• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 20/07/2012
BỘ CÔNG AN
Số: 15/2009/TT-BCA(C11)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2009

THÔNG TƯ

Quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân

_______________________________

Căn cứ Luật giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi Giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp đổi, thu hồi Giấy phép lái xe của lực lượng Công an nhân dân.

2. Đối tượng áp dụng

2.1. Cơ sở đào tạo lái xe được Bộ Công an có quyết định thành lập hoặc cho phép bằng văn bản theo quy định.

2.2. Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, sỹ quan, hạ sỹ quan (sau đây gọi tắt là cán bộ, chiến sỹ) Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ sát hạch cấp, đổi, thu hồi Giấy phép lái xe.

2.3. Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, công nhân viên Công an nhân dân, người lao động có hợp đồng từ 12 tháng trở lên (sau đây gọi là cán bộ, chiến sỹ) do cấp có thẩm quyền ký liên quan đến việc học, thi sát hạch lấy Giấy phép lái xe do ngành Công an cấp.

3. Thời hạn của Giấy phép lái xe

3.1. Giấy phép lái xe mô tô hạng A1, A2, A3 có giá trị không thời hạn;

3.2. Các hạng Giấy phép lái xe hạng A4, B1, B2 có giá trị 5 năm;

3.3. Các hạng Giấy phép lái xe hạng C, D, E, F có giá trị 3 năm.

II. CƠ SỞ VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Cơ sở đào tạo lái xe thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ quyền hạn và phải đảm bảo những điều kiện, tiêu chuẩn sau:

1. Nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe

1.1. Tổ chức tuyển sinh, khai giảng, đào tạo, cấp chứng chỉ nghề.

1.2. Trước 15 ngày khai giảng lớp học, cơ sở đào tạo lái xe phải có công văn kèm theo danh sách (Báo cáo số 01) và kế hoạch giảng dạy của khóa học tới Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (ở Trung ương) hoặc Phòng Cảnh sát giao thông (ở địa phương) để được công nhận lớp học và phối hợp theo dõi quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch.

1.3. Trước 15 ngày kết thúc khóa học cơ sở đào tạo phải có công văn đề nghị sát hạch (dự kiến ngày, địa điểm sát hạch) kèm theo danh sách (báo cáo số 02) đến Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (ở Trung ương) hoặc Phòng Cảnh sát giao thông (ở địa phương) để có quyết định sát hạch.

1.4. Thu, sử dụng học phí học lái xe, lệ phí sát hạch theo đúng quy định.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện của giáo viên

2.1. Giáo viên giảng dạy Luật giao thông đường bộ phải là cử nhân Luật hoặc tốt nghiệp Học viện, Đại học Công an nhân dân hoặc Đại học giao thông vận tải, được tổ chức tập huấn kiểm tra cấp chứng chỉ sư phạm và chứng chỉ đào tạo lái xe.

2.2. Giáo viên dạy thực hành lái xe phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và tương ứng với loại xe đào tạo, có chứng chỉ đào tạo lái xe, chứng chỉ sư phạm, có thâm niên thực tế lái xe từ 3 năm trở lên (đối với hạng B2 và từ 5 năm trở lên đối với hạng C, D, E, F).

3. Hệ thống phòng học, xưởng, trường

3.1. Phòng học Luật giao thông đường bộ phải có diện tích từ 50m2 trở lên cho mỗi lớp học từ 30 đến 35 học sinh, có thiết bị tin học, có hệ thống biển báo hiệu đường bộ, sa bàn bố trí các tình huống giả định khi giảng dạy Luật giao thông đường bộ.

3.2. Phòng học cấu tạo ôtô: Gồm phòng học cấu tạo động cơ, điện ôtô và hệ thống gầm; có mô hình, hình vẽ sơ đồ cấu tạo, mô tả nguyên lý hoạt động của hệ thống động cơ, điện, gầm loại xe chạy xăng và loại chạy dầu thông dụng; có các cụm chi tiết và tổng thành chủ yếu, hệ thống truyền động, hệ thống lái.

3.3. Phòng học kỹ thuật lái xe phải có mô hình, đồ dùng giảng dạy, sa bàn thu nhỏ để dạy thao tác lái xe cơ bản, kỹ năng và kinh nghiệm lái xe trên các loại đường, kèm theo phải có ca bin điện tử hoặc đầu ca bin thực kê cao để tập số nguội (thao tác khi động cơ nổ) và có thiết bị bổ trợ khác.

3.4. Xưởng thực tập bảo dưỡng sửa chữa động cơ, điện ôtô, gầm, có mô hình chi tiết thực và tổng thành của hệ thống gầm, động cơ, điện, hệ thống cung cấp nhiên liệu, hệ thống phanh, hệ thống lái loại xe ôtô xăng và loại xe ôtô dầu; có đủ diện tích và không gian cho người lái xe thực tập, được trang bị đồ nghề; mỗi nhóm 5 - 8 học sinh có một bộ đồ nghề chuyên dùng để thực hành thao tác kiểm tra điều chỉnh về các hệ thống động cơ gầm, điện ôtô, phanh lái …

4. Tiêu chuẩn xe tập lái, xe sát hạch

4.1. Xe tập lái:

4.1.1. Phải có Đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn giá trị sử dụng: Giấy phép lái xe theo thời hạn và tuyến đường quy định.

