• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/05/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 10/07/2024
HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN
Số: 71/2015/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 12 tháng 5 năm 2015

NGHỊ QUYẾT

Thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

___________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 12 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/02/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 11/02/2006;

Căn cứ Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 27/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 22/TTr-UBND ngày 25/3/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Có tóm tắt quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 07 tháng 5 năm 2015./.

TÓM TẮT

Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030
(Kèm theo Nghị quyết số: 71/2015/NQ-HĐND ngày …/5/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

___________

I. Mục tiêu tổng quát

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung của tỉnh, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng khác nhằm hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ đảm bảo khai thác hiệu quả các thế mạnh của địa phương, tận dụng tốt các cơ hội phát triển để tăng trưởng nhanh, bền vững, mở rộng các liên kết kinh tế vùng và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

II. Tầm nhìn đến năm 2030

Đến năm 2030, Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp có nền kinh tế tiên tiến, hiện đại gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, liên hoàn, hợp lý, hiện đại, kết nối với hệ thống giao thông quốc gia và quốc tế. Từng bước áp dụng vận tải đa phương thức, vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, văn minh, tiện lợi và an toàn. Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu vực kinh tế trọng điểm như Khu công nghiệp, khu công nghiệp - Đô thị, Khu dân cư tập trung đạt trình độ quốc tế tại thời điểm hiện tại. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông hiện đại, an toàn và có dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng đến vùng sâu, vùng xa. Phát triển hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch, đặc biệt quan tâm các địa bàn tập trung. Hệ thống hạ tầng xã hội được quy hoạch bài bản và xây dựng có trật tự, đảm bảo chức năng là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của vùng.

III. Mục tiêu phát triển hạ tầng đến năm 2020

1. Mục tiêu phát triển các ngành và lĩnh vực hạ tầng then chốt

1.1. Hạ tầng giao thông: Phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước làm tiền đề và làm động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh, đảm bảo các kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông toàn vùng phía Bắc, tạo huyết mạch thông suốt kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Chú trọng các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống trung chuyển để điều hòa lưu lượng hàng hóa, giảm tải lưu lượng xe trên các tuyến.

1.2. Hạ tầng ngành nước: Phát triển hạ tầng ngành nước theo hướng tăng dự trữ nguồn nước cho mùa kiệt thông qua việc cải tạo nâng cấp một số hồ đập trọng yếu. Tăng cường công tác điều hòa nguồn nước cho hạ du thông qua việc xây mới các hồ chứa có tầm quan trọng đối với khu vực; cải thiện việc điều hòa bằng nâng cao mực nước dâng bình thường hồ Núi Cốc; sửa đổi quy trình vận hành đơn hồ (Núi Cốc) thành liên hồ (Núi Cốc + Nghinh Tường) điều hòa nguồn nước cho hạ du. Phát huy các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, cải thiện hệ thống kênh mương, thay thế thiết bị trạm bơm và tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý tưới.

1.3. Hạ tầng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực: Tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ hóa, chuẩn hóa mạng lưới giáo dục và dạy nghề theo hướng hiện đại. Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng trung du miền núi Bắc bộ. Đầu tư chiều sâu để nâng cấp Đại học Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Xây dựng và phát triển 3-5 trường dạy nghề chất lượng cao (trong đó có 3 - 4 Trường cao đẳng nghề) để đào tạo công nhân kỹ thuật có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ tiên tiến về lĩnh vực công nghệ sinh học, điện tử, công nghệ thông tin... Khuyến khích phát triển đào tạo nghề trong các doanh nghiệp.

