Hạt Kiểm lâm nhân dân thu, nộp đầy đủ và kịp thời số thu về tiền nuôi rừng trên địa bàn vào Ngân sách Nhà nước.
III/ SỬ DỤNG SỐ THU VỀ TIỀN NUÔI RỪNG:
Số thu về tiền nuôi rừng để lại cho các đơn vị kinh tế quốc doanh lâm nghiệp (Trung ương và địa phương), cho các đơn vị kinh tế tập thể, hộ gia đình và tư nhân, các thể được Nhà nước giao đất giao rừng và số thu về tiền nuôi rừng nộp Ngân sách địa phương phải đưọc sử dụng đúng vào những mục đích quy định tại mục IV Thông tư số 27 TT/LB ngày 30/11/1988 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Tài chính.
IV/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/1990.
Những quy định khác về tiền nuôi rừng và phương thức quản lý, sử dụng tiền nuôi rừng không đề cập trong Thông tư này vẫn thực hiện theo Quyết định số 116-HĐBT ngày 20/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn số 27 TT/LB ngày 30/11/1988 của Liên Bộ Lâm nghiệp - Tài chính.
Các Sở Lâm nghiệp (Sở Nông lâm nghiệp), Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh và các Hạt Kiểm lâm nhân dân phối hợp với cơ quan Tài chính địa phương cùng cấp kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành chế độ thu và sử dụng tiền nuôi rừng ở địa phương.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, yêu cầu các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Liên Bộ nghiên cứu giải quyết./.