• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/02/2002
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 05/2002/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 2 năm 2002

CHỈ THỊ

Về tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ cổ vật trong di tích và ngăn chặn đào bới, trục vớt trái phép di chỉ khảo cổ học

______________________

Cổ vật là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hoá Việt Nam. Trong những năm qua, việc bảo vệ di sản văn hoá nói chung, các di tích và cổ vật nói riêng, đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nạn chộm cắp cổ vật trong các di tích tăng lên tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Việc đào bới, trục vớt trái phép cổ vật ở trong lòng đất và dưới biển cũng gia tăng và lan rộng. Hiện tượng mua bán các cổ vật diễn ra công khai trái với quy định của pháp luật.

Để tăng cường bảo vệ và quản lý di tích, cổ vật, và các di chỉ khảo cổ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện ngay một số công việc sau:

1. Bộ Văn hoá- Thông tin có trách nhiệm:

a) Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích; phối hợp với Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan bồi dưỡng nghiệp vụ giám định cổ vật cho cán bộ quản lý thị trường và Hải quan cửa khẩu.

b) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá nhằm nâng cao nhận thức về giá trị văn hoá tinh thần của các di sản văn hóa, nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ di sản văn hoá, coi việc bảo vệ di sản văn hoá là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các ngành, các cấp, của mọi tổ chức, đơn vị và mọi công dân.

c) Chỉ đạo cơ quan văn hoá - thông tin ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, hải quan cửa khẩu, quản lý thị trường bám sát thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hoá; kiến nghị các biện pháp để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo các cơ quan liên quan thi hành ngay các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ di sản văn hoá trên địa bàn.

d) Phối hợp với Bộ Tài chính và Viện Thu đua - Khen thưởng Nhà nước nghiên cứu chế độ khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ di sản văn hoá.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo ngành công an cùng với chính quyền các cấp làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hoá; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động trộm cắp, buôn bán cổ vật trái phép, xâm phạm di chỉ khảo cổ học; có biện pháp truy tìm các ổ trộm cắp, buôn bán trái phép cổ vật và lập hồ sơ truy tố trước pháp luật; cung cấp đầy đủ các chứng cứ, thông tin cần thiết tạo điều kiện thuận lợi để Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân các cấp xét xử nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hoá nhằm giáo dục và răn đe các đối tượng có ý đồ trộm cắp, đào bới, trục vớt trái phép cổ vật.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các Bảo tàng và Ban quản lý di tích tiếp tục kiểm kê, lập danh mục cổ vật tại các di tích;

b) Có kế hoạch đầu tư khảo sát, thăm dò và khai quật khảo cổ hàng năm để sưu tầm, bổ sung và hoàn thiện các bộ sưu tập hiện vật gốc của bảo tàng;

c) Xây dựng phương án bảo vệ đặc biệt đối với các cổ vật quý hiếm;

d) Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân địa phương; quán triệt pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá đến các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội và mọi người dân; hướng dẫn các địa phương đưa nội dung này vào hương ước, qui ước đề nhân dân bàn bạc dân chủ, xây dựng và thực hiện; thành lập các tổ chức an ninh tự quản tại các thôn, làng, ấp, bản để thực hiện tuần tra, canh gác, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích;

đ) Quy định trách nhiệm cụ thể của Uỷ ban nhân dân các cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di sản văn hoá trên địa bàn. Giữa Uỷ ban nhân dân cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích phải có văn bản ký kết về trách nhiệm bảo vệ di sản văn hoá trên địa bàn. Không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích.

4. Ban Tôn giáo của Chính phủ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ di sản văn hoá nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân thành viên trong việc bảo vệ di sản văn hoá, trong việc giữ gìn và bảo vệ các cổ vật.

5. Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành sơ kết đợt I đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị này trước ngày 30 tháng 6 năm 2002 và gửi báo cáo về Bộ Văn hoá - Thông tin trước ngày 15 tháng 7 năm 2002 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.