1.4. Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp -Đô thị

Hạ tầng đô thị

Ưu tiên đầu tư xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành đô thị cấp vùng, có hệ thống hạ tầng tương xứng với hạ tầng đô thị loại I; thị xã Sông Công trở thành thành phố; huyện Phổ Yên trở thành thị xã công nghiệp, hình thành thị xã Núi Cốc, khu đô thị Yên Bình (Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình). Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang các đô thị cấp huyện trong đó các thị trấn Hùng Sơn, Đu, Chùa Hang - Hóa Thượng, Hương Sơn lên đô thị loại IV trước năm 2020. Quy hoạch phát triển hạ tầng các đô thị mới: Đô thị La Hiên - Quang Sơn, thị xã Núi Cốc, Yên Lãng và Trung Hội. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông đô thị, đảm bảo kết nối tốt với các quốc lộ thuộc địa bàn các tỉnh cận kề. Đường đô thị đấu nối hợp lý vào các tuyến đường đối ngoại.

Đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nước sạch của đô thị toàn tỉnh về số lượng và chất lượng, hạn chế khai thác nước ngầm. Các đô thị và khu đô thị tại các huyện kết hợp sử dụng nước ngầm và nước mặt của mạng lưới cấp nước khu vực. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nằm trong vị trí đất đô thị được cấp nước chung với mạng lưới cấp nước đô thị.

Các đô thị trung tâm cấp huyện, thị xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng. Các KCN tập trung xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải riêng. Các đô thị tập trung công nghiệp như thành phố Thái Nguyên, Phú Bình, Phổ Yên quy hoạch và xây dựng khu xử lý rác thải hợp vệ sinh. Nghĩa trang các đô thị lớn (thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công) áp dụng công nghệ hỏa táng. Khu vực nông thôn xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch. Tăng cường phủ xanh các diện tích đất trống để tạo cảnh quan, môi trường, ổn định các thảm xanh đô thị theo quy hoạch.

Áp dụng các biện pháp tổng hợp như: Giám sát việc xả thải, phối hợp với các tỉnh cùng lưu vực có cơ chế phối hợp quản lý nguồn nước bảo vệ hệ thống Sông Công, Sông Cầu và Hồ Núi Cốc, bảo vệ bờ sông, chống xói lở, bồi lắng, xử lý tốt ô nhiễm từ các khu dân cư, khu sản xuất và dịch vụ.

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp và khu công nghiệp-đô thị

Phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng đối ngoại của khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu công nghiệp-đô thị, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo hiệu quả cao, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên đất hài hòa về môi trường, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Ưu tiên phát triển hạ tầng đối với Tổ hợp Khu công nghiệp - Đô thị Yên Bình và các cụm công nghiệp phía Nam tỉnh Thái Nguyên, nhằm thu hút các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp, công nghệ cao.

1.5. Hạ tầng Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

Hoàn thành Dự án thoát nước và xử lý nước thải thành phố Thái Nguyên. Quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị phía Nam thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công.

Đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, ưu tiên ở xã điểm xây dựng nông thôn mới và các làng nghề. 100% nước thải y tế tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên được thu gom và xử lý hợp vệ sinh.

Mục tiêu đến 2020:

- Trên 80% các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải; 80% các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải; 100% số bệnh viện có trạm xử lý nước thải đạt chuẩn.

- Trước năm 2020, hoàn thành cơ bản việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, các thị trấn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

2. Mục tiêu phát triển các ngành hạ tầng khác

2.1. Hạ tầng cấp điện: Phát triển hạ tầng ngành điện đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mức sử dụng điện thương phẩm bình quân đầu người năm đạt 2.980 kWh/người/năm. 100% số hộ nông thôn có điện.

2.2. Hạ tầng thông tin và truyền thông: Duy trì ổn định dịch vụ bưu chính viễn thông ở tất cả các cấp. Phát triển mạng truy nhập băng rộng đến hộ gia đình trên cơ sở ưu tiên mạng truy nhập hữu tuyến; mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao hiệu quả sử dụng mạng thông tin di động 3G. Từng bước thực hiện số hóa hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh truyền hình mặt đất. Đến năm 2020 thực hiện ngầm hóa 10 - 15% hạ tầng mạng cáp ngoại vi trên địa bàn. Phấn đấu đạt thuê bao cố định từ 20 - 25 đường/100 dân; thuê bao Internet băng rộng cố định 15 - 20 thuê bao/100 dân; thuê bao băng rộng di động 35 - 40 thuê bao/100 dân; tỷ lệ người sử dụng Internet từ 55 - 60%.