4.1.2. Phải được gắn biển xe “TẬP LÁI” bằng kim loại nền xanh, chữ màu trắng trên thanh cản phía trước và phía sau bên trái trên thùng xe; kích thước biển trước: 10cm x 25 cm, biển sau: 35cm x 35cm, có bộ phận hãm phụ có hiệu lực, trên thùng xe có ghế ngồi cho học sinh ngồi kiến tập, có mui xe che mưa, che nắng.

4.1.3. Xe phải có đủ và đúng với loại xe được phép đào tạo, đảm bảo cho từ 5 học sinh một xe đối với hạng A3, A4, B1, B2; 8 học sinh đối với hạng C, D, E và nâng hạng lên hạng F tương ứng có kéo moóc.

4.2. Xe sát hạch

Xe có niên hạn sử dụng không quá 15 năm kể từ năm sản xuất; được lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động theo quy định, có gắn biển “XE SÁT HẠCH” bằng kim loại nền màu đỏ, chữ màu trắng kích thước biển trước: 10cm x 25cm, biển sau: 35cm x 35cm.

5. Tiêu chuẩn sân tập lái, trung tâm sát hạch lái xe

Sân dùng để tập lái sát hạch lái xe phải có đủ diện tích theo quy định; có đủ các tình huống giả định lái xe để giảng dạy, sát hạch lái xe ôtô và mô tô theo quy định.

6. Chương trình đào tạo lái xe

6.1. Chương trình đào tạo lái xe các hạng (phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này).

6.2. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, người dự sát hạch đã hiểu biết Luật giao thông đường bộ và đã lái xe thành thạo không nhất thiết phải dự khóa đào tạo lái xe theo quy định nhưng phải đăng ký và nộp hồ sơ xin thi cho Hội đồng sát hạch để đăng ký dự sát hạch.

6.3. Đối với người xin dự sát hạch cấp Giấy phép lái xe hạng B1 không phải theo học tập trung nhưng phải đảm bảo số tiết học đối với các môn học và số km thực hành lái xe theo quy định trong chương trình đào tạo lái xe. Khi tập lái phải có giáo viên bổ trợ tay lái do cơ quan Cảnh sát giao thông cấp giấy phép tập lái xe.

7. Hồ sơ sát hạch lái xe

7.1. Hồ sơ sát hạch cấp Giấy phép lái xe

7.1.1. Đơn xin thi, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác (từ cấp trưởng Công an phường trở lên đối với cán bộ chiến sỹ công tác tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gọi tắt là Công an tỉnh) hoặc cấp Vụ, Cục, Viện, Trường (đối với cán bộ chiến sỹ công tác tại cơ quan thuộc Bộ Công an) (mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này).

7.1.2. Giấy chứng nhận sức khoẻ (do giám đốc Trung tâm Y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên kết luận đủ sức khoẻ để điều khiển loại xe được phép lái);

7.1.3. 06 ảnh (cỡ 3x4) chụp theo kiểu chứng minh Công an nhân dân (đối với sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ Công an nhân dân; chụp kiểu chứng minh nhân dân (Công nhân viên chức Công an, người lao động theo hợp đồng lao động);

7.1.4. Chứng chỉ nghề theo quy định do cơ sở đào tạo lái xe hoặc Trung tâm đào tạo lái xe của ngành Công an cấp. Riêng các học viên thuộc chuyên ngành Cảnh sát giao thông, của các Học viện, trường Công an nhân dân, thì có xác nhận của Giám đốc Học viện Cảnh sát, Hiệu trưởng Trường Công an nhân dân vào Đơn xin thi, đổi, cấp lại Giấy phép lái xe của học viên thay cho chứng chỉ nghề.

7.2. Hồ sơ nâng hạng Giấy phép lái xe

Nâng hạng Giấy phép lái xe từ hạng B1 lên hạng B2; nâng hạng Giấy phép lái xe từ hạng B2 lên hạng C hoặc lên hạng D; nâng hạng Giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D hoặc hạng E; nâng hạng Giấy phép lái xe từ D lên hạng E; nâng hạng Giấy phép lái xe từ các hạng B2, C, D, E lên các hạng Giấy phép lái các xe tương tự có kéo rơmoóc và sơmi rơmoóc. Hồ sơ nâng hạng gồm:

7.2.1. Các giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 Điều này.

7.2.2. Hồ sơ lái xe (lần đầu) và Giấy phép lái xe còn giá trị sử dụng.

7.2.3. Giấy xác nhận về thời gian lái xe và số km lái xe an toàn.

7.2.4. Chứng chỉ nghề do cơ sở đào tạo lái xe cấp theo quy định.

7.3. Điều kiện nâng hạng Giấy phép lái xe

7.3.1. Đối với người dự sát hạch nâng hạng Giấy phép lái xe kế tiếp từ hạng B1 lên hạng B2, hạng B2 lên hạng C, hạng C lên hạng D, hạng D lên hạng E và các hạng F tương ứng, phải có thời gian lái xe đủ 2 năm và phải có 30.000 km lái xe an toàn.

