QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Về việc ban hành Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân của cơ quan Bộ và các đơn vị, trường học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
------------------------
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07-8-1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 62/2002/NĐ-CP ngày 14-6-2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05-11-2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30-3-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của cơ quan Bộ và các đơn vị, trường học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các vụ và Thủ trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân của cơ quan Bộ và các đơn vị, trường học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
(ban hành kèm theo Quyết định số 03/2003/QĐ-BGDĐT ngày 13-01-2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đơn, ý kiến khiếu nại, tố cáo do công dân gửi đến hoặc phản ánh với cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là cơ quan Bộ) và các đơn vị, trường học trực thuộc Bộ phải được xử lý kịp thời, giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07/8/1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 62/2002/NĐ-CP ngày 14-6-2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/1999/NĐ-CP.
Điều 2. Các Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các vụ (sau đây gọi tắt là tổ chức) thuộc cơ quan Bộ có nhiệm vụ xác minh, kết luận, kiến nghị Bộ trưởng giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trách nhiệm cụ thể được giao tại bản Quy định này.
Giám đốc các đại học, Hiệu trưởng các trường, Viện trưởng các viện nghiên cứu, Giám đốc các công ty, trung tâm, Nhà Xuất bản Giáo dục, Tổng biên tập các báo (sau đây gọi tắt là đơn vị) trực thuộc Bộ có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và theo trách nhiệm cụ thể được giao tại bản Quy định này.
Điều 3. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm:
1. Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo theo đúng quy định của pháp luật;
2. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị;
3. Kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng. Khi phát hiện có vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý;
4. Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ trưởng, thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng, quý, năm theo quy định của Tổng Thanh tra Nhà nước.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC GIẢI
QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CƠ QUAN BỘ
Điều 4. Đơn, ý kiến khiếu nại, tố cáo do công dân gửi đến hoặc phản ánh với cơ quan Bộ, sau khi nhận được, các tổ chức, cá nhân phải chuyển cho Thanh tra Bộ để vào sổ tổng hợp, theo dõi việc xem xét, giải quyết (trong trường hợp khi chuyển đơn phải tuân thủ quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo về việc giữ bí mật cho người tố cáo thì phải báo cáo để Bộ trưởng quyết định việc giải quyết) .
Thanh tra Bộ có trách nhiệm phân loại đơn thư, ý kiến, xử lý theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và bản Quy định này.
Điều 5. Đối với đơn thư kiến nghị, phản ánh, hỏi, góp ý... (không có nội dung khiếu nại, tố cáo), Thanh tra Bộ xem xét, nếu liên quan đến lĩnh vực quản lý của tổ chức, đơn vị nào thì chuyển cho tổ chức, đơn vị đó xem xét, giải quyết.
Điều 6. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại được quy định như sau:
1. Đối với khiếu nại không đủ điều kiện giải quyết hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng, Thanh tra Bộ xử lý theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
2. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, của cán bộ công chức do Bộ trưởng trực tiếp quản lý, Chánh Thanh tra Bộ xem xét nội dung khiếu nại liên quan đến tổ chức, đơn vị nào thì chuyển cho Thủ trưởng tổ chức, đơn vị đó xem xét, kết luận và phôi hợp với Thanh tra Bộ để kiến nghị Bộ trưởng giải quyết Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
3. Đối với khiếu nại mà Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã giải quyết nhưng còn có khiếu nại mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng thì Chánh Thanh tra Bộ tiến hành xác minh, kết luận, kiến nghị để Bộ trưởng giải quyết. Trong trường hợp này, quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.
4. Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Bộ trưởng ký và khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức do Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ ký đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại tiếp thì giao cho Vụ Tổ chức cán bộ xác minh, kết luận, kiến nghị để Bộ trưởng giải quyết.
5. Khi kiến nghị để Bộ trưởng giải quyết khiếu nại phải kèm theo dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung theo quy định tại Điều 38, Điều 45 của Luật Khiếu nại, tố cáo; không được dùng công văn, thông báo hoặc hình thức văn bản khác để thay thế quyết định giải quyết khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại phải gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan và Tổng Thanh tra Nhà nước; đối với những vụ việc phức tạp thì mời người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, đại diện cơ quan có liên quan đến để công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại.
6. Khi nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền của cấp dưới trực tiếp nhưng đã quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Chánh Thanh tra Bộ chuyển để yêu cầu cấp dưới giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết và nếu thấy cần thiết thì kiến nghị để Bộ trưởng xử lý người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết đó.
Điều 7. Trách nhiệm giải quyết tố cáo được quy định như sau:
1 Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị nào thì Thanh tra Bộ chuyển đơn cho Thủ trưởng đơn vị đó xem xét giải quyết.
2. Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ công vụ của người thuộc tổ chức nào trong cơ quan Bộ thì Thanh tra Bộ chuyển đơn cho Thủ trưởng tổ chức đó xác minh, kết luận và phối hợp với Thanh tra Bộ để kiến nghị Bộ trưởng giải quyết
3. Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ công vụ của Thủ trưởng, cấp phó của Thủ trưởng các tổ chức thuộc cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ thì Thanh tra Bộ trình Bộ trưởng quyết định việc giải quyết.
4. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ thì giao cho tổ chức có chức năng liên quan xác minh, kết luận, kiến nghị để Bộ trưởng giải quyết.
5. Tố cáo mà Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ đã giải quyết nhưng có vi phạm pháp luật thì Thanh tra Bộ xác minh, kết luận, kiến nghị với người đã giải quyết tố cáo đó xem xét giải quyết lại.
6. Tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển cho cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát xử lý theo quy định tại Điều 71 của Luật Khiếu nại, tố cáo.