2.3. Hạ tầng cấp nước và thoát nước: Giải quyết nhu cầu hạ tầng cấp bách về cấp nước cho các thị trấn hiện chưa được cấp đủ nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn đô thị, các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung. Hoàn thiện hạ tầng thoát nước thải sinh hoạt cho khu vực đô thị, hỗ trợ hạ tầng và công nghệ giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn.

2.4. Hạ tầng thương mại: Năm 2015, tập trung phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại phục vụ bán buôn và bán lẻ, các cơ sở cung cấp dịch vụ hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ. Từ năm 2016, tập trung phát triển các trung tâm thương mại quy mô lớn và các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.

2.5. Hạ tầng du lịch: Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng du lịch, từng bước hiện đại, văn minh, gắn với tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, kết hợp với yêu cầu giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

2.6. Hạ tầng y tế: Xây dựng hạ tầng y tế đồng bộ, hiện đại đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế vùng trung du miền núi Bắc bộ, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người cao tuổi.

IV. Định hướng quy hoạch phát triển các ngành hạ tầng

1. Phát triển các ngành hạ tầng then chốt

1.1. Hạ tầng giao thông

Đường bộ:

Quốc lộ: Đến năm 2020 hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, cải tạo nâng cấp QL.3 đoạn đầu cầu Đa phúc, xây dựng tuyến đường quốc gia gồm đường Hồ Chí Minh, QL.1B, QL.37 đạt cấp III miền núi.

Hệ thống đường liên tỉnh: Triển khai xây dựng tuyến trục ngang liên tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Cạn - Tuyên Quang; nâng cấp tuyến trục dọc liên tỉnh Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng - Hà Giang theo hướng thành tuyến QL.3C; nâng cấp đường tỉnh lộ ĐT.269 thành Quốc lộ 17, đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà thành ĐT.270B; đường Hóa Thượng - Hòa Bình thành ĐT.273; tuyến nút giao Yên Bình - Bắc Giang; đường vành đai 5 đoạn từ Phổ Yên - Phú Bình.

Về hệ thống đường tỉnh: Ưu tiên hệ thống đường gom QL.3 mới từ khu công nghiệp Yên Bình đi đường ĐT.266; Hệ thống đường giao thông đối ngoại Khu tổ hợp Yên Bình. Cải tạo nâng cấp các tuyến đường ĐT.266, ĐT.261 nhằm kết nối khu công nghiệp, cụm công nghiệp với hệ thống đường Quốc lộ; ĐT.274; ĐT.272. Thu hút đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai I, vành đai II.

Về hệ thống đường giao thông đô thị: Cải tạo nâng cấp mở rộng hệ thống đường nội đô; đường đô thị ven sông Cầu thuộc thành phố Thái Nguyên, đường nội thị thị xã Sông Công. Xây dựng các cầu quan trọng qua sông Cầu để phát triển mở rộng thành phố.

Xây dựng các tuyến đường xã theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đường sắt: Đề nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường sắt hiện có trên địa bàn tỉnh; xây dựng mới đường sắt kết nối Thái Nguyên - Núi Hồng kéo dài sang Tuyên Quang qua Đèo Khế.

Đường thủy: Nạo vét và đầu tư mở rộng Cụm cảng Đa Phúc, cảng sông Moong kiệu Phổ Yên; xây dựng các bến tàu thủy phục vụ du lịch trên hồ Núi Cốc.

Hệ thống cảng, bến bãi: Xây dựng khu dịch vụ Logistics Yên Bình, quy hoạch, xây dựng và di chuyển Bến xe khách trung tâm, Bến xe khách phía Nam và phía Bắc thành phố Thái Nguyên, Bến xe khách trung tâm các huyện, thị.

