NGHỊ QUYẾT
Thông qua Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ
tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
__________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA IX - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 11555/TTr-UBND ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh đề nghị thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, Quốc gia; tăng cường kết nối giữa các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, hàng không, đường thủy nội địa với năng lực lưu thông tốt, tiến tới giao thông thông minh và an toàn cao; đa dạng hóa các loại hình vận tải và phương tiện vận tải nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng ngày càng cao.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu phát triển đến năm 2020
- Đối với đường tỉnh: Phát triển mạng lưới, mở rộng, nâng cấp, đưa vào cấp kỹ thuật với quy mô tối thiểu đường cấp IV ở vùng đồng bằng, đoạn qua các đô thị đạt quy mô theo quy hoạch xây dựng phát triển đô thị; phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ nhựa hóa đạt 100%.
- Đối với hệ thống đường huyện và đường xã: 100% tuyến đường huyện, đường xã đáp ứng được nhu cầu đi lại và phát triển của địa phương; tỷ lệ mặt đường cứng (bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng) đường huyện đạt tối thiểu 95%, đường xã đạt tối thiểu 70%.
- Bến, bãi đỗ xe: Nâng cấp, tăng năng lực phục vụ với các bến xe hiện có; quy hoạch mới các bến xe khách liên tỉnh ở huyện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
b) Mục tiêu định hướng phát triển đến năm 2030
Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận tải theo các tiêu chí nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và hiệu quả; phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại.
3. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
a) Hệ thống đường tỉnh (chi tiết Phụ lục 01)
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Các tuyến duy tu bảo dưỡng: ĐT.760, ĐT.761 (đoạn km 0+00 đến km 35+300), ĐT.762, ĐT.764, ĐT.765, ĐT.766, ĐT.767 (đoạn QL.1 đến km 16+754), ĐT.768 (đoạn Ngã 3 Gạc Nai đến cầu Thủ Biên), ĐT.769, ĐT.770, ĐT.771 (đoạn km 1+200 đến vòng xoay Nguyễn Văn Cừ), ĐT.774, ĐT.777, đường Đồng Khởi, đường Đoàn Văn Cự.
+ Các tuyến nâng cấp, kéo dài: ĐT.761 (02 km cuối tuyến), ĐT.763, ĐT.765 (4,5 km từ km 5+500 đến km 10+00), ĐT.767 (đoạn còn lại), ĐT.768 (đoạn còn lại), ĐT.769B, ĐT.769C, ĐT.771 (đoạn KDC xã Phước Thiền), ĐT.772 (16,7 km đoạn hiện hữu), ĐT.773 (5,4 km hiện hữu và mở mới 24,6 km theo hình thức BOT đoạn từ giao QL.1 đến giao QL.56), ĐT.774B, ĐT.775, ĐT.776.
+ Các tuyến mở mới: ĐT.769D (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Vành Đai 3), ĐT.778 (theo hình thức BOT).
- Giai đoạn 2021 - 2025:
+ Các tuyến duy tu bảo dưỡng: ĐT.760, ĐT.761, ĐT.763, ĐT.764, ĐT.767, ĐT.768, ĐT.769B, ĐT.770, ĐT.769C, ĐT.771 (đoạn giao ĐT.769 đến vòng xoay Nguyễn Văn Cừ), ĐT.772 (đoạn hiện hữu), ĐT.773 (đoạn hiện hữu), ĐT.774B, ĐT.775, ĐT.776, ĐT.769D (đoạn Hùng Vương đến Vành Đai 3), ĐT.778.
+ Các tuyến nâng cấp, kéo dài: ĐT.762, ĐT.765 (đoạn từ km 0+00 đến km 5+500 và km 10+00 đến cuối tuyến), ĐT.766 (đoạn tránh thị trấn Gia Ray dài 3,2 km), ĐT.769 (đoạn từ giao QL.1 đến Nghĩa trang xã Bình An và mở mới đoạn nắn chỉnh hướng tuyến tránh Sân bay Long Thành), ĐT.771 (đoạn QL.51 đến giao ĐT.769), ĐT.772 (mở mới đoạn từ Long Khánh đến Trảng Bom), ĐT.773 (đoạn mở mới đến giao ĐT.769), ĐT.774, ĐT.777, ĐT.769D (đoạn còn lại).
+ Các tuyến mở mới: ĐT.771B, ĐT.768B, ĐT.779.
- Giai đoạn 2026 - 2030:
+ Các tuyến duy tu bảo dưỡng: ĐT.760, ĐT.762, ĐT.763, ĐT.765, ĐT.766, ĐT.767, ĐT.768, ĐT.769, ĐT.769B, ĐT.769C, ĐT.771, ĐT.772, ĐT.773, ĐT.774, ĐT.774B, ĐT.777, ĐT.771B, ĐT.769D, ĐT.768B, ĐT.778, ĐT.779.