7.3.2. Đối với người dự sát hạch nâng hạng Giấy phép lái xe vượt một hạng (Từ hạng B2 lên hạng D, từ hạng C lên hạng E) phải có thời gian lái xe đủ 3 năm và phải có 50.000 km lái xe an toàn.

Giấy phép lái xe hạng B1 nâng hạng lên hạng B2, người lái xe tự khai và chịu trách nhiệm về thời gian lái xe và số km lái xe an toàn (thay giấy xác nhận).

III. SÁT HẠCH CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE

A. TRUNG TÂM SÁT HẠCH LÁI XE

1. Việc sát hạch cấp Giấy phép lái xe ôtô phải được thực hiện tại Trung tâm sát hạch lái xe

2. Các Trung tâm sát hạch lái xe phải được xây dựng theo quy hoạch, có đủ cơ sở vật chất - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo tiêu chuẩn ngành số 22 TCN - 286 - 01 của Bộ Giao thông vận tải.

3. Trung tâm sát hạch lái xe, có con dấu riêng. Việc tổ chức hoạt động của Trung tâm đảm bảo đúng quy định của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt. Quy chế hoạt động của Trung tâm đào tạo lái xe của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt do Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt quy định; Trung tâm đào tạo lái xe của Công an địa phương do Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

3.1. Ở Bộ: Trung tâm sát hạch lái xe trực thuộc Phòng hướng dẫn công tác đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (gọi tắt là Phòng 4/C26) thực hiện việc đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe cho cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân, Trung tâm sát hạch do Phó trưởng phòng 4/C26 là Giám đốc và 02 Phó Giám đốc giúp việc.

3.2. Ở Công an địa phương: Trung tâm sát hạch lái xe trực thuộc Phòng Cảnh sát giao thông thực hiện việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho cán bộ chiến sỹ công an nhân dân thuộc địa phương. Trung tâm do Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông là Giám đốc và 02 Phó Giám đốc giúp việc.

B. NGUYÊN TẮC SÁT HẠCH

1. Thí sinh phải dự sát hạch môn Luật giao thông đường bộ trước, đạt yêu cầu mới được dự sát hạch môn thực hành kỹ năng lái xe.

2. Thí sinh dự sát hạch môn thực hành kỹ năng lái xe phải thực hiện lái xe trong hình trước, đạt yêu cầu mới được tiếp tục dự sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng.

3. Thí sinh dự sát hạch không đạt môn thực hành lái xe trên đường giao thông công cộng thì không đạt yêu cầu môn thực hành kỹ năng lái xe, nhưng được bảo lưu kết quả thực hành lái xe trong hình tại trung tâm (trong thời gian 6 tháng).

4. Thí sinh dự sát hạch đạt môn Luật giao thông đường bộ nhưng không đạt môn thực hành kỹ năng lái xe thì được bảo lưu kết quả môn Luật giao thông đường bộ (trong thời gian 6 tháng).

5. Thí sinh đạt cả 2 môn Luật giao thông đường bộ và thực hành kỹ năng lái xe thì được công nhận trúng tuyển, cấp Giấy phép lái xe theo quy định.

6. Thời gian sát hạch giữa 2 môn Luật giao thông đường bộ và thực hành kỹ năng lái xe không quá 7 ngày.

7. Thời gian sát hạch lại từng môn phải sau 15 ngày kể từ ngày sát hạch không đạt.

8. Thí sinh dự sát hạch không đạt 2 lần liền môn Luật giao thông đường bộ hoặc môn thực hành kỹ năng lái xe thì phải sau 1 tháng mới được sát hạch lại và phải sát hạch cả 2 môn (Luật giao thông đường bộ và thực hành kỹ năng lái xe).

C. HỘI ĐỒNG SÁT HẠCH

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng sát hạch

1.1. Xét duyệt hồ sơ sát hạch của thí sinh.

1.2. Quyết định thành lập Tổ sát hạch.

1.3. Tổ chức việc sát hạch theo quy định.

1.4. Quyết định thời gian và địa điểm sát hạch.

1.5. Quyết định kết quả sát hạch của thí sinh.

1.6. Xét và giải quyết các trường hợp khiếu nại về việc sát hạch của thí sinh.

1.7. Quyết định hình thức kỷ luật đối với thí sinh vi phạm nội quy sát hạch.

1.8. Yêu cầu cơ sở đào tạo và thí sinh giải quyết bồi thường nếu để xảy ra tai nạn trong quá trình sát hạch ở trung tâm (nếu lỗi do thí sinh gây ra).

