• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 11/04/2014
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 1944/2003/QĐ-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 4 tháng 7 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông

đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1

____________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29/6/2001;

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ Qui định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu bộ máy của Bộ Giao thông Vận tải. Để quản lý, khai thác có hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3: Các ông (bà): Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý Chất lượng Công trình Giao thông, Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, các Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tây, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hoà Bình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hoá, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Bình, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Trị, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 

Ngô Thịnh Đức

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - GIAI ĐOẠN I
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1944/2003/QĐ-BGTVT

ngày 4 tháng 7 năm 2003)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác đường Hồ Chí Minh giai đoạn I từ Hoà Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) nhằm hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, nhân dân hai bên đường và các phương tiện, người tham gia giao thông biết thực hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình và khai thác công trình có hiệu quả.

Ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh qui chế này, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú hoặc hoạt động hai bên đường và phương tiện, người tham gia giao thông còn phải tuân theo các qui định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật khác liên quan.

Điều 2. Các từ ngữ được dùng trong Quy chế này được hiểu như sau:

1. Đất của đường Hồ Chí Minh: là phần đất trên đó được xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh gồm cầu, đường, đường gom, cầu vượt, nút giao, đất đã giải phóng mặt bằng, điểm giao thông tĩnh, trạm nghỉ, nhà quản lý và các công trình phụ trợ khác.

2. Hành lang giải phóng mặt bằng: là phần đất đã được nhà nước đền bù thu hồi để xây dựng đường Hồ Chí Minh theo qui hoạch và được giới hạn bằng hệ thống cọc mốc giải phóng mặt bằng.

3. Hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh: là dải đất dọc hai bên đường Hồ Chí Minh xây dựng theo qui hoạch, để bảo vệ công trình đường Hồ Chí Minh và đảm bảo an toàn giao thông, có bề rộng theo qui định của Chính phủ được giới hạn bởi hệ thống cọc mốc lộ giới.

4. Phần đường xe chạy: là phần đường dành cho các phương tiện giao thông qua lại.

5. Làn đường: là một phần đường dành cho xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có chiều rộng đủ cho xe chạy an toàn.

6. Dải phân cách giữa: là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy, thể hiện bằng vạch sơn hoặc bằng hộ lan tôn sóng hoặc bằng bê tông.

7. Dải phân cách bên: là bộ phận của đường để phân chia đường chính với công trình giao thông tĩnh, đường gom hoặc hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh, thể hiện bằng vạch sơn hoặc bằng hộ lan tôn sóng hoặc rào bằng vật liệu khác.

8. Đường ngang: là đường bộ giao cắt với đường Hồ Chí Minh cùng mức hoặc khác mức.

9. Đường ngang dân sinh: là đường ngang dành cho người đi bộ, xe thô sơ, xe cơ giới nhỏ đi cắt qua đường Hồ Chí Minh.

10. Đường gom: là những đoạn đường chạy dọc đường Hồ Chí Minh dành cho giao thông của khu vực trước khi các phương tiện giao thông được phép nhập vào đường Hồ Chí Minh tại nút giao.

11. Cầu dân sinh: là cầu nằm trên đường Hồ Chí Minh vượt đường ngang dân sinh.

12. Cầu vượt: là cầu nằm trên đường ngang vượt qua đường Hồ Chí Minh hoặc cầu trên đường Hồ Chí Minh vượt ngang khi giao khác mức.

Điều 3. Nghiêm cấm xe công nông, xe cơ giới tự chế không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, không được đăng ký hoặc không được đăng kiểm lưu thông trên đường

Điều 4. Hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh:

1. Đối với cầu vượt sông, suối, kênh, rạch ngoài khu vực đô thị:

Theo chiều dọc cầu, từ đuôi mố cầu ra mỗi bên là:

+ 50m đối với cầu có chiều dài từ 60m trở lên

+ 30m đối với cầu có chiều dài dưới 60m.

Trường hợp đường đầu cầu dốc lên, dốc xuống lớn hơn quy định trên thì giới hạn hành lang bảo vệ được tính từ đuôi mố cầu ra đến hết chân dốc.