1.2. Hạ tầng ngành nước

Hạ tầng thủy lợi và điều hòa nguồn nước

Tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, đập dâng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho công trình, phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Xây dựng mới một số hồ, đập dâng ở các huyện: Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai,... để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và điều hòa nước. Kiên cố hóa hệ thống kênh mương, áp dụng các biện pháp tưới giảm thất thoát nước; các biện pháp tưới tiêu khoa học, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng nước. Lồng ghép biến đổi khí hậu vào các công trình hồ chứa, xét yêu cầu mở đập/tràn khi nước hồ ở dưới mực nước chết. Thực hiện giải pháp điều hòa nguồn nước đặc biệt là vào mùa khô, nâng mực nước dâng hồ Núi Cốc và xây dựng lại quy trình vận hành hồ Núi Cốc phối hợp cùng hồ Nghinh Tường.

Hạ tầng cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường

Phát triển hệ thống cấp nước tập trung cho khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên các thị trấn. Ưu tiên trước hết việc tách nước thải sinh hoạt và nước thải bệnh viện ra khỏi hệ thống nước thải chung và hạ tầng tiêu thoát nước cho thành phố Thái Nguyên tránh úng ngập khi có mưa lớn.

1.3. Hạ tầng Giáo dục - Đào tạo

Phát triển đồng bộ hạ tầng giáo dục phổ thông, trước hết là hệ thống các trường trung học phổ thông mới có quyết định thành lập là Đội Cấn (Đại Từ); Đào Xá (Phú Bình); Tức Tranh (Phú Lương) và hệ thống trường của Khu tổ hợp Yên Bình - Điềm Thụy; xây dựng trường trung học phổ thông chuyên tỉnh Thái Nguyên tại địa điểm mới. Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh.

Quy hoạch tổng thể Đại học Thái Nguyên đến 2020. Thành lập mới trường Đại học Quốc tế, hoàn thiện cơ sở vật chất trường Đại học Việt Bắc. Nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống 6 trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên; nâng cấp các trường cao đẳng: Kinh tế - Kỹ thuật, Kinh tế - Tài chính, Y tế, Văn hóa - Nghệ thuật lên thành trường đại học; nâng cấp, từng bước hiện đại hóa các trường cao đẳng nghề và trường trung cấp nghề.

1.4. Hạ tầng Khoa học công nghệ

Xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học trực thuộc các Trường cao đẳng, đại học. Hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất cho các tổ chức khoa học công nghệ của tỉnh. Có chính sách ưu đãi và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý doanh nghiệp.

Xây dựng hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm phát triển Chính quyền điện tử, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội, về doanh nghiệp, đầu tư, thủ tục hành chính,... Đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, trong đó có Trung tâm Năng suất chất lượng và trang thiết bị kỹ thuật các phòng thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, kiểm nghiệm, hiệu chuẩn, đào tạo.

1.5. Hạ tầng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại: Xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn tại Đồng Hỷ, Phú Bình và Phổ Yên; hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên và Sông Công II và 11 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 11 lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại ở thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và 7 huyện trên địa bàn, khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế. Xử lý tập trung chất thải rắn y tế, áp dụng mô hình xử lý theo cụm bệnh viện và mô hình xử lý tại các cơ sở y tế.

Xây dựng 04 nhà máy xử lý nước thải đô thị tại Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên), Đồng Bẩm (huyện Đồng Hỷ); Tân Lập (huyện Phổ Yên) và Hương Sơn (huyện Phú Bình).

Xây dựng hệ thống thoát nước riêng, thu gom xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đối với các đô thị mới, đô thị loại IV, loại V; bố trí hồ sinh học để xử lý nước thải các khu dân cư nông thôn, các bể tự hoại, hầm biogas đối với hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình.

