PHÁP LỆNH
Về tài nguyên khoáng sản
, sử dụng hợp lý nhằm bảo đảm nhu cầu nguyên liệu khoáng trước mắt và lâu dài của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ vào Điều 19, Điều 36 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong các lĩnh vực điều tra địa chất, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Trong Pháp lệnh này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1- "Tài nguyên khoáng sản" là những vật chất tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí còn trong lòng đất, kể cả ở bãi thải của công nghiệp mỏ, hiện tại hoặc sau này có thể khai thác, sử dụng.
2- "Mỏ" hoặc "mỏ khoáng sản" là tích tụ tài nguyên khoáng sản có số lượng và chất lượng khoáng sản đạt chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khai thác mỏ.
3- "Điều tra địa chất" là những hoạt động nghiên cứu địa chất lòng đất và tìm kiếm, thăm dò tài nguyên khoáng sản.
4- "Khai thác mỏ" là những hoạt động để lấy tài nguyên khoáng sản ở mỏ nhằm sản xuất nguyên liệu khoáng, nhiên liệu khoáng, kim loại tự sinh, nước dưới đất, nước khoáng, nước nóng (gọi chung là nguyên liệu khoáng) cho các nhu cầu sử dụng khác nhau.
5- "Khu vực khai thác mỏ" là một phần hoặc toàn bộ mỏ khoáng sản có ranh giới theo bề mặt và theo chiều sâu được xác định trong quyết định giao khu vực khai thác mỏ hoặc giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản.
6- "Tài nguyên khoáng sản chưa khai thác" là tài nguyên khoáng sản chưa được điều tra địa chất hoặc đã được điều tra địa chất mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa cho phép khai thác theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 2
Toàn bộ tài nguyên khoáng sản ở đất liền, thềm lục địa, các hải đảo và vùng biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam tạo thành vốn tài nguyên khoáng sản thống nhất của Nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý.
Điều 3
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào việc điều tra địa chất, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, trừ những tài nguyên khoáng sản và khu vực có quy định khác.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư vốn, kỹ thuật vào công tác điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế biến nguyên liệu khoáng ở Việt Nam theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Pháp lệnh này.
Điều 4
Tổ chức, cá nhân đầu tư tìm kiếm, thăm dò tài nguyên khoáng sản nếu có kết quả thì được ưu tiên đầu tư khai thác mỏ.
Nhà nước bảo đảm cho tổ chức, cá nhân khai thác mỏ được hưởng những quyền lợi hợp pháp ở khu vực khai thác mỏ được giao, kể cả quyền liên doanh thăm dò, khai thác, tiêu thụ sản phẩm, thừa kế quyền khai thác, chuyển, nhượng, bán các công trình đã đầu tư xây dựng ở khu vực khai thác mỏ theo quy định của pháp luật.
Điều 5
Tổ chức, cá nhân điều tra địa chất, khai thác mỏ có nghĩa vụ thực hiện chế độ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường và tài nguyên khác, bảo đảm an toàn về mỏ; nộp thuế và lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 6
Nghiêm cấm tiến hành điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng khu vực lòng đất có tài nguyên khoáng sản khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 7
Quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản bao gồm:
1- Lập quy hoạch và kế hoạch công tác điều tra địa chất, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản;
2- Quy định chế độ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong điều tra địa chất, khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác;
3- Giao và thu hồi khu vực khai thác mỏ; cho phép và đình chỉ việc khai thác tài nguyên khoáng sản, điều tra địa chất, sử dụng khu vực đất đai, lòng đất có tài nguyên khoáng sản;
4- Đăng ký nhiệm vụ điều tra địa chất, khu vực và công trình khai thác mỏ, khu vực lòng đất phải bảo vệ; lập danh bạ mỏ và biểu hiện khoáng sản; thống kê trữ lượng tài nguyên khoáng sản; lưu trữ tài liệu về khai thác mỏ và mẫu vật địa chất;
5- Thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường có liên quan;
6- Giải quyết tranh chấp về quyền điều tra địa chất, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường có liên quan.