1.9. Khi làm nhiệm vụ, các thành viên Hội đồng sát hạch, sát hạch viên phải đeo băng đỏ ở cánh tay trái (mẫu 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Thành phần Hội đồng sát hạch

2.1. Hội đồng sát hạch lái xe của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt do lãnh đạo Phòng Hướng dẫn công tác đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ làm Chủ tịch Hội đồng sát hạch, Hiệu trưởng cơ sở đào tạo, Giám đốc Trung tâm sát hạch là ủy viên Hội đồng sát hạch cho học viên của các Học viện, Trưởng Công an nhân dân và cán bộ chiến sỹ các Tổng cục, Vụ, Cục trực thuộc Bộ.

2.2. Hội đồng sát hạch lái xe của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Trưởng phòng Cảnh sát giao thông làm chủ tịch Hội đồng sát hạch để tổ chức sát hạch cho cán bộ chiến sỹ do địa phương quản lý. Địa phương không có cơ sở đào tạo lái xe nếu cán bộ chiến sỹ có nhu cầu học lái xe thì gửi đi đào tạo lái xe tại cơ sở đào tạo lái xe không thuộc ngành Công an. Khi kết thúc khóa học, cơ sở đào tạo lái xe cấp chứng chỉ; việc sát hạch cấp Giấy phép lái xe do Hội đồng sát hạch của Công an tỉnh thực hiện.

D. TỔ SÁT HẠCH

1. Tổ sát hạch có nhiệm vụ

1.1. Phổ biến cụ thể các quy định về sát hạch, nội dung phương pháp sát hạch, cách tính thời gian sát hạch môn Luật giao thông, thực hành kỹ năng lái xe trong hình tại Trung tâm sát hạch và lái xe trên đường giao thông công cộng.

1.2. Tổ chức điều khiển quá trình sát hạch, điểm danh và kiểm tra các thí sinh dự sát hạch, duy trì việc chấp hành nội quy sát hạch.

1.3. Kiểm tra phương tiện, dụng cụ sát hạch đảm bảo đúng quy cách, an toàn.

1.4. Nhận xét kết quả các môn sát hạch.

1.5. Lập biên bản đối với với những thí sinh vi phạm nội quy sát hạch báo cáo với Chủ tịch Hội đồng sát hạch xét quyết định.

2. Thành phần Tổ sát hạch

2.1. Tổ trưởng là lãnh đạo Phòng Hướng dẫn công tác đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ Cục cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (ở Trung ương), lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ở địa phương), có một thư ký và một số sát hạch viên do Hội đồng sát hạch cử ra để giúp việc.

2.2. Cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ sát hạch (kể cả thư ký) phải qua lớp tập huấn theo chương trình được Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt cấp thẻ Sát hạch viên (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này); có giấy phép lái xe tương đương với hạng xe sát hạch (trừ giấy phép lái xe hạng B1).

E. NỘI DUNG, THỂ THỨC SÁT HẠCH LÁI XE

1. Nội dung sát hạch lái xe: Sát hạch Luật giao thông đường bộ và sát hạch kỹ năng lái xe (các bài thi liên hoàn ở Trung tâm sát hạch và sát hạch trên đường giao thông công cộng).

1.1. Sát hạch Luật giao thông đường bộ: Các câu hỏi bao gồm: Luật giao thông đường bộ; biển báo hiệu đường bộ, kết hợp vận dụng trên sa hình. Đề thi sát hạch từng hạng xe quy định như sau:

1.1.1. Đối với Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 và A4 sát hạch 20 câu (10 câu Luật giao thông đường bộ, 6 câu biển báo, 4 câu sa hình) trong thời gian 20 phút.

1.1.2. Đối với Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E và F sát hạch 30 câu (10 câu Luật giao thông đường bộ, 10 câu biển báo, 10 câu sa hình) trong thời gian 30 phút.

1.1.3. Mỗi câu hỏi có từ 2 đến 4 đáp án in sẵn. Trong đó chỉ có một đáp án đúng, thí sinh chọn một trong các đáp án để trả lời.

1.2. Sát hạch kỹ năng lái xe ở Trung tâm và trên đường giao thông công cộng như sau:

1.2.1. Sát hạch kỹ năng lái xe ở Trung tâm

1.2.1.1. Đối với Giấy phép lái xe hạng A1, A2 có 4 bài hình thi liên hoàn. Bài 1: Đi hình số 8; Bài số 2: Đi vạch đường thẳng; Bài số 3: Đi đường vạch cản, Bài số 4: Đi đường gồ ghề (Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

1.2.1.2. Đối với Giấy phép lái xe hạng A3, A4 có 1 bài hình thi chữ chi (phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này).

