THÔNG TƯ
Quy định về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước
đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm
_______
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định một số nội dung về trình tự, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý kết hợp thu hồi sản phẩm.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm.
Điều 3. Công bố danh mục dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá sơ bộ hồ sơ đăng ký thực hiện dự án
1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tổ chức đăng tải danh mục dự án, công bố thông tin dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.
2. Nội dung công bố thông tin dự án
a) Tên dự án; mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư; yêu cầu cơ bản của dự án; thời hạn, tiến độ thực hiện dự án; địa điểm thực hiện dự án;
b) Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (nếu có);
c) Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Thời hạn để nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án;
đ) Nơi nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án: nộp trực tiếp tại cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại liên hệ nếu cần thiết); trường hợp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia thực hiện được việc nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án thì nộp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;
e) Các thông tin khác (nếu cần thiết).
3. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư bao gồm:
a) Văn bản đăng ký thực hiện dự án;
b) Hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư;
c) Các tài liệu liên quan khác (nếu có).
5. Hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án theo các nội dung công bố thông tin dự án quy định tại khoản 2 Điều này và sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư đáp ứng các nội dung này được tham gia quy trình lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Điều 4 Thông tư này.
6. Căn cứ kết quả đánh giá quy định tại khoản 5 Điều này, cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quyết định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa và Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).
Điều 4. Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án
1. Trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi, bao gồm:
a) Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư;
b) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
c) Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;
d) Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;
đ) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư;
e) Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
2. Trường hợp có một nhà đầu tư đã đăng ký và đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm hoặc nhiều nhà đầu tư đăng ký nhưng chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thì thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định sau:
a) Cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án tổ chức lập hồ sơ yêu cầu. Nội dung hồ sơ yêu cầu được xây dựng trên cơ sở chỉnh sửa mẫu hồ sơ quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT) và phải bao gồm các phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính - thương mại quy định tại Thông tư này;
b) Nhà đầu tư chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu;
c) Tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư. Trong quá trình đánh giá, cơ quan phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án có thể mời nhà đầu tư đến làm rõ hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết của hồ sơ đề xuất;
d) Nhà đầu tư được chấp thuận khi đáp ứng đủ các điều kiện, gồm: có hồ sơ đề xuất hợp lệ; đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm; đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; đáp ứng yêu cầu về tài chính - thương mại.
3. Các công tác quy định tại điểm a, b, đ, e khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu. Các công tác quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
a) Nội dung hồ sơ mời thầu được xây dựng trên cơ sở chỉnh sửa mẫu hồ sơ quy định tại Phụ lục III và IV ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT;
b) Hồ sơ mời thầu được chỉnh sửa trên cơ sở mẫu hồ sơ mời thầu phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, quy định pháp luật liên quan và quy định tại Thông tư này.
Điều 5. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật
1. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ hồ sơ đề xuất về kỹ thuật: thực hiện theo quy định tại Điều 52 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 89 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư).
2. Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm
a) Căn cứ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm được phê duyệt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư này, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá về năng lực, kinh nghiệm được cập nhật hoặc bổ sung (nếu cần thiết);
b) Việc đánh giá về năng lực, kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nêu trong hồ sơ mời thầu.
3. Đánh giá về kỹ thuật
Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ, đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm được xem xét, đánh giá chi tiết về kỹ thuật. Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật nêu trong hồ sơ mời thầu như sau:
a) Phương pháp đánh giá: việc đánh giá về kỹ thuật sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm ___ [quy định là 100 hoặc 1.000] trong đó mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là ___ % tổng số điểm [quy định giá trị % nhưng không được thấp hơn 70%] và điểm đánh giá của từng nội dung yêu cầu (kỹ thuật; quản lý dự án; tiến độ thi công, thời gian thực hiện dự án; thu hồi sản phẩm nạo vét, môi trường và an toàn) là ____ % điểm tối đa của nội dung đó [quy định giá trị % nhưng không thấp hơn 60%];
b) Tiêu chuẩn đánh giá: căn cứ quy mô, tính chất của dự án, bên mời thầu quy định cụ thể các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo phương pháp đánh giá được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Bên mời thầu yêu cầu nhà đầu tư thuyết minh về kế hoạch và phương pháp triển khai thực hiện dự án để đánh giá sự phù hợp, khả thi đề xuất của nhà đầu tư đối với các nội dung sau đây:
- Yêu cầu về kỹ thuật: yêu cầu về phương án kỹ thuật, công nghệ thực hiện dự án; yêu cầu về thiết bị thi công dự án thuộc sở hữu của nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư liên danh tối thiểu bằng 20% số lượng thiết bị thi công của dự án; yêu cầu về nhân sự thực hiện dự án; yêu cầu về biện pháp tổ chức thi công công trình.
- Yêu cầu về tổ chức quản lý dự án: phương thức tổ chức quản lý dự án; phương thức giám sát dự án; phương thức phối hợp trong quá trình thực hiện dự án;
- Yêu cầu về tiến độ thi công, thời gian thực hiện dự án;
- Yêu cầu về thu hồi sản phẩm nạo vét: phương án sử dụng sản phẩm thu hồi; phương án xử lý chất nạo vét không thu hồi; phương án tập kết chất nạo vét (nếu có);
- Yêu cầu về môi trường và an toàn: phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phương án đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thực hiện dự án;
- Ngoài các tiêu chuẩn nêu trên, trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật, bên mời thầu có thể điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn về kỹ thuật khác phù hợp với từng dự án cụ thể.
4. Nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thì được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại. Việc thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 89 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư).
Điều 6. Đánh giá hồ sơ về tài chính - thương mại
1. Kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 89 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư).
2. Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá
a) Sử dụng phương pháp so sánh, xếp hạng dựa trên tiêu chuẩn lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước;
b) Sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch: do bên mời thầu quy định cụ thể tại hồ sơ mời thầu;
c) Theo quy định tại hồ sơ mời thầu, trường hợp kinh phí nạo vét của dự án nhỏ hơn hoặc bằng giá trị sản phẩm thu hồi thì nhà đầu tư được đề nghị trúng thầu khi có đề xuất giá trị phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước bằng tiền (ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành) tại hồ sơ dự thầu là cao nhất và giá trị đề xuất sản phẩm thu hồi không thấp hơn giá trị sản phẩm thu hồi quy định tại hồ sơ mời thầu;
d) Theo quy định tại hồ sơ mời thầu, trường hợp kinh phí nạo vét của dự án lớn hơn giá trị sản phẩm thu hồi thì nhà đầu tư được đề nghị trúng thầu khi có đề xuất giá trị phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét của dự án và giá trị sản phẩm thu hồi (ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành) tại hồ sơ dự thầu là thấp nhất và giá trị đề xuất sản phẩm thu hồi không thấp hơn giá trị sản phẩm thu hồi quy định tại hồ sơ mời thầu;
đ) Trường hợp sau khi đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại, tất cả nhà đầu tư được đánh giá tốt ngang nhau, nhà đầu tư có điểm kỹ thuật cao nhất được đề nghị trúng thầu.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.
2. Nhà đầu tư thực hiện dự án đã được lựa chọn trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải lựa chọn lại nhà đầu tư theo quy định tại Thông tư này.
3. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.