THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải
_____________________________
Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Sau khi có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 7104/BGTVT ngày 26/9/2008;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG THU VÀ MỨC THU
1. Tổ chức, cá nhân khi được cơ quan Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhận kiểm định kỹ thuật và chất lượng thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, giàn khoan, phương tiện nổi và các thiết bị bảo đảm an toàn giao thông vận tải theo quy định của pháp luật phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó.
2. Ban hành kèm theo Thông tư này Biểu mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.
- Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận, thu bằng 50% mức lệ phí tương ứng ở các mức thu tại phụ lục nêu trên.
- Cấp giấy chứng nhận tạm thời, thu bằng 70% mức lệ phí cấp giấy chứng nhận chính thức.
3. Lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải thu bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu nộp lệ phí bằng ngoại tệ thì thu bằng đô la Mỹ (USD) theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu tiền.
II. TỔ CHỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
1. Cơ quan, đơn vị thực hiện công việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa; giàn khoan; phương tiện nổi và các thiết bị bảo đảm an toàn giao thông vận tải là cơ quan, đưon vị thu lệ phí theo quy định tại Thông tư này, có trách nhiệm đăng ký, kê khai và nộp lệ phí vào ngân sách nhà nước theo hướng dẫn tại Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế
2. Lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý và sử dụng như sau:
a) Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 7 Biểu mức thu lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này, cơ quan, đơn vị thu lệ phí được trích để lại 35% trên tổng số tiền lệ phí thực thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí theo quy định tại điểm c khoản này.
b) Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Biểu mức thu lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này, cơ quan, đơn vị thu lệ phí được trích để lại 10% trên tổng số tiền lệ phí thực thu được để trang trải chi phí cho việc thu lệ phí theo quy định tại điểm c khoản này.
c) Số tiền lệ phí trích để lại được sử dụng để chi phí cho công việc thu lệ phí theo những nội dung cụ thể sau:
- Chi in hồ sơ, giấy, sổ chứng nhận kiểm định;
- Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại, điện, nước, công vụ phí theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;
- Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thu lệ phí.
3. Tổng số tiền lệ phí thực thu được, sau khi trừ số tiền được trích theo tỷ lệ nêu tại điểm 2 trên đây, số còn lại cơ quan thu phải nộp vào ngân sách nhà nước (chương, loại, khoản tương ứng, mục 047, tiểu mục 56 của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành)”.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Thông tư số 14/2004/TT-BTC ngày 8/3/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải
2. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải nộp lệ phí, cơ quan thu lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, giàn khoan, phương tiện nổi và các thiết bị bảo đảm an toàn giao thông vận tải và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Thông tư này.
3.Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 và Thông tư số 45/2006/TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.