1.2.1.3. Đối với Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E có 10 bài thi liên hoàn. Bài số 1: Xuất phát; bài số 2: Dừng xe nhường đường cho người đi bộ; bài số 3: Dừng và khởi hành xe ngang dốc; bài 4: Qua vệt bánh xe, đường vòng vuông góc; bài số 5: Qua ngã tư có tín hiệu điều khiển giao thông; bài số 6: Qua đường vòng quanh co; bài số 7: Ghép xe vào nơi đỗ; bài số 8: Tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua; bài số 9: Thay đổi số trên đường bằng; bài số 10: Kết thúc (Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này).

1.2.1.4. Đối với Giấy phép lái xe hạng FB2, FC, FD và FE có 01 bài thi hình chữ chi (Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này).

1.2.2. Sát hạch thực hành kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng được thực hiện tại đoạn đường dài khoảng 2km, có người, xe đi lại tương đối phức tạp, có ngã ba, ngã tư, có chỗ rộng chỗ hẹp, có đoạn đường dốc (trường hợp không có đoạn đường dốc thì có thể chọn một đoạn đường bằng chiều dài 100m, có xe đi lại phức tạp để thí sinh thực hiện thao tác tăng, giảm số).

2. Thể thức sát hạch

2.1. Luật giao thông đường bộ (trên máy vi tính theo chương trình cài đặt).

2.1.1. Căn cứ vào danh sách thí sinh dự sát hạch, tổ sát hạch gọi lần lượt thí sinh vào vị trí sát hạch. Khi thí sinh đã ngồi vào vị trí sát hạch, tổ sát hạch phổ biến cụ thể cách thức làm bài sát hạch trên máy. Khi thí sinh đã rõ thì giám khảo bật máy và thời gian làm bài của thí sinh bắt đầu được tính.

2.1.2. Làm bài xong thí sinh không được tự động tắt máy mà phải ngồi tại bàn để ký vào biên bản công nhận kết quả sát hạch sau đó mới được rời khỏi phòng sát hạch. Trường hợp hết giờ làm bài, thí sinh chưa thực hiện hết bài thi thì cũng phải ký biên bản công nhận kết quả.

2.1.3. Tổ sát hạch có trách nhiệm kiểm duyệt, thu biên bản chấm thi.

2.2. Kỹ năng lái xe trong hình và trên đường giao thông công cộng

2.2.1. Đối với thí sinh sát hạch lấy Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, FB2, FC, FD và FE thì sát hạch viên quan sát chấm điểm trừ lỗi theo quy định.

2.2.2. Đối với thí sinh sát hạch lấy Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D, E thì sát hạch viên ghi nhận kết quả chấm thi từ hệ thống máy vi tính được cài đặt sẵn.

2.2.3. Khi sát hạch trên đường giao thông công cộng phải có 2 sát hạch viên đều ngồi trên xe cùng chịu trách nhiệm về mặt an toàn.

G. CHẤM ĐIỂM

1. Môn Luật giao thông đường bộ

1.1. Phải căn cứ vào kết quả làm bài của thí sinh được in thành biên bản chấm thi từ hệ thống máy vi tính trả lời kết quả (Đạt/Không Đạt).

1.2. Kết quả sát hạch:

1.2.1. Trả lời đúng 16 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với hạng giấy phép lái xe A1.

1.2.2. Trả lời đúng 18 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với hạng giấy phép lái xe A2; A3, A4.

1.2.3. Trả lời đúng 26 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với hạng giấy phép lái xe B1; B2.

1.2.4. Trả lời đúng 28 câu trở lên thì đạt yêu cầu đối với hạng giấy phép lái xe C; D, E và F.

1.3. Biên bản chấm thi phải có 2 sát hạch viên cùng ký tên công nhận kết quả sát hạch.

2. Sát hạch kỹ năng thực hành lái xe

2.1. Sát hạch lái xe trong hình: Đối với các hạng Giấy phép lái xe A1, A2, A3, A4, B, C, D, E, F (Tổng điểm sát hạch trong hình tối đa là 100 điểm. Điểm đạt yêu cầu là 80 điểm trở lên). Lái xe thực hành trong hình quá thời gian quy định: 25 phút đối với hạng C, E; 20 phút đối với hạng B1, B2, D. Thí sinh bỏ qua 1 hình thi bài sát hạch thì không đạt yêu cầu.

2.1.1. Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình hạng A1, A2 cách chấm lỗi, trừ điểm quy định tại phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.1.2. Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình hạng A3, A4 cách chấm lỗi, trừ điểm quy định tại phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.1.3. Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình hạng B1, B2, C, D, E cách chấm lỗi, trừ điểm quy định tại phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.1.4. Sát hạch kỹ năng lái xe trong hình hạng FB2, FC, FD và FE cách chấm lỗi, trừ điểm quy định tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.2. Sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng

Tổng điểm sát hạch tối đa là 20 điểm, số điểm đạt yêu cầu là 16 điểm trở lên (Đối với các hạng A3, A4, B1, B2, C, D, E, F). Cách chấm lỗi, trừ điểm quy định tại phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.3. Sau khi thực hiện xong bài thi thực hành kỹ năng lái xe trong hình và trên đường giao thông công cộng. Sát hạch viên nhận xét, công bố kết quả sát hạch của thí sinh và ký tên trong biên bản chấm thi.