- Theo chiều ngang cầu: kể từ điểm ngoài cùng của kết cấu cầu theo qui hoạch trở ra mỗi phía là:

+ 150m đối với cầu có chiều dài lớn hơn 300m

+ 100m đối với cầu có chiều dài từ 60m đến 300m

+ 50m đối với cầu có chiều dài từ 20m đến dưới 60m

+ 20m đối với cầu có chiều dài dưới 20m.

2. Đối với đường ở ngoài khu vực đô thị:

- Từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hoặc rãnh đỉnh của đường theo qui hoạch được duyệt trở ra mỗi bên 20m hoặc 15m (đối với nhánh phía Tây).

3. Đối với các hầm là vùng đất, đá, khoảng không, có khoảng cách từ điểm ngoài cùng của các bộ phận cấu tạo của hầm trở ra là 100m.

4. Đối với các vị trí nút giao thông, tùy theo thực tế nút giao thông mà hành lang của đường được cắm cho phù hợp nhưng sao cho hành lang tính từ điểm ngoài cùng của nút ra ngoài ít nhất đủ 20m.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH –

GIAI ĐOẠN 1

Điều 5. Để xây dựng giai đoạn II đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó về đất Mũi Cà Mau tùy từng đoạn có qui mô từ 6 đến 8 làn xe, chính quyền địa phương căn cứ mốc lộ giới đã cắm, hướng dẫn nhân dân sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc xây dựng, cơi nới công trình trong phạm vi đất dành cho xây dựng đường Hồ Chí Minh theo qui hoạch và hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh .

Nghiêm cấm tái lấn chiếm phần hành lang đã đền bù giải phóng mặt bằng.

Nghiêm cấm việc khai thác vật liệu hoặc xây dựng công trình không phục vụ quản lý khai thác an toàn đường Hồ Chí Minh trong phạm vi đất và hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh, trừ các công trình đặc biệt, thiết yếu nhưng phải được thoả thuận của Bộ Giao thông Vận tải ngay từ khi lập dự án.

Trong phạm vi hành lang an toàn giao thông quy định tại Điều 4 ngoài các việc nghiêm cấm trên còn phải tuân theo các quy định dưới đây:

1. Không tổ chức xây dựng chợ, cơ sở dịch vụ, trường học, nhà ở và các công trình khác.

2. Không xây dựng biển quảng cáo nhất là các biển phát sáng có nội dung không nhằm mục đích an toàn giao thông .

3. Không được đào đất, đá; không được đổ phế thải, phế liệu làm ảnh hưởng đến thoát nước, đến vệ sinh môi trường và an toàn cầu, đường .

Điều 6. Các Khu Quản lý Đường bộ chỉ đạo các Công ty Quản lý và Sửa chữa Đường bộ tiếp nhận bàn giao đầy đủ hệ thống mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới từ Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, tiến hành thay thế các cọc tạm, cọc hư hỏng và bổ sung đáp ứng đủ cho việc quản lý giới hạn phần hành lang đã đền bù, hành lang an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh. Lập thành hồ sơ và bàn giao cho Uỷ ban Nhân dân xã, huyện sở tại làm cơ sở quản lý chống lấn chiếm và giải tỏa; đồng thời hàng năm phối hợp với Uỷ ban Nhân dân xã, huyện bổ sung, sơn sửa nhằm giữ gìn hệ thống cọc mốc an toàn, đầy đủ.

Điều 7. Đường Hồ Chí Minh là đường ưu tiên, các đường ngang giao với đường Hồ Chí Minh là đường không ưu tiên. Trong giai đoạn I các đường ngang có thể giao cùng mức, khi thực hiện dự án giai đoạn II phải xây dựng khác mức;

Nghiêm cấm mở đường ngang mới; trường hợp xây dựng các trạm nghỉ-dịch vụ, khu công nghiệp, khu dân cư theo quy hoạch đã được Chính phủ, Bộ Thương mại, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh duyệt theo phân cấp qui định thì mỗi khu, trạm chỉ được đấu nối với đường Hồ Chí Minh tại 1 vị trí nút giao. Khi lập dự án phải thỏa thuận ngay vị trí nút giao với Bộ Giao thông Vận tải; việc thiết kế và tổ chức giao thông tại nút giao phải do cơ quan tư vấn thiết kế giao thông vận tải thiết kế và được Cục Đường bộ Việt Nam thỏa thuận bằng văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền duyệt, nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho đường Hồ Chí Minh.

