• Hiệu lực: Chưa có hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2024
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 38/2023/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa

___________________

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT)

1. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 9 như sau:

“a) Có GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba, có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng ba hoặc đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng nhì đủ 18 tháng trở lên hoặc có chứng chỉ sơ cấp nghề thuyền trưởng hạng ba, có thời gian tập sự đủ 12 tháng trở lên;”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 10 như sau:

“a) Có GCNKNCM máy trưởng hạng ba, có thời gian đảm nhiệm chức danh máy trưởng hạng ba hoặc đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng nhì đủ 12 tháng trở lên hoặc có chứng chỉ sơ cấp nghề máy trưởng hạng ba, có thời gian tập sự đủ 06 tháng trở lên;”

c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 11 như sau:

“a) Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có GCNKNCM thuyền trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng hạng nhì hoặc đảm nhiệm chức danh thuyền phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh thuyền trưởng hạng nhất đủ 24 tháng trở lên;”

d) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 12 như sau:

“a) Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên, có GCNKNCM máy trưởng hạng nhì, có thời gian đảm nhiệm chức danh máy trưởng hạng nhì hoặc đảm nhiệm chức danh máy phó của loại phương tiện được quy định cho chức danh máy trưởng hạng nhất đủ 18 tháng trở lên;”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:

“Điều 7. Thẩm quyền tổ chức thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam:

a) Tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng nhì trở lên trên phạm vi cả nước (trừ các địa phương đã được giao thực hiện quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều này) và GCNKNCM thuyền trưởng hạng tư trở lên, máy trưởng hạng ba trở lên đối với cơ sở đào tạo trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

b) Quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi CCCM đặc biệt.

2. Sở Giao thông vận tải:

a) Tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM thuyền trưởng hạng ba, hạng tư và GCNKNCM máy trưởng hạng ba;

b) Các Sở Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này, ngoài thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này được tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng nhì trở lên; quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi CCCM đặc biệt;

c) Đối với Sở Giao thông vận tải chưa được quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này, nếu đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM thuyền trưởng, máy trưởng hạng nhất, hạng nhì; quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi CCCM đặc biệt thì có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định.

3. Cơ sở đào tạo đủ điều kiện theo quy định:

a) Tổ chức kiểm tra, ra quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi chứng chỉ nghiệp vụ và chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản;

b) Tổ chức kiểm tra CCCM đặc biệt.

4. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp GCNKNCM, CCCM thì cơ quan đó thực hiện xét cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM. Khi cấp lại GCNKNCM, CCCM thì cơ quan có thẩm quyền phải hủy bản chính GCNKNCM, CCCM bằng hình thức cắt góc.

Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM tại cơ quan không phải là cơ quan cấp GCNKNCM, CCCM trước đó thì cơ quan đó căn cứ vào thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này có văn bản gửi đến cơ quan cấp GCNKNCM, CCCM trước đó xác minh, sau khi có kết quả xác minh thực hiện việc cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM theo quy định tại Điều 19 của Thông tư này.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Điều 8. Quy định về tổ chức lớp học

Cơ sở đào tạo thực hiện các công việc sau:

1. Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, rà soát các điều kiện dự học, thi, kiểm tra theo quy định.

2. Mở lớp, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo nội dung, chương trình đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

3. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày khai giảng, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này:

a) Danh sách học viên đủ điều kiện dự học (Báo cáo số 1) do người đứng đầu cơ sở đào tạo xét duyệt theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Kế hoạch đào tạo của toàn khóa học theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Sau khi kết thúc khóa học, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này:

a) Kết quả học tập của học viên (Báo cáo số 2) do người đứng đầu cơ sở đào tạo xét duyệt theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Kế hoạch tổ chức thi, kiểm tra.

5. Đối với CCCM, trong thời hạn 10 ngày, trước khi tổ chức kiểm tra cấp CCCM, cơ sở đào tạo báo cáo bằng văn bản về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục XVII của Thông tư này để giám sát các kỳ kiểm tra; đối với CCCM đặc biệt quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7 của Thông tư này, sau khi có kết quả kiểm tra của học viên, cơ sở đào tạo gửi kết quả kiểm tra về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục XVII của Thông tư này để ra Quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp CCCM đặc biệt.”