Xây dựng, củng cố, nâng cấp các tuyến đê, kè bờ sông tại các vị trí xung yếu, sạt lở trên địa bàn tỉnh để bảo đảm an toàn cho các công trình công cộng, tính mạng, hoa màu, tài sản của nhân dân.

2.Quy hoạch phát triển các ngành hạ tầng khác

2.1. Hạ tầng cấp điện

Đến năm 2020, xây dựng mới và nâng cấp một số trạm biến áp 220KV, 110KV tại: huyện Phú Bình; Lưu Xá, Quán Triều - thành phố Thái Nguyên; huyện Đại Từ. Đồng thời nâng công suất trạm biến áp 110KV Xi măng Thái Nguyên lên thành 2x40MVA.

Phát triển lưới 22KV sau các trạm 110KV có cấp điện áp 22KV. Phát triển lưới 35KV và các trạm phân phối 35/0,4KV đối với các khu vực miền núi có nhu cầu lưới điện áp cao hơn 22KV.

Đầu tư xây dựng hệ thống điện lưới cho các thôn, bản chưa có điện lưới Quốc gia.

2.2. Hạ tầng thông tin truyền thông, công nghệ thông tin

Quy hoạch hạ tầng trạm thu phát sóng thông tin di động tại các phường thuộc thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công; các thị trấn thuộc các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ và Võ Nhai; các khu du lịch như khu vực hồ Núi Cốc, khu ATK và các khu di tích lịch sử, văn hóa; các khu công nghiệp: Sông Công, Điềm Thụy, Yên Bình; dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, QL.3, QL.37, QL.1B; các khu vực yêu cầu mỹ quan khác. Đối với khu vực ngoài đô thị xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động loại cồng kềnh A2; phát triển mới 255 vị trí cột ăng ten trạm thu phát sóng thông tin di động.

Nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình. Xây dựng, phát triển mới cột ăng ten phát sóng phát thanh truyền hình tại các khu vực lõm sóng, sóng yếu. Quy hoạch khu vực, tuyến, hướng xây dựng hạ tầng hệ thống cột treo cáp; hệ thống cống bể cáp.

Tập trung đầu tư, mở rộng khu công nghiệp công nghệ cao công nghệ thông tin và điện tử Yên Bình, công viên phần mềm và nội dung số xã Quyết Thắng thành phố Thái Nguyên.

2.3. Hạ tầng khai thác và chế biến khoáng sản

- Xây dựng hạ tầng tuyển khoáng chế biến sâu các loại quặng kim loại, tập trung vào các mỏ vàng, Vonfram, bauxít.

- Hoàn thiện các cơ sở tinh luyện chế biến hiện có theo hướng nâng cấp công nghệ, hoàn thiện dây chuyền chế biến, giảm tối đa tỷ lệ tổn thất quặng tinh đối với tất cả các loại khoáng sản, hạn chế lãng phí trong quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến quặng, đặc biệt là các quặng kim loại.

2.4. Hạ tầng dịch vụ

Hạ tầng thương mại: Xây dựng mới Trung tâm hội chợ triển lãm và chợ vùng Việt Bắc; trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh, các trung tâm thương mại có vị trí đặc biệt trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và huyện Phổ Yên; xây dựng các chợ đầu mối nông sản ở Túc Duyên thành phố Thái Nguyên, phía Bắc huyện Phú Bình, Bắc Sơn - Phổ Yên, Đại Từ, thị trấn Đu huyện Phú Lương. Xây dựng mới các siêu thị, trung tâm phân phối phù hợp với yêu cầu thị trường ở các địa phương trong tỉnh.

Phát triển và duy trì hoạt động an toàn của hệ thống các cửa hàng xăng dầu. Thiết kế, lắp đặt hệ thống cung cấp khí dầu mỏ hóa lỏng chung đến từng hộ dân đối với các dự án xây khu chung cư, nhà cao tầng, khu dân cư mới xây dựng. Nghiên cứu xây dựng các trạm nạp, bán khí dầu hóa lỏng (LPG) đến từng căn hộ, thông qua mạng lưới đường ống và đồng hồ đo đếm. Quy hoạch trạm bán khí dầu hóa lỏng qua đường ống tại các khu vực tập trung sản xuất và dân cư như các khu công nghiệp, khu đô thị.

