NGHỊ ĐỊNH
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hoá chất
_____________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, bao gồm:
a) Vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh hóa chất;
b) Vi phạm quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm;
c) Vi phạm quy định về cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất;
d) Vi phạm quy định về khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm;
đ) Vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất;
e) Vi phạm quy định xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất;
g) Vi phạm quy định về quảng cáo hóa chất;
h) Vi phạm quy định về phân loại, ghi nhãn hóa chất;
i) Vi phạm quy định về bao gói hóa chất;
k) Vi phạm quy định về phiếu an toàn hóa chất;
l) Vi phạm quy định về sử dụng hóa chất cho thí nghiệm, nghiên cứu khoa học;
m) Vi phạm quy định về cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất;
n) Vi phạm quy định về xử lý hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng;
o) Vi phạm quy định về xây dựng biện pháp phòng ngừa, kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất;
p) Vi phạm quy định về khai báo hóa chất;
q) Vi phạm quy định về đăng ký hóa chất mới;
r) Vi phạm quy định về điều kiện của người có liên quan tới các hoạt động hóa chất nguy hiểm;
s) Vi phạm quy định về công tác bảo vệ khu vực có hoạt động hóa chất nguy hiểm;
t) Vi phạm quy định về cung cấp, bảo mật thông tin hóa chất;
u) Vi phạm quy định về báo cáo sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm.
2. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp; quản lý hóa chất Bảng thuộc Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và chất phóng xạ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
3. Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất không quy định trực tiếp tại Nghị định này thì áp dụng theo các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam; trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì bị xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sản xuất hóa chất là quá trình chế tạo ra hóa chất.
2. Sử dụng hóa chất là quá trình đưa hóa chất ra dùng trong thực tế nhằm đạt được mục đích nhất định trong các hoạt động kinh tế (sản xuất, xây dựng, điều tra cơ bản, đào tạo, nghiên cứu khoa học …) theo một quy trình công nghệ đã được xác định.
3. Mua bán, cung ứng hóa chất là quá trình thực hiện hợp đồng mua bán, vận chuyển hóa chất.
4. Bảo quản hóa chất là quá trình cất giữ hóa chất tại kho chứa, các thùng, bồn chuyên dụng chứa hóa chất tại địa điểm cất giữ.
5. Nghiên cứu chế thử hóa chất là quá trình chế tạo ra sản phẩm hóa chất mới. Nghiên cứu chế thử có thể bao gồm toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm hoặc chỉ một trong những bước của quá trình để xác định thành phần, quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị…
Điều 4. Quy định xử phạt vi phạm hành chính
Nguyên tắc xử phạt; tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng; thời hiệu và thời hạn xử phạt; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; cách tính thời hạn, thời hiệu; áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.
Chương II
CÁC HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT
Điều 5. Hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh hóa chất
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Để nguyên liệu hoặc sản phẩm hóa chất tồn đọng quá mức quy định tại khu vực sản xuất;
b) Hệ thống sổ sách, biểu mẫu sử dụng cho công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hóa chất không có hoặc không đúng theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Đưa cơ sở sản xuất hóa chất vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao và chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện cho phép sản xuất hóa chất;
b) Không khắc phục, bổ sung các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điều kiện cho phép sản xuất đã tiến hành sản xuất hóa chất;
c) Không có hoặc để hư hỏng nội quy, quy trình sản xuất, quy trình vận hành thiết bị tại các vị trí sản xuất theo quy định;
d) Hệ thống thu lôi, tiếp địa không đạt các yêu cầu theo quy định;
đ) Cắt bỏ hoặc làm hư hỏng các thiết bị, cơ cấu an toàn trang bị kèm theo thiết bị sản xuất hóa chất;
e) Để người lao động vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, phòng nổ, phòng độc tại khu vực sản xuất.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất, kinh doanh hóa chất không nằm trong danh mục hóa chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
b) Sử dụng nguyên liệu sản xuất, kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc;
c) Sản xuất, kinh doanh không đúng loại sản phẩm hóa chất đã đăng ký và được phép đưa vào sản xuất, sử dụng;
d) Không thực hiện hoặc không duy trì thường xuyên việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hóa chất;
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức sản xuất, kinh doanh hóa chất khi chưa được cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất;
b) Sửa chữa, thay đổi kết cấu, cấu trúc bộ phận xây dựng nhà xưởng vi phạm các yêu cầu về che chắn bảo vệ bên trong nhà xưởng hoặc vi phạm các yêu cầu về lối thoát nạn, khả năng chịu lực, chịu lửa của công trình, vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường lao động.
5. Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 3 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này;
c) Buộc phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.
Điều 6. Hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về vận chuyển hóa chất nguy hiểm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành về vận chuyển hàng nguy hiểm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; giao thông đường thủy nội địa.
Điều 7. Hành vi vi phạm quy định về cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh.
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi không bố trí kho riêng hoặc không trang bị phương tiện cấp phát hóa chất nguy hiểm tại kho tiêu thụ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện không đúng chế độ thống kê báo cáo, thủ tục xuất nhập kho hóa chất nguy hiểm;
b) Không thực hiện chế độ kiểm tra sổ sách thống kê, báo cáo xuất nhập khẩu hóa chất nguy hiểm;
c) Không thiết lập các biển báo, ký hiệu cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực bảo quản hóa chất nguy hiểm theo quy định.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Bảo quản hóa chất nguy hiểm vượt quá quy mô bảo quản của kho theo quy định;
b) Bảo quản hóa chất nguy hiểm thuộc các nhóm khác nhau trong cùng một không gian kho khi chưa có đủ các điều kiện an toàn theo quy định;
c) Không thực hiện công tác niêm phong, khóa cửa kho theo quy định.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Tập kết, xếp dỡ hoặc bảo quản hóa chất nguy hiểm tại địa điểm chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
b) Bảo quản hóa chất nguy hiểm tại kho chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế hoặc chưa tổ chức nghiệm thu, bàn giao và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;
c) Trang bị thiếu hoặc không sửa chữa kịp thời hệ thống thông tin liên lạc theo quy định;
d) Không xây dựng hoặc không sửa chữa kịp thời hàng rào kho bảo quản hóa chất nguy hiểm;
đ) Không duy trì, sửa chữa kịp thời các trạm canh gác, bảo vệ kho;
e) Không sửa chữa kịp thời các hư hỏng của hệ thống cung cấp điện, hệ thống chiếu sáng;
g) Không sửa chữa kịp thời các hư hỏng của kết cấu kho, tường che chắn bảo vệ;
h) Không sửa chữa hoặc không thực hiện chế độ kiểm tra, đo kiểm định kỳ hệ thống thu lôi tiếp địa chống sét;
i) Không thực hiện công tác xử lý hóa chất quá hạn, hóa chất mất phẩm chất;
k) Các hành vi vi phạm hành chính về quy trình bảo quản hàng hóa chất dự trữ quốc gia; vi phạm chế độ bảo mật hàng hóa chất về dự trữ quốc gia thì áp dụng theo các quy định tại Nghị định số 25/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dự trữ quốc gia.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi mở rộng, cải tạo khu vực kho bảo quản hóa chất vi phạm các yêu cầu về khoảng cách an toàn, vi phạm các yêu cầu an toàn về phòng cháy, phòng nổ, phòng độc, phòng chống lụt bão, lối thoát nạn.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi không xây dựng tường bảo vệ che chắn hoặc tường bảo vệ che chắn không đạt quy cách khi chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
7. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lấy cắp hóa chất nguy hiểm tại kho bảo quản hóa chất nguy hiểm.
Hành vi lấy cắp hóa chất nguy hiểm nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này.
Điều 8. Hành vi vi phạm quy định về khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý ra vào, tụ họp trong phạm vi vùng nguy hiểm hoặc vành đai an toàn;
b) Chăn thả súc vật hoặc trồng hoa mầu trong phạm vi vành đai an toàn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi đốt lửa hoặc thải chất cháy, rác, chất ăn mòn, chất độc vào khu vực vành đai an toàn.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xê dịch cột mốc vành đai an toàn hoặc tự ý di chuyển các loại biển báo ký hiệu vùng nguy hiểm.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Không có khoảng cách ngăn phòng độc, cháy hoặc không dọn, phát quang cây dễ cháy trong khu vực vành đai an toàn;
b) Phá hoại hoặc làm hư hỏng hàng rào bảo vệ, tường che chắn an toàn khu vực kho bảo quản hóa chất nguy hiểm.