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 như sau:

“2. Thư ký Hội đồng thi, kiểm tra rà soát hồ sơ dự thi, kiểm tra của thí sinh; niêm yết danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi, kiểm tra tại các phòng thi, kiểm tra; thí sinh đủ điều kiện dự thi, kiểm tra phải có đủ số điểm kiểm tra các môn học, mô-đun theo chương trình đào tạo đạt yêu cầu và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định trong hồ sơ dự học, thi, kiểm tra của thí sinh.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Thành phần của Hội đồng kiểm tra:

a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo của cơ sở đào tạo;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo hoặc trưởng phòng của cơ sở đào tạo;

c) Ủy viên Thư ký là lãnh đạo phòng đào tạo của cơ sở đào tạo;

d) Các ủy viên còn lại là lãnh đạo các phòng, khoa, tổ môn chuyên môn của cơ sở đào tạo.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 11 như sau:

“5. Phổ biến, hướng dẫn các quy định, nội quy thi, kiểm tra cho thành
viên ban coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra và người dự thi, kiểm tra.”

7. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau:

Điều 11a. Giám sát kỳ thi, kiểm tra

1. Căn cứ kế hoạch tổ chức hội đồng thi cấp GCNKNCM hoặc báo cáo của cơ sở đào tạo về kế hoạch tổ chức kiểm tra cấp CCCM, Cục Đường thủy nội
địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cử cán bộ giám sát hội đồng thi, kiểm tra.

2. Nhiệm vụ của cán bộ giám sát kỳ thi, kiểm tra

a) Thực hiện giám sát hội đồng thi, kiểm tra bảo đảm tính công khai,
khách quan, minh bạch;

b) Giám sát việc kiểm tra nhận dạng người dự thi, kiểm tra trước khi vào phòng thi, kiểm tra; người không có nhiệm vụ không được vào phòng thi, kiểm tra;

c) Giám sát phương tiện thi, kiểm tra đảm bảo điều kiện hoạt động theo
quy định;

d) Cán bộ giám sát làm việc độc lập, không làm thay nhiệm vụ của cán bộ coi thi, chấm thi, coi kiểm tra, chấm kiểm tra.

3. Quyền hạn của người giám sát

a) Khi phát hiện sai phạm phải lập biên bản, đề nghị Hội đồng thi, kiểm
tra xử lý kịp thời, đúng quy định;

b) Báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để xem xét, xử lý.

4. Kết thúc kỳ thi, kiểm tra, cán bộ giám sát báo cáo bằng văn bản kết quả giám sát với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải theo thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 như sau:

“2. Đối với môn thi lý thuyết tổng hợp:

a) Hình thức thi, kiểm tra: trắc nghiệm trên máy vi tính.

b) Thời gian thi, kiểm tra: tối đa 45 phút;

c) Kết quả: đạt hoặc không đạt;

d) Mỗi đề có 30 (ba mươi) câu hỏi, làm đúng từ 25 (hai mươi lăm) câu trở lên thì đạt yêu cầu.”

9. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 15 như sau:

“a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên được đào tạo theo nghề điều
khiển tàu thủy hoặc điều khiển tàu biển, nghề máy tàu thủy hoặc máy tàu biển;”

10. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 3 Điều 17 như sau:

“đ) Người có chứng chỉ thủy thủ, thợ máy tàu biển được chuyển đổi tương ứng sang chứng chỉ thủy thủ, thợ máy phương tiện thủy nội địa và được cấp
chứng chỉ an toàn làm việc trên phương tiện đi ven biển;”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

Điều 18. Hồ sơ và trình tự dự học, thi, kiểm tra để được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn

1. Cá nhân có nhu cầu dự học, thi lấy GCNKNCM, kiểm tra lấy CCCM nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc hình thức phù hợp khác đến cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

a) Bản chính hoặc biểu mẫu điện tử Đơn đề nghị theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 02 (hai) ảnh màu hoặc bản điện tử ảnh màu cỡ 2x3 cm, nền trắng, ảnh chụp không quá 06 tháng;

c) Bản chính hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;

d) Xuất trình bản chính để kiểm tra (trong trường hợp gửi trực tiếp) hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao có chứng thực (trong trường hợp gửi qua đường bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc theo hình thức phù hợp khác) của các loại giấy tờ chứng nhận về thuyền trưởng hoặc máy trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn hoặc bản dịch công chứng sang tiếng Việt (đối với các loại giấy tờ chứng nhận về thuyền trưởng hoặc máy trưởng
hoặc chứng chỉ chuyên môn do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp) để chứng minh đủ điều kiện dự thi, kiểm tra tương ứng với loại GCNKNCM, CCCM theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.