Điều 8. Tốc độ lưu thông trên đường được quy định như sau:

1. Khi lưu thông trên đường ở những nơi không có biển hạn chế tốc độ, điều kiện trên đường khô ráo và thời tiết bình thường thì người lái xe không được phép cho xe chạy quá tốc độ tối đa dưới đây:

Loại phương tiện

Trong đô thị (km/h)

Ngoài đô thị (km/h)

- Xe con, xe tắc xi đến 9 chỗ ngồi

45

70

- Xe mô tô 2 - 3 bánh, xe tải có tải trọng dưới 3500 kg, xe ôtô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi

35

50

- Xe tải có tải trọng 3500 kg trở lên, xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi

30

40

- Xe xích lô máy, xe gắn máy

25

30

- Xe ôtô chở hàng quá khổ, quá tải, xe sơ-mi-rơ-moóc, xe kéo rơ-moóc hay kéo xe khác bị hỏng

20

30

Trong điều kiện thời tiết không bình thường, trời mưa, đường trơn ướt, sương mù, người lái xe phải cho xe chạy với tốc độ phù hợp, thấp hơn so với tốc độ tối đa quy định trên.

2. Đối với người đi bộ phải luôn luôn đi trên lề đường hoặc hè đường (nơi có bố trí hè); khi qua đường phải quan sát và chỉ qua đường khi không có nguy hiểm.

3. Đối với xe thô sơ, xe súc vật kéo phải luôn luôn đi sát phần đường bên phải sát lề đường, người điều khiển xe súc vật kéo phải đi bộ và đi bên trái súc vật kéo; nghiêm cấm đỗ, dừng không đúng nơi quy định hoặc chiếm đường dành cho xe cơ giới.

Điều 9: Quy định về sử dụng đường

1. Người và phương tiện khi tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm chỉnh hướng dẫn của hệ thống báo hiệu; đi đúng làn đường; vượt xe, chuyển hướng xe, tránh xe đi ngược chiều và lùi xe đúng qui định.

2. Các loại phương tiện, người đi bộ khi tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh chỉ được đi trong làn đường và tốc độ quy định. Khi trời mưa, đường trơn phải giảm tốc độ đến mức an toàn nhưng không vượt quá quy định tại Điều 8 của bản Quy chế này hoặc biển báo hướng dẫn tốc độ.

3. Các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường Hồ Chí Minh khi đến các khu vực có các báo hiệu nguy hiểm, chợ, trường học, đường dành cho người đi bộ, nơi có thú rừng hoặc các báo hiệu tương tự khác thì đều phải giảm tốc độ xuống tối thiểu để đảm bảo an toàn.

4. Nghiêm cấm người điều khiển phương tiện dừng đỗ không đúng quy định, chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá tải trọng, kích thước quy định gây cản trở giao thông.

5. Cán bộ, công nhân và các phương tiện của đơn vị quản lý, sửa chữa đường Hồ Chí Minh khi chiếm dụng làn đường để làm công tác bảo trì phải thực hiện gọn gàng và có đủ tín hiệu, báo hiệu, hàng rào chắn đặt theo quy định và có người gác hướng dẫn giao thông; nghiêm cấm thi công tràn lan cả mặt cắt ngang đường gây ùn tắc giao thông. Trường hợp bắt buộc tắc đường thì đơn vị thi công phải có ngay biện pháp phân luồng, làm đường tạm và có đầy đủ biển báo hiệu, rào chắn, đèn chiếu sáng ban đêm và người gác hai đầu đoạn tắc để điều khiển giao thông.

6. Nghiêm cấm đổ vật liệu, phế thải, dầu, mỡ trên mặt đường. Chủ hàng, lái xe các phương tiện vận chuyển hàng phải chằng buộc, che đậy hàng cẩn thận và chịu trách nhiệm vệ sinh, thu gom kịp thời vật liệu rơi vãi.

