Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về việc vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh

trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

_________________________ 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 5

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ năm 2009;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ năm 2009;

Sau khi xem xét Tờ trình số 9167/TTr-UBND ngày 16/11/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Báo cáo thẩm tra số 585/BC-HĐND ngày 26/11/2012 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Tổ và kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định đối tượng, định mức làm cơ sở vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

1. Đối tượng thuộc diện vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh

- Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức), doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh;

- Hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú từ 06 tháng trở lên trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng không vận động đóng góp

a) Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.

b) Những hộ nghèo theo mức chuẩn nghèo của UBND tỉnh (có sổ hộ nghèo).

c) Hộ gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, hộ gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, người già neo đơn, gia đình có người  mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận.

d) Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này khi gặp thiên tai bão lụt, hỏa hoạn hoặc lâm vào tình trạng phá sản hay ngưng hoạt động thì được tạm ngưng vận động đóng góp trong thời gian khắc phục hậu quả.

đ) Các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, và d của Khoản 2 Điều này nếu có nguyện vọng tham gia đóng Quỹ Quốc phòng - an ninh thì đều được khuyến khích và tiếp nhận.

3. Mức vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng - an ninh

a) Đối với hộ gia đình không có hoạt động sản xuất kinh doanh:

- Ở các xã mức vận động đóng góp:                       30.000 đồng/hộ/năm.

- Ở các phường, thị trấn mức vận động đóng góp: 40.000đồng/hộ/năm.

b) Đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh:

- Môn bài bậc 1 mức vận động:                             150.000 đồng/hộ/năm.

- Môn bài bậc 2 mức vận động:                             130.000 đồng/hộ/năm.

- Môn bài bậc 3, bậc 4 mức vận động:                   110.000 đồng/hộ/năm.

- Môn bài bậc 5, bậc 6 mức vận động:                     90.000 đồng/hộ/năm.

c) Đối với hộ kinh doanh nhà trọ, nhà nghỉ:

- Các hộ kinh doanh phòng trọ (có từ 04 phòng trở lên): Mức vận động 30.000 đồng/phòng/năm, mức vận động tối đa không quá 1.000.000 đồng/01 hộ/năm.

- Các hộ kinh doanh nhà nghỉ: Mức vận động 40.000 đồng/phòng/năm, mức vận động tối đa không quá 2.000.000 đồng/01 hộ/năm.

- Khách sạn:

+ Đối với khách sạn 01 sao: Mức vận động 40.000 đồng/01 phòng/năm ứng với số phòng, mức vận động tối đa không quá 2.000.000 đồng/01 khách sạn/năm.

+ Đối với khách sạn 02 sao: Mức vận động 50.000 đồng/01 phòng/năm ứng với số phòng, mức vận động tối đa không quá 2.500.000 đồng/01 khách sạn/năm.

+ Đối với khách sạn 03 sao: Mức vận động 60.000 đồng/01 phòng/năm ứng với số phòng, mức vận động tối đa không quá 3.000.000 đồng/01 khách sạn/năm.

+ Đối với khách sạn 04 sao: Mức vận động 70.000 đồng/01 phòng/năm ứng với số phòng, mức vận động tối đa không quá 3.500.000 đồng/01 khách sạn/năm.

+ Đối với khách sạn 05 sao: Mức vận động 80.000 đồng/01 phòng/năm ứng với số phòng, mức vận động tối đa không quá 4.000.000 đồng/01 khách sạn/năm.

d) Đối với các nhà hàng, vũ trường: Mức vận động 1.000.000 đồng/01 đơn vị/01 năm.

đ) Đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán karaoke: Mức vận động 500.000 đồng/01 đơn vị/01 năm.

e) Đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thì mức vận động: 300.000 đồng/đơn vị/năm.

g) Đối với các đơn vị doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vận động chủ doanh nghiệp đóng góp theo số lượng công nhân:

- Dưới 200 công nhân mức vận động: 720.000 đồng/01 năm.

- Từ 200 đến dưới 500 công nhân mức vận động:  1.200.000 đồng/01 năm.

- Từ 500 đến dưới 1.000 công nhân mức vận động:  2.400.000 đồng/01 năm.

- Từ 1.000 đến dưới 2.000 công nhân mức vận động:  3.600.000 đồng/01 năm.

- Từ 2.000 đến dưới 3.000 công nhân mức vận động:  4.800.000 đồng/01 năm.

- Từ 3.000 đến dưới 4.000 công nhân mức vận động:  6.000.000 đồng/01 năm.

- Từ 4.000 đến dưới 5.000 công nhân mức vận động:  7.200.000 đồng/01 năm.

- Từ 5.000 công nhân trở lên mức vận động:  9.600.000 đồng/01 năm.

Các mức nêu trên là mức để tuyên truyền vận động đóng góp đối với hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện và không giới hạn mức tối đa.

Điều 2. Giao UBND tỉnh căn cứ nội dung Nghị quyết này, ban hành văn bản quy định cụ thể về việc vận động, thu, quản lý và sử dụng Quỹ Quốc phòng - an ninh đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả và đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Định kỳ hàng năm có đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2012./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Tư