+ Các tuyến nâng cấp, kéo dài: ĐT.761, ĐT.764, ĐT.770, ĐT.775, ĐT.776, ĐT.765B.
b) Trục chính quan trọng khác
- Đường liên cảng Nhơn Trạch: Dài 14,7 km, xây dựng quy mô mặt đường rộng 15m x 2 bên, nền 33 m, lộ giới 61 m, đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Đường Vành Đai 3 nối dài đến đường KCN Ông Kèo: Dài 2,3 km, xây dựng quy mô theo tiêu chuẩn đường đô thị, lộ giới 48 m, đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Đường ra Cảng Phước An: Dài 11,1 km, xây dựng đạt tiêu chuẩn đường đô thị, lộ giới 61m, đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Đường nối Quận 2 TP. HCM - huyện Nhơn Trạch: Dài 8,5 km, xây dựng đạt tiêu chuẩn đường phố chính cấp I, lộ giới 100 m, đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
- Đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng: Tuyến dài 7,4 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường chuyên dùng, mặt đường chính rộng 7,5 m; mặt đường phụ rộng 06 m, lề đường được đắp bằng đất nền mỗi bên rộng 01 m, đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020.
c) Hệ thống đường huyện trên địa bàn tỉnh (chi tiết Phụ lục 02)
- Về lộ giới quy hoạch: Định hướng chung đối với hệ thống đường huyện đến 2030 đạt tối thiểu là cấp IV, mặt bê tông nhựa, rộng 07 m, nền 09 m, hành lang an toàn mỗi bên 09 m, đất bảo vệ, bảo trì đường bộ mỗi bên 01 m, lộ giới tối thiểu là 32 m. Một số tuyến quan trọng sẽ được nâng cấp đạt cấp III, mặt bê tông nhựa, rộng 07 - 11 m, nền 12 m, hành lang an toàn mỗi bên 13 m, đất bảo vệ, bảo trì đường bộ mỗi bên 02 m, lộ giới là 45 m. Hệ thống cầu trên tuyến có tải trọng từ 0,5HL93 đến 0,65HL93 và bề rộng toàn cầu từ 07 m đến 09 m.
- Giai đoạn đến năm 2025, đầu tư tập trung cứng hóa các tuyến mặt đường đất và đường cấp phối sỏi đỏ, các tuyến có kết cấu mặt nhựa hoặc bê tông xi măng có chất lượng tốt thì duy tu bảo dưỡng thường xuyên; một số tuyến theo tiêu chuẩn cấp V, cấp VI.
- Khối lượng nâng cấp và mở mới giai đoạn 2016 - 2020 là 435,3 km và 118,0 km; giai đoạn 2021 - 2025 là 309,5 km và 220,6 km; giai đoạn 2026 - 2030 là 560,0 km và 169,9 km.
4. Quy hoạch bến, bãi đỗ xe đường bộ
- Bến xe liên tỉnh: Nâng cấp, mở mới 17 bến xe giai đoạn đến năm 2020; 12 bến giai đoạn 2021 - 2030 và xóa bỏ Bến xe Xuân Lộc hiện hữu (chi tiết Phụ lục 03).
- Bãi đỗ xe, điểm đỗ xe: Mở mới 21 điểm đỗ xe với tổng diện tích khoảng 2,1 ha trên địa bàn thành phố Biên Hòa và các huyện, thị xã Long Khánh.
- Bãi đỗ xe tải: Bố trí tại khu vực cảng và khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Nguồn vốn đầu tư và danh mục dự án ưu tiên đầu tư đường bộ
a) Tổng nhu cầu vốn đầu tư: Đến năm 2030 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ ước khoảng 19.512,1 tỷ đồng.
b) Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, tín dụng, vốn PPP, ODA, BOT và xã hội hóa.
c) Danh mục dự án ưu tiên đầu tư đến 2020: (Chi tiết tại Phụ lục 04)
6. Các giải pháp thực hiện:
- Thống nhất các giải pháp thực hiện quy hoạch theo Tờ trình số 11555/TTr-UBND ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh.
- Huy động các nguồn lực xã hội, giải pháp về nguồn vốn (ODA, BOT, PPP, xã hội hóa) để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách.
- Xây dựng kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng mục tiêu quy hoạch, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý về xe tải chở quá khổ, quá tải nhằm giảm thiểu các tác động xấu làm xuống cấp cơ sở hạ tầng đường bộ; khuyến khích áp dụng công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.
- Tổ chức tốt việc tuyên truyền cho người dân về quy hoạch giao thông vận tải, nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án giao thông.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. UBND tỉnh có trách nhiệm hoàn chỉnh, phê duyệt và tổ chức công bố Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai trong tổng thể Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung đã được HĐND tỉnh thông qua.
2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên vận động tổ chức và Nhân dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đồng Nai khóa IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2016./.