7. Không xem xét, giải quyết những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
Điều 8. Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của mình thì Thủ trưởng tổ chức có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, kết luận, kiến nghị để Bộ trưởng giải quyết. Sau khi có kết quả giải quyết, tổ chức đó phải gửi thông báo cho Thanh tra Bộ để tổng hợp, theo dõi.
Điều 9. Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo cần phải thành lập đoàn thanh tra của Bộ để xác minh, tùy theo tính chất vụ việc Bộ trưởng hoặc Chánh Thanh tra Bộ ra quyết định thành lập đoàn thanh tra. Các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cử cán bộ đúng thành phần tham gia đoàn thanh tra.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
CỦA CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ
Điều 10. Thủ trưởng các đơn vi trực thuộc Bộ là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo theo trách nhiệm được quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của đơn vị mình.
Điều 11. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại được quy định như sau:
1. Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng đơn vị hoặc của cán bộ, công chức do mình trực tiếp quản lý thì phân công cán bộ tiến hành xác minh, kết luận, kiến nghị để Thủ trưởng giải quyết.
2. Đối với khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức do Thủ trưởng đơn vị ký thì giao cho bộ phận tổ chức cán bộ tiến hành xác minh, kết luận, kiến nghị để Thủ trưởng giải quyết.
3. Đơn khiếu nại do Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc các cơ quan báo chí chuyển đến thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm xử lý theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
4. Khi giải quyết khiếu nại, Thủ trưởng đơn vị phải ra quyết định giải quyết khiếu nại với nội dung theo quy định tại Điều 38, Điều 45 của Luật Khiếu nại, tố cáo; không được dùng công văn, thông báo hoặc hình thức văn bản khác để thay thế quyết định giải quyết khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại phải gửi cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan và Thanh tra Bộ; đối với vụ việc phức tạp thì mời người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan, đại diện cơ quan liên quan đến để công bố công khai quyết định giải quyết khiếu nại.
Điều 12. Trách nhiệm giải quyết tố cáo được quy định như sau:
1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý thì Thủ trưởng phân công cán bộ tiến hành xác minh, kết luận, kiến nghị để Thủ trưởng giải quyết.
2. Tố cáo hành vi vi phạm quy định về nhiệm vụ công vụ của Thủ trưởng, cấp phó của Thủ trưởng đơn vị, của Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước do Bộ trưởng bổ nhiệm thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng.
3. Tố cáo hành vi phạm tội thì chuyển cho cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát xử lý theo quy định tại Điều 71 của Luật Khiếu nại, tố cáo.
4. Không xem xét, giải quyết những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới.
Điều 13. Đơn khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Bộ chuyển đến theo sự ủy quyền của Bộ trưởng thì Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm giải quyết. Khi giải quyết xong hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo kết quả giải quyết để Thanh tra Bộ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.
Điều 14. Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của mình, Thủ trưởng đơn vị phân công cán bộ tiến hành xác minh, kết luận, kiến nghị để Thủ trưởng đơn vị giải quyết. Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết các khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo và các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật Khiếu nại, tố cáo.
Điều 15. Thủ trưởng các đơn vị cử cán bộ theo dõi, tổng hợp, viết báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân hàng tháng, quý năm gửi cho Bộ (qua Thanh tra Bộ) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Nhà nước theo quy định.
Điều 16. Tổ chức Thanh tra nhân dân trong các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị để Thủ trưởng đơn vị giải quyết kịp thời, đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều 17. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hiệu trưởng các trường và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc các đại học do Giám đốc đại học căn cứ quy định của pháp luật để quy định cụ thể.
Chương IV
CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN
Điều 18. Công tác tiếp công dân của cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện theo quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07-8-1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo, Nghị định số 89/CP ngày 07-8-1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân và Thông tư số 25/1997/TT-BGDĐT ngày 31-12-1997 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thi hành Nghị định số 89/CP của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân, thực hiện trong ngành giáo dục và đào tạo.
Điều 19. Việc tiếp công dân của cơ quan Bộ được quy định cụ thể như sau:
1. Tổ chức tiếp công dân tại phòng tiếp công dân tại trụ sở cơ quan Bộ.
Văn phòng phối hợp với Thanh tra Bộ bố trí phòng tiếp công dân của cơ quan Bộ bảo đảm các điều kiện để công dân đến trực tiếp đưa đơn thư hoặc trình bày ý kiến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.
Thanh tra Bộ có trách nhiệm phân công cán bộ thường trực tiếp công dân thường xuyên tại phòng tiếp công dân của cơ quan Bộ.
2. Bộ trưởng (hoặc Thứ trưởng được ủy quyền) mỗi tháng tiếp công dân một ngày vào ngày 25 hàng tháng (nếu là ngày nghỉ thì bố trí tiếp công dân vào ngày làm việc ngay sau đó).
3. Việc tiếp công dân của Bộ trưởng do Văn phòng chủ trì phối hợp với Thanh tra Bộ và các cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, cử cán bộ cùng tiếp .
Điều 20. Việc tiếp công dân của các đơn vị trực thuộc Bộ được quy định cụ thể như sau:
1. Các đơn vị phải bố trí phòng tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Thủ trưởng đơn vị cử người thường xuyên tiếp công dân.
2 . Thủ trưởng đơn vị mỗi tháng tiếp công dân ít nhất một ngày. Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết lịch tiếp và nội quy tiếp công dân.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Bản Quy định này áp dụng cho các cơ quan trong cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để cụ thể hóa các quy đinh của pháp luật, nhằm tăng cường quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Điều 22. Thủ trưởng các tổ chức thuộc cơ quan Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.