• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 06/06/2006
BỘ CÔNG AN
Số: 05/2006/TT-BCA-C11
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 5 năm 2006

THÔNG TƯ 

Hướng dẫn thi hành Quyết định số 14/2000/QĐ-TTg ngày 27/01/2000 của

Thủ tướng Chính phủ quy định các đoàn trong nước và khách nước

ngoài đến Việt Nam có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường

_______________________

 

Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 14/2000/QĐ-TTg ngày 27/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ quy định các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, Bộ Công an ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các cơ quan, tổ chức, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức) có các đoàn trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam theo quy định có xe Cảnh sát giao thông dẫn đường phải cử cán bộ trực tiếp liên hệ với cơ quan Cảnh sát giao thông để làm thủ tục và phối hợp trong việc tổ chức thực hiện công tác dẫn đoàn.

2. Cảnh sát giao thông là lực lượng được Chính phủ và Bộ Công an giao nhiệm vụ dẫn đường các đoàn (sau đây gọi tắt là dẫn đoàn) trong nước và khách nước ngoài đến Việt Nam, phải thực hiện đúng các quy định tại Quyết định số 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức để dẫn đoàn đảm bảo an toàn, thông suốt.

Các hành vi tuỳ tiện tổ chức thực hiện dẫn đoàn, các hành vi cản trở hoạt động dẫn đoàn của lực lượng Cảnh sát giao thông hoặc lợi dụng công tác dẫn đoàn để gây phiền hà, sách nhiễu, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

3. Xe cảnh sát giao thông dẫn đoàn là xe ôtô và môtô chuyên dùng theo quy định của Bộ Công an và giao cho lực lượng Cảng sát giao thông trực tiếp quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Trong quá trình thi hành nhiệm vụ dẫn đoàn, lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện quyền ưu tiên và sử dụng tín hiệu của xe ưu tiên, phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan, không lạm dụng việc sử dụng tín hiệu của xe ưu tiên (không dùng còi ưu tiên liên tục) gây ồn ào không cần thiết. Khi có tín hiệu ưu tiên của xe Cảnh sát giao thông dẫn đoàn thì người điều khiển phương tiện giao thông phải lập tức giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải, người đi bộ không được chạy sang đường, không được đi lại hoặc đứng dưới lòng đường để nhường đường cho đoàn xe ưu tiên theo quy định của pháp luật.

II. ĐỐI TƯỢNG CÓ XE CẢNH SÁT GIAO THÔNG DẪN ĐOÀN

1. Các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Quyết định 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

2. Các đối tượng khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

a. Đối với các đoàn trong nước:

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội đại biểu toàn quốc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội đại hiểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

- Đoàn đại biểu trong thời gian dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc;

- Các hoạt động thể thao trong nước, khu vực và Quốc tế do Nhà nước tổ chức hoặc đăng cai tổ chức.

b. Đối với các đoàn khách nước ngoài:

- Người đứng đầu Đảng, chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bí thư, Chủ tịch, Tỉnh trưởng, Thống đốc Bang, Trưởng đặc khu hoặc tương đương;

- Đoàn khách Quân sự do Tổng Tư lệnh hoặc tương đương trở lên dẫn đầu;

- Đoàn khách Cảnh sát do Tư lệnh hoặc tương đương trở lên dẫn đầu.

c. Trường hợp khác cần có xe Cảnh sát giao thông dẫn đoàn thì cơ quan, tổ chức có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

III. THỦ TỤC VÀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC DẪN ĐOÀN

1. Thủ tục, gồm:

a. Công văn đề nghị xe Cảnh sát giao thông dẫn đoàn và chương trình hoạt động của đoàn do người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền ký, đóng dấu (theo mẫu ở phụ lục kèm theo Thông tư này).

b. Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Điểm 2 Mục II của Thông tư này, phải có bản sao văn bản của cấp có thẩm quyền đồng ý.

2. Thời gian đến làm thủ tục đề nghị dẫn đoàn quy định cụ thể:

a. Đến trước 05 (năm) ngày làm việc, khi tổ chức thực hiện dẫn đoàn đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 1 Quyết định 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trừ trường hợp đột xuất thuộc đối tượng Cảnh vệ);

b. Đến trước 10 (mười) ngày làm việc, khi tổ chức thực hiện dẫn đoàn đối với những trường hợp khác theo Khoản 3 Điều 1 Quyết định 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định tại điểm 2 Mục II của Thông tư này).

3. Trách nhiệm dẫn đoàn:

a. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác dẫn đoàn trong phạm vi cả nước; tổ chức tiếp nhận đề nghị dẫn các đoàn có phạm vi hoạt động từ 03 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên để chỉ đạo, giao nhiệm vụ và hướng dẫn Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện dẫn đoàn hoặc trực tiếp dẫn đoàn; tổ chức dẫn các đoàn do Bộ Công an giao.

b. Phòng Cảng sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp nhận các đề nghị và thực hiện dẫn các đoàn có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố và khi đoàn đến tỉnh, thành phố liền kề và ngược lại; tổ chức dẫn các đoàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.

c. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tiếp nhận các đề nghị dẫn các đoàn thuộc đối tượng Cảnh vệ và thông báo ngay đến Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đối với các đoàn có hoạt động từ 03 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; thông báo ngay đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các đoàn có phạm vi hoạt động trong một tỉnh, thành phố và khi đoàn đến tỉnh thành phố liền kề và ngược lại để tổ chức dẫn đoàn theo quy định.

4. Quan hệ phối hợp trong công tác dẫn đoàn:

a. Cơ quan, tổ chức có đề nghị dẫn đoàn có trách nhiệm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông trong suốt quá trình thực hiện dẫn đoàn: Khi có thay đổi về chương trình, thời gian, địa điểm, đón, tiễn, dẫn đoàn, phải thông báo kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh sát giao thông giải quyết nhanh chóng các vấn đề xảy ra liên quan đến hoạt động của đoàn theo đúng quy định của pháp luật.

b. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thống nhất ban hành Quy chế phối hợp chỉ đạo và tổ chức dẫn các đoàn thuộc đối tượng Cảnh vệ.

c. Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, tổ chức dẫn đoàn:

- Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt: Khi chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Cảng sát giao thông hoặc trực tiếp dẫn đoàn thì đồng gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan biết, để phối hợp chỉ đạo.

- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Khi chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức dẫn các đoàn thì đồng gửi Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an địa phương liên quan để theo dõi, phối hợp chỉ đạo.

d. Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thông báo và phối hợp kịp thời với các Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức dẫn đoàn đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt. Các đơn vị thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát giao thông tổ chức dẫn các đoàn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Phòng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định; các kế hoạch, phương án, kết quả phối hợp và tổ chức dẫn các đoàn phải báo cáo Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, tổ chức và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đề nghị xe dẫn đoàn có trách nhiệm thực hiện đúng Quyết định số 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư này.

3. Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt hướng dẫn, kiểm tra công tác dẫn đoàn đảm bảo thực hiện đúng Quyết định số 14/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này cũng như các quy định khác của Chính phủ, Bộ Công an có liên quan đến công tác dẫn đoàn; tổ chức nghiên cứu, đề xuất Bộ trưởng dự án về tổ chức, trang bị phương tiện và xây dựng các văn bản khác có liên quan đến công tác dẫn đoàn.

4. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Cảnh sát giao thông và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện dẫn các đoàn theo đúng quy định tại Thông tư này và chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 10/2000/TT-BCA(C11) ngày 04/7/2000 của Bộ Công an.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức và Công an các đơn vị, địa phương báo cáo, phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt) để có hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Hồng Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.