H. NỘI QUY, KỶ LUẬT SÁT HẠCH

1. Nội quy ở phòng sát hạch Luật giao thông đường bộ:

1.1. Người không có nhiệm vụ tổ chức điều khiển và sát hạch không được có mặt tại phòng sát hạch.

1.2. Thí sinh phải có mặt tại khu vực sát hạch đúng giờ quy định. Sau khi điểm danh 5 phút, thí sinh không có mặt ở phòng sát hạch coi như vắng mặt và bị xóa tên trong danh sách kỳ sát hạch đó.

1.3. Tại phòng sát hạch, thí sinh phải tuân theo sự chỉ dẫn của Tổ sát hạch.

1.4. Thí sinh chỉ được đem vào phòng sát hạch bút viết, không được đem theo sách vở hoặc bất cứ tài liệu nào.

1.5. Trong khi dự sát hạch, thí sinh vi phạm các quy định: Gây mất trật tự, nói chuyện, trao đổi với nhau, dùng sách vở hay tài liệu từ ngoài đem vào, chép bài của người khác, làm hộ bài người khác sẽ bị lập biên bản đình chỉ việc sát hạch, hủy bỏ kết quả sát hạch, đồng thời tùy theo lỗi vi phạm mà bị xử lý theo quy định.

2. Nội quy ở khu vực sát hạch thực hành:

2.1. Những người không có nhiệm vụ tổ chức điều khiển và sát hạch không được có mặt tại khu vực sát hạch.

2.2. Thí sinh chưa đến lượt phải tập trung tại khu vực sát hạch đúng giờ quy định. Sau khi điểm danh 5 phút, thí sinh vắng mặt không báo trước lý do coi như bỏ sát hạch và bị xóa tên trong danh sách kỳ sát hạch đó.

2.3. Thí sinh chưa đến lượt phải tập trung tại khu vực chờ quy định, không được gây mất trật tự hoặc vào khu vực sát hạch. Tuyệt đối cấm mọi hình thức nhắc thí sinh trong khi sát hạch bằng dấu hiệu hoặc bằng lời nói. Trong khi sát hạch thí sinh có điều gì không hiểu, chưa rõ hoặc có khiếu nại việc sát hạch có thể trình bày với Tổ sát hạch hoặc khiếu nại lên Hội đồng sát hạch; không có lời nói hay hành động làm mất trật tự, gây trở ngại đến việc sát hạch.

2.4. Thí sinh vi phạm nội quy sẽ bị lập biên bản đình chỉ kỳ sát hạch và xử lý theo quy định.

3. Các thành viên trong Hội đồng sát hạch và Tổ sát hạch không thi hành đúng nhiệm vụ chức trách, thiếu công minh, cảm tình hoặc có tiêu cực trong việc sát hạch thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

IV. QUY ĐỊNH ĐỔI, CẤP LẠI; THU HỒI GIẤY PHÉP LÁI XE

A. ĐỔI, CẤP LẠI GIẤY PHÉP LÁI XE

Cán bộ chiến sỹ ở địa phương nào thì địa phương đó quy định làm thủ tục cấp, đổi Giấy phép lái xe theo quy định, kể cả đối với cán bộ chiến sỹ của các Tổng cục, Vụ, Cục trực thuộc Bộ có trụ sở cơ quan đóng tại địa phương (từ cơ quan Bộ đóng tại Hà Nội).

1. Đổi Giấy phép lái xe

1.1. Giấy phép lái xe

1.2. Các giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này.

1.3. Hồ sơ gốc lái xe.

2. Cấp lại Giấy phép lái xe bị rách, mờ, hư hỏng.

2.1. Giấy phép lái xe

2.2. Các giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này.

2.3. Hồ sơ gốc lái xe

Giấy phép lái xe còn giá trị sử dụng. Trường hợp quá hạn vì lý do đặc biệt thì phải có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác nhưng không quá 3 tháng.

3. Trường hợp mất Giấy phép lái xe nhưng còn hồ sơ gốc.

3.1. Các giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này.

3.2. Hồ sơ gốc lái xe

Trường hợp mất Giấy phép lái xe trong thời hạn Giấy phép lái xe còn hạn sử dụng thì sau 30 ngày được cấp lại Giấy phép lái xe; nếu hết hạn sử dụng phải sát hạch lại thực hành kỹ năng lái xe; đạt yêu cầu mới cấp Giấy phép lái xe.

4. Trường hợp mất Hồ sơ lái xe và Giấy phép lái xe thì phải sát hạch lại Luật giao thông đường bộ và thực hành kỹ năng lái xe nếu đạt yêu cầu mới được cấp Giấy phép lái xe. (Giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này).