Hạ tầng du lịch: Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Trọng tâm đầu tư: Khu du lịch hồ Núi Cốc, An toàn khu (ATK) Định Hóa, khu tổ hợp dịch vụ vui chơi giải trí Đông Tam Đảo,...

2.5. Hạ tầng xã hội

Hạ tầng y tế: Phối hợp và đề nghị Bộ Y tế thành lập thêm Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Ung bướu. Duy trì ổn định, hiện đại hóa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên quy mô 1.000 giường. Nâng cấp Bệnh viện C thành Bệnh viện Đa khoa quy mô 500 giường. Hoàn thiện cơ sở vật chất các bệnh viện đa khoa tuyến huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên, Định Hóa, Võ Nhai.

Xây dựng mới và nâng cấp các bệnh viện: Bệnh viện quốc tế; bệnh viện Y học cổ truyền; bệnh viện Phục hồi chức năng và chỉnh hình; bệnh viện Sản - Nhi; Trung tâm Phòng chống bệnh không lây nhiễm; Trung tâm ung bướu, chấn thương (bệnh viện C); Trung tâm quản lý và điều trị các bệnh nội tiết (bệnh viện Gang thép); bệnh viện Đa khoa tại tổ hợp Yên Bình. Cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã, các Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện; triển khai các dự án xây dựng Chi cục An toàn thực phẩm; dự án sửa chữa và mở rộng bệnh viện Mắt và nâng cấp các trạm y tế diện cấp bách còn lại.

Hạ tầng văn hóa, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình: Hoàn thiện Dự án Trung tâm giao lưu văn hóa - thông tin vùng Việt Bắc, dự án Khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc. Xây dựng Bảo tàng tỉnh, Quảng trường Võ Nguyên Giáp; các trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện, cấp xã.

Xây dựng Khu liên hợp thể thao, sân golf, Trung tâm thi đấu thể thao, Trung tâm đua thuyền.

Đầu tư xây dựng các dự án Đường bộ hành tham quan làng chè xã Tân Cương, Đường hạ tầng du lịch Chùa Hang, Động Linh Sơn, Khu khảo cổ Thần Sa, Hồ Suối Lạnh, đường vào Chùa Tây Trúc, hồ Vai Miếu...Cổng Nhà tù Chợ Chu huyện Định Hóa; đường hạ tầng du lịch, sân lễ hội, bãi đỗ xe Đình - Đền - Chùa Cầu Muối huyện Phú Bình; Đường bộ chạy xung quanh hồ Núi Cốc, bến tàu du lịch hồ Núi Cốc và Khu vui chơi giải trí dưới nước; Khu du lịch sinh thái và khám phá Khu khảo cổ học Thần Sa.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống truyền dẫn phát sóng phát thanh, trường quay tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình tỉnh.

3. Bố trí không gian phát triển hạ tầng

3.1. Phát triển hạ tầng khu vực đô thị

Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thành phố Thái Nguyên xứng với cấp đô thị loại I. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thị xã Sông Công theo tiêu chuẩn của đô thị loại III và trở thành thành phố trong năm 2015. Đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị chuẩn bị điều kiện cho việc hình thành 02 thị xã: Phổ Yên và Núi Cốc, trong đó huyện Phổ Yên thành thị xã công nghiệp trong năm 2015.

Xây dựng hạ tầng khu đô thị mới Yên Bình (Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình).

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang 13 đô thị cấp huyện, đặc biệt tập trung đầu tư hạ tầng chuẩn bị nâng cấp 4 thị trấn lên đô thị loại IV trước năm 2020 là thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Hương Sơn, thị trấn Đu, thị trấn Chùa Hang. Quy hoạch phát triển hạ tầng lập các đô thị mới là thị trấn La Hiên - Quang Sơn, thị xã Núi Cốc, đô thị Yên Lãng và đô thị Trung Hội.

