• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/09/2003
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 52/2003/TTLT/BVHTT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2003

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm công trình văn học - nghệ thuật,

báo chí theo cơ chế nhà nước đặt hàng

 

 

Thực hiện Quyết định số 151/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng, sau khi có ý kiến thống nhất của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (công văn số 231/CV-ĐCT ngày 21/7/2003), liên Bộ Văn hoá - Thông tin - Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí (đã hoàn thành, chưa hoàn thành hoặc được đặt hàng riêng theo chủ đề và khả năng sáng tạo của tác giả, nhóm tác giả) theo cơ chế đặt hàng thông qua Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam (sau đây gọi chung là các Hội), theo nguyên tắc:

1.1. Đối với tác phẩm, công trình văn học - nghệ thuật, báo chí:

- Hỗ trợ, đặt hàng cho các mảng đề tài thuộc:

+ Lịch sử dân tộc, cách mạng, kháng chiến và các thành tựu văn hoá, văn nghệ, báo chí;

+ Công cuộc đổi mới, những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại;

+ Thiếu niên, nhi đồng, dân tộc thiểu số.

+ Các mảng đề tài khác được các Hội chấp thuận.

- Các Hội tổ chức xét duyệt hỗ trợ, đặt hàng tác giả, nhóm tác giả, có đề cương cụ thể về đề tài, nội dung, kế hoạch, thời hạn hoàn thành tác phẩm hoặc bản thảo tác phẩm.

1.2. Đối với các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật khác: theo thông báo của Bộ Văn hoá - Thông tin cho từng nội dung cụ thể.

2. Hình thức hỗ trợ kinh phí: đặt hàng hoặc hỗ trợ.

3. Nguồn kinh phí hỗ trợ theo cơ chế đặt hàng: Ngân sách Trung ương.

4. Các Hội căn cứ vào tính đặc thù của từng chuyên ngành, có trách nhiệm:

- Xây dựng, ban hành, phổ biến quy trình thực hiện hỗ trợ, đặt hàng; quy chế xét duyệt, chọn lọc đề cương, đánh giá, nghiệm thu, thẩm định tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí do Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế đặt hàng.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ, đặt hàng hàng năm theo thông báo của Bộ Văn hoá - Thông tin. Sử dụng kinh phí Nhà nước hỗ trợ, đặt hàng đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Kinh phí đặt hàng được chi trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí thuộc các mảng đề tài quy định và có giá trị thiết thực, được các Hội chấp thuận. Mức chi cụ thể cho từng tác giả, nhóm tác giả do các Hội quyết định.

2. Kinh phí thực hiện hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng giai đoạn 2003 - 2004 phải tuân theo đúng quy trình; quy chế của các Hội. Mức chi hỗ trợ cho từng hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình do các Hội quyết định.

3. Chi hỗ trợ các hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật khác gồm:

- Chi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ (như mở trại sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, thâm nhập thực tế theo hình thức tập thể cho các hội viên, tổ chức các cuộc thi sáng tạo...) và thẩm định, phê bình - đánh giá, nghiệm thu tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí. Mức chi cụ thể theo các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

- Chi hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả đi thực tế trước và sau khi viết tác phẩm, công trình; chi cho hoạt động nghiên cứu, sưu tầm; sửa chữa và hoàn thiện tác phẩm, công trình... Mức hỗ trợ kinh phí do các Hội quyết định căn cứ vào quy mô tác phẩm, công trình và điều kiện thực hiện của tác giả, nhóm tác giả.

- Chi hỗ trợ kinh phí (trực tiếp hoặc gián tiếp) cho tác giả, nhóm tác giả để thực hiện phổ biến tác phẩm được xác định là có giá trị cao (xuất bản, tổ chức công diễn giới thiệu, dàn dựng thể nghiệm, triển lãm quy mô nhỏ...). Mức hỗ trợ kinh phí (một phần hoặc toàn bộ) do các Hội quyết định căn cứ vào quy mô tác phẩm, công trình, điều kiện thực hiện của tác giả, nhóm tác giả.

- Chi cho các hoạt động phục vụ chung cho việc hỗ trợ, đặt hàng.

