THÔNG TƯ
Quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu
khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
Căn cứ Luật khí tượng thủy văn năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định kỹ thuật về quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu đối với trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng là nơi được lựa chọn theo các yêu cầu kỹ thuật chuyên môn để thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bộ, ngành, địa phương), tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác, gồm các loại: trạm khí tượng bề mặt, trạm khí tượng nông nghiệp, trạm khí tượng trên cao, trạm ra đa thời tiết, trạm thủy văn, trạm hải văn, trạm đo mưa và các loại trạm chuyên đề khác.
2. Vị trí quan trắc khí tượng thủy văn là nơi đặt công trình, lắp đặt phương tiện đo và thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn.
3. Công trình quan trắc khí tượng thủy văn là cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành để lắp đặt phương tiện đo khí tượng thủy văn và truyền thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn.
4. Phương pháp quan trắc thủ công là hoạt động đo, ghi trực tiếp giá trị của yếu tố trên phương tiện đo do con người thực hiện.
5. Phương pháp quan trắc tự động là hoạt động đo, ghi giá trị của yếu tố bằng phương tiện đo tự động và truyền phát cho người sử dụng theo nhu cầu.
6. Siêu dữ liệu là thông tin mô tả về dữ liệu gồm nội dung, định dạng, chất lượng, nguồn gốc, điều kiện và các đặc tính khác nhằm chỉ dẫn về phương thức tiếp cận, cơ quan quản lý, địa chỉ truy cập, nơi lưu trữ, bảo quản dữ liệu.
7. Cấu trúc dữ liệu là cách tổ chức dữ liệu số thể hiện sự phân cấp, liên kết của các nhóm dữ liệu.
8. Kiểu thông tin của dữ liệu là tên, kiểu giá trị và độ dài trường thông tin.
9. Phương tiện đo hay thiết bị đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.
Chương II
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
Mục 1
QUAN TRẮC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG
Điều 4. Yếu tố quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng
Căn cứ quy định của pháp luật hoặc nhu cầu, mục đích sử dụng thông tin, dữ liệu Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân lựa chọn yếu tố quan trắc khí tượng thủy văn đối với từng loại trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng, cụ thể:
1. Yếu tố quan trắc tại trạm khí tượng bề mặt:
a) Bức xạ;
b) Áp suất khí quyển;
c) Gió bề mặt;
d) Bốc hơi;
đ) Nhiệt độ không khí;
e) Nhiệt độ đất;
g) Độ ẩm không khí;
h) Mưa;
i) Tầm nhìn xa;
k) Thời gian nắng;
l) Mây.
2. Yếu tố quan trắc tại trạm khí tượng nông nghiệp:
a) Các yếu tố khí tượng theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nhiệt độ đất tại các lớp đất sâu, nhiệt độ nước mặt ruộng;
c) Độ ẩm đất tại các độ sâu 5cm, 10cm, 20cm, 30cm, 40cm, 50cm, 60cm, 70cm, 80cm, 90cm và 100cm;
d) Gió ở độ cao từ 2m đến 10m;
đ) Nhiệt độ không khí trong quần thể cây trồng;
e) Độ ẩm không khí trong quần thể cây trồng.
3. Yếu tố quan trắc tại trạm khí tượng trên cao:
a) Trạm thám không vô tuyến: áp suất khí quyển; nhiệt độ không khí; độ ẩm không khí; hướng gió và tốc độ gió;
b) Trạm đo gió (pilot hoặc pilotsonde): hướng gió và tốc độ gió.
4. Yếu tố quan trắc tại trạm ra đa thời tiết:
a) Trường phản hồi vô tuyến;
b) Trường gió hướng tâm.
5. Yếu tố quan trắc tại trạm thủy văn:
a) Mực nước;
b) Mưa;
c) Nhiệt độ nước;
d) Yếu tố phụ: hướng nước chảy, gió, sóng, diễn biến lòng sông;
đ) Lưu lượng nước;
e) Lưu lượng chất lơ lửng.