3.2. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị

Phát triển hạ tầng nội bộ các khu - cụm công nghiệp gắn hài hòa với phát triển hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào của các khu, cụm và hạ tầng đô thị. Đặc biệt chú trọng việc đấu nối với hạ tầng cấp tỉnh và quốc gia. Thực hiện lộ trình đổi mới thiết bị, công nghệ, từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất, phân phối hàng hóa của Khu, cụm công nghiệp. Đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng đối ngoại để tạo điều kiện phát triển các Khu- cụm công nghiệp, khai thác tốt các nguồn lực ngoài tỉnh và thị trường ngoại tỉnh. Đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng của đối với Tổ hợp khu công nghiệp - đô thị Yên Bình, khu công nghiệp Điềm Thụy và các cụm công nghiệp tại các huyện Phổ Yên, Phú Bình, Khu vực thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và phía Nam huyện Đại Từ làm hạt nhân của công nghiệp tỉnh.

Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như: nhà trẻ mẫu giáo, trường học, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các khu vui chơi giải trí cho người cho lao động trong các khu công nghiệp.

3.3. Hạ tầng khu vực nông thôn

Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đảm bảo các đường ô tô được kiên cố hóa kết nối các điểm cộng đồng dân cư tập trung, tạo điều kiện đẩy mạnh cơ giới hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Mở rộng xã hội hóa cung cấp tốt các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục - đào tạo, phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, mạng lưới cung cấp điện, cấp nước sạch và hạ tầng bảo vệ môi trường, hạ tầng văn hóa - thể dục thể thao,... khu vực nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.

4. Các Chương trình và dự án hạ tầng ưu tiên phát triển

4.1. Các Chương trình ưu tiên phát triển hạ tầng

- Chương trình ưu tiên phát triển hạ tầng Khung giao thông.

- Chương trình ưu tiên phát triển hạ tầng nước.

- Chương trình ưu tiên phát triển hạ tầng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ (hạ tầng giáo dục, đào tạo và y tế).

- Chương trình ưu tiên phát triển hạ tầng bảo vệ môi trường.

4.2. Các dự án hạ tầng ưu tiên đầu tư

Danh mục các dự án hạ tầng khung đặc biệt ưu tiên (phụ lục số 1), ưu tiên (phụ lục số 2) và các dự án hạ tầng khác ưu tiên (phụ lục số 3).

V. Các giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng

1. Nhu cầu đầu tư

Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh các thời kỳ theo giá hiện hành như sau: thời kỳ 2011 - 2015 là 29.541 tỷ đồng; thời kỳ 2016-2020 là 65.904 tỷ đồng; thời kỳ 2021-2025 là 110.379 tỷ đồng và thời kỳ 2026 - 2030 là 159.609 tỷ đồng.

Đến năm 2020, dự kiến nguồn vốn trong nước chiếm 46% trong tổng vốn đầu tư hạ tầng, sau năm 2020 khu vực kinh tế ngoài nhà nước sẽ đảm nhận vai trò chính trong đầu tư phát triển hạ tầng và đạt tỷ trọng 48-50% tổng đầu tư hạ tầng vào năm 2030.

Ngoài đầu tư các hạ tầng lớn theo phương thức BOT, PPP, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hạ tầng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đạt 12 - 15% vào năm 2020.

2. Giải pháp huy động và sử dụng vốn đầu tư

- Ưu tiên vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư các công trình, dự án tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và có khả năng tạo nguồn thu như: Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp và một số cụm công nghiệp có khả năng thu hút các dự án đầu tư.

- Củng cố các nguồn thu của ngân sách nhà nước bằng cách tăng cường công tác chống thất thu, xử lý nghiêm các trường hợp trốn lậu thuế, gian lận thương mại; đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời ngân sách nhà nước.

