• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/06/2009
BỘ NÔNG NGHIỆP
Số: 26/2009/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2009

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân

_________________________

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân như sau:

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê ở các địa phương, không thuộc biên chế nhà nước, theo quy định tại khoản 3, Điều 37 của Luật Đê điều.

Điều 2. Cơ cấu tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân

1. Lực lượng quản lý đê nhân dân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, không thuộc biên chế nhà nước, được tổ chức theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn ven đê (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân xã).

2. Mỗi nhân viên quản lý đê nhân dân chịu trách nhiệm quản lý không quá 3km đê. Căn cứ số lượng km đê trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định về số lượng nhân viên quản lý đê nhân dân.

3. Lực lượng quản lý đê nhân dân hoạt động dưới sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn cấp huyện và Hạt Quản lý đê hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đê điều.

Điều 3. Nhiệm vụ của nhân viên quản lý đê nhân dân

1. Chấp hành sự phân công của Ủy ban nhân dân xã và hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn của huyện và Hạt Quản lý đê hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đê điều;

2. Phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều;

3. Kiểm tra, phát hiện, báo cáo kịp thời tình trạng đê điều, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê điều;

4. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều;

5. Lập biên bản và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều;

6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đê điều;

7. Tham gia với cơ quan chuyên môn xây dựng phương án hộ đê, phòng, chống lụt, bão;

8. Tham gia quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê như: điếm canh đê; vật tư dự trữ chống lũ, lụt, bão; biển báo đê điều; cột chỉ giới; cây chắn sóng bảo vệ đê và các công trình phụ trợ khác;

9. Nhân viên quản lý đê nhân dân khi làm nhiệm vụ phải đeo băng đỏ có chữ “QLĐND” mầu vàng trên cánh tay trái.

Điều 4. Quy định về chế độ và nội dung báo cáo

1. Nhân viên quản lý đê nhân dân có trách nhiệm báo cáo Uỷ ban nhân dân xã định kỳ một tháng hai lần vào ngày 01 và ngày 15 hàng tháng về tình trạng đê điều, các công trình phòng, chống, lụt bão, tình trạng vật tư dự trữ phòng chống lũ, lụt, bão trên địa bàn được giao.

2. Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của nhân viên quản lý đê nhân dân và báo cáo cơ quan chuyên môn cấp huyện và Hạt Quản lý đê hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đê điều, mỗi tháng một lần.

3. Nhân viên quản lý đê nhân dân khi làm nhiệm vụ, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều hoặc hư hỏng, sự cố đê điều phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cáo cơ quan chuyên môn quản lý đê điều, Uỷ ban nhân dân hoặc Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão xã để tiến hành xử lý kịp thời.

4. Nội dung báo cáo khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều hoặc hư hỏng, sự cố đê điều:

a) Thời gian phát hiện vi phạm hoặc hư hỏng, sự cố đê điều;

b) Vị trí, mức độ, đặc điểm, kích thước, diễn biến vi phạm hoặc hư hỏng, sự cố đê điều, đề xuất biện pháp xử lý;

5. Trường hợp phát hiện vi phạm hoặc hư hỏng, sự cố nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đến an toàn đê điều, phải có biện pháp ngăn chặn kiên quyết và báo cáo gấp cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.

Điều 5. Nguồn kinh phí và chế độ chính sách đối với nhân viên quản lý đê nhân dân

1. Nhân viên quản lý đê nhân dân được hưởng thù lao. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể mức thù lao đối với nhân viên quản lý đê nhân dân.

2. Nhân viên quản lý đê nhân dân được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê.

3. Nhân viên quản lý đê nhân dân được trang bị bảo hộ lao động khi làm nhiệm vụ (áo mưa, ủng, mũ cứng, đèn pin) và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành trong trường hợp bị tai nạn khi làm nhiệm vụ.

4. Nguồn kinh phí duy trì hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân lấy trong quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương thu theo quy định tại Nghị định số 50/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ và ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 6. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có đê

1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có đê:

a) Hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đê, tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân; hướng dẫn hoạt động và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này;

b) Chỉ đạo phòng chức năng của huyện phối hợp với Hạt Quản lý đê hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đê điều, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân;

c) Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã về việc chi trả thù lao và các chế độ chính sách khác của đối với lực lượng quản lý đê nhân dân.

2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đê :

a) Tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân thuộc địa bàn. Trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân theo quy định của Thông tư này ;

b) Thanh toán kinh phí thù lao và thực hiện các chế độ, chính sách đối với nhân viên quản lý đê nhân dân theo các quy định của Nhà nước.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi có đê để tổ chức, hướng dẫn hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân.

2. Tổ chức, chỉ đạo Hạt Quản lý đê hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đê điều phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện để tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân.

3. Chỉ đạo lực lượng chuyên trách quản lý đê điều phối hợp với lực lượng quản lý đê nhân dân trong việc thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều.

Điều 8. Quy định thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.