7. Không tụ tập đông người trên đường; không ngồi chơi ở trên mặt đường, cọc tiêu, hộ lan tôn sóng.

8. Không phơi rơm, rạ hoặc các loại cây, vật dụng khác trên hàng rào, dải phân cách, biển báo và các bộ phận khác của đường .

9. Không chăn thả trâu, bò và gia súc trên nền, mặt đường. Khi cần di chuyển súc vật thì phải có người dẫn và đi sát lề đường bên phải.

10. Không được phá hủy, tự ý di chuyển đi nơi khác biển báo hiệu, cọc tiêu, vạch sơn, hộ lan tôn sóng và các thiết bị báo hiệu khác trên đường khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

11. Không được lợi dụng hệ thống báo hiệu, dải phân cách, hàng rào, cọc tiêu để trưng bày, quảng cáo hàng hóa làm mất mỹ quan và mất an toàn giao thông.

12. Nghiêm cấm việc mua bán, kinh doanh hàng hóa trên mặt đường lề đường, ta luy đường và hành lang an toàn.

13. Nghiêm cấm các hành vi làm hư hại công trình giao thông; nghiêm cấm mở đường ngang trái phép hoặc đào, khoan, xẻ đường trái phép hoặc đặt, để các vật trái phép trên đường.

Điều 10: Quy định về đi ngang đường

Tại các khu vực đường đi qua đô thị có bố trí nơi cho phép người đi bộ đi ngang đường bằng vạch sơn và biển báo hiệu, người đi bộ cần qua đường thì nhất thiết phải đi trong phạm vi vạch sơn dành cho người đi bộ.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ

Điều 11: Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ thống nhất quản lý đường Hồ Chí Minh giai đoạn I. Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các Khu Quản lý Đường bộ, Công ty Quản lý và Sửa chữa Đường bộ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Ban An toàn Giao thông tỉnh, Cảnh sát Giao thông Đường bộ, Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội thực hiện tốt các việc dưới đây:

1. Tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông Đường bộ, các Nghị định, văn bản dưới Luật và bản Quy chế này để các cơ quan, tổ chức, nhân dân ở hai bên đường và mọi thành phần tham gia giao thông hiểu, chấp hành và cùng tham gia quản lý, bảo vệ đường Hồ Chí Minh thực hiện đúng phương châm "Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông".

2. Triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW ngày 24 tháng 2 năm 2003 của Ban Bí thư, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, tiến tới giảm dần tai nạn, ùn tắc giao thông và lập lại trật tự an toàn giao thông trên đường Hồ Chí Minh, các Khu Quản lý Đường bộ tổ chức thực hiện thật tốt trách nhiệm gìn giữ ổn định, bền vững công trình, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Các Khu Quản lý Đường bộ phát hiện, hỗ trợ để chính quyền địa phương bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường Hồ Chí Minh theo luật định.

3. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội trong việc quản lý bến bãi, trạm nghỉ, hành lang an toàn giao thông và công trình giao thông tĩnh khác.

Phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông Đường bộ trong việc đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.

Điều 12: Các Khu Quản lý Đường bộ, Công ty Quản lý và Sửa chữa Đường bộ, Thanh tra Giao thông được giao trực tiếp quản lý đường Hồ Chí Minh có trách nhiệm:

1. Quản lý tốt hệ thống cầu, đường, các thiết bị an toàn giao thông đã được thực hiện trong dự án.

2. Thường xuyên sửa chữa, bảo trì giữ ổn định trạng thái cầu, đường và các thiết bị an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho hoạt động của người và phương tiện tham gia giao thông trên đường theo tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ 22TCN 306-03 được Bộ Giao thông Vận tải ban hành theo Quyết định số 1527/2003/QĐ-BGTVT ngày 28/5/2003.

3. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện các hư hỏng, mất mát và các hành vi xâm hại khác để xử lý kịp thời, đảm bảo Quy chế này được thực hiện một cách nghiêm túc.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý, bảo vệ công trình giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên đường Hồ Chí Minh thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 14: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những quy định của Luật Giao thông Đường bộ, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giao thông Đường bộ và bản Quy chế này thì bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.