- Trên cơ sở danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020 và tầm dài hạn hơn, đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao nhằm huy động tối đa nguồn lực để phát triển.

- Áp dụng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng trên cơ sở tiếp tục thực hiện đề án “Cải thiện môi trường đầu tư”; rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

3. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ

Tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong xây dựng, duy tu, khai thác các công trình hạ tầng, ưu tiên cho các ngành hạ tầng trọng điểm của tỉnh. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khoa học công nghệ nước ngoài đầu tư phát triển các công nghệ mới thân thiện môi trường trong những ngành hạ tầng chủ đạo như giao thông, hạ tầng cấp điện, hạ tầng bảo vệ môi trường.

Triển khai thực hiện Chương trình phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh.

Xây dựng phương án đổi mới công nghệ trong các ngành kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, sử dụng công nghệ nhiều tầng, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại; tranh thủ tối đa việc tiếp nhận công nghệ hiện đại. Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh để tiếp nhận công nghệ tiên tiến, mua sắm máy móc thiết bị, cải tiến quy trình vận hành nâng cao năng lực cạnh tranh của các công trình hạ tầng.

Tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất với cơ quan nghiên cứu ứng dụng khoa học và các cơ sở đào tạo đại học, đào tạo nghề nhằm huy động các nguồn vốn để đổi mới thiết bị, công nghệ theo hướng hiện đại, tạo quy trình liên hoàn giữa nghiên cứu và ứng dụng, đồng thời phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.

4. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đầu tư có trọng tâm để tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và quản lý chất lượng cao phục vụ triển khai công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên cơ sở thu hút nhân lực có kỹ năng, đổi mới, nâng cao chất lượng nền giáo dục và phương pháp đào tạo nghề nghiệp chuẩn bị tiền đề cho việc phát triển nền kinh tế tri thức.

Xây dựng và ban hành bổ sung các chính sách nhằm phát huy và thu hút nhân tài, lao động kỹ thuật trình độ cao đến làm việc lâu dài ở các địa phương trong tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tốc độ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao có đủ năng lực tham gia vào các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ tiên tiến về lĩnh vực công nghệ sinh học, điện tử, công nghệ thông tin.v.v.,

Mở rộng hợp tác giữa các địa phương với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân tại doanh nghiệp.

5. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng đồng bộ

Tăng cường công tác quản lý nhằm đảm bảo tính hệ thống, tính chiến lược và hiệu quả trong thiết kế quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống các công trình hạ tầng trên địa bàn.

Nâng cao vai trò định hướng của Nhà nước trong đầu tư phát triển hạ tầng có trình độ công nghệ, giá trị gia tăng và giá trị tri thức cao.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với công khai hóa, minh bạch hóa các thông tin về quy hoạch hạ tầng, để cộng đồng các nhà đầu tư có thể tiếp cận bình đẳng với các nguồn thông tin có giá trị về chính sách, chủ trương, các dịch vụ hành chính công.

Tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách, nâng cao chất lượng chính sách quản lý phát triển hạ tầng, phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát thực thi quy hoạch hạ tầng.

Nâng cao kỹ năng, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong quản lý phát triển hạ tầng các ngành.

6. Phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh trên cơ sở coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Hệ thống công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cần được đầu tư đồng bộ, tiết kiệm theo nghĩa sử dụng chung cho nhiều doanh nghiệp và khu dân cư, bảo đảm hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt qua hệ thống thu gom và xử lý tập trung trên nguyên tắc liên hoàn, hợp lý và tiết kiệm đầu tư.

Các chương trình, dự án đầu tư cần được thiết kế tính đến mối quan hệ với các chức năng sinh thái của địa bàn, đến lợi ích lâu dài về môi trường, chú trọng phát triển theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, đồng thời chuẩn bị một cách chiến lược khả năng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Có chính sách hợp lý hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp các thủ tục cần thiết để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Vũ Hồng Bắc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.