5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Mở rộng mặt bằng khu vực sản xuất vi phạm các điều kiện về khoảng cách an toàn đối với công trình và khu dân cư lân cận;
b) Không có tường che chắn bảo vệ bên ngoài hoặc kết cấu tường che chắn bảo vệ bên ngoài không đạt yêu cầu khi chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm đất xây dựng công trình trong phạm vi vành đai an toàn.
7. Hình thức xử phạt bổ sung
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với các hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc tháo dỡ công trình xây dựng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này và hành vi kết cấu tường che chắn bảo vệ bên ngoài không đạt yêu cầu khi chưa đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.
Điều 9. Hành vi vi phạm quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất không đúng chủng loại, số lượng ghi trong hợp đồng;
b) Kê khai sai lệch các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng của hóa chất xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh để cơ quan Hải quan kiểm tra đối chiếu khi làm thủ tục hải quan.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh các loại hóa chất phải xin phép, không đúng chủng loại, số lượng quy định trong giấy phép;
b) Cố tình tái phạm kê khai sai lệch các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng của hóa chất xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh để cơ quan Hải quan kiểm tra đối chiếu khi làm thủ tục hải quan.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng đơn vị trực thuộc không có tên trong Giấy phép kinh doanh để kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất nguy hiểm;
b) Ký kết hợp đồng hoặc bán hóa chất nguy hiểm nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động sử dụng hóa chất nguy hiểm;
c) Mua hóa chất nguy hiểm của tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh xuất, nhập khẩu hóa chất nguy hiểm.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh hóa chất nguy hiểm khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc kê khai đúng các tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng của hóa chất xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển quá cảnh quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này để cơ quan Hải quan kiểm tra đối chiếu khi làm thủ tục hải quan;
b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất tang vật do hành vi vi phạm về nhập khẩu quy định tại khoản 4 Điều này.
Điều 10. hành vi vi phạm quy định xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất
1. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất chưa triệt để theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
3. Đối với hành vi vi phạm các quy định về xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất nếu ảnh hưởng xấu đến sinh vật có ích khác và gây ô nhiễm môi trường sinh thái thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
4. Hình thức xử phạt bổ sung
Tước quyền sử dụng giấy phép liên quan đến các hoạt động hóa chất.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc thực hiện việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 11. Hành vi vi phạm quy định về quảng cáo hóa chất
Các hành vi vi phạm về quảng cáo hóa chất được áp dụng theo quy định của Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin.
Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về phân loại, ghi nhãn, hóa chất
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định tại Điều 27 của Luật Hóa chất.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khắc phục bổ sung phân loại, ghi nhãn hóa chất theo quy định về phân loại, ghi nhãn hàng hóa là hóa chất.
Điều 13. Hành vi vi phạm quy định về bao gói hóa chất
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về bao gói hóa chất do cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân bao gói hóa chất để rò rỉ, phát tán ra ngoài trong vận chuyển, bảo quản, cất giữ.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân bao gói để hóa chất bên trong ăn mòn, phá hủy và gây nguy hại đến môi trường trong vận chuyển, bảo quản, cất giữ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả.
Buộc khắc phục, bổ sung bao gói hóa chất bảo đảm các yêu cầu về bao gói hóa chất do cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực quy định.
Điều 14. Hành vi vi phạm quy định về phiếu an toàn hóa chất
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân để sai sót thông tin, nội dung của phiếu an toàn hóa chất.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối cung cấp thông tin, nội dung sai lệch của hóa chất trong phiếu an toàn hóa chất.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khắc phục sai sót thông tin, nội dung của phiếu an toàn hóa chất đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 15. Hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất cho thí nghiệm, nghiên cứu khoa học
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dụng cụ chứa hóa chất trong phòng thí nghiệm và trong kho chứa không có nhãn phù hợp yêu cầu về nhãn hóa chất theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp phòng thí nghiệm không lập hồ sơ theo dõi hóa chất để cập nhật định kỳ tình hình sử dụng hóa chất và không lưu giữ phiếu an toàn hóa chất.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp phòng thí nghiệm không có trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với tính chất nguy hiểm của hóa chất.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khắc phục sai sót về sử dụng hóa chất cho thí nghiệm, nghiên cứu khoa học theo các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm và nghiên cứu khoa học.