5. Trường hợp mất hồ sơ gốc; Giấy phép lái xe còn hạn sử dụng thì được lập lại hồ sơ lái xe: Đơn xin thi cấp, đổi Giấy phép lái xe (mẫu 01); Đơn trình bày nguyên nhân mất có xác nhận của đơn vị công tác: Giấy xác nhận của cơ sở đào tạo lái xe thì được cấp lại Giấy phép lái xe theo quy định. Nếu mất hồ sơ gốc, Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng thì phải sát hạch lại môn Luật giao thông đường bộ và thực hành kỹ năng lái xe. (Giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này và Giấy phép lái xe hết hạn thay cho chứng chỉ).

Việc cấp lại Giấy phép lái xe quy định tại điểm 2 đến điểm 5 nêu trên phải đóng dấu và ghi chú “Cấp lại lần thứ … ngày … tháng … năm …” vào đơn xin đổi Giấy phép lái xe và khoảng giữa mặt sau Giấy phép lái xe.

B. ĐỔI GIẤY PHÉP LÁI XE DO NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI HOẶC QUÂN ĐỘI CẤP

1. Các giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này.

2. Hồ sơ gốc lái xe (của ngành giao thông cấp).

3. Giấy phép lái xe còn giá trị.

4. Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động dài hạn của cấp có thẩm quyền (bản sao phải có xác nhận của thủ trưởng đơn vị).

Trường hợp cán bộ chiến sỹ Công an tự học lái xe do ngành giao thông đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe thì hồ sơ phải có thêm phiếu di chuyển lái xe được cấp đổi lại Giấy phép lái xe theo quy định của Thông tư này.

C. ĐỔI GIẤY PHÉP LÁI XE DO CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN CỦA NƯỚC NGOÀI CẤP

1. Các giấy tờ quy định tại điểm 7.1.1 đến điểm 7.1.3 phần II Thông tư này.

2. Giấy phép lái xe hoặc Bằng lái xe do nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng.

3. Bản dịch Giấy phép lái xe hoặc Bằng lái xe nước ngoài ra tiếng Việt có công chứng.

Trường hợp mới được tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động dài hạn thì phải có thêm Quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động dài hạn của cấp có thẩm quyền (bản sao phải có xác nhận của thủ trưởng đơn vị).

D. DI CHUYỂN HỒ SƠ VÀ GIẤY PHÉP LÁI XE

1. Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày có quyết định điều động công tác đối với cán bộ chiến sỹ, công nhân viên Công an, học sinh, sinh viên của Học viện, trường Công an về địa phương khác hoặc cán bộ chiến sỹ có quyết định nghỉ hưu, xuất ngũ, thôi việc nếu có nhu cầu tiếp tục làm nghề lái xe thì phải đến cơ quan Cảnh sát giao thông nơi quản lý để làm thủ tục viết phiếu di chuyển lái xe (mẫu 05 ban hành kèm theo Thông tư này). Thủ tục gồm:

1.1. Giấy phép lái xe

1.2. Hồ sơ lái xe

1.3. Quyết định điều động, nghỉ hưu, xuất ngũ, thôi việc của cấp có thẩm quyền (bản sao có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị).

2. Công an địa phương nơi chuyển đến tiếp nhận phiếu di chuyển lái xe, kèm theo hồ sơ để đổi giấy phép lái xe, thời hạn ghi trong Giấy phép lái xe như thời hạn ở Giấy phép lái xe cũ. Trường hợp thời hạn còn 6 tháng trở lại thì yêu cầu kiểm tra lại sức khoẻ, nếu đảm bảo cấp giấy phép lái xe thời hạn theo quy định. Riêng đối với Cán bộ chiến sỹ nghỉ hưu, xuất ngũ, thôi việc thì đến ngành giao thông nơi thường trú để được đổi Giấy phép lái xe theo quy định.

E. SỔ VÀ PHIẾU THEO DÕI GIẤY PHÉP LÁI XE

1. Sổ cấp Giấy phép lái xe: Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (ở Bộ); Phòng Cảnh sát giao thông (ở địa phương) có 2 loại sổ theo dõi cấp Giấy phép lái xe ôtô và mô tô (mẫu 06 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Phiếu theo dõi lái xe (mẫu 07 ban hành kèm theo Thông tư này).

Để theo dõi di biến động của lái xe, những vi phạm của lái xe, Cảnh sát giao thông phải duy trì, củng cố tàng thư. Tất cả các lái xe trúng tuyển đều phải lập 02 phiếu theo dõi lái xe theo mẫu (1 phiếu lưu ở nơi cấp, 1 phiếu kèm theo hồ sơ lái xe chuyển về nơi tiếp nhận lưu). Riêng hạng A1, A2 chỉ lập 1 phiếu theo dõi lái xe. Việc nâng hạng Giấy phép lái xe không cấp phiếu theo dõi lái xe mới mà phải rút phiếu theo dõi lái xe cũ để bổ sung hạng xe nâng cấp (trừ phiếu theo dõi lái xe hạng A1, A2, A3, A4).