6. Yếu tố quan trắc tại trạm hải văn:
a) Gió bề mặt biển;
b) Tầm nhìn xa phía biển;
c) Mực nước biển;
d) Sóng biển;
đ) Trạng thái mặt biển;
e) Nhiệt độ nước biển;
g) Độ muối nước biển;
h) Sáng biển;
i) Dòng chảy biển.
7. Yếu tố quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng khác theo nhu cầu, mục đích sử dụng.
Điều 5. Mật độ trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
1. Căn cứ yêu cầu, mục đích sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quyết định mật độ trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng.
2. Mật độ trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trong một số trường hợp cụ thể như sau:
a) Khoảng cách giữa các trạm đo mưa từ 10km đến 15km đối với một trong các vùng sau: đồi núi; sườn đón gió; tổng lượng mưa năm trung bình nhiều năm từ 1.600 mm trở lên; khu vực đô thị loại III trở lên;
b) Khoảng cách giữa các trạm đo mưa từ 15km đến 20km đối với vùng trung du, đồng bằng;
c) Phục vụ tính toán lượng nước đến hồ chứa: ở lưu vực sông, suối cung cấp nước cho hồ chứa có dung tích toàn bộ từ 500.000m3 trở lên thì bố trí từ 10km đến 15km một trạm đo mưa; ở các nhánh sông, suối chảy đến hồ chứa có diện tích lưu vực từ 100km2 trở lên thì bố trí một trạm quan trắc lưu lượng nước;
d) Quan trắc ở vườn quốc gia: mỗi vườn quốc gia bố trí tối thiểu một trạm khí tượng; tùy theo quy mô diện tích của vườn quốc gia có thể bố trí thêm trạm khí tượng nhưng bảo đảm khoảng cách giữa các trạm từ 25km đến 30km.
Điều 6. Vị trí đặt trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng
1. Trạm khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp:
a) Phải thông thoáng, không bị các vật che chắn;
b) Đại diện cho khu vực quan trắc, kết quả quan trắc khách quan, chính xác.
2. Trạm khí tượng trên cao và ra đa thời tiết:
a) Phải thông thoáng, không bị các vật che chắn;
b) Không có vật cản đối diện một góc quá 600 tại điểm thả bóng thám không;
c) Các tia quét từ ra đa không bị chặn bởi địa hình; không có chướng ngại vật xuất hiện ở những góc quét lớn hơn nửa búp sóng phía trên đường chân trời.
3. Trạm thủy văn:
a) Vị trí quan trắc mực nước: bảo đảm tính đại diện cho khu vực quan trắc; quan trắc được mực nước từ thấp nhất đến cao nhất;
b) Vị trí quan trắc lưu lượng nước, lưu lượng chất lơ lửng: hạn chế ảnh hưởng của sóng, gió, chảy quẩn, chảy vật và các vật trôi nổi; lòng sông không có hoặc ít chướng ngại vật; bờ sông ổn định, mặt cắt đơn, không có bãi tràn, kiểm soát (khống chế) được lượng nước trong lưu vực.
4. Trạm hải văn:
a) Vị trí quan trắc gió phải thông thoáng, không bị các vật che chắn, đảm bảo đặc trưng yếu tố gió tại khu vực quan trắc;
b) Vị trí quan trắc mực nước, sóng bảo đảm tính đại diện cho khu vực quan trắc, thông thoáng về phía biển, quan trắc được mực nước từ thấp nhất đến cao nhất.
Điều 7. Công trình quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng
1. Các loại công trình quan trắc:
a) Công trình quan trắc khí tượng bề mặt, khí tượng nông nghiệp: vườn quan trắc để lắp đặt các thiết bị quan trắc, tháp (cột) lắp đặt thiết bị đo tự động;
b) Công trình quan trắc khí tượng trên cao: nhà chế khí, khu vực bơm bóng, vườn để lắp đặt thiết bị quan trắc bề mặt và thả bóng thám không;
c) Công trình quan trắc ra đa thời tiết: tháp ăng ten;
d) Công trình quan trắc thủy văn: mốc độ cao; công trình quan trắc mực nước (tuyến bậc cọc, thủy chí, giếng tự ghi mực nước, công trình lắp đặt thiết bị đo tự động); công trình quan trắc lưu lượng nước sông (công trình cáp chính, cáp thủy trực, tiêu xác định vị trí thủy trực, công trình lắp đặt thiết bị đo tự động);
đ) Công trình quan trắc hải văn: mốc độ cao; công trình quan trắc mực nước (tuyến bậc cọc, thủy chí, giếng tự ghi mực nước, công trình lắp đặt thiết bị đo tự động); công trình quan trắc sóng; công trình quan trắc dòng chảy.
2. Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt, bảo dưỡng các loại công trình quan trắc:
a) Công trình phải ổn định, chắc chắn; an toàn, thuận tiện cho việc lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng thiết bị; công trình được bảo dưỡng tối thiểu một năm một lần, đảm bảo an toàn và chất lượng số liệu quan trắc;
b) Kỹ thuật công trình quan trắc được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 8. Phương tiện đo khí tượng thủy văn
1. Căn cứ mục đích, yêu cầu sử dụng có thể lựa chọn thông số kỹ thuật của phương tiện đo khí tượng thủy văn chuyên dùng theo Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt phương tiện đo các yếu tố khí tượng bề mặt:
a) Vị trí lắp đặt phương tiện đo các yếu tố khí tượng bề mặt được bố trí trong vườn quan trắc quy định tại Mục I Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Phương tiện đo gió được lắp đặt ở độ cao từ 10m đến 12m so với mặt đất, bảo đảm thông thoáng, hướng Bắc của phương tiện đo phải đúng với hướng Bắc thực;
c) Phương tiện đo nhiệt độ, độ ẩm không khí được lắp đặt ở độ cao 1,5m so với mặt đất hoặc mặt nền, bảo đảm thông thoáng và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp;
d) Phương tiện đo mưa có miệng hứng nước mưa được lắp đặt ở độ cao cách mặt đất hoặc mặt nền từ 1,5m trở lên, bảo đảm thông thoáng, ngang bằng;
đ) Phương tiện đo thời gian nắng, bức xạ mặt trời được lắp đặt ở độ cao từ 1,5m trở lên so với mặt đất hoặc mặt nền, không bị che nắng, trục bộ cảm biến đúng hướng Bắc - Nam, bảo đảm ngang bằng và đúng vĩ độ địa phương;
e) Phương tiện đo bốc hơi được lắp đặt ở độ cao 0,27m so với mặt đất, bề mặt thiết bị đo phải ngang bằng, bảo đảm thông thoáng;
g) Phương tiện đo áp suất khí quyển được lắp đặt ở độ cao từ 1,5m trở lên so với mặt đất, không bị mưa, ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp; vị trí đặt thiết bị đo áp suất khí quyển phải được dẫn độ cao quốc gia;
h) Phương tiện đo nhiệt độ đất được đặt trên bề mặt đất và các lớp đất sâu theo nhu cầu quan trắc, bảo đảm thông thoáng, không bị che ánh nắng mặt trời.
3. Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt phương tiện đo các yếu tố khí tượng nông nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này trừ phương tiện đo gió được lắp đặt ở độ cao từ 2m đến 10m, bảo đảm thông thoáng, hướng Bắc của phương tiện đo phải đúng với hướng Bắc thực.
4. Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt phương tiện đo các yếu tố khí tượng trên cao thực hiện theo quy định tại điểm b, điểm c và điểm g khoản 2 Điều này.
5. Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt phương tiện đo yếu tố thủy văn tự động:
a) Phương tiện đo mực nước không tiếp xúc với nước: được lắp đặt cố định tại vị trí cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 1,0m;
b) Phương tiện đo mực nước tiếp xúc với nước: được lắp đặt cố định tại vị trí thấp hơn mực nước thấp nhất đã xuất hiện tối thiểu 0,2m;
c) Phương tiện đo lưu lượng nước không tiếp xúc với nước: được lắp đặt chắc chắn tại vị trí cố định cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 1,0m;
d) Phương tiện đo lưu lượng nước tiếp xúc với nước: được lắp đặt chắc chắn, bảo đảm khả năng quan trắc được lưu lượng nước của mặt cắt ngang sông tốt nhất.