4. Trên cơ sở định hướng lớn của Nhà nước hàng năm trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và báo chí, căn cứ mức dự toán kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí được cấp có thẩm quyền giao; các Hội lựa chọn đối tượng, thống nhất các nội dung hỗ trợ đặt hàng, phân bổ kinh phí chi tiết theo từng nội dung chi theo quy định, gửi Bộ Văn hoá - Thông tin. Ngay từ đầu năm, sau khi có sự thoả thuận của các cơ quan hữu quan, Bộ Văn hoá - Thông tin quyết định dưới hình thức thông báo cho các Hội về nội dung hỗ trợ đặt hàng, số kinh phí theo từng nội dung chi để làm cơ sở thực hiện.

5. Các khoản chi trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả được thực hiện theo phương thức ký hợp đồng giữa tác giả, nhóm tác giả với các Hội.

6. Cơ chế tài chính:

6.1. Mức kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng năm 2003 và 2004 cho các Hội như sau:

Đơn vị: Triệu đồng/năm

 

TT

Tên đơn vị

Số tiền

1

Hội Nhà văn Việt Nam

1.625

2

Hội Mỹ thuật Việt Nam

1.400

3

Hội Nhạc sĩ Việt Nam

1.400

4

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

1.400

5

Hội Điện ảnh Việt Nam

1.300

6

Hội Kiến trúc sư Việt Nam

1.155

7

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

1.200

8

Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

1.100

9

Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

1.190

10

Hội Văn nghệ các Dân tộc Thiểu số Việt Nam

1.015

11

Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

1.115

12

Hội Nhà báo Việt Nam

1.100

 

Tổng cộng

15.000

 

6.2. Dự toán kinh phí: Bộ Tài chính hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các Hội thực hiện kế hoạch hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng cùng với dự toán chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các Hội hàng năm.

6.3. Tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách:

- Năm 2003 trên cơ sở dự toán chi ngân sách được hỗ trợ, Bộ Tài chính cấp kinh phí cho các Hội theo quy định hiện hành.

- Năm 2004 trên cơ sở thông báo của Bộ Văn hoá - Thông tin và dự toán chi ngân sách năm được hỗ trợ, các Hội phân bổ dự toán chi ngân sách năm theo các nội dung chi và các nhóm mục chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) gửi Bộ Tài chính. Trong thời gian 7 ngày làm việc, Bộ Tài chính thẩm tra và thông báo bằng văn bản về kết quả thẩm tra phân bổ dự toán năm cho các Hội, đồng gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương. Trên cơ sở phân bổ dự toán chi ngân sách năm đã được Bộ Tài chính thẩm tra, các Hội lập dự toán chi ngân sách theo quý (có chia ra tháng) gửi Kho bạc nơi giao dịch để thực hiện việc chi trả, thanh toán theo quy định.

Bộ Tài chính bảo đảm nguồn ngân sách trong dự toán được hỗ trợ để thực hiện kế hoạch hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng của các Hội. Kinh phí được cấp hàng năm, các Hội chưa sử dụng kịp trong năm, được phép chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng chi cho các nội dung đã được Bộ Văn hoá - Thông tin thông báo và theo phân bổ dự toán năm của các Hội đã được Bộ Tài chính thẩm tra.

6.4. Công tác kiểm tra, báo cáo quyết toán hàng năm:

- Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với các Bộ Tài chính, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và các Hội kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả sử dụng kinh phí đặt hàng, hỗ trợ cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình của các Hội, tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc sử dụng kinh phí và thực hiện công tác quản lý tài chính theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các chế độ quản lý tài chính hiện hành.

- Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam làm đầu mối phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính thẩm định nội dung, đối tượng, kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo; đôn đốc các Hội thực hiện kế hoạch đặt hàng, hỗ trợ được giao; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, phát hiện kịp thời những khó khăn vướng mắc ở các Hội, đề xuất ý kiến với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Các Hội chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch được giao; quản lý kinh phí được cấp theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực, quyết toán theo đúng chế độ tài chính quy định (trường hợp phát sinh các khoản chi đặc thù, ngoài chế độ tài chính quy định, các Hội phải có văn bản gửi Bộ Văn hoá - Thông tin để xem xét và kiến nghị với Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản mới được thực hiện); hàng năm tổng kết, đánh giá và báo cáo Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam về kết quả thực hiện kế hoạch; phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, thông qua Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam để kiến nghị với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

7. Công khai tài chính: Các Hội phải thực hiện công khai tài chính theo đúng quy định hiện hành.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

- Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo đề nghị của các Hội Văn nghệ, Hội Nhà báo địa phương từ nguồn ngân sách của địa phương và được vận dụng nội dung quy định tại Thông tư này trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Văn hoá - Thông tin
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Vy Trọng Toán

Nguyễn Công Nghiệp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.