Điều 16. Hành vi vi phạm quy định về cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm chưa bảo đảm điều kiện về khoảng cách an toàn, yêu cầu kỹ thuật an toàn trong cất giữ, bảo quản hóa chất.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không có các cảnh báo cần thiết về an toàn hóa chất, hệ thống báo hiệu phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất tại nơi cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không có trang thiết bị, phương tiện ứng cứu sự cố phù hợp với các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất hoặc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khắc phục sai sót đảm bảo các yêu cầu cất giữ, bảo quản hóa chất nguy hiểm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.
Điều 17. Hành vi vi phạm quy định về xử lý hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân thải bỏ hóa chất được sử dụng cho mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình không theo khuyến nghị của nhà sản xuất và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người và môi trường.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân sử dụng công nghệ chưa phù hợp để xử lý thải, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất chưa triệt để theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, không bảo đảm an toàn cho người và môi trường.
3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về xử lý hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng, để hóa chất thải bỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
4. Đối với hành vi vi phạm các quy định về xử lý hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng nếu ảnh hưởng xấu đến sinh vật có ích khác và gây ô nhiễm môi trường sinh thái thì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung
Tước quyền sử dụng giấy phép liên quan đến các hoạt động hóa chất.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc xử lý triệt để hóa chất bị thải bỏ trong sử dụng theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người và môi trường.
Điều 18. Hành vi vi phạm quy định về xây dựng biện pháp phòng ngừa, kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân làm sai lệch nội dung xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất không đúng với thực tế để được thẩm định, phê duyệt.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất.
Điều 19. Hành vi vi phạm quy định về khai báo hóa chất
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Khai báo không đúng thực tế tên hóa chất, đặc tính cơ – hóa – lý, thành phần của hóa chất, nguồn gốc xuất xứ của hóa chất, khối lượng và mục đích sử dụng hóa chất;
b) Không lưu giữ hồ sơ khai báo và tài liệu liên quan đến xếp loại hóa chất nguy hiểm theo quy định;
c) Khi chấm dứt hoạt động hóa chất nguy hiểm không thông báo cho cơ quan tiếp nhận khai báo biết.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây: không khai báo hoặc dùng thủ đoạn gian dối khai báo không đúng thực tế tên hóa chất, đặc tính cơ – hóa – lý, thành phần của hóa chất, nguồn gốc xuất xứ của hóa chất, khối lượng và mục đích thực hiện hoạt động hóa chất.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khắc phục tình trạng khai báo đúng thực tế; lưu giữ hồ sơ khai báo và tài liệu liên quan đến xếp loại hóa chất nguy hiểm theo quy định.
Điều 20. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký hóa chất mới
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký hóa chất mới, đánh giá hóa chất mới theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khắc phục tình trạng đăng ký hóa chất mới.
Điều 21. Hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người có liên quan đến các hoạt động hóa chất nguy hiểm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Người trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định hiện hành;
b) Sử dụng người lao động không có chuyên môn phù hợp theo quy định;
c) Sử dụng người lao động chưa được huấn luyện, đào tạo về quy trình kỹ thuật an toàn trong sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm và kỹ thuật an toàn phòng độc, phòng chống cháy, nổ theo quy định;
d) Không tổ chức huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại theo quy định đối với các đối tượng có liên quan trực tiếp đến công tác tiếp nhận, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thử nghiệm hóa chất nguy hiểm.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc tổ chức huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại theo quy định đối với các đối tượng có liên quan trực tiếp đến công tác tiếp nhận, sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thử nghiệm hóa chất nguy hiểm.