Điều 8
Hội đồng bộ trưởng thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra địa chất và khai thác mỏ giúp Hội đồng bộ trưởng trong lĩnh vực này.
Các bộ có liên quan đến việc khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản được giao trách nhiệm quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp được phân cấp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản thuộc phạm vi địa phương mình thì quy mô, tính chất và tầm quan trọng của tài nguyên khoáng sản do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Điều 9
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường có liên quan.
Các cơ quan Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét đầy đủ các kiến nghị của các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường có liên quan.
Nhà nước bảo đảm lợi ích của nhân dân địa phương tại nơi có mỏ được khai thác.
CHƯƠNG II
ĐIềU TRA địA CHấT
Điều 10
Chỉ được tiến hành điều tra địa chất khi có giấy phép hoặc quyết định phê duyệt phương án của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Điều 11
Trước khi thi công phương án điều tra địa chất, tổ chức, cá nhân điều tra địa chất phải đăng ký nhiệm vụ phương án tại cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra địa chất.
Điều 12
Uỷ ban nhân dân các cấp theo thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện sử dụng đất đai hoặc giao đất theo quy định tại Điều 13 và Điều 39 của Luật đất đai cho tổ chức, cá nhân để tiến hành nhiệm vụ phương án điều tra địa chất đã được đăng ký.
Điều 13
Khi lập và thi công các phương án điều tra địa chất, tổ chức, cá nhân điều tra địa chất có nghĩa vụ:
1- Xác định rõ mục tiêu, nội dung, mức độ, phạm vi và phương pháp công tác có căn cứ khoa học, bảo đảm chất lượng và hiệu quả thiết thực;
2- Bảo đảm độ tin cậy về số lượng, chất lượng của trữ lượng khoáng sản chính, các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm cũng như các điều kiện kinh tế, kỹ thuật về khai thác mỏ theo quy định của Nhà nước về giai đoạn và mức độ tìm kiếm, thăm dò;
3- Sử dụng các phương pháp kỹ thuật, công nghệ bảo vệ được tài nguyên khoáng sản và môi trường có liên quan, bảo đảm an toàn;
4- Thực hiện việc khấu trừ, thống kê trữ lượng khoáng sản, đăng ký và lập danh bạ các mỏ, các biểu hiện khoáng sản;
5- Nộp lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
6- Bồi thường thiệt hại do việc điều tra địa chất gây ra.
Điều 14
Khi kết thúc thi công phương án điều tra địa chất, tổ chức, cá nhân điều tra địa chất có trách nhiệm:
1- Thực hiện việc bảo quản các công trình trắc địa, địa chất còn cần sử dụng, thanh lý các công trình địa chất để bảo đảm an toàn và bảo vệ tài nguyên khoáng sản;
2- Lập hồ sơ tài liệu, báo cáo địa chất, mẫu vật địa chất và nộp lưu trữ Nhà nước theo quy định của pháp luật;
3- Trình báo cáo địa chất lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phê duyệt nếu phương án được thực hiện bằng vốn của Nhà nước và để đánh giá nếu phương án được thực hiện bằng các nguồn vốn khác.
Điều 15
Chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật dùng để tính trữ lượng khoáng sản phải được xây dựng, phê duyệt đối với từng mỏ do Nhà nước đầu tư thăm dò theo quy định của cơ quan xét duyệt trữ lượng khoáng sản.