6. Yêu cầu kỹ thuật lắp đặt phương tiện đo yếu tố hải văn tự động:
a) Phương tiện đo sóng không tiếp xúc với nước: được lắp đặt cố định tại vị trí cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 5,0m;
b) Phương tiện đo sóng tiếp xúc với nước: được lắp đặt cố định ở độ sâu tối thiểu 5,0m khi nước ròng nhất;
c) Phương tiện đo mực nước không tiếp xúc với nước: được lắp đặt cố định tại vị trí cao hơn mực nước cao nhất đã xuất hiện tối thiểu 5,0m;
d) Phương tiện đo mực nước tiếp xúc với nước: được lắp đặt cố định tại vị trí thấp hơn mực nước thấp nhất đã xuất hiện tối thiểu 1,0m;
đ) Phương tiện đo gió bề mặt biển: được lắp đặt ở độ cao từ 10m đến 12m bảo đảm thông thoáng, hướng Bắc của thiết bị đo đúng với hướng Bắc thực.
7. Việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật khí tượng thủy văn.
Điều 9. Tần suất, phương pháp quan trắc khí tượng thủy văn
1. Tần suất quan trắc:
a) Đối với các công trình thuộc đối tượng phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2016/NĐ-CP);
b) Đối với công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng khác thì Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân căn cứ nhu cầu, mục đích quyết định tần suất quan trắc phù hợp.
2. Phương pháp quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Mục 2
CUNG CẤP THÔNG TIN, DỮ LIỆU QUAN TRẮC
KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN CHUYÊN DÙNG
Điều 10. Nội dung và trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu
1. Thông tin, dữ liệu cung cấp gồm siêu dữ liệu và dữ liệu các yếu tố quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng.
2. Chủ công trình thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư này và các chủ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng khác cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP.
3. Trách nhiệm về cung cấp thông tin, dữ liệu:
a) Lập danh mục, khối lượng thông tin, dữ liệu cung cấp;
b) Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu trước khi cung cấp;
c) Cung cấp siêu dữ liệu lần đầu, khi có thay đổi thông tin thông báo kịp thời cho cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu;
d) Cung cấp dữ liệu cho cơ quan thu nhận đúng cấu trúc, định dạng;
đ) Trong quá trình cung cấp thông tin, dữ liệu nếu gặp sự cố thông báo cho cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu lý do và biện pháp khắc phục.
4. Khuyến khích chủ công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia.
Điều 11. Cơ quan thu nhận thông tin, dữ liệu
1. Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng cung cấp cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia và cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn địa phương.
3. Cơ quan tiếp nhận thông tin, dữ liệu có trách nhiệm:
a) Tổ chức tiếp nhận thông tin, dữ liệu, kiểm tra danh mục, khối lượng, cấu trúc, định dạng, mức độ an toàn thông tin, dữ liệu;
b) Khi phát hiện thông tin, dữ liệu không đảm bảo an toàn, chưa đúng thời gian cung cấp, cấu trúc, định dạng, không đúng danh mục, khối lượng theo quy định, cơ quan thu nhận thông báo ngay cho tổ chức, cá nhân để có biện pháp khắc phục;
c) Thông báo kết quả thu nhận thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng.
Điều 12. Thời gian, cấu trúc, phương thức cung cấp, thu nhận thông tin, dữ liệu
1. Thời gian cung cấp:
a) Thông tin, dữ liệu cung cấp cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP;
b) Thông tin, dữ liệu cung cấp cho cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia: 01 lần/năm, trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.
2. Cấu trúc thông tin, dữ liệu cung cấp:
a) Thông tin, dữ liệu dạng số có cấu trúc, định dạng thực hiện theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Thông tin, dữ liệu dạng văn bản và các vật mang tin khác cung cấp theo tình trạng thực tế.
3. Phương thức cung cấp:
a) Phương thức cung cấp thông tin, dữ liệu cho hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP;
b) Phương thức cung cấp thông tin, dữ liệu cho cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 02 năm 2019.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.