2. Trình tự thực hiện:

Cơ sở đào tạo tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ hợp lệ thì viết giấy hẹn làm thủ tục dự học, thi, kiểm tra lấy GCNKNCM, CCCM; nếu hồ sơ không hợp lệ theo quy định thì trả lại và hướng dẫn cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không hợp lệ theo
quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ sở
đào tạo phải có văn bản gửi cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
theo quy định, cơ sở đào tạo gửi giấy hẹn làm thủ tục dự học, thi, kiểm tra lấy GCNKNCM, CCCM;

d) Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 7 của Thông tư này tổ chức thi, kiểm tra và cấp GCNKNCM, CCCM cho thí sinh đạt yêu cầu kỳ thi, kiểm tra;

đ) Cá nhân đề nghị dự thi, kiểm tra nộp phí, lệ phí theo quy định; khi dự thi, kiểm tra, nhận hoặc người có giấy ủy quyền nhận GCNKNCM, CCCM phải xuất trình căn cước công dân chứng minh nhân dân hoặc hoặc hộ chiếu hoặc
danh tính điện tử.”

12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản, điểm của Điều 19 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Cá nhân có nhu cầu xét cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc hình thức phù hợp khác đến Cục Đường
thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải hoặc cơ sở đào tạo theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này. Hồ sơ bao gồm:

a) Bản chính hoặc biểu mẫu điện tử Đơn đề nghị theo quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 02 (hai) ảnh màu hoặc bản điện tử ảnh màu cỡ 2x3 cm, nền trắng, ảnh chụp không quá 06 tháng;

c) Bản chính hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;

d) Xuất trình bản chính để kiểm tra (trong trường hợp gửi trực tiếp) hoặc bản điện tử hoặc bản sao điện tử hoặc bản sao có chứng thực (trong trường hợp gửi qua đường bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc theo hình thức phù hợp khác) của các loại giấy tờ chứng nhận về thuyền trưởng hoặc máy trưởng hoặc chứng chỉ chuyên môn hoặc bản dịch công chứng sang tiếng Việt (đối với các loại giấy tờ chứng nhận về thuyền trưởng hoặc máy trưởng
hoặc chứng chỉ chuyên môn do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp) để chứng minh đủ điều kiện xét cấp, cấp lại, chuyển đổi tương ứng với loại GCNKNCM, CCCM theo quy định tại Điều 15, 16 và Điều 17 của Thông tư này.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:

“c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
và người đề nghị xét cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM, CCCM đã nộp phí, lệ phí theo quy định, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận
tải hoặc cơ sở đào tạo thực hiện xét cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM,
CCCM theo quy định tại Thông tư này.”

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 20 như sau:

“2. Đối với cơ sở đào tạo, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều
này, phải lưu trữ các giấy tờ sau:

a) Bảng kết quả kiểm tra các môn học, mô-đun;

b) Kết quả thi, kiểm tra của thí sinh;

c) Sổ lên lớp, sổ tay giáo viên, giáo án lên lớp, các bài kiểm tra kết thúc môn học, mô-đun.”

14. Sửa đổi, bổ sung một số khoản, điểm của Điều 29 như sau:

a) Bổ sung điểm h vào sau điểm g khoản 1 như sau:

“h) Hướng dẫn sử dụng phần mềm thi, kiểm tra môn lý thuyết tổng hợp thống nhất trên phạm vi cả nước.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Cơ sở đào tạo:

a) Chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này;

b) Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu, đảm bảo chất lượng theo quy định;

c) Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát, hướng dẫn về nghiệp vụ của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải và cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền.”

15. Bổ sung Phụ lục XVII vào Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT tương
ứng với Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

16. Thay thế Phụ lục II, Phụ lục IV, Phụ lục VIII, Phụ lục XII, Phụ lục
XIII, Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư số 40/2019/TT-BGTVT tương ứng với Phụ lục I, II, III, IV, V, VI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Quy định chuyển tiếp

Trong thời gian kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, nếu Sở Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm
theo Thông tư này chưa thực hiện được nhiệm vụ tổ chức thi, ra quyết định công nhận kết quả thi, cấp, cấp lại, chuyển đổi GCNKNCM thuyền trưởng, máy
trưởng hạng nhất, hạng nhì, quyết định công nhận kết quả kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi CCCM đặc biệt thì có văn bản đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tiếp tục thực hiện.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Sang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.