CHƯƠNG III
KHAI THÁC MỎ
Điều 16
Việc giao khu vực khai thác mỏ, cho phép khai thác tài nguyên khoáng sản phải theo những căn cứ sau đây:
1- Chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch khai thác mỏ của Nhà nước;
2- Kết quả điều tra địa chất và trữ lượng tài nguyên khoáng sản ở khu vực xin khai thác;
3- Luận chứng kinh tế - kỹ thuật khai thác bảo đảm tài nguyên khoáng sản của mỏ được khai thác đầy đủ, sử dụng hợp lý;
4- Điều kiện tài chính, kinh tế, kỹ thuật, trình độ chuyên môn về địa chất, khai thác mỏ và năng lực quản lý của tổ chức, cá nhân xin khai thác, hợp đồng khai thác mỏ, đã ký kết;
5- Yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh, bảo đảm an ninh - quốc phòng;
6- Quy định của Nhà nước về kỹ thuật và an toàn trong khai thác mỏ và chế biến nguyên liệu khoáng.
Điều 17
Việc quyết định giao khu vực khai thác mỏ hoặc cho phép khai thác tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền của Hội đồng bộ trưởng, cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương.
Hội đồng bộ trưởng quy định cụ thể việc phân cấp giao khu vực khai thác mỏ hoặc cho phép khai thác tài nguyên khoáng sản theo nguyên tắc bảo đảm quyền quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước trung ương về tài nguyên khoáng sản, nhất là những khoáng sản và mỏ quan trọng đối với cả nước hoặc đối với vùng kinh tế, đồng thời bảo đảm phát huy thế mạnh, tính năng động, tự chủ; phù hợp với quy mô phát triển kinh tế địa phương và khả năng quản lý của chính quyền địa phương.
Điều 18
Việc giao đất để khai thác mỏ phải tuân theo quy định tại Điều 13 và Điều 39 của Luật đất đai. Cơ quan giao đất để khai thác mỏ phải căn cứ vào quyết định giao khu vực khai thác mỏ, vào thiết kế và quy hoạch khai thác.
Điều 19
Khi lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật và thiết kế khai thác mỏ, cơ quan lập luận chứng hoặc thiết kế có trách nhiệm xác định:
1- Bố trí hợp lý các công trình trên mặt, cũng như các công trình ngầm bảo đảm thu hồi tối đa trữ lượng khoáng sản và an toàn mỏ;
2- Phương pháp kỹ thuật, hệ thống, công nghệ và tiến độ khai thác, công nghệ chế biến nguyên liệu khoáng bảo đảm khai thác tối đa, sử dụng tổng hợp cả khoáng sản chính, các khoáng sản và thành phần có ích đi kèm;
3- Sử dụng hợp lý đất bóc, đá thải; thống kê, bảo quản các khoáng sản hoặc đất đá chứa thành phần có ích buộc phải khai thác đồng thời với khoáng sản chính nhưng chưa sử dụng được;
4- Công tác địa chất khai thác và trắc địa mỏ phải làm trong quá trình xây dựng mỏ và khai thác;
5- Các biện pháp bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường có liên quan; khôi phục khả năng sử dụng hợp lý đất đai sau khi khai thác xong.
Điều 20
Khi bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác mỏ phải đăng ký khu vực hoặc công trình khai thác tại cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Điều 21
Tổ chức, cá nhân khai thác mỏ có các nghĩa vụ sau đây;
1- Tuân theo quyết định giao khu vực khai thác mỏ, thiết kế, sơ đồ khai thác, chế biến nguyên liệu khoáng đã được phê duyệt, các quy tắc an toàn về mỏ và bảo vệ môi trường có liên quan. Khi thay đổi thiết kế khai thác hoặc sơ đồ chế biến nguyên liệu khoáng làm tăng mức tổn thất tài nguyên khoáng sản đã được phê duyệt phải được cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản cho phép;
2- Thực hiện công tác trắc địa mỏ, địa chất khai thác; tính tổn thất thực tế, khấu trừ, thống kê, cân đối trữ lượng khoáng sản theo quy định của Nhà nước;
3- Thực hiện các biện pháp làm giảm tổn thất định mức, tận thu khoáng sản phát hiện được thêm trong khu vực khai thác mỏ được giao; ngăn ngừa việc tuỳ tiện khai thác lựa chọn khoáng sản chất lượng cao, bỏ lại những bộ phận trữ lượng khoáng sản trong bảng cân đối; xây dựng công trình cố định hoặc đổ đất đá thải lên khu vực có tài nguyên khoáng sản chưa khai thác;
4- Nộp thuế tài nguyên, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật; hoàn lại tiền chi phí tìm kiếm, thăm dò mỏ đã được Nhà nước hoặc chủ đầu tư khác cấp trước;
5- Bồi thường thiệt hại do việc khai thác mỏ gây ra; phục hồi lại khả năng sử dụng hợp lý đất đai sau khi kết thúc khai thác mỏ.