Điều 22. Hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ khu vực có hoạt động hóa chất nguy hiểm
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý cho người không có nhiệm vụ ra vào trong khu vực hoạt động hóa chất nguy hiểm;
b) Không thực hiện chế độ giao nhận khi bàn giao ca trực;
c) Bỏ trực hoặc không thực hiện chế độ canh gác, tuần tra trong ca trực;
d) Không báo cáo kịp thời các tình huống bất thường trong ca trực.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Không xây dựng nội quy, chế độ bảo vệ canh gác khu vực hoạt động hóa chất nguy hiểm;
b) Không thực hiện công tác kiểm tra việc canh gác, bảo vệ khu vực hoạt động hóa chất nguy hiểm theo quy định.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi sau đây:
a) Không biên chế đủ lực lượng bảo vệ canh gác theo quy định;
b) Xây dựng, trang bị thiếu hoặc không đúng, không đủ theo quy định các loại phương tiện, công trình bảo vệ canh gác khu vực hoạt động hóa chất nguy hiểm.
Điều 23. Hành vi vi phạm quy định về cung cấp, bảo mật thông tin hóa chất
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cơ quan, người tiếp nhận khai báo, đăng ký, báo cáo hóa chất có một trong các hành vi sau đây: để lộ bí mật các thông tin hóa chất phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật và quy chế bảo mật thông tin khai báo hóa chất của Bộ Công thương.
Điều 24. Hành vi vi phạm quy định về báo cáo sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện báo cáo sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm theo quy định tại Điều 52 của Luật Hóa chất.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc thực hiện báo cáo sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm theo quy định.
Chương III
THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XỬ PHẠT
Điều 25. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất thuộc phạm vi quản lý xảy ra tại địa phương, cụ thể như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có quyền xử phạt:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý hóa chất có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất gây ra.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý hóa chất;
d) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất gây ra;
đ) Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép hoặc sai phép vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hóa chất.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực quản lý hóa chất;
d) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất gây ra.
đ) Buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép hoặc sai phép vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hóa chất;
e) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra;
g) Buộc di chuyển hóa chất nguy hiểm dự trữ quốc gia do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;
h) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 26. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành Công Thương
Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Công thương có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong phạm vi cả nước. Thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong địa phương thuộc phạm vi quản lý.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất của thanh tra chuyên ngành được quy định cụ thể như sau:
1. Thanh tra viên chuyên ngành thuộc Bộ Công thương, Sở Công thương có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất gây ra;
đ) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do vi phạm hành chính gây ra.
2. Chánh thanh tra Sở Công Thương có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;
d) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra;
đ) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do hành vi vi phạm gây ra.
3. Chánh Thanh tra Bộ Công Thương có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm;
d) Buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra;
đ) Buộc khắc phục tình trạng không an toàn do hành vi vi phạm gây ra;
e) Buộc di chuyển hóa chất nguy hiểm dự trữ quốc gia do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định;
g) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất theo quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 27. Thẩm quyền xử phạt của các lực lượng khác
Ngoài những người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định này, những người có thẩm quyền thuộc các lực lượng Công an, Hải quan, Quân đội và Quản lý thị trường, Thanh tra về an toàn lao động – vệ sinh lao động khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất quy định tại Nghị định này thuộc thẩm quyền và địa bàn quản lý của mình thì có quyền xử phạt theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 28. Ủy quyền và nguyên tắc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất
1. Ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất được áp dụng theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất được áp dụng theo quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Điều 29. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất
1. Thủ tục, trình tự xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất thực hiện theo các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.
2. Các tài liệu liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất phải lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt. Biên bản vi phạm hành chính được lập theo mẫu quy định hiện hành.
3. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền phải nộp tiền phạt đúng thời hạn và tại nơi ghi trong quyết định xử phạt trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ theo quy định tại Điều 54 và Điều 58 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và được nhận biên lai thu tiền phạt.
4. Khi áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 60, Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP.
Điều 30. Chấp hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất theo Nghị định này phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 66 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của pháp luật.
2. Khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất, cơ quan và người có thẩm quyền phải tuân thủ trình tự, thủ tục cưỡng chế theo quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 31. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 12 năm 2009.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 31/2007/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa chất nguy hiểm.
Điều 32. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Công thương có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.