G. THU HỒI GIẤY PHÉP LÁI XE

1. Trường hợp người lái xe bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn thì Giấy phép lái xe không còn giá trị sử dụng, thì báo cáo Hội đồng hủy Giấy phép lái xe theo quy định.

2. Trường hợp lái xe gây tai nạn giao thông bị xử lý hình sự tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hoặc bị xử lý cấm đảm nhiệm hành nghề lái xe thì thu hồi Giấy phép lái xe, báo cáo Hội đồng hủy Giấy phép lái xe theo quy định.

3. Trường hợp người lái xe đổi lại Giấy phép lái xe hết hạn hoặc nâng cấp thì cơ quan Cảnh sát giao thông thu hồi Giấy phép lái xe để cắt góc mặt trước phía trên bên phải Giấy phép lái xe, lưu trong hồ sơ lái xe.

4. Thành phần Hội đồng hủy Giấy phép lái xe

4.1. Ở Bộ: Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt làm chủ tịch, Trưởng phòng xây dựng lực lượng, hậu cần và Trưởng phòng hướng dẫn công tác đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt là ủy viên.

4.2. Ở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Giám đốc Công an tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương làm chủ tịch; Chánh thanh tra, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông là ủy viên.

Sau thời hạn 1 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tước Giấy phép lái xe thì người lái xe mới được làm các thủ tục xin sát hạch cấp Giấy phép lái xe theo quy định.

V. QUẢN LÝ HỒ SƠ, BIỂU MẪU VÀ CHƯƠNG TRÌNH SÁT HẠCH LÁI XE TRÊN MÁY VI TÍNH

1. Mẫu giấy phép lái xe do Bộ Công an quản lý và phát hành trong toàn quốc.

2. Sổ cấp Giấy phép lái xe, phiếu theo dõi lái xe và các biểu mẫu khác do địa phương tự in theo đúng mẫu quy định của Thông tư này.

3. Sổ cấp Giấy phép lái xe và phiếu theo dõi lái xe được quản lý theo chế độ hồ sơ của Bộ Công an và do cơ quan cấp, đổi Giấy phép lái xe trực tiếp quản lý, khai thác, bảo quản theo quy định.

4. Hồ sơ lái xe do người lái xe tự quản lý, khi làm thủ tục liên quan đến quản lý lái xe, người lái xe phải mang toàn bộ hồ sơ lái xe đến cơ quan Cảnh sát giao thông nơi trực tiếp quản lý để giải quyết.

5. Thẩm quyền ký các giấy tờ

5.1. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt ký quyết định thành lập Hội đồng sát hạch; Trường phòng hướng dẫn công tác đăng ký quản lý phương tiện cơ giới đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt ký biên bản chấm thi (mẫu 04 ban hành kèm theo Thông tư này), Giấy phép lái xe (mẫu 08 ban hành kèm theo Thông tư này) và các giấy tờ liên quan đến lái xe cho người lái xe.

5.2. Giám đốc Công an địa phương ký quyết định thành lập Hội đồng sát hạch; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký biên bản chấm thi (mẫu 04 ban hành kèm theo Thông tư này), Giấy phép lái xe (mẫu 08 ban hành kèm theo Thông tư này) và các giấy tờ liên quan đến lái xe cho người lái xe thuộc địa phương quản lý.

6. Quản lý chương trình sát hạch lái xe trên máy vi tính

Thống nhất sử dụng chương trình quản lý lái xe, sát hạch lái xe, cách chấm lỗi, trừ điểm thi Luật giao thông đường bộ và kỹ năng thực hành lái xe trong hình trên máy vi tính trong toàn quốc.

6.1. Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt chịu trách nhiệm xây dựng chương trình quản lý lái xe, đề thi sát hạch Luật giao thông đường bộ; thực hành kỹ năng lái xe ôtô trên thiết bị chấm điểm tự động trong Trung tâm sát hạch lái xe, in giấy phép lái xe trên máy vi tính.

6.2. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tiếp nhận chương trình để sát hạch môn Luật giao thông đường bộ, in Giấy phép lái xe trên máy vi tính để sử dụng cài đặt chương trình vi tính theo đúng quy định.

7. Chế độ thông tin báo cáo

7.1. Trong báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe theo quy định.

7.2. Về cơ sở dữ liệu lái xe:

7.2.1. Định kỳ 6 tháng 1 lần, Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương phải chuyển số liệu lái xe của địa phương mình đang quản lý vào đĩa CD hoặc đĩa mềm hoặc truyền dẫn báo cáo về Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.

7.2.2. Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt có trách nhiệm quản lý dữ liệu lái xe toàn quốc để phục vụ yêu cầu công tác quản lý và các yêu cầu nghiệp vụ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 và thay thế Quyết định số 1305/2002/QĐ-BCA(C11-C26) ngày 27/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về việc tổ chức đào tạo, sát hạch và cấp, đổi Giấy phép lái xe trong lực lượng công an nhân dân.

2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tổ chức lực lượng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt thực hiện đúng quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra hướng dẫn thực hiện Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trung tướng Trần Đại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.