Điều 22
Tổ chức, cá nhân khai thác mỏ có những quyền lợi sau đây:
1- Được sử dụng khu vực khai thác mỏ để tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản theo quyết định giao khu vực khai thác mỏ của Nhà nước về không gian, thời gian, số lượng và loại tài nguyên khoáng sản;
2- Được chuyển, nhượng, bán hoặc sử dụng sản phẩm khai thác mỏ của mình theo quy định của Nhà nước về việc lưu thông loại sản phẩm đó sau khi đã nộp thuế tài nguyên và làm các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
3- Được xét giảm hoặc miễn thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật khi gặp rủi ro về địa chất hoặc do áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật khai thác sử dụng được khoáng sản và thành phần có ích đi kèm;
4- Được thừa kế quyền khai thác, chuyển, nhượng, bán những công trình do mình đầu tư xây dựng để khai thác mỏ theo quy định của pháp luật;
5- Được đến bù thiệt hại thực tế và nếu có yêu cầu thì được giao khu vực khai thác mỏ khác trong trường hợp đặc biệt khu vực khai thác mỏ đang sử dụng bị thu hồi vì nhu cầu của Nhà nước hoặc xã hội;
6- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ về kỹ thuật, công nghệ thăm dò, khai thác, chế biến nguyên liệu khoáng;
7- Được pháp luật bảo vệ khi bị tổ chức, cá nhân khác xâm phạm quyền sử dụng hợp pháp khu vực khai thác mỏ được giao.
Điều 23
Khi đóng cửa mỏ để bảo quản hoặc thanh lý mỏ tổ chức, cá nhân khai thác mỏ phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mỏ; bảo quản tài liệu địa chất mỏ; bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và môi trường có liên quan.
Điều 24
Khu vực khai thác mỏ bị thu hồi, hoặc đình chỉ khai thác trong các trường hợp sau đây:
1- Sau một đến hai năm tuỳ theo quy mô khai thác, kể từ ngày có quyết định giao khu vực khai thác, công việc xây dựng hoặc khai thác mỏ chưa được thực hiện mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
2- Thời hạn được phép khai thác đã hết mà không được cơ quan có thẩm quyền gia hạn;
3- Tổ chức khai thác mỏ bị giải thể hoặc cá nhân là chủ giấy phép khai thác mỏ bị chết mà không có người được thừa kế quyền khai thác mỏ theo quy định của pháp luật; không đủ khả năng, điều kiện để tiếp tục khai thác hoặc cố ý trì hoãn việc khai thác;
4- Quyết định giao khu vực khai thác mỏ hoặc cho phép khai thác không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh này;
5- Cần thiết sử dụng đất đai ở khu vực khai thác mỏ cho nhu cầu khác của Nhà nước hoặc xã hội theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng;
6- Tổ chức, cá nhân khai thác mỏ vi phạm nghiêm trọng chế độ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường có liên quan.
Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao khu vực khai thác mỏ và cho phép khai thác loại khoáng sản nào thì có thẩm quyền quyết định thu hồi khu vực khai thác mỏ và đình chỉ khai thác loại khoáng sản đó.
CHƯƠNG IV
BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC
Điều 25
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; khi phát hiện được tài nguyên khoáng sản phải kịp thời báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra địa chất hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương.
Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm áp dụng các biện pháp đồng bộ để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, sử dụng hợp lý đất đai và bảo vệ môi trường có liên quan.
Điều 26
Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản cùng cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra địa chất khoanh định khu vực có tài nguyên khoáng sản phải bảo vệ.
Việc quy hoạch, thiết kế xây dựng các khu dân cư tập trung, công trình công nghiệp, thuỷ lợi, công trình cố định khác ở những khu vực có tài nguyên khoáng sản phải được sự thoả thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.
Điều 27
Những thành tạo địa chất đặc biệt, tập hợp cổ sinh hiếm, các đối tượng khác trong lòng đất có giá trị khoa học về địa chất cũng được bảo vệ theo quy định của Pháp lệnh này.
CHƯƠNG V
THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN
Điều 28
Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong phạm vi cả nước.
Điều 29
Nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản bao gồm:
1- Thanh tra việc chấp hành chế độ quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong điều tra địa chất;
2- Thanh tra việc chấp hành chế độ quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong khai thác mỏ và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Điều 30
Cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản có quyền:
1- Lập đoàn thanh tra hoặc giao trách nhiệm cho thanh tra viên tiến hành thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản;
2- Ra quyết định buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện những biện pháp để ngăn ngừa và chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản;
3- Đình chỉ việc điều tra địa chất, khai thác mỏ và việc làm khác trái pháp luật về tài nguyên khoáng sản;
4- Xử phạt theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường có liên quan.
Điều 31
Khi tiến hành thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền:
1- Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời về những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra, tiến hành các biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường;
2- Tạm thời đình chỉ công tác điều tra địa chất, khai thác mỏ và việc làm khác vi phạm pháp luật có nguy cơ rõ rệt gây tai nạn nguy hiểm hoặc tổn thất lớn về tài nguyên khoáng sản;
3- Lập biên bản, xử phạt theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản hoặc bảo vệ môi trường có liên quan.
Điều 32
Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp giám sát, kiểm tra việc tuân theo pháp luật về tài nguyên khoáng sản ở địa phương mình.
Uỷ ban nhân dân các cấp có quyền đình chỉ việc điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản không có giấy phép theo quy định của Pháp lệnh này.
CHƯƠNG VI
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Điều 33
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về quyền điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản quy định như sau:
1- Cơ quan quản lý Nhà nước về điều tra địa chất giải quyết tranh chấp về quyền điều tra địa chất.
2- Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao khu vực khai thác mỏ và cho phép khai thác loại khoáng sản nào thì có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về quyền khai thác mỏ và loại khoáng sản đó.
3- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương giải quyết những tranh chấp giữa việc thực hiện quyền điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản với việc bảo vệ tài nguyên và lĩnh vực khác thuộc phạm vi địa phương mình.
4- Nếu đương sự không đồng ý với quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp thì có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan giải quyết tranh chấp. Quyết định của cơ quan cấp trên trực tiếp đó có hiệu lực thi hành.
5- Tranh chấp về quyền điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam mà một hoặc cả hai bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của Việt Nam, trừ trường hợp hiệp định ký kết giữa Việt Nam với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có quy định khác.
CHƯƠNG VII
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT
Điều 34
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát hiện tài nguyên khoáng sản, các đối tượng địa chất có giá trị khoa học; trong việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản, tuỳ theo mức độ thành tích, được khen thưởng về tinh thần và vật chất theo quy định chung.
Điều 35
Người nào tiến hành điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, gây tổn thất tài nguyên khoáng sản vượt định mức, sử dụng trái phép khu vực có tài nguyên khoáng sản phải bảo vệ, cản trở việc tiến hành hợp pháp công tác điều tra địa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản và vi phạm các quy định khác của Pháp lệnh này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng và tính chất của hành vi mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VIII
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CUNG
Điều 36
Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
Những quy định trước đây trái với pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Hà Nội, ngày 28 tháng 7 năm 1989