THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Hướng dẫn việc cấp phát, quản lý kinh phí chi cho tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp năm 1994
____________________________
Để quản lý, sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí từ Ngân sách Trung ương chi cho Tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp năm 1994 theo Quyết định số 568/TTg ngày 19/11/1993 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả, đồng thời để phù hợp với việc triển khai thực hiện quản lý kinh phí hoạt động của toàn ngành Thống kê từ Trung ương đến cơ sở theo quy định tại điểm 8, điều II, Nghị định số 23/CP ngày 23/3/1994 của Chính phủ " về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê"; Liên Bộ Tài chính - Tổng cục Thống kê hướng dẫn việc cấp phát, quản lý kinh phí chi cho cuộc điều tra như sau :
I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG
1/ Căn cứ vào kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 1994 đã bố trí cho việc tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp, Bộ Tài chính sẽ cấp khoản kinh phí này cho Tổng cục Thống kê theo dự toán được duyệt và tiến độ triển khai công việc để Tổng cục Thống kê cấp phát kinh phí trực tiếp cho các Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo khối lượng công việc được giao và thời gian tiến hành điều tra ở từng địa phương.
2/ Kinh phí chi cho Tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp được thông báo và cấp phát cho các cơ quan Thống kê địa phương phải đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này và theo đúng kế hoạch phân bổ đã thống nhất giữa Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính.
3/ Kết thúc cuộc điều tra, các cơ quan Thống kê địa phương phải lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng kinh phí gửi Tổng cục Thống kê theo các quy định hiện hành; Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thẩm tra, xét duyệt và tổng hợp quyết toán gửi Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư số 14-TC/HCVX ngày 28/2/1994 của Bộ Tài chính.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Nội dung chi tiêu tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp được quy định cụ thể như sau :
1/ Kinh phí cho Ban chỉ đạo tổng điều tra ở các cấp :
a) Đối với Ban chỉ đạo điều tra ở Trung ương được chi các khoản sau :
- Chi biên soạn tài liệu, biểu mẫu thống kê.
- Chi hội thảo nghiệp vụ và lấy ý kiến chuyên gia các ngành.
- Chi điều tra thử tại 4 tỉnh (2 tỉnh phía Bắc, 2 tỉnh phía Nam).
- Chi in tài liệu ban đầu (biểu mẫu, phù hiệu, khẩu hiệu, bảng hướng dẫn, sổ tay điều tra viên, đóng gói, bảo quản tài liệu điều tra . . .)
- Chi vận chuyển, cước phí gửi tài liệu từ Trung ương đến các tỉnh trong cả nước.
- Chi tiền xăng, xe, công tác phí của Ban chỉ đạo Trung ương.
- Chi hội nghị tập huấn cho 53 tỉnh, thành phố.
- Chi cho công tác tổng hợp số liệu, tình hình điều tra nông thôn và nông nghiệp theo các phương pháp :
+ Tổng hợp nhanh
+ Tổng hợp toàn bộ
- Chi in số liệu, tài liệu tổng hợp
- Chi tổng kết và công bố kết quả cuộc tổng điều tra.
b) Ban chỉ đạo tổng điều tra ở địa phương được chi các khoản sau :
- Chi tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên
- Chi vận chuyển tài liệu điều tra từ tỉnh về huyện và các điểm điều tra.
- Chi thuê phương tiện đi lại cho Ban chỉ đạo huyện và giám sát viên.
- Chi cho khâu tổng hợp nhanh ở huyện, xã.
- Chi tổng kết điều tra tại tỉnh, thành phố.
2/ Kinh phí chi cho điều tra viên :
- Chi văn phòng phẩm : Giấy, bút cho điều tra viên.
- Chi trang bị đèn pin cho điều tra viên ở miền núi và vùng sâu chưa có điện (nếu có).
- Chi tiền thuê phiên dịch, người dẫn đường tại các huyện, xã dân tộc, miền núi (nếu có).
- Chi tiền công cho điều tra viên.
3/ Cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí :
- Căn cứ vào nội dung các khoản chi cho công tác tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp quy định tại điểm 1b và điểm 2, phần II nêu trên, trên cơ sở số lượng đơn vị cần điều tra của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như : Số hộ nông thôn, số xã, phường, thị trấn . . . Tổng cục Thống kê sẽ phân phối khoán gọn số kinh phí cho tất cả mọi công việc từ khâu chuẩn bị đến khâu kết thúc điều tra, bàn giao tài liệu với mức chi phí cho một số đơn vị điều tra theo từng địa bàn cụ thể như sau : (Số kinh phí khoản dưới đây là mức tối đa cho một đơn vị điều tra) :
+ Hộ điều tra nông thôn2.300đ/hộ
+ Cơ sở quốc doanh nông, lâm nghiệp,
thuỷ sản, xã, phường, thị trấn10.000đ/đơn vị
+ Xã miền núi3.000đ/hộ
+ Hải đảo, vùng cao, vùng sâu3.500đ/hộ
- Căn cứ vào kinh phí được Bộ Tài chính cấp phát theo định kỳ, Tổng cục Thống kê sẽ tạm cấp theo tỷ lệ % tương ứng theo mức cấp của Bộ Tài chính so với mức khoán nêu trên và theo số đơn vị điều tra của mỗi địa phương, không để kinh phí tồn đọng tại Tổng cục Thống kê. Sau khi nghiệm thu xong tài liệu, số liệu điều tra, nếu đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng thì Tổng cục Thống kê sẽ cấp phát số còn lại theo mức khoán cho từng địa phương.
4/ Kiểm tra, lập và gửi quyết toán :
Tổng cục Thống kê có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí cho điều tra và nghiệm thu kết quả tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp của từng địa phương.
Khi công việc điều tra kết thúc, chậm nhất là sau một tháng, Ban chỉ đạo điều tra của các địa phương phải gửi báo cáo quyết toán toàn bộ kinh phí chi cho cuộc điều tra (kèm theo bản giải trình, thuyết minh từng nội dung các khoản chi theo quy định tại Thông tư này) về Tổng cục Thống kê.
Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thẩm tra xét duyệt và tổng hợp quyết toán toàn bộ kinh phí chi cho tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào quyết toán Ngân sách Nhà nước hàng năm.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu, sửa đổi phù hợp./.