CHỈ THỊ
Về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh An Giang
__________________
Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững. Nguyên nhân chính là do các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư, cơ quan, tổ chức còn thấp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm. Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện ô nhiễm nguồn nước, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng môi trường tỉnh vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực, tình hình ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố thực hiện ngay các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tiến hành tìm giải pháp xử lý ngay các vấn đề, khu vực, điểm ô nhiễm môi trường đang tồn tại và bức xúc từ trước đến nay trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố để kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến huyện, thị, thành phố; quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan trong việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố rà soát các quy định hiện hành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hoặc kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm có chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường theo quy định pháp luật.
Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; Đẩy nhanh việc xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các đoàn thể, cơ quan báo, đài và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Y tế có trách nhiệm:
Tăng cường công tác kiểm tra việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, lò đốt rác y tế, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và lực lượng Cảnh sát Môi trường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường trong lĩnh vực y tế.
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, lò đốt rác y tế của các cơ sở y tế trực thuộc tỉnh và huyện, thị, thành phố; triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý nước thải, rác thải y tế.
Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thu gom, xử lý nước thải y tế và vận hành thường xuyên, đạt tiêu chuẩn môi trường; bố trí thiết bị chuyên dụng để phân loại bệnh phẩm, rác thải y tế tại nguồn; xử lý, tiêu huỷ bệnh phẩm, rác thải y tế, thuốc hết hạn sử dụng bảo đảm vệ sinh, tiêu chuẩn môi trường; Các cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ.
Tổ chức kiểm tra, kiến nghị với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để có kế hoạch xúc tiến nhanh việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế của các cơ sở y tế trực thuộc Trung ương quản lý theo quy định.
3. Sở Công thương có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm đối với hoạt động sản xuất các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa có biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đồng thời có biện pháp, chế tài để tăng cường công tác bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chợ và các khu thương mại.
Chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố khẩn trương xây dựng quy chế cụ thể để quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vấn đề chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức tổng kiểm tra tình hình nhập khẩu các loại máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất công nghệ lạc hậu, phế liệu có khả năng gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan nghiên cứu các cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường như: đầu tư xử lý nước thải, tái chế xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại. Phối hợp kiểm tra, đề xuất xử lý đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan cần quan tâm đến việc lồng ghép chặt chẽ, hợp lý và hài hòa các yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Hỗ trợ xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải; Trong hoạt động xúc tiến đầu tư cần chú ý ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành liên quan kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn xử lý và tiêu hủy thức ăn thủy sản chăn nuôi đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh ao nuôi trồng thủy sản.
Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hoá chất trong canh tác, sử dụng thuốc thú y, hoá chất, chế phẩm sinh học nằm ngoài danh mục cho phép trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện vận động chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rong sang phương thức chăn nuôi có kiểm soát – gia trại, trang trại; chuồng trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh.
Quy hoạch các khu nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi tập trung đảm bảo các yếu tố an toàn về môi trường; xây dựng và phổ biến các mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:
Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo An Giang chỉ đạo phát hành các ấn phẩm, tờ rơi, áp phích và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung về bảo vệ môi trường cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công nhân viên công tác trong ngành du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch về bảo vệ môi trường để khi có sự cố về môi trường xảy ra hầu hết nhân viên tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch đều có thể xử lý được.
7. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải,... vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng như các hoạt động khác có ảnh hưởng đến môi trường, nhất là công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải và có biện pháp chế biến thành sản phẩm hữu ích phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các giải pháp công nghệ trong bảo vệ môi trường theo ISO 14000.
8. Sở Tài chính có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường hướng dẫn việc bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để bảo đảm thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường theo chỉ đạo của Chỉ thị này; trong đó cần chú ý ưu tiên đối với các dự án đầu tư trọng điểm về bảo vệ môi trường.
Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường được sử dụng đầu tư trực tiếp cho việc bảo vệ môi trường.
9. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện lập quy hoạch quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện chức năng quản lý và thẩm định hồ sơ xây dựng đảm bảo có các công trình bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tập trung tại các đô thị và khu dân cư nông thôn; quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
10. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh Đoàn và các cơ quan liên trong việc triển khai nhiệm vụ giáo dục bảo vệ môi trường cụ thể như sau:
- Cần trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về môi trường và bảo vệ môi trường bằng hình thức phù hợp trong các môn học và thông qua các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp.
- Chủ trì phối hợp với các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trang bị cho học sinh, sinh viên được học các kiến thức và kỹ năng về bảo vệ môi trường; đào tạo cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý ở trình độ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học về các chuyên ngành môi trường để từng bước đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
11. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công an tỉnh tham mưu, xây dựng quy định xử phạt về vi phạm môi trường đối với điều kiện đặc thù của tỉnh trên cơ sở những quy định của pháp luật.
12. Công an tỉnh có trách nhiệm:
Chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại chất thải, rác thải, chất phóng xạ, lâm sản, các loài động vật hoang dã, quý hiếm; đề nghị xử lý kiên quyết các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm và hủy hoại tài nguyên môi trường; kiểm tra, xử lý các loại phương tiện cơ giới đã hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông, các loại phương tiện cơ giới vận chuyển vật liệu xây dựng, phế phẩm thủy sản, các loại chất thải không đúng quy định làm rơi vải trên đường gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Môi trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở, Ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ rò rỉ, phát tán chất thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
13. Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm:
Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
Từng bước hoàn thiện mạng lưới thoát nước mưa, tách riêng với mạng lưới thoát nước thải; phải có trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải sản xuất đạt các tiêu chuẩn môi trường.
Triển khai quan trắc chất lượng nước thải thường xuyên tại cửa xả của hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp; Tổ chức quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường, tổng hợp, xây dựng báo cáo môi trường định kỳ theo quy định.
Trong khi chưa xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn phải có trạm trung chuyển để lưu trữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại. Ban Quản lý phải lập bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường để thực hiện thẩm định đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế và tổ chức kiểm tra giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong khu vực quản lý.
14. Đài phát thanh truyền hình An Giang, Báo An Giang:
Đài Phát thanh Truyền hình An Giang, Báo An Giang tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
15. Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Cảnh sát Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm môi trường theo thẩm quyền.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế, kiên quyết không vì lợi nhuận trước mắt mà coi nhẹ, buông lỏng công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
Các sở ngành có trách nhiệm xây dựng Chương trình bảo vệ môi trường riêng cho ngành mình trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt chậm nhất đến cuối quý II năm 2010 phải hoàn tất.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.